Sunday, June 22, 20259:27 PM(View: 8)
Những ai sống trong tội trọng thì có mùi hôi thối. Tội tình dục dâm ô là một trong những tội chống lại sự thanh khiết của tâm hồn. Tội này làm cho thể xác ta hư hại vì thể xác của ta là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.
Sunday, June 22, 20259:01 PM(View: 6)
Đây là một sự thật mà nhiều người Công Giáo không hề biết. Bàn tay của một vị linh mục Công Giáo là một sự linh thiêng vì đã được thánh hiến. Chúa đã dùng bàn tay ấy để chúc lành, thánh hoá và chữa lành cho Dân của Chúa.
Sunday, June 22, 202512:43 PM(View: 17)
Tác giả: LM Michael Muller Những bài viết này trích từ cuốn sách The Holy Sacrifice of the Mass của LM Michael Muller. (Chuẩn Y: TGM McClosky, New York 1884) Cuối cùng thì quỷ phải xuất ra. Cô Nicola dường như bị ngất xỉu khi ở trong những đôi tay mạnh mẽ của 15 người đàn ông lực lưỡng kia. Tuy nhiên, hình dạng cô vẫn còn bị biến dạng.
Sunday, June 22, 202512:35 PM(View: 15)
Tác giả: LM Michael Muller Những bài viết này trích từ cuốn sách The Holy Sacrifice of the Mass của LM Michael Muller. (Chuẩn Y: TGM McClosky, New York 1884) Đức Giám Mục lúc này đang cầm Thánh Thể Chúa và đến gần khuôn mặt của người phụ nữ đang bị quỷ nhập. Con quỷ rú rít lên một cách đau đớn và đáng sợ. Hắn tìm mọi cách để trốn tránh sự hiện diện của...
Sunday, June 22, 202511:26 AM(View: 13)
Tác giả: LM Michael Muller Những bài viết này trích từ cuốn sách The Holy Sacrifice of the Mass của LM Michael Muller. (Chuẩn Y: TGM McClosky, New York 1884) Con quỷ làm thinh. Hắn cảm thấy nhục nhã trước toàn thể một đám đông như thế. Một lần nữa thì hắn lại bị trục xuất bởi Chúa Thánh Thể. Vào buổi trưa cùng ngày thì ma quỷ bắt đầu khóc than:
Sunday, June 22, 20258:39 AM(View: 17)
Tác giả: LM Michael Muller Những bài viết này trích từ cuốn sách The Holy Sacrifice of the Mass của LM Michael Muller. (Chuẩn Y: TGM McClosky, New York 1884) Trong khi cô Nicola ở tại vùng Leon thì cô được các bác sĩ người Công Giáo và người Tin Lành khám bịnh cho cô. Cánh tay trái của cô đã bị ma quỷ làm cho tê liệt...
Saturday, June 21, 20258:45 PM(View: 20)
Tác giả: LM Michael Muller Những bài viết này trích từ cuốn sách The Holy Sacrifice of the Mass của LM Michael Muller. (Chuẩn Y: TGM McClosky, New York 1884) Rồi cô Nicola ngất xỉu. Cô ấy chỉ tỉnh lại khi có Chúa Giêsu Thánh Thể. Khi cô tỉnh lại thì cô được rước Mình Thánh Chúa. Khuôn mặt của cô Nicola trở nên sáng sủa như khuôn mặt...
Saturday, June 21, 20258:07 PM(View: 23)
Tác giả: LM Michael Muller Những bài viết này trích từ cuốn sách The Holy Sacrifice of the Mass của LM Michael Muller. (Chuẩn Y: TGM McClosky, New York 1884) Khi vị linh mục đến thì rất nhiều tín hữu Tin Lành rút lui vì họ đã nhìn thấy và nghe những gì mà họ muốn thấy và nghe. Còn những người khác thì vẫn ở lại đó.
Saturday, June 21, 20257:25 PM(View: 28)
Tác giả: LM Michael Muller Những bài viết này trích từ cuốn sách The Holy Sacrifice of the Mass của LM Michael Muller. (Chuẩn Y: TGM McClosky, New York 1884) Có một điều đặc biệt là ma quỷ đã dùng ông Luther, một tu sĩ bội giáo để từ chối Sự Hiện Diện Thật của Chúa. Rồi Chúa đã dùng kẻ thù là ma quỷ để chứng minh Sự Hiện Diện Thật của Chúa.
Saturday, June 21, 20256:20 PM(View: 29)
Tại vùng Lucca có nhiều cộng đoàn tu trì, trong đó có Dòng Sisters of St. Gemma, Dòng the Passionist Fathers and Sisters, Nhà Mẹ của cộng đoàn Thánh Elena, Dòng Oblates of the Holy Spirit, và có một tu viện Dòng Carthusian của các tu sĩ ẩn sĩ, người tu hành khổ hạnh, hoặc người sống ẩn dật tại vùng Farneta ở ngoại ô Lucca.

