TRUYỆN LẠ THÁNH THỂ Tập 1 (26-28)
26. TRUYỆN LẠ MÁU THÁNH Ở WALLDUERN
Năm 1330, một linh mục người Đức, quý danh Heinrich Otto, dâng lễ tại nhà thờ thánh Georgius ở Wallduern, ngày nay thuộc giáo phận Freiburg. Sau khi truyền Mình Thánh, Máu Thánh, cha sơ ý làm đổ chén thánh. Lúc đầu, xem cha có vẻ rối rít, sau thì thấy cha sợ hãi cùng cực, vì cha thấy trên khăn thánh (Corporale) không phải vết rượu thường, mà là vết máu tươi chảy loang lổ.
Lạ kỳ hơn nữa: chính giữa khăn thánh vấy máu, cha thấy hiện hình Chúa chịu nạn, đầu đội mạo gai. Chung quanh hình Chúa chịu nạn này, còn hiện lên 11 đầu Chúa đội mạo gai khác. Sau này, dân chúng truyền tụng gọi 11 đầu đó là "Đầu Veronica", ngụ ý nhắc nhớ truyện bà Veronica xưa trao khăn cho Chúa lọt mặt trên đường khổ nạn.
Chúng ta có thể tưởng tượng, cha Heinrich Otto lúc đó rối rít, sợ hãi tới mức nào. Để tránh sự tò mò của những người hiện diện lúc đó, cha cẩn thận gấp khăn thánh lại, tiếp tục thánh lễ. Khi giáo dân ra về hết, cha nhắc tấm đá-thánh ở bàn thờ, nơi cha làm lễ, giấu khăn thánh vấy máu và tất cả các vết tích lạ lùng kia xuống đấy. Rồi đậy tấm đá-thánh cẩn thận lại. Không hở môi nói với ai một lời.
Sau đó ít lâu, cha ngã bệnh nặng. Đêm ngày lo lắng. Bị truyện "giấu khăn thánh" ám ảnh. Không phút nào yên ổn, an vui. Có tiếng thầm kín cứ vang lên trong lòng: truyện lạ Máu Chúa không nên giấu giếm.
Trái lại, phải phổ biến ra sâu rộng, để mọi người kính tôn và thêm lòng tin tưởng vào lời truyền Mình Thánh, vào sự Chúa thật sự hiện diện trong mầu nhiệm Thánh-thể.
Càng ngày bệnh tình càng trầm trọng, cha càng lo giờ sau hết ập đến, càng bối rối, lương tâm cắn rút, dày vò.
Cuối cùng, cha mời cha giải tội đến, xưng thú mọi truyện, nói cho ngài biết đầu đuôi mọi sự, xin ngài: sau khi mình qua đời, ra chỗ bàn thờ mình giấu khăn thánh, lấy khăn đó về, rồi phổ biến truyện lạ cho giáo dân xa gần được hay, để họ đến kính thờ Máu Chúa và thêm lòng tin cậy vào phép Thánh-thể nhiệm mầu, cao cả.
Sau khi đã sắp xếp như vậy, cha Heinrich Otto lấy lại được thư thái, an bình. Sau đó mấy ngày, ngài qua đời bình an.
Sau khi cha Heinrich qua đời, cha giải tội cứ lời cha Heinrich đã trối lại, đích thân ra bàn thờ, lật tấm đá-thánh và tìm thấy khăn thánh bọc cẩn thận, vẫn còn giấu ở đó.
Ngài cung kính mở khăn thánh ra, thì các vết máu vẫn còn y nguyên, giữa khăn thánh hình Chúa chịu nạn, đầu đội mạo gai cũng còn nguyên. Chung quanh hình Chúa chịu nạn, đầu đội mạo gai này, vẫn còn 11 hình "Veronica", tức các "đầu Chúa đội mạo gai" cũng vẫn còn hiện hình y nguyên trên các vết máu.
Như vậy, tất cả những gì cha Heinrich nói với cha giải tội là thật, đúng trăm phần trăm. Không phải truyện bịa. Sau khi lập biên bản, tất cả nội vụ cùng với Khăn-thánh-vấy-máu kia được gởi về Roma, để Tòa Thánh thẩm nghiệm, phán quyết.Đức Giáo Hoàng Eugenio IV ( + 1447), không những công nhận sự chính xác truyện lạ Máu Thánh ở Wallduern, lại còn ban ơn toàn-xá cho tất cả những ai, vào dịp lễ Mình Chúa, đến kính viếng nhà thờ ở Wallduern và xưng tội, rước lễ, cầu xin theo ý Đức Thánh Cha.
