28 Tháng Ba 20241:20 CH(Xem: 17)
Sáng nay là Thứ Năm Tuần Thánh, tôi nhận được một cú điện thoại viễn liên của cô Agnes. Cô Agnes xin tôi cho cô địa chỉ một Dòng tu nào đó để cô xin 30 lễ cầu nguyện cho linh hồn Giuse là ba của cô vừa qua đời.
28 Tháng Ba 202412:51 CH(Xem: 20)
Ngày 26/3/2024 vừa qua, vợ chồng tôi đã tham dự buổi cầu nguyện cho linh hồn cụ Giuse, ba của cô Kim Anh. Cô Kim Anh lúc trước là xướng ngôn viên của Radio Giờ Của Mẹ. Cụ Giuse năm nay 89 tuổi. Một điều lạ lùng trong đời cụ là
28 Tháng Ba 202412:16 CH(Xem: 16)
Nguồn: Spiritdaily.com Khi Chúa Giêsu chết trên cây thánh giá thì trời đất bỗng trở nên tối đen. Đó là dấu hiệu Thiên Tính của Ngài. Tin Mừng Thánh Mattheu 27: 54 nói rằng:
26 Tháng Ba 20249:00 CH(Xem: 36)
Có một thanh niên trong giáo xứ đã chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống hôn nhân. Anh ngậm đắng nuốt cay vì người vợ của anh rất hay nóng giận và hung dữ. Chị luôn nói những lời nặng nề khi chị không hài lòng về một điều gì đó.
23 Tháng Ba 20249:13 CH(Xem: 57)
Nguồn: Spiritdaily.com Cô Yamilexis Fernandez chia sẻ cảm nghiệm là cô nhận được ơn lành tìm thấy Chúa và được Chúa giải thoát khỏi tà thuật.
22 Tháng Ba 20245:00 CH(Xem: 61)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and.../ Điều quan trọng nhất là hãy yêu thương. Ông Vincent nói rằng điều chính yếu nhất là cần yêu thương mọi người dù là ở trong bất cứ trường hợp nào. Trên hết mọi sự là hãy ở trong tình yêu Thiên Chúa.
22 Tháng Ba 20244:12 CH(Xem: 54)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and-was-told-what-was-about-to-hit-earth-put-your-phones-away/ Ông Vincent tuyên bố rằng ông ấy đã từng chết rồi. Ông được báo cho biết về tình hình của trái đất. Ông bảo: "Hãy đặt điện thoại của bạn xuống!"
22 Tháng Ba 202412:05 SA(Xem: 66)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. LỜI CẦU NGUYỆN DÂNG ĐỜI SỐNG Lạy Chúa Giêsu kính yêu, trước sự Hiện Diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, trước Nhan Thánh của Đức Mẹ Thiên Đàng và Triều Thần Thiên Quốc trên Trời, con xin dâng cuộc đời con theo như ý chỉ của Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẫu Tâm Vô Nhiễm Mẹ Rất Thánh Maria.
21 Tháng Ba 20246:41 CH(Xem: 74)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie dâng hiến cuộc đời và những lời hứa của Thiên Đàng Trong năm Thánh Mẫu (1983-1984) Đức Trinh Nữ Maria nói với tôi rằng:
21 Tháng Ba 20245:09 CH(Xem: 71)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie không được nhiều người trong Giáo Hội biết đến Nữ tu Natalie gửi những thông điệp cứng rắn đến cho Giáo Hội Công Giáo tại nước Hung Gia Lợi. Đó là những lời khuyên mọi người hãy rời khỏi những cung điện. Hãy làm việc thống hối. Hãy phân phát những của cải cho người...

Khoá Tiến Cấp 1 (Thỉnh Sinh), và bài thi Tiến Cấp một.

11 Tháng Ba 202012:38 CH(Xem: 2290)

daminh7Khoá Tiến Cấp 1 (Thỉnh Sinh), và bài thi Tiến Cấp một

Kính gởi quí anh chị,

Xin gởi đến quí anh chị Trưởng, Huấn Đức, và ban huấn luyện bài khoá Tiến Cấp 1 (Thỉnh Sinh), và bài thi Tiến Cấp một.