Thăm trại Tị Nạn Mã Lai và Nam Dương sau 50 năm viễn xứ

Tuesday, June 10, 20258:53 PM(View: 16)

bienThăm trại Tị Nạn Mã Lai và Nam Dương sau 50 năm viễn xứ

Tôi đã về lại Toronto - Canada bình an sau 3 tuần lang thang ở Mã Lai và Nam Dương, chủ yếu là đi thăm các hòn đảo từng là nơi tạm trú của thuyền nhân Việt Nam. Tạ ơn Chúa, cảm ơn mọi người, tôi đã được học hỏi thêm về tình người, về quê hương và tin rằng nhờ thế có thể sống tốt hơn.

Âm vang câu hát "Tự do ơi tự do! tôi trả bằng nước mắt. Tự do hỡi tự do! anh trao bằng máu xương, Tự do ôi tự do! Em đổi bằng thân xác. Vì hai chữ tự do! Ta mang đời lưu vong" vẫn còn vang vọng trong lòng. Số là mỗi khi thắp hương cầu nguyện trước mộ phần các thuyền nhân xong, chúng tôi đều hát và thấm thía hơn bao giờ hết nỗi đau qua những nốt nhạc này.

Lịch trình thăm viếng của nhóm chính thức bắt đầu vào thứ Hai 28 tháng 4, 2025, nhưng 3 anh em Toronto chúng tôi đã ra phi trường từ 24 tháng 4. Đi sớm mấy ngày để ghé thăm thành phố Kuala Lumpur và nghỉ ngơi. Chuyến bay dài gần 21 tiếng, cộng thêm giờ phải tới sớm, giờ chờ chuyển tiếp máy bay nên tổng cộng lượt đi và về hết khoảng 60 tiếng đồng hồ. Ôi chuỗi thời gian dài ớn quá là ớn. Mà khi tới nơi rồi cũng có yên đâu, suốt ngày thường xuyên chúng tôi phải ở trên xe bus, xe van, trên tàu lớn, tàu nhỏ hoặc máy bay nhỏ... "Thôi rồi còn chi đôi mông tôi!" Ba tuần lúc nào cũng bồng bềnh chênh vênh, nên mỗi khi được đặt 2 chân xuống mặt đất thì thấy thật là hạnh phúc! Giá mà Elon Musk chế xong được cái ống chui tọt vào là tới nơi thì hay biết mấy.

Nhớ lại cách đây gần 10 năm, khi đó ông xã còn sống, chúng tôi có đi hành hương châu Âu với nhóm nhà thờ, mà tôi là một trong những người tỉnh táo để giúp các bác lớn tuổi hơn kéo hành lý, trả lời họ hôm nay thứ mấy, mình đang đi đâu, ngày mai sẽ làm gì. Thế mà bây giờ tôi lại chính là một trong những "bác" lớn tuổi đó, tức là cần người giúp di chuyển vali, cần người trả lời hôm nay thứ mấy, mình đang đi đâu hoặc ngày mai sẽ làm gì. Rõ chán!

Bây giờ xin được xuống câu vọng cổ chia sẻ lý do tôi tham dự chuyến đi này.

Trong nhóm có các anh chị không biết vượt biên là gì nhưng vẫn hăng hái tìm về nguồn, cũng có các anh chị dù không phải trong ban tổ chức, mà vẫn tham dự nhiều lần chỉ để thắp hương cầu nguyện ở các mộ phần - thật là cao cả, cũng có một số em trẻ đi theo cha mẹ. Riêng tôi thì thú thật xem qua chương trình chẳng lấy gì làm hào hứng. Gì đâu mà ngày nào cũng đi thăm nghĩa trang, mà tôi biết thời tiết ở các nơi này rất nóng, lại phải trèo đèo lội suối ở các nơi đầy muỗi mòng, khỉ ho cò gáy theo đúng nghĩa đen.

