Tưởng chừng thế giới ngày càng văn minh, khoa học kỹ thuật nâng cao, nền kinh tế phát triển thì con người bớt đi cảnh nghèo đói, bênh tật. Những câu chuyện Lazaro và người phú hộ trong Tin Mừng chỉ đau xót cho một thời lạc hậu, xa xưa như chuyện cổ tích, nhưng dường như cái nghèo, cái khổ, bệnh tật cứ đeo bám con người trong mọi thời đại. Xã hội hôm nay càng phân cấp rõ rệt, kẻ nghèo khó, kẻ thấp cổ bé họng ngày càng rơi vào cảnh khốn cùng hơn! Kể nắm quyền lực lại càng mưu mô xảo quyệt hơn. Vào lúc con người cần được giúp đỡ thì chính lúc đó họ bị gỡ ra khỏi môi trường sống với lý do chinh đáng là không làm việc được nữa, họ mãn nguyện về điều đó, nhưng họ không biết rằng họ đang tâm từ chối miếng bánh vụn của Lazaro và đang dẫn Lazaro đến gần sự chết âm thầm, họ cho đó là công lý họ hả hê trong quyết định của họ. Tôi được biết cha Phaolô Nguyễn Công Minh khi sống, Ngài bị bệnh Parkinson rất nặng, Đức Cha Vinh sơn Bản không nỡ cất ngài khỏi môi trường ngài đang sống, vẫn để ngài coi xứ Vinh Hương nhưng tăng cường thêm một cha phó, làm như vậy để tâm lý ngài được ổn định và được giáo dân giúp đỡ cho đến khi chết. Một cái chết thật đẹp của đời Mục tử giữa đoàn chiên.
Đi dọc cuộc đời tôi đã biết nhiều đến cảnh mất mùa, bão lụt, không lương thực, nhất là người già và trẻ em, có nhiều người đến xin không phải là xin ăn mà là xin thuốc men... họ là những người thực sự là nghèo khó cần giúp đỡ...
Quay lại câu chuyện Lazaro đang nằm ngoài cánh cổng nhà ông phú hộ, ông không biết ngay cả đến sự hiện diện của Lazarô, vì nếu biết thì đây sẽ là một vết nhọ trét vào địa vị của ông. Lazarô bị xem như “ô uế” bệnh tật vì mình đầy lở loét mà thỉnh thoảng chỉ có mấy con chó đến liếm vào. Lazarô nằm ở ngay cổng nhà chứ không phải trong xó xỉnh, và như thế sự hiện diện của ông trở nên quá rõ ràng, chình ình ngay trước mắt. Lazarô chỉ muốn những thứ mà ông phú hộ xem như rác rưởi, và không giống như ông phú hộ, Lazarô không tìm kiếm của ăn ngon hay để nuôi tấm thân cho béo tốt.
Có thể nào cánh cửa nhà phú hộ lại được xem như chỗ công cộng, yến tiệc linh đình nơi nhà phú hộ có thể cho thấy cánh cửa nhà ông là một lối đi dập dìu người qua lại. Một nhà nghiên cứu cho rằng Lazarô có thể là người làm công cho ông phú hộ. Khi Lazarô bệnh tật không làm việc được nữa, ông bị sa thải, và có thể đã được đem đến trước cửa nhà riêng này với hy vọng người chủ cũ có thể giúp đỡ ông. Trong câu 23, người phú hộ nhận ra Lazarô và biết tên ông rõ ràng, như vậy cũng có vài bằng chứng thuyết phục cho giả thiết này. Một mối liên hệ trước đấy có thể giải thích được lý do Lazarô được dặt nằm ở cánh cổng nhà này.
Dù ý định của Lazarô nằm trước của nhà phú hộ là gì đi nữa thì ông cũng không có tham vọng gì. Theo Thánh Augustinô, Lazarô chỉ muốn những của ăn mà người phú hộ vất đi chứ không lấy bất kỳ của cải nào của ông ấy. Thật mỉa mai khi ở trần thế Lazarô ước ao những mảnh vụn rơi từ bàn ăn của ông phú hộ thì chính ông này lại ao ước một giọt nước từ ngón tay của Lazarô để làm dịu đi khổ hình nơi âm phủ. Sự hoán đổi này trở nên quá rõ ràng trong diễn biến tiếp theo của câu chuyện.
