25 Tháng Tư 20247:09 SA(Xem: 7)
Nguồn: Spiritdaily.com 1. Một người kể cảm nghiệm như sau: “Khi chúng tôi đang ở vùng Cyprus thì chúng tôi đi du lịch ở xa nên thuê xe hơi đi. Khi đi được một lúc thì chúng tôi bị lạc vào một con đường khác và bị mất phương hướng. Lúc đó khoảng 2:00 g sáng.
24 Tháng Tư 20249:29 CH(Xem: 9)
8 ĐIỀU HỨA CỦA ĐỨC MẸ KHI MẶC ÁO ĐỨC BÀ MẦU NÂU Áo Đức Bà Mầu Nâu làm một Á Bí Tích của người Công Giáo. Khi mặc áo Đức Bà Mầu Nâu thì Đức Mẹ Maria sẽ bảo vệ chúng ta khỏi mọi sự dữ. Sau đây là 12 điều hứa của Đức Mẹ khi ta mặc Áo Đức Bà. 1. Những ai chết mà mặc Áo Đức Bà Mầu Nâu thì sẽ không rớt vào lửa hoả ngục đời đời.
22 Tháng Tư 20245:35 CH(Xem: 52)
Nguồn: Internet Thánh Gioan John Vianney và quyền năng của Áo Đức Bà Mầu Nâu.
22 Tháng Tư 20245:32 CH(Xem: 60)
Năm 2004, tôi đã dịch và viết nhiều sách trong năm này. Một trong những tác phẩm mà tôi đã dịch và sưu tầm có tên là 50 Tuần Cửu Nhật Gõ Cửa Thiên Đàng. Sau đây là bản dịch mà tôi đã cố gắng dịch thuật, bản chính ở phía dưới bằng tiếng Anh là từ Cố LM Don Dolindo Ruotolo. Ngài là một nhà thần bí người Ý. Những lời cầu này là do Chúa Giêsu ban cho Cố LM...
18 Tháng Tư 20249:08 CH(Xem: 75)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Cố LM Don Dolindo có những cảm nghiệm rất hay. Khi còn nhỏ, ngài chịu nhiều sự bách hại và khổ đau. Bằng cách nào mà ngài đã cố gắng ngửng đầu cao lên khỏi bể nước và luôn vui vẻ? Chúa Thánh Thần đã khơi nguồn cảm hứng cho ngài với lời cầu nguyện đơn sơ như sau:
18 Tháng Tư 20248:35 CH(Xem: 63)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Lúc gần đây có nhiều người biết đến hiện tượng: "Padre Pio of Naples", đó là điều mô tả về cố linh mục Don Dolindo Ruotolo. Ngài qua đời vào năm 1970, chỉ hai năm sau khi Padre Pio qua đời vào năm 1968. Ngài đang làm việc một cách hữu hiệu từ Thiên Đàng. Ngài an ủi, dỗ dành, chữa lành cho rất nhiều người khỏi chứng bịnh lo âu,
18 Tháng Tư 20247:58 CH(Xem: 51)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Có một gương sáng lớn nhất, đó là chính Chúa Giêsu. Kẻ dữ độc ác đã đóng đinh Chúa Giêsu, Con Chí Thánh của Chúa Cha ở trên cây thánh giá. Lúc đó, Satan nghĩ rằng hắn đã chiến thắng. Nhưng sự thật thì trái lại. Đó là bởi vì Chúa đã biến đổi sự dữ ấy thành sự thiện.
18 Tháng Tư 20243:58 CH(Xem: 62)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Sr. Emmanuel viết: Có một phụ nữ gõ cửa nhà tôi. Trông cô ấy thật là quá đau khổ, xuống sắc và thiểu não. Đôi mắt, đôi má và cái miệng của cô trông rất là buồn thảm và héo hắt. Cô bắt đầu kể lể về mọi nỗi thống khổ của mình.
17 Tháng Tư 20249:07 CH(Xem: 59)
https://luisapiccarreta.com/other-category/cristina-montella-sister-rita-of-the-holy-spirit-the-little-girl-of-padre-pio/ 1. Thời thơ ấu Nữ tu Cristina Montella được sinh ra tại vùng Cercola (Naples) vào ngày 3/4/1920. Khi cô bé được 2 tuổi, cô đang ở chơi nhà một người cô thì nhìn thấy một bức hình của Thánh Gerard Majella,
17 Tháng Tư 20244:44 CH(Xem: 57)
Đức Mẹ Guadalupe hiện ra ở Tepeyac, Mexico City, nước Mễ Tây Cơ từ ngày 9/12/1531 đến ngày 12/12/1531 và chữa lành rất nhiều người, dù rằng người ta đã chết nhưng vẫn được Mẹ cho sống lại.