Hơn nữa, thời gian cuối tháng Tư 2025, tôi muốn ở nhà để giúp tổ chức 50 năm Quốc Hận tại tòa thị sảnh Toronto và quốc hội Ottawa - đây là truyền thống chúng tôi chưa vắng mặt năm nào. Tôi lại đã đóng tiền cọc để đi du thuyền qua Âu Châu chơi với nhóm bạn, rồi công ty tôi đang làm cũng khó cho phép vắng mặt liên tục 3 tuần.... Đủ thứ lý do tại, bị, thế mà cuối cùng tôi cũng được đi với nhóm, thật là một điều quá vui mừng. Nghĩ lại nếu không đi, tôi sẽ hối tiếc nhiều lắm.

Tôi đã thực hiện dùm ý nguyện của ông xã. Khi đi qua các hòn đảo kỷ niệm nơi anh từng đặt chân đến, tôi đã thở phào thầm nghĩ "Mission Completed". Rất buồn là ông xã - anh Nguyễn Ngọc Duy - mới qua đời cách đây 7 tháng vì bệnh phổi lúc 65 tuổi. Từ nhiều năm nay, lúc nào anh cũng ước ao về thăm lại đảo Air Raya rồi trại tị nạn Galang, nơi tôi và anh đã gặp nhau, nhưng lần nào cũng có trở ngại. Những ngày cuối đời anh lại nhắc tới trại tị nạn nhiều hơn, nên tôi rán đi dùm anh dù biết đi một mình sẽ rất buồn.

Bây giờ xin kể sơ về chuyến hành trình. Nhóm có 233 người ghi danh đi thăm các đảo ở 3 nước Mã Lai, Nam Dương và Phi Luật Tân. Có người chỉ đi một quốc gia rồi về, tôi và một số đông thì đi 2 nước, còn lại khoảng 50 người thì đi cả 3 nơi. Số người tập trung đông nhất ở một thời điểm là trên 100 người. Thật là khẩu phục tâm phục ban tổ chức, nào là đón tiếp hướng dẫn ở từng chặng đường, lo xe, lo khách sạn, giúp vé máy bay, rồi đặt thức ăn, sắp xếp chương trình khoa học và ý nghĩa. Sau chuyến đi chắc hẳn họ già hơn nhiều vì căng thẳng lo lắng.

Riêng cái chuyện sắp hàng đi vệ sinh cũng là vấn đề lớn. Tôi đã nói đùa khi người thứ 100 "xả nước cứu thân" xong, là đã đến lúc người số 1 cần đi nữa rồi! Các vùng hẻo lánh này nhà vệ sinh rất ít, có nơi còn là loại cầu tiêu xưa, nghĩ lại còn rét dù trời nóng hừng hực! Thế nhưng chúng tôi luôn tận dụng thời gian sắp hàng mà trò chuyện rôm rả, mang bánh trái ra mời mọc nhau nên cũng thấy bớt chán. Nhớ quá những cây cà-rem do thầy Tấn Phước đãi. Nhóm thường đi bằng 2 xe bus lớn và một xe van nhỏ, hôm đó thầy mua kem cho mọi người, nhưng 1 xe bị lạc nên xe của chúng tôi phải ăn dùm hai phần. Trời nóng mà ăn kem vừa mát vừa ngọt vừa thơm mùi sầu riêng thì không gì thích thú bằng. May mắn hơn xe chúng tôi lại có cha Phạm Quang Hồng ở Úc đi cùng, nên lúc nào cũng tràn đầy tiếng cười, mà cũng hại não lắm vì cha hay đố những câu khó quá!

Nhóm lại có Youtuber Trương Minh Quân với channel TmQ nổi tiếng, lúc nào chương trình cũng được livestream với 40 ngàn người xem. Tôi ở trại mà bạn bè Toronto thường xuyên gởi video thâu từ TmQ cho xem, nhắc là đã thấy Hân ở phút số mấy trong youtube. Vấn đề xài tiền cũng khá rắc rối, tới Mã Lai phải xài tiền Mã, tới Nam Dương phải xài tiền Indo, nhưng nhóm thì có người tới từ Mỹ, có người tới từ Canada, Phần Lan, Úc.... nên chả chục thứ tiền đủ màu đủ loại, đổi qua đổi lại cũng khá nhức đầu!

