Biến cố Phục Sinh
(22.04.2019 – Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh)
Tin Mừng: Mt 28,8-15
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
8 Khi ấy, các người phụ nữ vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.
9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói : “Chào chị em !” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. 10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà : “Chị em đừng sợ ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”
11 Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. 12 Các thượng tế liền họp với các kỳ mục ; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, 13 và bảo : “Các anh hãy nói như thế này : Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. 14 Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.” 15 Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.
Biến cố Phục Sinh
Ghi nhớ:
Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28, 10).
Suy niệm:
Qua bài Tin Mừng Thánh Matthêu trình bày về Chúa Giêsu nói với các người phụ nữ đi thăm mộ Chúa, với sự sợ hãi của các bà như là một phản ứng thần học, một sự cảm nghiệm siêu nhiên hơn là tâm lý. Mặc dù trong xã hội Do Thái thời đó, thân phận người phụ nữ không được coi trọng, thậm chí bị hạ thấp đến mức tột cùng, cùng trong xã hội phong kiến của một số nước Phương Đông như: Trung Hoa, Việt Nam, Ấn Độ… luôn có những tư tưởng phân biệt “trọng nam khinh nữ” đối xử theo giới tính, trong đó nam giới được coi trọng hơn phụ nữ theo kiểu “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Người xưa quan niệm rằng có một người con trai còn hơn cả mười người con gái. Ngày nay, khi chế độ phong kiến bị sụp đổ, xã hội đi vào hiện đại hóa và đã có rất nhiều phong trào đấu tranh nổi lên dành quyền bình đẳng cho phụ nữ. Người phụ nữ được bình đẳng tham gia vào các hoạt động xã hội, làm kinh tế và không còn lệ thuộc vào đàn ông nữa. Tuy nhiên, sự bình đẳng hẳn nhiên không phải tất cả người phụ nữ nào trên thế giới cũng có được, và vẫn còn đâu đó những bất công tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhưng chính lúc bấy giờ phụ nữ lại góp phần quan trọng loan báo Chúa sống lại, Ngài đã hiện ra trao sứ mạng cho các chị em loan báo tin vui cho các Tông đồ: “Và kìa, Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người, bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: “Các chị em đừng sợ! về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”(Mt 28, 9-10). Lời chào cũng là lời kêu gọi vui lên vì niềm vui ơn cứu độ do Chúa Phục Sinh mang lại cho tất cả muôn dân trên mặt đất này.
Đây cũng là sự diễn tả Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra ưu ái trao tác vụ cho các bà, và ngay trong Công Đồng Vantinô II trong hiến chế “ánh sáng muôn dân” mỗi giáo dân dù nam hay nữ, phải làm chứng về Chúa Giêsu bằng chính cách sống thánh thiện của mình ngay tại công sở hay môi trường sống, phải thờ phượng kính mến Thiên Chúa, rao giảng lời Chúa ngay từ gia đình và xã hội.
Sau biến cố Phục sinh mọi công việc hay sinh hoạt của chúng ta được phát xuất từ lòng mến, tình yêu Chúa Giêsu ban tặng. Mầu nhiệm Phục sinh của Chúa được lưu truyền, từ thế hệ này qua thế hệ nối tiếp, giúp chúng ta nhìn chính mình, nhìn lại sự yếu đuối, mỏng dòn, tội lỗi con người vấp phạm, để từ nay mỗi giây phút sống hằng ngày của chúng ta đều có Chúa Phục Sinh hiện diện.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Phục Sinh! Xin cảm tạ hồng ân và tình yêu Chúa đã ban tặng cho mỗi người. Vì thế, chúng con nài xin Thiên Chúa luôn đổ tràn xuống tâm hồn để chúng con biết ra đi, làm chứng và loan báo Tin Mừng vào mầu nhiệm Phục sinh vinh hiển của Chúa luôn là dấu chỉ cho sự sống đời đời mai sau. Amen.
Khuyết Danh