SỰ HUYỀN NHIỆM CỦA CHUỖI MÂN CÔI #1

04 Tháng Mười 20189:33 CH(Xem: 2383)
mefatimathanhtheSỰ HUYỀN NHIỆM CỦA CHUỖI MÂN CÔI #1
 
Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nàn, trong một xứ đạo nhỏ bé và quê mùa nhất huyện Kim Sơn. Đó là xứ Ứng Luật. Ứng Luật chẳng những nghèo mà còn quê mùa nữa. Thực vậy, hầu hết người dân quê tôi phát âm rất “không giống ai” những từ có phụ âm đầu d, l, s, tr như Phát Riệm (Diệm), nhà ròng (dòng), thúng (súng) ống, thung thướng (sung sướng), thế thì nàm thao (làm sao) bây giờ, lói (nói) mà không nàm (làm) thì lói nàm (nói làm) gì, con cá tê (trê)… theo kiểu phát âm “Con tâu tắng buộc bụi te, ăn no tòn như cái tống teo, muỗi cắn như tấu tát”! (con trâu trắng buộc bụi tre, ăn no tròn như cái trống treo, muỗi cắn như trấu trát), v.v. Cách phát âm quê tôi giống hệt cách phát âm của mấy anh cán bộ trong các trại 'học tập cải tạo': Nao động thì nười, ngày nễ nớn nại đòi ăn nòng nợn!

Năm 11 tuổi, do một cơ duyên đặc biệt, tôi từ giã cha mẹ và xứ đạo, ra đi vào “nhà Đức Chúa Lời” với hành trang duy nhất là Chuỗi Mân Côi. Quả thực, từ đó, Chuỗi Mân Côi trở thành “bửu bối” tôi mang theo qua các chặng đường đời, khi còn là học sinh sinh viên, thời gian trong quân ngũ, lúc an vui và nhất là khi hoạn nạn. Xin thú nhận, hồi còn nhỏ, mỗi buổi chiều, bố mẹ tôi bắt đi Nhà Thờ, nhất là trong tháng 5, tháng Đức Mẹ, để lần chuỗi và nghe sách “Tháng Đức Bà', rồi mỗi tối trước khi đi ngủ, dù vất vả mệt nhọc cỡ nào, cả nhà cũng quây quần đọc kinh “lần hạt”, tôi thì vừa đọc vừa ngủ gà ngủ gật. Và cứ như thế, tôi đọc Chuỗi Mân Côi hàng ngày theo thói quen, tôi chưa đủ trí khôn để suy ngắm các “màu nhiệm” của Chuỗi Mân Côi cho đến một ngày tháng Năm, tôi nhớ rõ ngày 14 tháng 5,1975

1. Không bị “học tập cải tạo”

Như trên đã nói, Chuỗi Mân Côi là “bửu bối” duy nhất gia đình và xứ đạo trao cho tôi khi bước vào đời.

Ngày 5/5/1975, khi nghe đài phát thanh đọc thông cáo tất cả các sĩ quan, binh lính, cảnh sát, tình báo, nhân viên chính quyền “ngụy”, v.v., phải ra trình diện, đăng ký “học tập”, hạn chót là 31/5/1975, tôi và 12 giáo sư biệt phái tại trường công đệ nhị cấp Gia Kiệm, Long Khánh hết sức băn khoăn lo lắng cho số phận mình. Riêng tôi lúc đó là hiệu trưởng, không biết phải ứng xử thế nào: học sinh thì hoang mang, chán nản, nhiều em bỏ cuộc, giáo chức thì hầu như mất hết tinh thần, phần lớn tuyệt vọng và 1/3 chưa trở lại, phân nửa anh em biệt phái muốn về địa phương trình diện. Trong phạm vi gia đình, nhà tôi và tôi chỉ còn biết cậy trông vào Chúa và Đức Mẹ, hằng đêm quỳ lần Chuỗi Mân Côi, và trong ngày, mỗi khi có thể, lại đem Chuỗi Mân Côi ra đọc.