Ngoài ban tổ chức là nhóm anh em bên Úc như anh chị Sơn-Anh, anh chị Minh-Thanh và bác sĩ Ken, còn có cô Heidi (Hay Đi!), cô Ngọc Ân, anh Long, bố con anh Chính và vài nhân vật rất đặc biệt.

Từ khi ghi danh thì chúng tôi đã thường xuyên nhận được bản tin với nhiều chi tiết hữu ích từ anh Sơn. Cháu Ken ở Cali là một nam bác sĩ cao ráo giỏi giang, tấm lòng hy sinh yêu người không biết dùng chữ gì để diễn tả.

Một cậu trẻ khác là Jammy sinh ra ngay tại Bi Đông, đi với nhóm lần này là lần thứ 2. Được biết lần đầu Jam đi thì hiểu tiếng Việt rất ít cần thông dịch, nhưng lần này tiếng Việt của cháu đã rất khá. Jam đẹp trai vui vẻ, ai cũng muốn làm mai gả con gái, cháu gái cho. Vào đúng sinh nhật của Jam trong tháng 5, cháu đã tìm cách để được về đứng ngay bệnh viện xưa - nơi Jam sanh ra để chụp hình và "thu thập năng lượng".

Vài cháu khác đi với cha mẹ, nhưng cũng rất hòa mình không tỏ vẻ khó chịu hay bị ép uổng gì cả. Chúng tôi mừng lắm vì có giới trẻ tham gia. Trong nhóm có ít nhất 4 anh, chị không biết trại tị nạn là gì, vì không phải là thuyền nhân, chân nhân hay phi nhân. Họ rời Việt Nam từ 30 tháng 4, 1975 nhưng vẫn muốn tìm về nguồn cội, lịch sử. Một vài anh chị cũng đã tham dự các chuyến này nhiều lần, còn nhớ được đường đi trèo đèo lội suối để đi thăm đầy đủ các khu bia mộ. Ai nấy đều quá chân thành, dễ thương, chăm sóc an ủi nhau... thật là cảm động và quý giá. Tôi vốn bi quan, thường cho rằng người tốt trên đời này không còn bao nhiêu, nhưng qua hành trình này tôi mới cảm nghiệm được "bông hoa còn đẹp, lòng chưa thấm mệt" (thơ Phạm Thiên Thư).

Bây giờ tôi xin sơ lược về lộ trình. Mọi người đã tập trung tại địa điểm đầu tiên là phi trường số 2 Kuala Lumpur - Mã Lai để cùng đi xe bus thăm nghĩa trang đầu tiên tại Terengganu. Sau đó ngày nào cũng thăm viếng nhiều khu mộ tập thể hoặc mộ cá nhân không bỏ sót khu vực chôn cất nào như Kuantan, Dungun, Kota Baru, Besut, Cherang Ruku, Panji, sau đó thăm Romping, Endau, Mersing... Đặc biệt nhóm đã thắp hương trước ngôi mộ tập thể chôn xác nhiều người, trong đó có vợ và con của MC & nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn.

Ban tổ chức cũng sắp xếp để mọi người được viếng mộ các vị đại ân nhân như ông Alcoh Wong, ông Heng... Quý ông này là một trong những người Trung Hoa ở Mã Lai đã bỏ công sức và tình yêu nhân loại để tìm vớt xác, chôn cất rất nhiều thi thể thuyền nhân Việt trôi dạt vào bờ biển Mã Lai hơn 40 năm trước. Ông Wong và thân hữu cũng đã in một cuốn sách tài liệu với chi tiết lịch sử, bản đồ, tên họ của các thi thể mà họ chôn cất.

Ban tổ chức đã liên lạc trước với thân nhân của ông Wong, ông Heng và mời họ đi ăn chung với nhóm để tỏ lòng biết ơn. Bà Wong vẫn còn sống và đã giúp rất nhiều trong việc đặt khách sạn, nhà hàng... Bà từng là chủ tịch hội phụ nữ Trung Hoa ở Mã Lai, tuy sức khoẻ kém nhưng luôn có mặt với nhóm. Một người em trai trong gia đình ông Wong khi phải vớt xác người chết chìm trên biển, đã chịu sốc tâm lý nên phải phát nguyện cạo đầu, cầu nguyện. Tôi không biết dùng từ ngữ nào để nói hết lòng khâm phục và biết ơn những đại ân nhân này, được bắt tay họ tôi rưng rưng nước mắt.