Quí anh chị có thể dùng các bài khoá này làm tài liệu tham khảo và huấn luyện theo nhu cầu của địa phương.

Sẽ tiếp tục gởi đến quí anh chị các bài khoá Tiến Cấp khác trong tương lai.

Kính chúc quí anh chị sống mùa Chay Thánh tràn đầy Ân Sủng của Thiên Chúa.

Trong Thánh Phụ Đaminh,

Ts. Giuse Đặng Quốc An, O.P.


Đề Tài I: PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

Thiên Chúa đã dùng cách nào để tạo dựng muôn loài, muôn vật?
Khi tạo dựng vũ trụ cùng muôn loài muôn vật. Thiên Chúa đã dùng lời quyền năng để tuyên phán là chúng liền có. Nhưng để tạo dựng con người, Thiên Chúa có cả một kế hoạch và một trình tự khéo léo.

Sách Sáng Thế (1, 26-30) diễn tả việc Thiên Chúa tạo dựng con người như thế nào?
Sách Sáng Thế (1, 26-30) diễn tả việc Thiên Chúa tạo dựng con người một cách đặc biệt và kỳ diệu. Trước hết Ngài đặt kế hoạch: “Ta hãy làm ra con người…” (St 1, 26). Sau đó Ngài chọn mẫu rất hoàn hảo và cao quý, đó là hình ảnh của chính Ngài (St 1, 27). Cuối cùng Ngài thực hiện.

Khi đã tạo dựng con người rồi, Thiên Chúa ban cho họ những đặc ân nào?
Thiên Chúa ban cho họ trí khôn minh mẫn, ý chí luôn hướng về điều thiện, sống hạnh phúc, có tự do và được làm chủ vạn vật.

Con người có một phẩm giá như thế nào?
Vì được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa và được Thiên Chúa yêu thương nên con người có một phẩm giá cao quý tuyệt vời.

Con người có gìn giữ được phẩm giá cao quý đó mãi không?
Vì lạm dụng tự do Thiên Chúa ban, con người đã bất tuân mệnh lệnh của Ngài: Nguyên tổ A-dam và E-va đã phản bội, nên phẩm giá con người bị tổn thương, lý trí và tiếng lương tâm bị lu mờ, luôn luôn hướng về điều xấu, dễ bị lầm lạc.

Thiên Chúa có để con người bị huỷ diệt trong tội lỗi không?
Ngài không nỡ để con người bị huỷ diệt trong tội lỗi nên đã ban Lời Hứa và ký kết với con người một giao ước: Ngôi Lời sẽ nhập thể để cứu độ con người.

Nhờ đâu phẩm giá cao quí của con người được phục hồi?
Nhờ Đức Giêsu Kitô “Ngôi lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14), Thiên Chúa đã nâng con người lên, trả lại cho con người “Hình ảnh Thiên Chúa” và phục hồi phẩm giá cao quí mà họ đã đánh mất vì tội lỗi.

Con người phải làm gì để sống đúng với phẩm giá cao quí của mình?
Con người phải phấn đấu thực hiện Hiến Chương Nước Trời (Mt 5, 3-12) là những tiêu chuẩn để con người (con Chúa) nêu cao phẩm giá của mình, và đem tinh thần Tám Mối Phúc Thật vào cuộc sống của mình và những người chung quanh, để mọi người đều cảm nghiệm được hạnh phúc đích thực.

Những mẫu gương nào đã nêu cao phẩm giá con người?
Các Thánh như Mat-ti-nô, Ca-ta-ri-na, Ro-sa Li-ma và biết bao vị Thánh khác đã nêu cao tinh thần con Chúa qua tinh thần Tám Mối Phúc Thật. Các ngài đã dành cả cuộc đời để nâng cao phẩm giá con người và mong ước mọi người đều sống đúng với phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho khi Ngài tạo dựng.

Chúng ta phải làm gì để sống xứng đáng với phẩm giá cao quý của mình?
Chúng ta phải tôn thờ, phụng sự Thiên Chúa; biết yêu thương nhau cũng như làm cho vũ trụ này ngày càng thêm tốt đẹp.