Trở lại ngày 14/5, đúng sau tuần cửu nhật đọc Chuỗi Mân Côi, khoảng 10 giờ sáng, tôi đang ngồi trong văn phòng hiệu trưởng thì anh Am, cựu quân nhân bị mất một tay trên chiến trường, được giải ngũ về làm lao công, hốt hoảng chạy vào nói: thưa thầy hiệu trưởng, có anh bộ đội muốn vào gặp thầy. Linh tính cho biết chuyện không lành đã đến. Tôi vội bước ra cửa thì một người lớn tuổi, quần áo bộ đội với nón cối, tự xưng là Hai Thành, gật đầu chào.

Chưa kịp chào lại thì anh ta đã nói: tôi nằm trong rừng Gia Kiệm đã 6,7 năm nay, theo dõi và nhận báo cáo thường xuyên. Tôi thấy các thầy là những người rất tốt, các thầy cứ an tâm ở lại dậy học, không phải đi đâu cả. Tôi thật bất ngờ vì Việt Cộng hay Cộng Sản có bao giờ xưng hô “thầy” với ai bao giờ, được họ kêu bằng anh là đã may mắn rồi. Đàng này, anh ta lại giữ chúng tôi, những sĩ quan biệt phái, ở lại dậy học thì tin sao được vì như chúng ta đều biết, chính sách của họ là “giết lầm hơn tha lầm, bắt lầm hơn bỏ sót”, chắc hẳn là âm mưu thâm độc gì đây.Tuy nhiên, tôi không có lựa chọn nào khác, vả lại, đây là lựa chọn tốt nhất: chúng tôi không phải trình diện “học tập”. Sau đó, Hai Thành “mượn” trường và “mượn” luôn quỹ hiệu đoàn để “đăng ký” những thành phần khác. Rồi 5 hôm sau xuất hiện thêm 2 bộ đội khác tự nhận là 2 giáo viên từ miền Bắc đến giúp đỡ và làm việc với các anh chị cho “vui”...

Sinh hoạt của trường dần dần trở lại, tất cả giáo chức được Hai Thành gởi đi Biên Hòa tham dự 1 tuần “tập huấn” trong khi ngày ngày chúng tôi chứng kiến hàng đoàn xe bít bùng chở sĩ quan viên chức VNCH vào các trại tập trung

Tôi về quê vợ ở Thủ Đức cho gần Biên Hòa hơn và đây là tuần lễ dài nhất trong đời tôi và cũng là thời gian “khổ nạn”. Hàng đêm tôi và nhà tôi quỳ cầu nguyện, lần chuỗi trong lo âu sợ hãi. Mỗi sáng sớm với ba-lô trên vai, trong có mấy bộ quần áo, 1 chiếc mền và ít đồ dùng cá nhân, tôi và nhà tôi chia tay trong nước mắt vì nghĩ rằng đây là lần gặp mặt cuối cùng, tôi lên Biên Hòa, vào trại tập trung, không còn trở về nữa. Rồi trong suốt chặng đường xe lửa từ Thủ Đức lên Biên Hòa, tôi không ngừng lần Chuỗi Mân Côi. Trong thời gian “tập huấn”, nhóm 13 anh em biệt phái lợi dụng giờ giải lao, chúng tôi gặp nhau trao đổi và sau cùng đi đến quyết định là sau khi kết thúc lớp “tập huấn”, anh em sẽ đi trình diện Phòng Giáo Dục, xin vào “trại học tập” gần nhất, “học cho xong” để yên tâm trở về dạy học.

Khóa học kết thúc, 13 anh em giáo chức biệt phát do tôi dẫn đầu đi bộ vào Phòng Giáo Dục ở Hố Nai, “nộp mình cho quân dữ”. Mới được nửa đường thì thình lình Hai Thành từ trong đi ra. Hai Thành hất hàm hỏi: các thầy đi đâu đây? Tôi trả lời: anh Hai à, tụi em vô Phòng Giáo Dục xem có “trại học tập” nào gần đây, xin vô học tập rồi mới về dạy cho yên trí. Với một thái độ kẻ cả, hách dịch, Hai Thành chỉ thẳng tay ra phía đường xe, gằn giọng quát to: tôi đã bảo các thầy ở lại dạy học, về, về, không đi đâu hết. Rồi Hai Thành giận dữ đi thẳng, không thèm ngó lại. 13 anh em lững thững ra đường đón xe về nhà.