Khi Khăn-thánh-vấy-máu có hiện hình Chúa đội mạo gai cùng với 11 đầu "Veronica", từ Roma trở lại Wallduern, giáo quyền, giáo dân hết sức mừng rỡ, tổ chức tung hô, đón rước linh đình. Ngay sau đó, tại Wallduern, một thánh đường nguy nga, trang trọng được xây cất để bảo quản Khăn-thánh châu báu và muôn đời ghi nhớ truyện lạ Máu Thánh xảy ra ở đó.
Năm 1962, Đức Gio an XXIII (+ 1963) nâng nhà thờ Wallduern lên hàng Tiểu-vương-cung Thánh-đường, (Basilica minor)
27. BA CHÚ CÁ TỐT LÀNH
Dịp Đại-hội Thánh-thể năm 1893 ở Valencia (Tây-ban-nha), người ta rất phấn khởi trình bày, học hỏi sâu rộng về truyện lạ Thánh-thể xảy ra năm 1348 ở Alboraya. Đây là đầu đuôi câu truyện:
Tháng 7 năm 1348, một bác nông phu ở Alboraya tìm đến cha sở, xin ngài mau đi giúp một bệnh nhân sắp chết ở Almacera. Dù thời tiết xấu, gió mưa, sấm chớp, cha sở vẫn chuẩn bị mọi sự cần thiết, đặc biệt là mang theo cả Bình-thánh có 4 Mình-chúa, rồi ra đi. Để tới nhà bệnh nhân, cha phải đi qua một cái rạch.
Dân trong vùng đặt tên là thung lũng Carraixet. Nên biết: bên Tây-ban-nha, những rạch, mương, thung lũng, nhiều vô kể. Nhiều rạch, mương hoặc thung lũng, quanh năm người ta qua lại như đường cái. Nhưng chỉ cần mưa một vài ngày, có khi một vài giờ, là các rạch, mương hoặc thung lũng đó đầy nước.
Có chỗ nước nhiều và dâng cao, không khác gì con sông. Khi tới rạch (hoặc thung lũng) Carraixet, dù nước chảy tới tấp, cha sở vẫn lội qua được, vì nước chỉ ngập tới đầu gối. Khi đã giúp bệnh nhân xong xuôi mọi việc, cha trở lại nhà với Bình Thánh còn 3 Mình Chúa.
Khi tới lại rạch Carraixet, cha giật mình: mới chỉ mấy tiếng đồng hồ mà nước đã dâng lên dữ dội. Cha lại xung phong lội qua, vì không còn cách nào khác. Vừa tới giữa lòng rạch, cha trượt chân té ngã: Chúa ôi, Bình-thánh văng khỏi tay, rớt tõm xuống làn nước đục đang chảy xiết. Cha hoảng hốt, mò mẫn trước sau, mò tả mò hữu, mò tới mò lui, mà chẳng thấy "Chúa" đâu. Làn nước vẫn cứ vô tình chảy xiết. Biết không thể làm chi khác, cha rầu rĩ về nhà, kể lại câu truyện xui xẻo.
Nghe biết câu truyện, ba cậu thanh niên tình nguyện xung phong đi tìm. Họ chia nhau mỗi người một quãng mương (rạch), từ chỗ rớt Bình-thánh ra đến tận cửa sông. Dùng mọi phương cách, cố sức tìm kiếm. Một hồi lâu, một thanh niên reo lên: đây rồi, đây rồi, thấy rồi. Anh tìm thấy thật, nhưng chỉ là Bình-thánh trống không không nắp bình, không Mình-Chúa.
Mấy cậu thanh niên dũng-cảm không chịu bỏ cuộc Các cậu lội theo dòng nước, đi theo ven mương, ra đến tận cửa sông. Được một quãng, cả ba đều nhìn thấy cùng một lượt: ba chú cá bự ngóc thẳng đầu lên khỏi mặt nước, ngay cửa sông.
Thích thú, tò mò, ba chàng lại gần, thì ra: Lạy Chúa, mỗi chú cá ngậm một Mình-chúa. Ba cậu ngạc nhiên, mừng rỡ. Nhưng vì tôn kính Mình Chúa, không cậu nào lại gần hơn. Một cậu chạy về báo tin cho cha sở. Được tin động trời, cha sở cho gióng chuông báo tin mừng. Rồi ngài đi mặc đồ lễ.
Rồi cùng với giáo dân, lũ lượt kéo nhau ra chỗ cửa sông. Ba chú-cá-tốt-lành vẫn còn ngóc đầu, miệng ngậm Mình-chúa, còn nằm yên đó. Cha sở tiến lại gần, giơ Bình thánh ra, mỗi chú cá tiến lại, nhả Mình Chúa vẫn còn nguyên vẹn vào Bình-thánh. Xong xuôi, cả ba chú, như những tay xiếc điêu luyện, phóng ra xa, nhịp nhàng nhảy lên nhảy xuống nhiều lần, như thể hân hoan, hãnh diện, đã được phục vụ Chúa.