Đề Tài II: NHÂN BẢN THEO TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC

Nhân bản là gì?
Nhân bản là những đức tính tốt và kiên vững giúp cho con người dễ dàng làm việc thiện.

Đối với con người, nhân bản cần thiết như thế nào?
Nhân bản làm nên tính cách của con người.

Thánh Phao-lô tông đồ dạy thế nào về đời sống nhân bản?
Thánh Phao-lô tông đồ dạy: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng” (Gl 6,4-5,7-9).

Muốn rèn luyện nhân bản ta phải làm gì?
Ta phải nhờ ý chí của mình và ân sủng của Chúa, mà cố gắng rèn luyện những điều tốt để trở thành những thói quen kiên vững.

Hiến Pháp Dòng Thuyết Giáo số 99 đã khẳng định thế nào về việc rèn luyện nhân bản?
Hiến pháp Dòng khẳng định: “Anh em hãy trau giồi các đức tính nhân bản kẻo lời giảng khuyên của anh em ra vô ích”.

Phẩm giá cao quý của con người được tôn trọng hệ tại điều gì?
Phẩm giá cao quý của con người không những hệ tại lý trí mà còn hệ tại nhân cách, phẩm chất và phong cách sống.

Theo truyền thống dân tộc Việt Nam, muốn trở thành một con người toàn diện chúng ta cần phải luyện tập về những phương diện nào?
Phải luyện tập về: Trí dục, đức dục, thể dục và huấn nghệ. Ngoài ra, chúng ta phải rèn luyện đức tín nhân bản của cha ông để lại.

Nhân bản theo truyền thống dân tộc chú trọng đến những đức tính nào?
Chú trọng đến đức tính: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Ngoài ra còn có thể kể đến đức tính Dũng cảm.

Theo truyền thống dân tộc, muốn tu thân chúng ta cần rèn luyện các đức tính nào?
Cần rèn luyện các đức tính:
Chuyên cần: Siêng năng, chăm chỉ làm việc (Về tri thức cũng như chân tay, và làm đến nơi, đến chốn để có kết quả”
Tiết Kiệm: Biết sống tiết độ, chừng mực, chế ngự đam mê, giữ cho con người có được sự quân bình
Thanh Liêm: Trong sạch, không hố lợi lộc, tham lam của cải bất chính
Chính Trực: Ngay thẳng, nghiêm chỉnh, trong sáng từ tư tưởng, lời nói đến việc làm
Dũng cảm: Can đảm, cương nghị, bền chí, sẵn sàng hy sinh cho điều thiện, phục vụ công lý và hoà bình.

Theo truyền thống dân tộc, muốn xử thế cho phải đạo, chúng ta cần rèn luyện các đức tính nào?
Chúng ta cần phải rèn luyện các đức tính sau đây:
Nhân: Là lòng yêu thương mọi người, đây, cũng là giới răn lớn nhất trong Kitô Giáo (x Mt 22,34-40). “Nhân” còn là linh hồn của mọi giao tiếp trong quan hệ với người.
Nghĩa: Là lòng biết ơn không những bằng tấm lòng, lời nói, việc làm, cử chỉ khi nhận lãnh, mà còn mang một ý nghĩa rất trân trọng là sử dụng ân điển đã lãnh nhận một cách đúng đắn hợp lý. Nên nhớ “Biết ơn” cũng là một nhân đức.
Lễ: Là biết xử sự đúng vị thế, sống lịch sự, sống đẹp, sống tốt. Ngoài ra, con phải biết kính nể, trân trọng mọi người trong cộng đồng xã hội.
Trí: Là hiểu biết, sáng suốt nhận định đúng đắn giá trị thực tế trong các sự việc các tình huống của cuộc sống.
Tín: Là lòng trung thành, giữ lời đã hứa. Tín còn là biểu tượng của lòng chân thật, kết quả của sự thật thà và có trách nhiệm.

Để trưởng thành về nhân bản, sống xứng đáng với phẩm giá cao quý của mình, ta phải làm gì?
Để trưởng thành về nhân bản, sống xứng đáng với phẩm giá cao quý của mình, ta phải:
Nhờ vào lý trí để biết phân biệt điều tốt xấu.
Nhờ vào tự do để lựa chọn điều thiện hảo.
Nghe theo tiếng lương tâm mách bảo mà quy hướng về những điều tốt.