Mãi đến bây giờ, sau 40 năm sự kiện xẩy ra, tôi vẫn không hiểu tại sao vào ngày đó, giờ phút đó, trên con đường đất đó, 13 anh em sĩ quan biệt phái đang trên đường đi vào “nộp mạng” thì Hai Thành cũng ngày đó, giờ phút đó, trên con đường đó lại từ trong đi ra để ra lệnh cho chúng tôi bỏ hẳn ý định dại khờ như vậy. Cuộc ĐỤNG ĐẦU “thần kỳ” này “ăn khớp” chính xác không khác gì 2 phi thuyền ráp nối trên không gian, đã cứu chúng tôi thoát khỏi bao nhiêu năm tù đầy, nhục nhã, bị hành hạ trong các trại khổ sai biệt xứ mà nhiều người cùng cảnh ngộ đã phải chịu và không ít người đã vùi thây trong các địa ngục trần gian do chế độ Cộng Sản phi nhân tạo ra. Theo tin tưởng của tôi, Chuỗi Mân Côi chính là sợi dây nối với quả chuông trên TRỜI nên khi lần Chuỗi Mân Côi là chúng tôi KÉO dây chuông kêu cứu và được đáp ứng vậy

Đến đây xin nói một chút về Hai Thành. Trong một lần có việc, tôi tới văn phòng Hai Thành vào dịp Lễ Giáng Sinh. Trên góc bàn làm việc của Hai Thành, có tượng con chiên chân bị bể. Bất chợt Hai Thành cầm con chiên lên nói: thầy biết không, tôi là con chiên bị gẫy chân đây. Sau này tìm hiểu thì biết Hai Thành người Ba Làng, Thanh Hóa, một vùng hầu như toàn tòng Công Giáo. Đức Mẹ đã sắp xếp để không một ai khác mà Hai Thành, người Công Giáo bỏ đạo, nhưng còn chút ít lương tâm đạo giáo đến “tiếp thu” và cứu chúng tôi

2. Chuyến thoát hiểm lạ kỳ

Tôi trở lại trường bàn giao chức hiệu trưởng cho anh bạn ít dính líu với chế độ cũ vì lúc trước, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, anh ta chỉ học quân sự có 8 tuần. Tôi đảm nhận dạy Anh Văn các lớp đệ nhị cấp và Nhạc các lớp đệ nhất cấp. Tuy nhiên, nhờ nắm trong tay tấm giấy chứng nhận giáo viên đã học tập chính trị nên tôi luôn tìm cơ hội “đào vi thượng sách” vì nghĩ rằng sớm muộn gì cũng bị Cộng Sản bắt, do bản thân có quá nhiều “tội”: Bắc kỳ di cư, Công Giáo, trung úy biệt phái (“ngụy quân”), Hiệu trưởng (“ngụy quyền”), du học Mỹ về (CIA). Theo gương cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, giả bệnh đau mắt không ra cộng tác với Pháp, tôi chuẩn bị một kịch bản khá chu đáo. Nhân dịp Sử, một giáo viên ở Bắc vào hay đọc thơ Tố Hữu cho tôi nghe và đã bị tôi sửa lưng bằng câu “Với sức người sỏi đá vẫn còn nguyên”, đến “thuyết pháp” tôi về chủ nghĩa Mác Lê và ca tụng đồng chí Staline vĩ đại kèm theo câu thơ “Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin”. Tôi khen các cháu ngoài Bắc sao thông minh quá, vừa bắt đầu nói mà đã phát âm được chữ Xít-ta-lin. Trong Nam, con nít tuổi đó chỉ bập bẹ “ba ba”, “ma ma” là cùng. Thấy Sử có vẻ đắc ý, tôi than: anh Sử à, lúc này sao tôi thấy đầu nhức quá (mà nhức đầu thật, ai cũng vậy), sau đó mắt mờ hẳn đi. Sử kêu lên: thôi nguy rồi, đó là bệnh “thiên đầu thống”, chỉ có miền Bắc mới chữa được thôi. Vô tình, Sử “vẽ đường cho tôi (hươu) chạy”. Từ đó, lâu lâu tôi lại than, đôi khi còn lấy bông gòn bịt một mắt rồi đeo kính mát vào dậy học. Rồi ngày diễn kịch đã đến, tôi cho học sinh dịch một bài Anh Văn sang tiếng Việt và trong khi trò chăm chú làm bài thì thầy té rầm trên bục giáo sư, hai mắt nhắm nghiền. Cả lớp nhốn nháo, nhiều trò thương thầy khóc rống lên. Bốn trò nam lực lưỡng chạy lên khiêng thầy vào văn phòng, trong khi thầy vẫn nằm ngay đơ. Nửa giờ sau thầy lồm ngồm ngồi dậy, nhờ đứa cháu đang dạy lớp đưa về nhà bà nội và 2 giờ sau thầy đã ngồi xe về Thủ Đức an toàn, để lại sau lưng tiếng đồn: thầy Huyến té mù cả 2 mắt không dạy học được nữa. Đúng là “đi với ma thì phải mặc áo giấy”. Vậy mà sau 3 tuần lễ cáo bệnh ở nhà, công an còn phái Sử xuống tận Thủ Đức 'thăm', xem tôi ở nhà hay giả bệnh trốn vô bưng gia nhập lực lượng Phục Quốc.

