LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY THỨ HAI TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN https://www.youtube.com/watch?v=HbiB10xH3Sc 5 Phút Lời Chúa - Thứ Hai Tuần 34 Muà Thường Niên. Chương Trình của TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐA MINH Tại Houston, Texas. Hoa Kỳ Phụ Tỉnh Thánh VINH SƠN LIÊM DÒNG ĐA MINH
LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
THỨ HAI TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
https://www.youtube.com/watch?v=HbiB10xH3Sc
5 Phút Lời Chúa - Thứ Hai Tuần 34 Muà Thường Niên.
Chương Trình của TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐA MINH Tại Houston, Texas. Hoa Kỳ Phụ Tỉnh Thánh VINH SƠN LIÊM DÒNG ĐA MINH.
www.youtube.com
THÁNH AN-RÊ TRẦN AN DŨNG LẠC VÀ CÁC BẠN, TỬ ĐẠO. Lễ trọng
Saint Andrew Dung-Lac, Priest, and Companions, Martyrs
SỐNG LỜI CHÚA
CÁC BÀI ĐỌC :
Ca nhập lễ : Tv 125,5
Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
Bài đọc 1 : 2 Mcb 7,1.20-23.27b-29
Bà mẹ là người đáng khâm phục, vì bà can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa.
Bài trích sách Ma-ca-bê quyển thứ hai.
1 Hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm.
20 Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa. 21 Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng ; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi ; bà nói với các con : 22 “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con thần khí và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. 23 Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình.”
27b Bà nói với người con út : “Con ơi, con hãy thương mẹ : chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. 28 Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. 29 Con đừng sợ tên đao phủ này ; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ.”
Đáp ca : Tv 125,1-2ab.2cd-3.4-5.6 (Đ. c.5)
Đ. Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
1Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về,
ta tưởng mình như giữa giấc mơ.
2abVang vang ngoài miệng câu cười nói,
rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.
Đ. Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
2cdBấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán :
“Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay !”
3Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.
Đ. Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
4Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về,
như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam.
5Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
Đ. Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
6Họ ra đi, đi mà nức nở,
mang hạt giống vãi gieo ;
lúc trở về, về reo hớn hở,
vai nặng gánh lúa vàng.
Đ. Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
Bài đọc 2 : Rm 8,31b-39
Dù sự chết hay sự sống cũng không tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
31b Thưa anh em, có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta ? 32 Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta ? 33 Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn ? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính ? 34 Ai sẽ kết án họ ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta ?
35 Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? 36 Như có lời chép : Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh.
37 Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.
38 Đúng thế, tôi tin chắc rằng : cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, 39 trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.
Tung hô Tin Mừng : Mt 5,10
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Lc 9,23-26
Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
23 Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì ? 26 Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.”
Ca hiệp lễ : x. Rm 8,38-39
Dầu là sự sống hay sự chết.
Hoặc bất cứ một thọ sinh nào :
Không có gì tách được chúng ta
ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.
SUY NIỆM
SỰ TỪ BỎ
Môn đệ là người theo sát Chúa Giêsu, đón nhận và thi hành giáo huấn của Người. Do đó, việc trở thành môn đệ đòi hỏi một sự hoán cải, khiêm nhường từ bỏ những dự định của mình mà phó thác cho thánh ý Chúa.
Từ bỏ chính mình trong từng hoàn cảnh khác nhau có những nét khác biệt. Đối với cha mẹ, điều đó có nghĩa là dừng tìm kiếm mong muốn của mình để quan tâm chăm lo cho con cái hết mực. Đối với đôi phối ngẫu, điều đó có nghĩa là hết lòng yêu thương và giúp đỡ bạn đời của mình. Đối với những người xung quanh, đó là sẵn sàng thi hành đức bác ái.
Các thánh tử đạo đã sẵn sàng từ bỏ ý riêng, luôn tìm kiếm thánh ý Chúa, để cho Người dẫn dắt và sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đức tin. Đó là sự quy hướng hoàn toàn về Thiên Chúa để có thể nhận được hạnh phúc đời đời làm gia nghiệp. Các ngài là mẫu gương cho mọi Kitô hữu trên hành trình nên thánh.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin cho chúng con dõi vết chân Ngài và sẵn sàng làm chứng cho Tin Mừng mọi lúc mọi nơi. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
TẠI SAO HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC HOA KỲ
SẼ BỎ PHIẾU CHO MỘT BẢN DỊCH KINH THÁNH MỚI?
WHĐ (12/11/2024) - Tuần này, trong Phiên họp Khoáng đại tại Baltimore, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu phê chuẩn một bản dịch Kinh Thánh phụng vụ mới, mở đường cho một cuốn Sách Bài đọc mới được sử dụng trong Thánh lễ và cho việc xuất bản một bản dịch mới của Phụng vụ Các Giờ Kinh của Giáo hội.
