Đó là cách nói quen thuộc mà người tín hữu Kitô nói với nhau hay báo tin cho nhau về một người thân đã qua đời. "Về Nhà Cha" dù là lối nói để thông tin, lại hàm chứa trong nội dung của nó lời tuyên xưng đức tin.
Nghĩ về cái chết, người Công giáo không bi quan, nhưng lạc quan, sự lạc quan trong đức tin. Nhờ đức tin, họ coi cái chết chỉ là một cuộc vượt qua, một chuyến đi, một hành trình bình yên trở về nhà Cha mình, trở về chính nguồn gốc của mình, thỏa mãn khát vọng vô biên.
1. MỘT KIỂU NÓI MANG TÍNH GIÁO DỤC.
"VỀ NHÀ CHA" là cụm từ có nguồn gốc trong Thánh Kinh. Chính Chúa Giêsu, trước giờ thụ nạn đã nói như trăn trối với các môn đệ: "Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở. Nếu không, Thầy đã nói với các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó" (Ga 14,1-3).
Thuật ngữ VỀ NHÀ CHA dạy mỗi người xác tín mạnh mẽ rằng: Cuộc sống trần gian như một chuyến đi. Ở cuối hành trình của chuyến đi ấy không phải danh vọng, địa vị, hưởng thụ, giàu sang, tiền rừng, bạc bể mà là cái chết. Chấm dứt tất cả. Bỏ lại tất cả.
Ngay cả mạng sống, ngay cả trái tim, ngay cả xác thân, tưởng như là của riêng mình - bởi nhiều lần, trong ngôn ngữ đời thường, ta vẫn nói: "mạng sống của tôi", "thân thể của tôi", "trái tim của tôi" - vẫn không có cái gì là của riêng ta, không có cái gì thuộc quyền sở hữu thữu thực sự của ta. Đến một ngày, mọi sự đều phải dừng lại, mọi sự đều phải trút bỏ. Chỉ có mỗi một con đường bước vào Nhà Chúa, hòa vào chính sự sống của Chúa, tồn tại trong Chúa mới vĩnh hằng, mới thực sự là chốn ngụ cư.
Thuật ngữ VỀ NHÀ CHA soi cho ta hiểu rằng, không ai sinh ra là để sống ở trần gian đời đời, nhưng sinh ra để rồi chết. Bước qua sự tan rã của thể xác mà giã từ cõi sống tạm bợ để cùng lãnh nhận ơn cứu độ đời đời của Chúa Kitô, được cùng Chúa Kitô về với Nguồn Cội là chính Thiên Chúa, không còn lệ thuộc trần thế, nhưng được hòa vào cung lòng Thiên Chúa, kết hợp mật thiết với Thiên Chúa.
Thuật ngữ VỀ NHÀ CHA dạy ta luôn luôn hướng về Chúa Kitô, chiêm ngắm Chúa Kitô về trời. Chúa về trời là về cùng Cha. Người đã từ Nhà Cha đến trần thế, nhập cuộc với trần thế bằng một kiếp người như chúng ta, để bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa và lôi kéo chúng ta về phía Thiên Chúa.
Nay ta hướng về Chúa Kitô để theo dấu chân Người về trời mà nung đốt chính lòng ta niềm khát vọng trời cao, nhờ đó ta sẽ chăm chú lắng nghe và ra sức thực hành lời Chúa Kitô dạy.
Ta tin rằng, một khi từ giữa trần thế Chúa Kitô trở về Nhà Cha, Người sẽ dẫn đưa ta về Nhà Cha của Người. Niềm tin của chúng ta đặt cơ sở trên chính lời Chúa Kitô hứa: "Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó".
2. CHÚNG TA SẼ VỀ NHÀ CHA.
Thói thường, ta rất dửng dưng, cho rằng ngày Chúa đến hoàn tất lịch sử còn xa. Đó là ngày được nói và được nghe rất nhiều nhưng vẫn nằm trong một tương lai mù mịt nào đó, không ai biết được.
Thực ra, đó là một viễn ảnh rất gần. Vì dù ta không biết Chúa kết thúc thế giới lúc nào, nhưng mỗi người phải hoàn tất cuộc đời là hiện thực không hề xa xôi, không hề mù mịt.
Vậy, một khi biết mình phải giã từ tất cả để ra đi về với Cha trong Nhà của Người, ta không chỉ có đức tin là đủ, mà phải ra sức sống và sống tích cực những giáo huấn mà Chúa Kitô ban hành.
Hãy nhớ, ngày xưa Đại lụt Hồng thủy là một nỗi bất ngờ lớn trong thời ông Noê. Nó cuốn trôi tất cả những gì hiện diện trên mặt đất đang khi cả loài người vẫn mê chìm trong những nếp sống thường nhật đầy thỏa hiệp với tội lỗi của riêng bản thân. Đó là nỗi chết chóc kinh hoàng, cần phải nhắc lại để thế giới hôm nay ý thức hơn đời sống và sự tỉnh táo của mình.
Vậy ta phải luôn sẵn sàng cho ngày Chúa dưa ta về nhà của Người. Hãy luôn để tâm chờ đợi Chúa viếng thăm trong từng ngày sống hôm nay, trong chính hiện tại này, để lòng có Chúa, cuộc sống của mình tràn đầy và chiếu tỏa ơn Chúa.
Chuẩn bị cho ngày về cách hoàn bị nhất, Kitô hữu sống hôm nay là sống trong tươi sáng, là sống đầy tin tưởng, là bước tới từng ngày trong hy vọng, là lòng vơi đầy hạnh phúc, tin yêu.
Cũng vì thế, Kitô hữu yêu mến trần thế, hòa nhập với trần thế, xây dựng trần thế bằng tất cả bổn phận, khả năng và hy vọng của mình.
Người tín hữu Kitô, một mặt không quá bám víu trần thế như chỉ có trần thế là đích đến của mình. Mặt khác, cũng không hời hợt với trần thế như chỉ có đời vĩnh cửu mà thôi.
Chúng ta yêu mến trần thế và cũng yêu mến vĩnh cửu. Sự sống vĩnh cửu tốt đẹp, cũng như sự sống trên trần thế cũng không bao giờ bị chúng ta rẻ rúng.
Do đó, sự chết chóc của trần thế, dù có gây xao xuyến, người sống niềm tin Kitô vẫn biết rằng tương lai bình an đang chờ đón.
Dù sự dữ và cái chết vây lấy thế giới, người sống niềm tin Kitô vẫn ngẩng cao đầu, vì tình yêu cứu độ của Thiên Chúa thắp sáng niềm tin chúng ta.
Tắt một lời, tất cả triết lý về sự sống, Kitô hữu xây dựng trên lời phán hứa không bao giờ qua đi của Chúa: “Ta là sự sống lại và là sự sống”.
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng