Chân phước Giôđanô Xaxônia
Chân phước Giô‑đa‑nô chào đời vào cuối thế kỷ XII tại Bô‑tê‑ga (Bước‑bê), miền Oét‑pha‑li‑a. Tại Pa‑ri, ngày 12 tháng 2 năm 1220, người lãnh tu phục từ tay chân phước Rê‑gi‑nan‑đô.
Chân phước Giô‑đa‑nô là Tổng Quyền thứ nhất kế vị thánh Đa Minh, Đấng mà người rất thân thiết yêu quý. Trong vòng 15 năm, người đã chăm sóc anh chị em trong Dòng cách rất đặc biệt hiền hậu, bằng khuyên nhủ, gương sáng, thư từ, soạn thảo hiến pháp, thăm viếng an ủi. Người đã dùng đời sống đạo đức và tài lợi khẩu hiếm có để làm cho Dòng được phát triển lạ lùng.
Chân phước Giô‑đa‑nô sốt sắng sùng mộ Đức Trinh Nữ Ma‑ri‑a, Thánh Mẫu Thiên Chúa ; với tâm tình con thảo, người đã truyền hát kinh “Lạy Nữ Vương” cuối giờ Kinh Tối.
Khi kinh lý Tỉnh Dòng Đất Thánh trở về, người bị đắm tàu và ly trần ngày 13 tháng 2 năm 1237.
Từ ngày người qua đời, anh em trong Dòng cũng như giáo dân đã tôn kính người bằng nhiều cách ; và ngày 10 tháng 05 năm 1826, Đức Lê‑ô XII đã chuẩn y việc tôn kính người như một vị chân phước.
Phụng vụ Dòng Anh Em Giảng Thuyết
Đức Thánh Cha: Đại học cần sự chậm rãi để hiểu và thay đổi
Trong sứ điệp nhân dịp khai giảng năm học mới tại Đại học Palermo của Ý, Đức Thánh Cha viết rằng, qua việc học tập, giới trẻ cần dấn thân vào thực tế, lưu tâm đến những phần bị “loại bỏ hoặc gạt ra ngoài lề”, bởi vì từ “những vùng ngoại biên” chứ không phải từ “các trung tâm quyền lực”, chúng ta mới có thể hiểu được “những vấn đề lớn của hiện tại và tương lai”.
Thư của Đức Thánh Cha được gởi đến Đức TGM Corrado Lorefice của Palermo, và được đọc tại giảng đường lớn khoa kỹ thuật của Đại học Palermo nhân dịp khai giảng năm học mới vào ngày 8/2, năm học thứ 219 kể từ khi thành lập.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: một trường đại học là “một cộng đoàn lớn với sự đa dạng”, “chỉ khi cùng nhau, chúng ta mới có thể bảo vệ và giải thích thực tế”. Ngài nhắc rằng nếu “nỗi sợ hãi ảnh hưởng đến cả những người học thức nhất và khơi dậy sự ghen tị, cạnh tranh, tinh thần trả đũa, và sự cứng nhắc”, thì cần có “một sự trung thực vững vàng cả ở cấp cá nhân và thể chế” để “sự hiệp nhất chiến thắng xung đột, lợi ích chung vượt trên mục tiêu cá nhân và lợi ích riêng tư”.
Đức Thánh Cha khẳng định: “Nơi nào công lý được thực thi, nơi đó có hy vọng, và giới trẻ có thể trở thành nhân vật chính của hy vọng đó, đặc biệt qua việc học tập không tách biệt họ khỏi thực tế, mà đưa họ vào lòng thực tế”. Đối với Đức Thánh Cha, “việc tiếp xúc với thực tế là điều quan trọng”, đặc biệt là “với những phần bị loại bỏ hoặc gạt ra ngoài lề”. Chúng ta thường không “đánh giá cao sự tồn tại và quan điểm của họ”, trong khi đó, “từ những vùng ngoại biên chứ không phải từ các trung tâm nghiên cứu và quyền lực”, chúng ta mới có thể hiểu được “những vấn đề lớn của hiện tại và tương lai”.
Tầm quan trọng của sự chậm rãi
Nhưng trước “sức hấp dẫn của kỹ thuật” – vốn phát triển chóng mặt và “quyến rũ chúng ta bằng hiệu suất”, Đức Thánh Cha khuyên nhủ hãy chậm lại. Đó là sự chậm rãi cần thiết để đọc, điều mà “người học và thậm chí người dạy không còn có được”, nhưng nó cần thiết để hiểu. “Trưởng thành cũng là một quá trình chậm rãi và không bao giờ là một hành trình thẳng tắp”, bởi vì “thất bại, cũng như sai lầm, là điều căn bản trong hành trình tìm kiếm chân lý”, và “ngay cả sự thay đổi cũng cần sự chậm rãi”. Đức Thánh Cha kết luận: “Trí tuệ con người không thể bị thu gọn vào các thuật toán hay quy trình logic”, nhưng nó hướng đến “việc tìm kiếm điều thiện, và không ai có độc quyền hay thước đo về điều thiện đó”, bởi vì chúng ta hướng đến nó “từng bước một” và “chỉ khi cùng nhau thực hiện”.
Vatican News