Câu tục ngữ Việt Nam “Cái nết đánh chết cái đẹp” nói lên điều gì?
Tính nết tốt lành, nhân cách hoàn hảo sẽ có giá trị hơn ngoại dạng.


Đề tài III: ƠN GỌI VÀ SỨ MỆNH

Ơn gọi là gì?
Ơn gọi là lời mời gọi của Thiên Chúa đến với mỗi người để giúp họ trở nên trọn lành trong đời sống hoặc để thi hành một sứ mệnh nào đó, tuỳ theo môi trường, hoàn cảnh, địa vị của họ.

Ơn gọi của Thiên Chúa ảnh hưởng đến cuộc sống mỗi người thế nào?
Ơn gọi bao trùm toàn bộ cuộc sống của mỗi người và làm cho đời trở nên có ý nghĩa.

Ơn gọi Kitô hữu là gì?
Là ơn gọi căn bản của Thiên Chúa ban cho nhân loại qua bí tích Thánh Tẩy, mời gọi con người trở nên con cái Thiên Chúa trong nhiệm thể Chúa Kitô và trong sự hiệp thông với Hội Thánh của Người.

Để sống ơn gọi Kitô hữu chúng ta phải làm gì?
Khi nhận bí tích Thánh Tẩy, người Kitô hữu được tham dự vào ba chức năng tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô. Do đó phải sống nỗ lực ba lời khuyên Phúc Âm để nên thánh và thánh hoá trần gian.

Sứ vụ của người Kitô hữu giáo dân là gì?
Khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, người giáo dân cùng với các thành phần khác trong Hội Thánh đón nhận lệnh truyền của Đức Kitô: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).

Người giáo dân trong Hội Thánh thi hành chức vụ tư tế phổ quát của mình khi nào?
Người giáo dân trong Hội Thánh thi hành chức vụ tư tế phổ quát của mình khi họ hiệp dâng thánh lễ, lãnh nhận các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể, cầu nguyện và tạ ơn, khi họ sống chứng tá thánh thiện, từ bỏ mình và sống bác ái (x. HCHT10).

Ngưòi giáo dân thi hành chức vụ ngôn sứ bằng những cách thức nào?
Người giáo dân thi hành chức vụ ngôn sứ bằng lời nói và cuộc sống:
Bằng lời nói: Mạnh dạn phổ biến đạo lý cho người khác
Bằng cuộc sống: Luôn sống điều mình tin, can đảm minh chứng mình là người Kitô hữu. Nói bằng chính cuộc sống là thi hành chức vụ ngôn sứ hiệu quả nhất.

Để có thể thi hành tốt sứ vụ ngôn sứ của mình, người giáo dân phải làm gì?
Người giáo dân cần phải học hỏi Kinh Thánh, Giáo Lý, cần trau dồi kiến thức về tôn giáo.

Thực thi chức vụ vương giả, người giáo dân làm chủ trần thế như thế nào?
Thực thi chức vụ vương giả, người giáo dân làm chủ trần thế bằng cách:
Nhìn nhận đúng giá trị của vật chất để sử dụng theo ý Chúa, không để vật chất làm chủ thống trị tinh thần.
Nỗ lực đem tinh thần Tin Mừng vào môi trường sống, để nước Chúa được mở rộng bằng chính đời sống chứng nhân giữa trần gian, qua việc phục vụ mọi người trong tinh thần bác ái yêu thương (x. SLTĐGD 13).

Ơn gọi giáo dân Đaminh là gì?
Là ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy một số giáo dân sống ơn gọi Kitô hữu của mình theo tinh thần và đoàn sủng dòng Anh Em Thuyết Giáo bằng việc tuyên hứa tuân giữ Luật Sống được Bề Trên Tổng Quyền Dòng phê chuẩn.