Sau đó ít lâu, tôi xin vào làm việc cho ông Chín Diệp, giám đốc công ty hợp doanh xây dựng cầu đường sắt thống nhất từ trong Nam ra tới Đà nẵng. Chín Diệp là doanh nhân tỷ phú miền Nam chuyên xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị cho các hãng xưởng. Cộng Sản đã cướp Miền Nam và cướp luôn cơ sở của ông nhưng vẫn cho làm giám đốc. Nhờ vậy, Chín Diệp đã giúp được nhiều người, thâu nhận các nhân viên chế độ cũ như thư ký, hành chánh, kế toán, kỹ sư, kỹ thuật viên, v.v. Chín Diệp là phụ huynh trường Nữ trung tiểu học Thủ Đức nơi nhà tôi làm hiệu trưởng nên tôi được thu nhận dễ dàng, lại còn được ưu đãi.

Nhiệm vụ của tôi là tháp tùng giám đốc đi thanh tra các công trường và thu tập các dữ kiện để viết diễn văn cho giám đốc đọc trong lễ khánh thành công trình. Do đó, tôi biết được nhiều truyện, nhất là việc ông Chín Diệp đang giao cho quản đốc công trường cầu Kỳ Lam ở sâu trong rừng đóng tầu cho gia đình vượt biên và ông đồng ý cho tôi đi theo. Đó là tầu sắt, được kiểm tra kỹ lưỡng do các kỹ sư và chuyên viên từng du học ngoại quốc

Tầu vượt biên khởi hành tại bến đáp an toàn nằm sâu trong rừng vào một đêm trăng sáng. Theo lộ trình từ sông Đà Rằng, chúng tôi sẽ vượt thoát ra cửa Hội An rồi trực chỉ Hong Kong. Sau 2 tiếng đồng hồ “xuôi chèo mát mái”, tầu bỗng dưng ngừng lại, tài công đạp chân “ga” mấy lần, tàu vẫn không nhúc nhích. Hoa tiêu nhảy xuống sông kiểm tra mới biết chân vịt cắm ngập trong đụn cát dưới lòng sông. Tài công phải gài số “de” để gỡ chân vịt ra khỏi đụn cát rồi tiếp tục cuộc hành trình. 45 phút sau, tàu lại ngừng, không nhúc nhích như trước. Hoa tiêu lại nhảy xuống nước kiểm tra thì chân vịt không còn nữa, đã trôi theo dòng thủy triều. Lý do thất bại là vì mọi chuẩn bị đều chu đáo, nhưng tài công và hoa tiêu không phải địa phương, không thuộc lòng sông và không biết thủy triều xuống trước nửa đêm nên đụng cồn cát và gẫy mất chân vịt.