Sinh hoạt chính tại Mã Lai là cuộc hội ngộ tại đảo Bi Đông, nơi từng có hằng trăm ngàn người Việt Nam tạm trú trong khi chờ đi định cư ở quốc gia thứ ba như Mỹ, Úc, Canada, Pháp... Đúng ngày Quốc Hận lần thứ 50 là 30 tháng 4, 2025, nhóm đã có một buổi lễ thật ý nghĩa ngay tại bờ biển Bi Đông, cùng Chào Cờ hát quốc ca Việt Nam Cộng Hòa và tôi được hân hạnh đọc phút Mặc Niệm trong buổi lễ. Sau đó nhóm đi vòng quanh biển với lời cầu nguyện của thầy Tấn Phước và cha Quang Hồng, cùng đốt nến, giấy vàng mã, hương trầm cầu nguyện cho người đã khuất và cho quê hương Việt Nam. Tối hôm đó và nhiều đêm sau, nhóm luôn có các buổi hội ngộ tâm sự, ca hát, đốt lửa trại thật cảm động. Đây cũng là cơ hội cho mọi người thi thố tài năng - nào là ngâm thơ, đơn ca, hợp ca với tiếng đàn guitar và kèn harmonica sống động, cũng như dàn Karaoke khá tốt.

Điều mắc cười là tôi vốn khó ngủ, nên xin trả thêm tiền để có phòng riêng tại các khách sạn, thế mà khi ở Bi Đông, không có khách sạn phải ngủ ngoài lều, có lều tới 20 người, thì tôi lại ngủ ngon hơn hết. Có người gọi Bi Đông là Bi Đát, thật không sai với bao câu chuyện bi thương đáng nhớ, chẳng hạn câu nói luôn được lưu truyền "Tình Bi Đông có list thì dông”, tức là tình cảm yêu thương chỉ là tạm bợ, khi được lên list đi định cư thì mọi hứa hẹn liền chấm dứt.


Ngôi chùa tên là Từ Bi còn sót lại vừa có nghĩa là từ bi bác ái, vừa cũng có nghĩa là từ Bi-Đông mà có. Các người đi trước đã kể lại vài câu chuyện tâm linh khá hi hữu, như chuyện ngay sau khi phái đoàn thăm viếng khu mộ tập thể, thì hoa vàng bỗng rộ nở rất nhiều, hoặc một đàn bướm vàng mấy trăm con bỗng xuất hiện bay lượn ngay trên các ngôi mộ, mà theo dân địa phương thì khu này rất ít khi thấy bướm.

Một ông người Hoa giúp việc trùng tu các ngôi mộ đã mua vé số với số tàu của người tị nạn, thì đã trúng độc đắc. Ông đã trích ra một phần tiền trúng để bỏ vào quỹ trùng tu. Cũng có nhiều chuyện ly kỳ khi người chết báo mộng để gia đình tìm ra thi hài, hoặc cho biết mộ bị nứt hay tên họ trên tấm bia đã bị khắc sai...

Nhóm cũng đã được tận mắt nhìn bức tượng "ông già Bi Đông" mà thương xót cho những mảnh đời kém may mắn, phải tìm sự sống trong cái chết.

Chúng tôi cũng được đi thăm một quán cà-phê sang trọng nằm dọc theo bờ biển, thuộc khách sạn 5 sao làm từ chiếc thuyền tị nạn mà họ đã mua của Liên Hiệp Quốc. Bảng khắc ghi chú các chi tiết về Boat People rất rõ ràng cảm động.

Vào 2 tháng 5, 2025 nhóm đã rời Mã Lai để cùng đi tới Nam Dương bằng phà qua đảo Batam, mà chúng tôi gọi là Bà Tám cho dễ nhớ. Indonesia là mục tiêu chính mà tôi muốn thăm viếng, vì tôi và ông xã đã từng ở đó. Chúng tôi thăm viếng nghĩa trang thuyền nhân Việt Nam, nhà bảo tàng, nhà thờ Công Giáo, chùa Quan Âm, miếu Ba Cô, bãi biển Galang...Tiếc là rất nhiều di tích ở khu Galang 1 đã bị xóa mất sau gần 50 năm, chẳng hạn các địa điểm như văn phòng Cao ủy, Ban điều hành trại, Trung tâm huấn nghệ, Youth Center, tòa soạn báo Tự Do, đạo quán Hướng Đạo, đồi Nhà thờ, bệnh viện ICM .... đã không còn nữa.