Một viên chức của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ phụ trách tiến trình này đã chia sẻ với The Pillar rằng việc phê chuẩn này sẽ là bước tiến lớn trong một số dự án phụng vụ của Giáo hội tại Hoa Kỳ. Bà Mary Sperry, Phó Giám đốc Văn phòng Tông đồ Kinh Thánh của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, cho biết: “Bản Kinh Thánh phụng vụ mà các giám mục sẽ bỏ phiếu bao gồm ba phần: Cựu Ước năm 2010; các Thánh vịnh và Thánh ca của Đan viện Saint Meinrad, tất cả đã được Tòa Thánh chấp thuận cho sử dụng trong phụng vụ; và Tân Ước, đã được ban điều hành phê duyệt vào tháng 9.”
Bà Sperry giải thích rằng khi bản Kinh Thánh phụng vụ mới được phê chuẩn, sau này các giáo xứ tại Hoa Kỳ sẽ thay thế Sách Bài đọc hiện tại (phê chuẩn năm 2002) bằng các bản dịch Kinh Thánh mới, thay cho bản dịch Cựu Ước năm 1970 và Tân Ước năm 1986 đang được sử dụng.
Tuy nhiên, trước tiên, bản văn phụng vụ – cụ thể là bản dịch mới của Tân Ước – cần được gửi đến Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích của Vatican để phê chuẩn.
Bà Sperry cho biết vẫn chưa rõ quá trình phê chuẩn sẽ mất bao lâu. Nếu Bộ không có yêu cầu thay đổi nào, thì các bản dịch mới của New American Bible có thể được in ngay sau đó.
Sau khi Vatican phê chuẩn bản văn Kinh Thánh, Ủy ban Phụng tự của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ sẽ sử dụng bản văn mới này làm cơ sở để thiết kế Sách Bài đọc mới, sẽ đệ trình cho các giám mục Hoa Kỳ bỏ phiếu, rồi gửi đến Vatican phê chuẩn. Sau đó, các giám mục sẽ cấp phép cho các nhà xuất bản in Sách Bài đọc để sử dụng chung.
Bà Sperry nói rằng: “Đó là một quy trình hai bước... Bước một: Có một bản Kinh Thánh. Bước hai: Biến nó thành một Sách Bài đọc.” Bà nhấn mạnh rằng tiến trình phê chuẩn một Sách Bài đọc mới mất nhiều thời gian nhưng sẽ “là ưu tiên hàng đầu” của văn phòng và “dành tất cả thời gian” để chuẩn bị cho Sách Bài đọc này.
Việc phê chuẩn một bản dịch Kinh Thánh phụng vụ mới cũng sẽ ảnh hưởng đến một dự án khác đã được Hội đồng Giám mục khởi động từ năm 2012: đó là dịch lại Phụng vụ Các Giờ Kinh – cuốn sách kinh nguyện dựa trên Kinh Thánh được linh mục, tu sĩ và nhiều giáo dân Công Giáo dùng cầu nguyện nhiều giờ trong ngày.
Nếu các giám mục phê chuẩn bản dịch mới của Sách Tân Ước vào tuần này, thì bản văn đó sẽ được đưa vào bản dịch mới của Phụng vụ Các Giờ Kinh, dự kiến, sau hơn một thập niên miệt mài chuyển ngữ, có thể được gửi đến Vatican để phê chuẩn vào tháng sau.
Nhưng bà Sperry cũng cho biết không rõ quá trình phê chuẩn đó sẽ mất bao lâu. Ngay cả khi văn bản được Vatican chính thức phê chuẩn, thì các nhà xuất bản vẫn cần khá nhiều thời gian để chuẩn bị các sách Phụng vụ Các Giờ Kinh mới để phát hành.
“Xuất bản Phụng vụ Các Giờ Kinh sẽ là một công việc thực sự, thực sự khó khăn”, bà Sperry nhấn mạnh. Vì loại giấy đặc biệt phải được đặt hàng trước, và chỉ có một số nhà in nhất định mới có thể in loại giấy đó. “Cùng với việc sử dụng Sách Phụng vụ Các Giờ Kinh hàng ngày và số lượng trang khá nhiều, cần phải có một khâu gáy sách với loại bìa cứng. Và cuốn sách cũng phải có giá trị xứng hợp, bởi Phụng vụ Các Giờ Kinh là một cuốn sách phụng vụ,” bà giải thích. “Sách này xứng đáng được in ấn với vẻ đẹp về hình thức, trang trọng, và có độ bền theo thời gian”.
