Giáo Hội Hiện Thế - Thời Khoảng 9-11/12/2024
Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,
Lò lửa chiến sự hiện nay căng thẳng và dai dẳng nhất thế giới vẫn là ở Đông Âu và Trung Đông.
Ở Trung đông lại vừa bùng nên thêm nữa ở Syria, khiến Trung đông càng sôi bỏng hơn nữa cùng với cuộc chiến giữa Israel và Iran,
cũng như với phe trục của Iran là Hamas ở Gaza, Hebollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen.
Trong khi đó ở Đông Âu, chiến sự tại Ukraine vẫn tiếp diễn tàn khốc với đầy mệt mỏi từ cả 2 bên
nên cả 2 dường như đang có chiều hướng muốn chấm dứt và kết thúc một cuộc chiến tiêu hao quá tổn hại về nhân mạng cũng như về tài sản cùng kinh tế.
Đường lối duy nhất vẫn là gặp gỡ nhau và thương lượng để cùng nhau giải quyết vấn đề trong công lý và hòa bình,
theo sứ điệp bình an của Vị Thiên Chúa Emmanuel trong Mùa Vọng và Giáng Sinh:
ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc :
tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon,
thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế.
Trên núi này, Người sẽ xé bỏ
chiếc khăn che phủ mọi dân,
và tấm màn trùm lên muôn nước (Isaia 25:6-7)
Thật vậy, chiến tranh là một thất bại của loài người nên nó không phải là đường lối chính đáng để giải quyết tham vọng của một bên hay xung khắc của đôi bên.
Trong buổi tiếp kiến sáng thứ Hai, ngày 25/11, kỷ niệm 40 năm (1984 - 2024) Hiệp ước Hoà bình và Tình bạn, chấm dứt tranh chấp kéo dài lãnh thổ giữa Argentina và Chile, nhờ trung gian của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và sự tin tưởng của các lãnh đạo và người dân của hai quốc gia dành cho ngài.
Thực tế cho thấy sau khi Thánh Gioan Phaolô II can thiệp vào tình hình của 2 nước này dịp Giáng Sinh năm 1978, khi ngài vừa lên làm Giáo hoàng,
thì hai Hội đồng Giám mục Argentina và Chile đã không ngừng nỗ lực cho tới khi đạt được kết quả tối hậu vào tháng 11/1984, 6 năm sau.
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, trước tình hình thế giới hiện tại, bao gồm rất nhiều xung đột tiếp diễn và suy thoái mà không có ý chí hiệu quả để giải quyết chúng, như ở Israel và Ukraine, bằng cách loại trừ hoàn toàn việc sử dụng vũ lực hoặc việc đe dọa sử dụng vũ lực, thì mô hình giải quyết tranh chấp một cách toàn diện, dứt khoát và hòa bình này cần được tái sử dụng.
Hiệp thông với tinh thần hòa giải của Giáo Hội như vẫn được các vị giáo hoàng chủ trương và phấn khích áp dụng, đồng thời cầu nguyện cho các vị lãnh đạo biết giải quyết theo phương cách công lý và hòa bình này, chúng ta tiếp tục theo dõi tình hình Giáo Hội Hiện Thế.
Cao Tấn Tĩnh