Người giáo dân Đaminh là ai?
Giáo dân Đaminh là những người được Chúa Thánh Thần tác động khao khat nên thánh và làm việc tông đồ giữa đời, lấy hứng khởi từ đoàn sủng của dòng Đaminh, được hướng dẫn sống tinh thần Dòng trong huynh đoàn và họ là phần tử của Đại gia đình Đaminh.

Để sống trọng vẹn ơn gọi Đaminh, người giáo dân Đaminh được mời gọi làm gì?
Họ được mời gọi đem hết khả năng tham gia vào cuộc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh và Dòng.

Sứ vụ của người giáo dân Đaminh là gì?
Loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho mọi người qua việc tham gia vào sứ vụ của Dòng bằng đời sống cầu nguyện, hiệp thông huynh đệ, học hỏi và hoạt động tông đồ theo hoàn cảnh riêng (x. LC4).

Lý do nào thúc đẩy chúng ta phải loan báo Tin Mừng?
Có hai lý do:
Một là Chúa Giêsu đã trao trách nhiệm loan báo Tin Mừng cho ta.
Hai là nhờ những hồng ân đã lãnh nhận, ta phải ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi người và mời gọi họ cùng được chia sẻ hạnh phúc làm con Thiên Chúa với ta.

Người giáo dân Đaminh đã lãnh nhận trách nhiệm loan báo Tin Mừng khi nào?
Khi họ lãnh bí tích Thánh Tẩy và khi hiệp thông với Dòng Anh Em Thuyết Giáo qua lời tuyên hứa hợp pháp.

Đề tài IV: TIỂU SỬ THÁNH ĐAMINH

Thánh Đaminh sinh ngày tháng năm nào? Ở đâu?

Thánh nhân sinh ngày 24-06-1170 tại Caleruega, địa phận Osma, Tây Ban Nha.

Song thân của Thánh Đaminh là ai?
Song thân của Thánh Đaminh là Bá Tước Felix Guzman và Chân Phước Joan Aza

Trước khi sinh Thánh Đaminh, bà Joan Aza đã thấy điềm báo gì?
Bà Joan Aza đã mơ thấy từ lòng mình có con chó nhảy ra, miệng cắn bó đuốc chạy khắp địa cầu, như báo trước sứ mạng của thánh nhân sau này sẽ mang ánh sáng Tin Mừng chiếu soi khắp thế giới.

Hoàn cảnh của gia đình thánh Đaminh như thế nào?
Gia đình thánh Đaminh thuộc hàng quí tộc, giàu có, gồm 5 người trong đó bà Joan Aza đã được phong Chân Phước, và 3 anh em trai: Người anh cả là linh mục Antonio làm tuyên uý bệnh viện. Người anh thứ hai là linh mục Ma-nét, sau vào tu dòng Thuyết Giáo, cũng đã được Giáo Hội tôn phong chân phước.

Thánh Đaminh đã theo đuổi việc học hành như thế nào?
Thánh Đaminh rất chuyên cần học và học giỏi:
Lên 7 tuổi, ngài được gởi đến họ đạo Gu-mi-en để học với cậu ruột đang làm Cha sở tại đây.
Lên 14 tuổi, Đaminh đến học tại trường Đại học ở nhà thờ chính toà Pa-len-xi-a.
Sau khi lập dòng, mặc dầu là giáo sư Ngài vẫn trở lại trường để học hỏi thêm về Kinh Thánh.

Thánh Đaminh thể hiện việc tông đồ bác ái như thế nào?
Ngay khi còn là sinh viên, thánh Đaminh đã không ngần ngại đem bán bộ sách chú giải Thánh Kinh mà ngài rất yêu quý để lấy tiền giúp đỡ nạn đói xẩy ra ở Pa-len-xi-a. Điều đó nói lên tấm lòng cảm thương của thánh Đaminh với người bất hạnh, nghèo khổ. Ngài còn khát vọng đem ơn cứu độ đến cho người tội lỗi, qua việc thành lập một dòng chuyên lo giảng thuyết chân lý cho mọi người.

Thánh Đaminh thụ phong linh mục năm bao nhiêu tuổi?
Thánh Đaminh thụ phong linh mục năm 25 tuổi (1195).