Cha sở, giáo dân, hân hoan, kèn trống, rước Mình-chúa về nhà thờ Alboraya. Sáng hôm sau, chính ngài dâng lễ tạ ơn và chịu cả ba Mình-chúa đã tìm thấy cách phi thường. Sau đó, cha sở làm tờ tường trình đầy đủ chi tiết về mọi việc đã xảy ra và gửi lên Đức Cha Hugo de Fenollet, là Giám mục sở tại lúc ấy.
Để muôn đời ghi nhớ truyện lạ Thánh-thể, người ta đã xây hai nhà thờ: một ở Alboraya, ngay cửa sông, gần bờ biển, nơi ba chú-cá-bự-tốt-lành đã giữ hộ Mình-chúa mấy tiếng đồng hồ; một ở cộng đoàn Almacera, nơi cha sở đã đến giúp bệnh nhân. Cộng đoàn Almacera còn đặc biệt được thêm hân hạnh cất giữ Bình-thánh đã tìm thấy.
Lại cũng để muôn đời ghi nhớ truyện lạ ấy, người ta khắc vào Bình-thánh này hình ba chú-cá-tốt-lành với những dòng chữ sau: (Tạm dịch: Ai nỡ chối sự Mầu Nhiệm trên trời; khi chú cá, tuy không nói, bảo rằng. Phải tin!)
28. "THẰNG MỌI NHỎ"
Gia đình Makilele sống heo hút trong một căn nhà thô sơ, gần khu rừng già, miền cực Nam nước Ba-tây (Brésile). Bà vợ, Elisabeth, lâm bệnh nặng đã lâu ngày.Thần chết như đang chập chờn đâu đó. Ông chồng, Anton, lực lưỡng, khỏe mạnh, như một lực sĩ. Nhưng trước tình trạng đau khổ vợ sắp tắt thờ, sức lực, chí khí của ông cũng chùn xuống. Alberto, đứa con trai duy nhất, 11 tuổi, - chúng bạn thường gọi thân mật là "thằng mọi nhỏ" quấn quít bên bố. Thút thít nhìn mẹ, rồi khóc. Elisabeth mở mắt nhìn chồng, thều thào:
"Anton, em không sống nổi nữa. Anh tìm cho em một linh mục, liệu cho em được rước Mình-Chúa trước khi vĩnh biệt anh".
"Anh làm sao được, cưng của anh! Tình trạng em nguy ngập như thế! Con thì còn nhỏ. Nhà ông cha ở cách đây những ba ngày đường".
Anton thổn thức. Đã cả tháng nay bỏ ăn bỏ ngủ vì vợ, người anh xơ xác, tiều tụy, chân tay rã rời, không còn muốn cất nhắc gì nữa. Anh không đành để vợ trong tình trạng này mà đi kiếm ông cha. Alberto nãy giờ vẫn quấn quít bên bố, hết nhìn mẹ, khóc, rồi lại nhìn ảnh Chúa lâm râm cầu khẩn. Bỗng em chạy lại bên mẹ, vùi mặt mình vào lòng mẹ: "Tội nghiệp con! Tội nghiệp cục vàng của má! Elisabeth thổn thức, thều thào, mệt mỏi..."
Chiều tới. Đêm đến. Một ngày đen tối, buồn thảm sắp sửa qua đi! Sáng hôm sau, Anton ra rừng tìm kiếm chút đậu rừng cho vợ. Lúc Anton trở về, Alberto đã biến đâu mất. Nhìn đi ngó lại, Anton thấy nằm trên bàn miếng giấy nhỏ, Alberto đã viết như sau:
“Ba má thương, Con sang chỗ truyền giáo kiếm ông cha, con có cầm theo cây súng của ba. Con của ba má.”
Một ngày. Rồi hai ngày. Rồi ba ngày. Căn nhà vắng vẻ, tiêu điều. Vắng bóng Alberto. Chiều ngày thứ ba, có tiếng gõ cửa Trụ-sở truyền-giáo. ông bõ già ra mờ cửa. Ngạc nhiên, lạ lùng, thương hại, thấy "thằng mọi nhỏ" mệt lả đứng trước cửa:
- "Uả, phải mày là Alberto không?, là "tí nhau của gia đình Anton?, "là thằng mọi nhỏ" không?"
- Ông cha đâu bác? Má cháu chết đến cổ rồi!
-Ông cha đi khỏi, "mọi nhỏ" ơi!
Vừa nghe ông cha đi khỏi, Alberto té nhào. Trời đất, bỏ ngủ bỏ ăn đã ba ngày nay, mệt muốn chết, mà ông cha lại đi khỏi! Ông bõ già vực "mọi nhỏ" vào giường ông cha, đấm bóp nó, bơm cho nó ly nước ngọt và sữa tươi. Dần dần, "mọi nhỏ" tỉnh lại.