Trước thất bại như vậy, Chín Diệp rất bình tĩnh. Ông ra lệnh cho hoa tiêu và tài công lo đưa tàu về lại công trường, rồi mướn ghe đưa tất cả trở về bãi đáp, ai về nhà ấy, đợi chuyến sau. Tuy nhiên, ghe vừa về tới bãi đáp thì 2 công an đã đứng chờ sẵn với đèn “pin” trong tay. Tôi nghe rõ tiếng giọng Bắc quát to: lên, lên hết, rồi công an chiếu đèn về phía tay trái, mọi người ríu ríu đi về phía đó, sợ hãi và thất vọng. Đến lượt tôi bước ra khỏi ghe thì may quá, một đám mây che khuất mặt trăng và trong khi 2 công an đang chăm chú theo dõi dòng người đi về phía trái, tôi vội rẽ sang phải và lẻn vô rừng

Tôi đi giữa rừng già, giữa những lùm cây rậm rạp khi trăng đã ngả về hướng tây. Ôi, tả làm sao tâm trạng của tôi lúc đó: hoảng loạn, mất phương hướng, lo âu, sợ hãi tột cùng. Tôi nghe tiếng tôi kêu thất thanh: Mẹ ơi, xin cứu con, con chết mất, con lạc giữa một vùng hoang địa biết đi về đâu. Thế rồi không biết gì nữa, tôi như người mộng du, chân cứ bước, miệng đọc “Kính mừng Maria...”, tay bấm từng đốt theo lời kinh “Kính Mừng… Thánh Maria…” cho tới khoảng 1 giờ sau, nghe tiếng chó sủa, tôi mới đi về hướng đó và rồi thấy con đường mòn

Đi trên đường mòn chừng nửa tiếng, tôi thấy ánh đèn pha chiếu vút qua đầu. Linh tính cho biết là tôi đang bị săn đuổi vì khi cả tàu bị bắt thì tất cả tội lỗi sẽ đổ trên đầu người vắng mặt. Do đó, tôi trốn trong lùm cây bên đường quan sát. Và đúng như dự đoán, xe công an có 2 người vừa chạy chậm vừa quét đèn pha tìm kiếm phía trước, bên phải, bên trái. Đi chừng 20 phút thì xe trở lại, cũng quét đèn tìm kiếm như trước. Đợi xe công an đi thật xa tôi mới ra khỏi lùm cây tiếp tục đi về hướng cũ. Chừng nửa giờ sau, ánh đèn pha lại chiếu vút trên đầu. Tôi nghĩ rằng chúng nhất quyết bắt tôi cho bằng được để khai thác và tôi lại nhảy vào lùm cây trốn. Xe tiếp tục truy quét rồi trở lại lục tìm như trước nhưng không tìm ra tôi. Lúc này trời hơi mờ mờ sáng và tôi đã nghe văng vẳng thật xa tiếng xe chạy trên đường lộ. Đi thêm chừng 1 cây số nữa, tôi tới bìa làng nhưng không dám tiếp tục ra đường lộ đón xe vì nghĩ rằng không bắt được tôi, công an đã bố trí bắt tôi ngoài đường lộ khi tôi ra đón xe về Nam.

Vì thế, tôi rẽ vô đường làng, đến ngôi nhà đầu ngõ định xin trú chân phần vì quá mệt mỏi, phần thì muốn ở trọ đến trưa, chờ khi công an bỏ cuộc mới ra đón xe về Nam. Nghe tiếng gõ, chủ nhà ra mở cửa, trông khoảng trên 50. Tôi nói: thưa bác, tôi ra thăm người chị, sáng sớm ra đón xe bị lạc đường, lại bất thần bị chóng mặt nhức đầu quá, xin Bác cho tôi nghỉ chân một lúc, dễ chịu hơn rồi tôi sẽ đi đón xe. Chủ nhà hỏi giấy, tôi đưa giấy học tập chính trị. Xem xong, chủ nhà không nói gì, đi vào trong và ít phút sau, ông ra khỏi nhà, mặc quần áo bộ đội với chiếc nón cối. Tôi đứng yên tái mặt vì biết rằng đã bước vào “ổ kiến lửa”. Biết làm gì hơn, tôi lại tiếp tục kêu: Mẹ ơi, cứu con và lẩm bẩm đọc kính Kính Mừng. Nửa giờ sau, chủ nhà trở về, theo sau là công an khu vực mặt mày hắc ám. Hắn nhìn tôi dò xét rồi cũng như chủ nhà, hỏi giấy tờ. Tôi lại đưa giấy học tập chính trị, hắn xem kỹ, thấy có dấu đóng đỏ choét, yên trí bỏ đi, không nói một câu. Sau này nghĩ lại, tôi thấy mình bày câu truyện quá ngu và chủ nhà cũng như công an khu vực cũng ngu luôn. Chỉ cần chúng hỏi chị anh tên gì, nhà ở đâu là tôi bị lộ tẩy, bị bắt và bị tra tấn dã man để khai thác vì chúng có thể nghi tôi từ trên núi xuống hoạt động. Chúng ở địa phương, biết tên từng người, từng nhà. Lạy Mẹ, con cám ơn Mẹ, Mẹ đã cứu con, Mẹ che mắt những kẻ có thể bách hại con để chúng không hỏi những câu đáng hỏi.