Thánh Đaminh có ý tưởng lập dòng vào năm nào?
Thánh Đaminh có ý tưởng lập dòng vào năm 1203, khi thánh Đaminh tháp tùng Đức Giám Mục Đi-ê-gô sang Đan Mạch để lo việc cầu hôn cho hoàng tử Tây Ban Nha. Trên đường ngang qua miền nam nước Pháp, Ngài đã chinh phục được ông chủ quán trọ đang theo lạc giáo trở về với Giáo Hội. Từ đó, Ngài nảy sinh ý tưởng lập dòng thuyết giáo với mục đích: Rao giảng Chân Lý.


Thánh Đaminh đã được phép thành lập dòng năm nào?
Thánh Đaminh đã được phép lập dòng vào ngày 22-12-1216 do Đức Giáo Hoàng Hô-nô-ri-ô III châu phê với tên “DÒNG ANH EM GIẢNG THUYẾT”.

Thánh Đaminh qua đời năm nào? Tại đâu?
Thánh Đaminh qua đời ngày 06-08-1221 tại Bô-lô-ni-a nước Ý.

Thánh Đaminh được tôn phong hiển thánh năm nào? Và do Đức Giáo Hoàng nào?
Thánh Đaminh được Đức Giáo Hoàng Grê-gô-ri IX tôn phong hiển thánh vào ngày 03-07-1234.

Lễ kính vào ngày nào?
Lễ kính thánh Đaminh vào ngày 8 tháng 8.

Cuộc đời của thánh Đaminh trong câu nói nào?
Cuộc đời thánh Đaminh được gồm tóm trong câu: “Chỉ nói với Chúa, chỉ nói về Chúa”.


Đề tài V: TIỂU SỬ THÁNH CA-TA-RI-NA SI-Ê-NA
Thánh nữ Ca-ta-ri-na là ai?

Thánh nữ Ca-ta-ri-na là thành viên dòng Ba Đa Minh, sống hoàn hảo ơn gọi người giáo dân Đaminh và đã được chọn làm bổn mạng huynh đoàn giáo dân Đaminh.

Thánh Ca-ta-ri-na sinh năm nào ? Tại đâu ?
Thánh Ca-ta-ri-na sinh ngày 25 tháng 3 năm 1347 tại thành Si-ê-na nước Ý, thuộc châu Âu.

Song thân của thánh nữ Ca-ta-ri-na là ai ?
Thân phụ của thánh nữ là ông Gia-cô-bê Bê-ni-ca-se làm nghề thợ nhuộm, thân mẫu là bà Mô-na Pi-a-gen-tê.

Lúc thiếu thời, hoàn cảnh thánh nữ có gì đặc biệt ?
Thánh nữ là người con áp út trong một gia đình có 25 anh chị em. Từ thiếu thời, thánh nữ phải làm việc vất vả phụ giúp cha mẹ không được cấp sách đến trường, vì thế không biết chữ.

Tình hình nước Ý và châu Âu dưới thời Thánh Ca-ta-ri-na có những biến cố nào ?
Có những biến cố sau:
Dịch tễ: Năm 1347, “Cơn dịch đen” phát sinh và lan nhanh khắp châu Âu, gieo rắc chết chóc cho từng gia đình.
Chiến tranh: Cuộc chiến “Trăm năm” giữa hai nước Anh và Pháp bùng nổ từ năm 1337 đã tàn phá khốc liệt, gây tang thương và đổ vỡ khắp nơi.
Bất ổn trong Hội Thánh: Các Đức Giáo Hoàng không ở giáo đô Rôma mà lưu vong tại A-vi-nhông bên Pháp kéo dài 70 năm (1309-1377) và tiếp theo đó là cuộc đại ly giáo Tây phương kéo dài gần 40 năm (1378-1417).

Đời sống nội tâm của Thánh Ca-ta-ri-na ra sao ?
Ngay từ nhỏ, Ca-ta-ri-na được diễm phúc thị kiến thấy Chúa Giêsu, chị đã khấn dâng hiến trọn đời mình cho Chúa và nhiệt tình yêu thương người nghèo và bệnh nhân. Ngài lấy đức nhẫn nại để đối phó với những hoàn cảnh khó khăn và luôn tỏ ra khôn ngoan và khiêm nhường.