- Thưa bác, mạ cháu chết đến cổ rồi. ông cha đi khỏi. Mạ cháu muốn rước Chúa trước khi chết. Bác làm ơn, vì mến Chúa, thương người, đưa Mình-chúa cho mạ cháu đi!
- Ủa, "thằng mọi nhỏ" nói chi lạ! Tao đâu phải là ông cha? Tao cũng chẳng xứng đáng nữa!
- Trường hợp khẩn cấp mà bác! Còn xứng đáng, thì chẳng ai xứng đáng hết!
- Thôi, đừng nói nhiều. Tao chịu.
Alberto vẫn còn nằm trên giường ông cha. Nhưng đã tỉnh táo khá. Suy nghĩ. Đăm chiêu. Alberto ngỏm dậy:
- Thưa bác, bác đưa cháu vô nhà nguyện đi. Cháu muốn cầu nguyện chút.
Alberto cầu nguyện thật. Rồi nom đông nom tây, lừa lúc nhà nguyện vắng vẻ, ông bõ ông bác chi đó cũng biến đâu mất, Alberto mò lên tận bàn thờ, chẳng biết cạy cựa thế nào mà lôi ra được Bình Thánh. Alberto run rẩy nói:
"Con xin lỗi Chúa. Má con chết đến cổ rồi. Má con cần đến Chúa lắm!"
Alberto nhanh nhẹn rón một Mình-chúa-trắng-tròn. Bỏ vào cái hộp thiếc nhỏ, em mang theo trong túi. Cẩn thận gài vào túi áo trước ngực. Rồi giã từ nhà nguyện. Không cần biết đến ông bõ ông bác nữa. Cứ thẳng hướng rừng già mà chạy.
Chạy được một đỗi, hai chân Alberto bắt đầu tê đau, sưng lên, rướm máu. Nhưng Alherto không để ý đến. Em cứ cắm cổ chạy. Có sức bao nhiêu, chạy bấy nhiêu. Môi miệng cứ lẩm bẩm cầu xin Chúa. Thỉnh thoảng gặp chỗ nào có nước, Alberto ngừng lại, hớp vài cái lấy sức. Rồi lại tiếp tục chạy.
Sang trưa thứ ba, Alberto đã thấy từ xa xa những lùm cây quen thuộc. Rồi mái nhà ấm cúng hiện ra. Nhưng cũng là lúc hai chân ríu lại, cạn sức. Alberto vẫn rán. Nhưng rồi hoa mắt lên, lảo đảo, Alberto té rầm xuống đất:
"Trời ơi! Lạy Chúa! Ba ơi, Má ơi!"
Khẩu súng sáu, chẳng hiểu bi sô sát cách nào, mà phát nổ "bằng" "bằng" luôn mấy phát. Ông bố ở nhà, bất thần nghe tiếng súng nổ, ông vơ vội khẩu súng săn, chạy ra khu rừng già, chỗ có tiếng nổ. Sau nửa giờ, ông trở lại nhà, vác trên vai "thằng mọi nhỏ" nửa sống nửa chết.
Ông đặt Alberto lên giương. Lấy những rễ cây, lá rừng, đầy công hiệu mà ông quá quen biết và tích trữ cả đống trong nhà, chạy chữa cho Alberto. Sau mấy giờ, Alberto dần dần tỉnh lại.Và bây giờ là giờ phút uy linh, tưng bừng nhất trong căn nhà Makilele: Anton ẵm Elisabeth gần chết trong tay, "thằng mọi nhỏ" đóng vai "ông cụ non" trân trọng, cung kính trao Mình Chúa cho Mẹ chịu.
Sau truyện lý thú này, còn mấy truyện thú vị nữa:
1) Sau rước lễ, Elisabeth ngủ một giấc ngon lành (ngủ đúng nghĩa "đen", chứ không phải nghĩa "bóng"). Hôm sau, Elisabeth tỉnh táo, rồi khỏe lại dần. Sau một tuần, Elisabeth đã có thể cất nhắc, làm việc trở lại. Thoát chết.
2) Mấy năm sau, cả gia đình Makilele dời về ở chỗ gần trụ sở Truyền-giáo. Alberto cứ lớn lên. Rồi xin ba má cho mình đi theo ông cha để sau này cũng làm "ông cha" như ông cha.
3) Mười năm sau đó, Alberto được làm "ông cha" thật. Bố mẹ sống an vui, mạnh khỏe, ngay bên cạnh trụ sở Truyền-giáo. Ngày ngày mai sớm đi lễ, rước lễ. Mà ông cha cho rước lễ lại chính là "thằng mọi nhỏ" ngày xưa.
(Còn Tiếp)