Bà Sperry thừa nhận rằng: “Các ứng dụng điện thoại của Phụng vụ Các Giờ Kinh và các nhà xuất bản có thể có cách tiếp cận bản văn khác nhau, nhưng chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ sẽ không cho phép sử dụng bản dịch mới cho đến khi các nhà xuất bản có cơ hội chuẩn bị và phát hành các bản in.
Trước đây, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã nói với The Pillar rằng bản dịch Phụng vụ Các Giờ Kinh mới có thể được sử dụng vào Mùa Vọng năm 2026.
Trong khi việc đưa vào sử dụng những văn bản trong phụng vụ mới, nếu được chấp thuận trong tuần này, sẽ cần nhiều thời gian, bà Sperry hy vọng người Công Giáo thấy được tầm quan trọng của bản dịch Kinh Thánh phụng vụ mới.
“Bạn sẽ có thể mua một cuốn Kinh Thánh khớp với Sách Bài đọc trong Thánh lễ," bà nói. Với trình tự dịch lại hiện nay, bà giải thích rằng: “Trong suốt 40 năm, chúng ta chưa có một cuốn Kinh Thánh nào khớp với Sách Bài đọc cả."
Bà cũng nhấn mạnh lại quá trình dịch lại Tân Ước.
Vào năm 2013, “các giám mục [trong Tiểu ban Dịch Văn bản Kinh Thánh] đã phê duyệt danh sách những người có thể làm biên tập viên, và sau đó chúng tôi tuyển dụng họ để làm việc cho dự án này. Có 5 biên tập viên và 18 người hiệu đính.” Các biên tập viên đã làm việc với các giám mục để thảo luận về các nguyên tắc cho bản dịch Kinh Thánh mới.
“Các giám mục muốn đây là một bản văn phù hợp để công bố trong phụng vụ, để học tập, cầu nguyện cá nhân, và để dạy giáo lý và giảng dạy. Nó phải xuất sắc về mặt học thuật nhưng truyền được cảm hứng. Bạn phải có khả năng nghe và hiểu được bản văn”.
Trong bản Tân Ước của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ năm 1986, bà Sperry giải thích, một số phần có những câu quá dài khiến người nghe, đặc biệt là những người tham dự Thánh lễ, rất khó theo dõi. “Cách thức chính mà hầu hết người Công Giáo sẽ trải nghiệm Kinh Thánh là trong Lời Chúa được công bố cho cộng đoàn Thánh Thể”. Bà cho biết: “Nếu họ không hiểu những gì họ nghe, họ sẽ bỏ lỡ một trong những cách thế hiện diện của Chúa Kitô trong phụng vụ. Bản dịch cần được thực hiện theo cách thúc đẩy cuộc gặp gỡ của mọi người với Chúa Kitô trong Lời Chúa”.
Bà tin rằng công việc biên soạn một bản dịch mới đã đạt được mục tiêu đó. Nhấn mạnh đến công sức của các biên dịch viên, biên tập viên và giám mục, bao gồm cả những người đã dành thời gian đọc lớn tiếng gần như toàn bộ bản dịch, để đảm bảo rằng người nghe có thể hiểu được.
“Nếu không, bạn sẽ gặp phải những sự cố như phát âm sai từ như ‘burning brazier’ trong Sáng thế chương 15,” bà cười.
Ngoài ra, bà cho biết, bản dịch đã được gửi đến các giám mục vào năm 2019 để các ngài góp ý. Đã có đến hàng trăm trang đề xuất và nhiều giờ làm việc của các thành viên ủy ban và các biên tập viên chuyên nghiệp tham gia vào dự án. “Tôi không nghĩ mọi người nhận ra các giám mục đã làm việc chăm chỉ đến mức nào cho một dự án như thế này,” bà nói với The Pillar.
Bà Sperry cho biết: "Đây là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong sự nghiệp chuyên môn của tôi". Mặc dù thừa nhận rằng các bản dịch có thời hạn sử dụng nhất định, và các văn bản phụng vụ đã được sửa đổi nhiều lần kể từ năm 1970, bà hy vọng bản dịch này sẽ hữu ích cho Giáo hội trong nhiều thập kỷ tới, nếu không muốn nói là lâu hơn. Các biên tập viên và giám mục đã làm việc chăm chỉ để làm cho Kinh Thánh dễ hiểu đối với tất cả người Công Giáo và tạo ra một bản dịch mà bà hy vọng sẽ tồn tại lâu dài.
"Đây là một món quà tình yêu to lớn dành cho các thế hệ tương lai", bà nói.
Tâm Bùi
Chuyển ngữ từ: The Pillar (12/11/2024)
https://hdgmvietnam.com/