Vì sao Thánh Ca-ta-ri-na đã gia nhập huynh đoàn ?
Vì thánh nữ đã sớm nhận ra các nhu cầu của thời đại Người đang sống và say mê hình thức hoạt động tông đồ của anh chị em Dòng Đaminh nên đã xin gia nhập Huynh Đoàn (Dòng Ba) khi mới 18 tuổi.

Thánh Ca-ta-ri-na phục vụ anh em đồng loại bằng những phương thế nào?
Thánh nữ đã:
Kết hợp mật thiết với Chúa trong khi yêu thương đồng loại
Can đảm đứng ra hoà giải tranh chấp giữa các cá nhân, các gia đình, các đô thị, các quốc gia với nhau; bất chấp những hiểm nguy, gian khó.

Thiên Chúa đã ban cho Thánh Ca-ta-ri-na những đặc ân nào ?
Thiên Chúa đã ban cho Người:
Ơn thông hiểu: Vốn là người mù chữ, Ca-ta-ri-na được Chúa dạy dỗ dể thông hiểu Kinh thánh và có thể nhờ thư ký viết sách, thư từ cho mọi hạng người.
Lễ cưới thiêng liêng: Chúa Giêsu liên kết với Thánh nữ bằng chiếc nhẫn cưới vô hình để Thánh nữ hiệp nhất với Ngài trong công cuộc xây dựng nước Chúa.
Năm dấu thánh: Chúa Giêsu đã ban cho Thánh nữ năm dấu thánh vào ngày 1 tháng 4 năm 1375 để biến đổi Thánh nữ trở nên giống Ngài nhiều hơn trong mầu nhiệm Cứu chuộc.

Một thành quả trong cộng cuộc xây dựng và bảo vệ Giáo Hội của Thánh Ca-ta-ri-na là gì ?
Thánh nữ đã thuyết phục được Đức giáo hoàng Grê-gô-ri-ô XI đang ở A-vi-nhông (Avignon) miền nam nước Pháp trở về lại Rôma là thủ đô của Giáo Hội năm 1376 sau 70 năm lưu vong.

Thánh Ca-ta-ri-na đã để lại cho Giáo Hội những tác phẩm nào?
Những tác phẩm của Thánh nữ để lại được chia thành 3 loại:
Sách: Cuốn Đối Thoại
Các thư: Có 381 thư Thánh nữ đã gửi cho mọi hạng người (cả người bình dân lẫn trí thức, vị vọng).
Tập Lời nguyện: Gồm 26 lời nguyện tự phát của Thánh nữ thốt lên trong những lúc xuất thần.

Đâu là nội dung sách “Đối thoại”?
Đây là cuốn sách ghi lại những lời trao đổi vấn đáp giữa Chúa Giêsu và Ca-ta-ri-na, qua đó Chúa Giêsu mạc khải cho Thánh nữ biết về tình yêu và lòng thương xót bao la của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đây là một kho tàng đạo lý chắc chắn về đường thiêng liêng. Nhờ tác phẩm này Thánh nữ được phong làm tiến sĩ Hội Thánh.
Tư tưởng hướng về Chúa của Thánh Ca-ta-ri-na được diễn tả qua hình ảnh nào ?
Được diễn tả qua hình ảnh “Cây cầu”: Đức Kitô là cây cầu bắc qua cái hố thăm thẳm do tội lỗi đào khoét và cũng bắc qua con sông nhầy nhụa những hư đốn của thế gian. Vì thế, người muốn đạt tới đời sống vĩnh cửu phải qua chính cây cầu Giêsu đó để về với Chúa Cha.

Theo Thánh Ca-ta-ri-na, cây “Cầu Đức Kitô ” có ba cấp bậc. Đó là những cấp bậc nào?
Cấp thứ nhất: Tình yêu tôi tớ (giai đoạn thanh tẩy tội lỗi)
Cấp thứ hai: Tình yêu bạn hữu (giai đoạn trang bị nhân đức)
Cấp thứ ba: Tình yêu con cái (giai đoạn kết hợp hoàn hảo).