Sau khi công an khu vực đi khỏi, chủ nhà cũng ra đi và bà chủ ra đuổi khéo: chú à, chú không thể ở đây được, tôi có công việc phải đi ngay. Tôi phải ra đi nhưng nghĩ rằng nếu công an rình bắt, nhất là nếu chúng dẫn theo một người tại công trường để nhận diện, người đó sẽ nhìn ra tôi. Tôi nói: chị à, tôi bị nhức đầu quá, chị có cái nón nào cho tôi xin một cái che đầu vì trời nắng, tôi sợ bị nặng thêm. Bà chủ nhà cũng khá nhân đạo, đem cho cái nón rách, tôi vội đội lên đầu rồi đi thẳng vào rừng. Nghĩ lại, nếu Đức Mẹ không che chở, tôi lại bị công an khu vực truy nã và bị bắt vì bà chủ nhà khi thấy tôi thay vì ra đường lộ đón xe, lại vội vã đi vào rừng, tất sẽ báo cáo công an khu vực

Trở lại rừng già đi chừng 1 cây số, tôi kiệt sức quá nên thấy bụi cây rậm rạp, chui vào nằm vật xuống đất không biết gì nữa. Tôi thức giấc khi ánh mặt trời buổi trưa chiếu thẳng vào mắt. Vừa đưa mắt nhìn cây cối chung quanh, tôi thấy những con rắn đầu tam giác đang đuổi nhau, rồi lại thiếp đi cho đến khi mở mắt lần thứ 2 thì trăng đã mọc đồng thời nghe tiếng còi xe lửa hú từ xa. Tôi chỗi dậy, không cần nón nữa, đi về hướng còi xe lửa chừng hơn 1 giờ thì gặp đường rầy xe lửa. Mừng quá, không kịp suy nghĩ xem ga xe lửa nằm phía nào, tôi cứ đi đại về phía tay phải, giữa 2 đường rầy. Thật may, đi thêm khoảng 1 giờ nữa, tôi đến nhà ga nhỏ và thấy người nằm la liệt khắp nơi, phần lớn là dân buôn bán với quang gánh, bao bố đầy hàng hóa đang ngủ vật vờ để chờ chuyến xe sớm về phía Nam. Đúng 5 giờ sáng, xe vào trong ga và người người chen lấn chuyển hàng lên. Riêng tôi, vẫn còn e ngại công an tìm bắt, tôi đứng xa xa đến khi xe từ từ chuyển bánh mới nhảy lên toa chót rồi trà trộn vào đám con buôn.

Mười mấy năm sau khi đã định cư tại Hoa Kỳ, đọc báo Dallas Morning News tôi mới biết khu rừng mà tôi trốn chạy trong đêm hôm ấy, chính là chiến trường nơi đã xẩy ra nhiều cuộc giao tranh đẫm máu và còn sót lại rất nhiều mìn bẫy. Tờ báo tường thuật nhiều tai nạn chết người do dân trong vùng khai phá trồng trọt, đạp phải mìn bẫy phát nổ, bị tử thương hay cụt tay chân tàn phế.Thế mà trong đêm kinh hoàng đó, với đôi dép mòn, tôi đã đi dọc ngang tìm lối thoát thân bất kể rắn rết, bọ cạp và biết bao nguy hiểm khác. Tôi tin rằng nhờ đọc Chuỗi Mân Côi trong suốt cuộc đào thoát, Đức Mẹ đã dẫn chân tôi tránh mọi hiểm nguy, không đạp phải rắn độc hay mìn bẫy, lại che mắt công an, cán bộ Cộng sản để chúng không bắt tôi mặc dù những sơ hở của tôi khi tiếp xúc với họ

3. Hậu quả đau thương vì 'quên' lần Chuỗi Mân Côi.

Ngày 12 /1/1981 tôi cùng với gia đình em trai (mới ra trại cải tạo) vượt biên từ Mỹ Tho qua cửa Bình Đại, Bến Tre. Kế hoạch chuẩn bị khá chu đáo và 5 “taxi” đã chuyển 40 người lên “cá lớn” an toàn. Chúng tôi an tâm vì gia đình tài công đánh cá trên sông Tiền Giang lâu năm, biết rõ đường đi nước bước nên việc thoát ra cửa biển sẽ dễ dàng.