Kinh Thánh nói rằng ông nhà giàu kia chết và Lazarô cũng chết nhưng được thiên thần đem vào lòng Abraham. Do có địa vị, ông phú hộ có lẽ được chôn cất tươm tất, áo mão cân đai phù hợp với sự giàu có. Augustinô viết rằng Lazarô bị vất bỏ và không chôn cất song được các thiên thần đưa đi, nằm trong khi nấm mồ bằng cẩm thạch cũng không giúp gì cho ông phú hộ đang kết thúc cuộc đời nơi khổ hình.
Sự đảo lộn trật tự sau khi chết đã trở nên hiển nhiên. Nhìn lên thấy Lazarô cúi xuống, ông phú hộ vẫn cư xử y như khi mình vẫn còn những quyền lực. Ông bảo sai Lazarô đến với ông, làm như Lazarô vẫn còn là đối tượng cho ông sai khiến. Không chút hối tiếc vì thiếu lòng thương cảm đối với Lazarô nghèo khổ, ông phú hộ còn đòi Lazarô rời bỏ nơi tiện nghi của mình, chạy vào nơi khổ ải để phục vụ ông. Ông phú hộ cầu xin sự trợ giúp mà ông đã không muốn ban bố cho Lazarô. Ông vẫn còn bám víu vào ảo tưởng rằng ngay trong cõi chết ông vẫn còn sai khiến được Lazarô. Quen với thói quan quyền truyền lệnh là phải làm, lệnh của ông phú hộ giờ đây vô hiệu nơi âm phủ. Thánh Phêrô Kim Ngôn viết rằng ông phú hộ ghen tức với Lazarô giờ được ở nơi ưu đãi. Ông tức vì người bị ông khinh miệt giờ lại vui hưởng hạnh phúc. Ý muốn duy nhất của ông là làm dịu đi cái lưỡi mà khi còn ở trần thế nó chỉ biết hưởng của ngon vật lạ mà chẳng hề biết thốt ra những lệnh truyền có tính thương xót hay quảng đại. Ông phú hộ hoàn toàn không hay biết gì về hiện trạng của mình nơi âm phủ. Ông buộc phải hạ mình xuống khi nhận quen với Lazarô, kêu tên Lazarô trong một nỗ lực nhục nhã để cầu xin lòng thương xót của Abraham.
Cái vực thẳm không bước qua được từ bất kỳ hướng nào, nó được sánh với cái cánh cửa chia cách. Trong khi cánh cửa nhà phú hộ có thể biểu tượng cho vực thẳm sau cái chết, thì vẫn còn đó một khác biệt rất lớn. Ông phú hộ có thể loại bỏ vực thẳm trần thế này: nếu ông không muốn mời Lazarô vào nhà thì ít ra cũng sai đầy tớ đem cho những của dư thừa mà ông đã vất đi. Cái vực thẳm bất khả vượt qua chính là trái tim của ông phú hộ, nó ngập ngụa thói kiêu căng và ích kỷ và quyền lực đến nỗi không cho phép vượt qua khoảng cách giữa ông và Lazarô.
Khi thấy mình sẽ không được ai giúp đỡ, ông phú hộ lại quan tâm đến anh em của mình. Sự quan tâm của ông đối với các anh em mình vẫn còn cho thấy ông chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của phe nhóm mình mà thôi. Ông không quan tâm gì đến cảnh khốn khổ của người nghèo tuyệt vọng như Lazarô.
Suốt câu chuyện, Lazarô chẳng có một tiếng nói. Không dám thốt lên một tiếng xin xỏ, ông hoàn toàn tùy thuộc vào lòng tốt của tha nhân. Ông phú hộ không cần phải đi đâu xa vời để tỏ lòng thương xót. Ông chỉ cần ra ngoài cổng cánh cỬữa nhà ông. "Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn." 20 năm nữa chúng ta cũng vậy.
Câu chuyện nhắc cho chúng ta ngay khi còn sống trong đời thường, phải có lòng quảng đại và bác ái luôn nghĩ đến những đau khổ của tha nhân, đó là những điều mà chúng ta sẽ bị xét xử trong ngày sau hết của đời ta. Ngài sẽ không hỏi chúng ta làm đến chức vị nào, tài giỏi đến đâu, mà hỏi chúng ta có thương yêu anh em hay không mà thôi.
LM Raphael Trần Xuân Nhàn