May mắn là ở Galang 2, chính quyền Indo đã cho trùng tu, làm museum với nhiều ảnh chụp, mô hình, đền thờ Mẹ Maria và bản đồ Việt Nam rất lớn. Đặc biệt có 14 chặng đàng Thánh Giá của Chúa Giesu làm trên 14 con tàu tị nạn vừa to vừa đẹp để thu hút du khách. Chúng tôi đi xe bus hoặc thuyền qua các đảo nhỏ như Letung (gọi theo tiếng Việt là Lê Tùng), Air Raya, Keramut, Tarempa, biển Padang Melang, khu phố shopping Nagoya...

Chúng tôi được ban tổ chức sắp xếp đến tận nơi thăm viếng, tặng quà cho các cô nhi viện, trường học, nhà dưỡng lão... thật là cảm động. Các em học sinh tiểu học tại 4 trường mà chúng tôi ghé thăm đều mặc đồng phục thật đẹp để chào đón khách, ca hát rất dễ thương. Các em và dân địa phương đều rất hiền lành, khuôn mặt lộ ra nét chân thành đáng mến, không thấy trộm cắp lừa lọc, không ai phải đề phòng kẻ gian, đời sống thật là an bình.

Tại Galang chúng tôi được đi ngang cầu tàu, nơi từng có bảng để chữ "Cửa ngõ của Tự Do và Tình Người". Người ta cũng có câu "Galang tình xù", nhưng tình cảm của tôi và anh Duy thì may mắn thay không bị xù! Chúng tôi quen nhau ở Galang, thề hứa và đám cưới ở Cali sau 3 năm rời khỏi trại tị nạn. Tôi đi Cali mang quốc tịch Mỹ, còn anh đi Toronto mang quốc tịch Canada. Một người họ Nguyễn, một người họ Trịnh, tuy có phân tranh nhưng sống với nhau 40 năm ở Toronto tạm ổn cho tới khi anh mất vì bệnh phổi. Cầu tàu này là nơi đưa tiễn của biết bao người. Nhớ làm sao những lon coca cola, những ly milo sữa đá, những chai bia, những bao thuốc lá hiếm hoi ...

Chúng tôi cũng rất xúc động khi đi ngang khu vực được gọi là "Con đường Máu" - nơi các thuyền nhân Galang đã từng phải xuống đường biểu tình. Gần 20 người đã phải tự sát khi bị cưỡng bức hồi hương vì không đủ tiêu chuẩn tị nạn. Quân đội Indonesia đã từng phải vùng vũ lực để can thiệp. Chúng tôi cũng được thăm 2 ngôi mộ của "Romeo và Juliet", là đôi nam nữ trẻ đã phải tự vẫn vì gia đình hận thù không cho cưới nhau sau khi đã vượt biên thành công. Cũng có một số ngôi mộ của những người ăn cháo rắn bị trúng độc chết, hoặc uống rượu pha cồn nên cháy ruột mà qua đời, thật là buồn và đáng tiếc vì đã thoát được Việt Nam nhưng vẫn không đến được đất định cư.

Nhóm cũng dành thời gian viếng Miếu Ba Cô dưới tàng cây bồ đề to lớn tại Galang 2. Câu chuyện được kể lại là có hai cô gái bị hải tặc xâm hại nên rất mặc cảm, đau khổ. Người Việt lúc đó lại không ý tứ, hay xầm xì chỉ trỏ, 2 cô lại không đủ bằng chứng pháp lý để được nhận đi định cư. Giọt nước làm tràn ly khiến hai chị em cùng quyết định treo cổ trên cây là khi họ bị vu oan ăn cắp chiếc bóp của nhân viên Cao ủy. Nghe nói có 1 cô gái khác vì ghen tức với sắc đẹp của cô em, mà cô em này lại được con trai người chủ tàu yêu thương, nên chính cô gái này đã lấy cái bóp bỏ vào phòng đổ oan cho 2 chị em. Ngày 2 chị em quyên sinh trước lúc họ được chấp nhận đi định cư chỉ một ngày.

Nguyễn Ngọc Duy Hân