Và đúng như dự tính, chúng tôi thoát ra cửa Bình Đại khi trời mờ sáng, ngọn hải đăng Vũng Tàu phía tay trái nhấp nháy như nói lời vĩnh biệt và chúc “thượng lộ bình an”. Trời trong xanh, gió nhẹ, sóng không lớn. Tôi cảm thấy vô cùng hân hoan vì lần đầu tiên được thở không khí tự do, cảm thấy như từ nay vĩnh viễn thoát khỏi cảnh ngục tù. Sau hơn 2 giờ tiến ra đại dương, bất chợt tôi thấy mũi ghe quay trở lại. Tôi hỏi chủ tàu và tài công thì được trả lời: phía trước có dấu hiệu sóng to gió lớn, tạm hoãn chuyến này, chờ thời tiết tốt hơn.

Biết mình bị lừa gạt, tôi có gắng thuyết phục, rồi gây sự, nhưng trước thái độ hung hăng đe dọa của chủ ghe và đám tay chân, tôi đành thúc thủ, chuẩn bị kế hoạch thoát thân như đã trốn thoát ở miền Trung mấy năm trước

Ghe tới sát bờ thì bị sóng đánh nghiêng, ngập nước quá nửa, ngả nghiêng theo từng đợt sóng. Đoàn người trên ghe lầm lũi bước lên bãi, ngồi chụm vào nhau chờ công an đến bắt. Riêng tôi, vì tin tưởng vào kinh nghiệm và “tài” thoát hiểm lần trước, tôi hướng dẫn em trai và em vợ của chú, chia nhau mỗi người 1/3 lượng vàng còn lại, chạy thật xa khỏi đám người đang ngồi chụm với nhau. Sau khi chạy hơn 1 giờ, lội qua rất nhiều con rạch nhỏ, lại khuất nhiều khu rừng đước, chúng tôi cảm thấy an toàn. Dừng chân nghỉ chừng 15 phút, chúng tôi tiếp tục đi càng xa đám đông càng tốt và sẽ mướn 1 chiếc xuồng chở đến bến xe về lại Mỹ Tho.

Đi thêm chừng 10 phút nữa, chúng tôi thấy một người đang câu cua, áo quần vá chằng chịt có chiếc xuồng nhỏ. Tôi tới gần, bịa ra câu chuyện đi đánh cá chìm ghe, cố bơi vào bờ (cũng ngớ ngẩn như câu chuyện tôi bịa ra ở miền Trung năm trước). Tôi nói sẽ trả ông nhiều tiền để chở chúng tôi đến bến xe về Mỹ Tho. Tôi nghĩ người này nghèo quá, trả nhiều tiền chắc sẽ giúp mình trốn thoát an toàn. Ông ta bảo chúng tôi lên xuồng rồi vừa chèo vừa chống về phía tôi nghĩ là bến xe. Đi chừng 20 phút, ông cho chúng tôi lên bờ và dẫn vào làng. Người dân thấy chúng tôi đến tỏ vẻ niềm nở và khi nghe tôi kể câu chuyện đánh cá đắm tàu, tỏ ra thông cảm, tội nghiệp, rồi mời chúng tôi ngồi nghỉ chờ họ nấu cơm cho ăn. Chưa thấy nấu cơm thì công an khu vực đến, dẫn chúng tôi về đồn, và trên đường đi, hắn lấy hết vàng bạc tiền nong của chúng tôi.

Câu chuyện không có gì “hấp dẫn”, nhưng nói lên một điều quan trọng: không có Chuỗi Mân Côi, không kêu cầu Đức Mẹ mà ỷ vào kinh nghiệm và tài năng thì vô ích. Quả thật, trong chuyến vượt thoát này, tôi không đọc một kinh Kính Mừng, không hề nghĩ tới Chúa và Đức Mẹ mà chỉ cậy sức mình tìm đường thoát thân. Hậu quả là tôi bị bắt, bị giam trong phòng tối 3 tháng, lao động khổ sai 6 tháng, tổng cộng hơn 9 tháng mới được thả ra ngày 25/10/1981.

(Còn Tiếp)
Trần Văn Huyến