Thánh nữ Ca-ta-ri-na qua đời ngày tháng năm nào? Ở đâu?
Thánh nữ qua đời ngày 29 tháng 4 năm 1380 tại Rôma.
Thánh nữ Ca-ta-ri-na được tôn phong hiển thánh năm nào?
Thánh nữ được tôn phong hiển thánh vào ngày 29 tháng 6 năm 1470 do Đức giáo hoàng Piô II.

Thánh nữ Ca-ta-ri-na được tôn phong tiến sĩ Hội Thánh khi nào ?
Ngài được tuyên phong là tiến sĩ Hội Thánh ngày 4 tháng 10 năm 1970 do Đức giáo hoàng Phaolô VI.

ĐỀ TÀI VI: Ý NGHĨA VIỆC CHIA SẺ LỜI CHÚA

Chia sẻ lời Chúa là gì?

Chia sẻ lời Chúa là tập sống tình hiệp thông trong Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch yêu thương, đã chia sẻ cho chúng ta đời sống thần linh qua lời Đức Giêsu Kitô.

Việc chia sẻ Lời Chúa nhắm đến mục đích nào?
Việc chia sẻ Lời Chúa nhằm giúp chúng ta tìm kiếm Thánh Ý Chúa và mở lòng ra để đáp trả lời Ngài mời gọi.

Việc chia sẻ Lời Chúa đem đến cho người Kitô hữu lợi ích thiêng liêng nào?
Việc chia sẻ Lời Chúa đem đến cho người Kitô hữu đời sống tâm linh phong phú ở các mặt: Hiệp thông, chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và liên đới trách nhiệm trong đời sống đức tin để trở thành cộng đoàn Kitô hữu đích thực.

Ý nghĩa việc chia sẻ lời Chúa dựa trên nền tảng nào?
Dựa trên ba nền tảng:
Sống hiệp thông với tình yêu Chúa Ba Ngôi.
Sống hiệp thông với Hội Thánh.
Sống ơn gọi Kitô hữu.

Chia sẻ Lời Chúa là chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào?
Khi cùng nhau chia sẻ lời Chúa, chúng ta chiêm ngưỡng Ba Ngôi Thiên Chúa: Cha, Con và Thánh Thần. Ba Ngôi hiệp thông với nhau, chan hoà yêu thương, bình đẳng. Đồng thời, chúng ta xin tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị và lớn lên trong tâm hồn mình: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở nơi người ấy” (Ga 14,22).

Cùng chia sẻ lời Chúa là chúng ta hiệp thông với Giáo Hội như thế nào?
Khi cùng nhau chia sẻ lời Chúa là chúng ta sống sâu xa trong mầu nhiệm Các Thánh Cùng Thông Công. Mỗi người chúng ta nhận ra mình và mọi người đều là chi thể của thân mình mầu nhiệm Đức Kitô nên có trách nhiệm xây dựng và làm cho Nhiệm Thể ấy ngày càng tăng triển.

Tại sao khi chia sẻ Lời Chúa là chúng ta sống ơn gọi Kitô hữu?
Khi cùng nhau chia sẻ Lời Chúa, chúng ta sẽ giúp nhau sống ơn gọi của người Kitô hữu. Qua đó, chúng ta mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, sống như Chúa đã sống, biết lấy đức ái mà hoá giải mọi vướng mắc trong cuộc đời, trong gia đình, ngoài xã hội. Nhờ việc gieo hạt giống Tin Mừng yêu thương, chúng ta chuẩn bị cho ngày cánh chung.

Hiệu quả của việc siêng năng chia sẻ Lời Chúa như thế nào?
Nhờ năng tiếp cận Lời Chúa, chúng ta sẽ dần dần thấm nhuần tinh thần Tin Mừng và nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta biến đổi cuộc đời mình cho phù hợp với Tin Mừng.

Những mục tiêu nhắm tới khi cùng nhau chia sẻ Lời Chúa là gì?
Khi cùng nhau chia sẻ Lời Chúa, chúng ta khám phá ra sứ điệp:
Thiên Chúa muốn nói với tôi điều gì?
Các kinh nghiệm tiếp cận Lời Chúa của anh chị em thúc đẩy tôi phải sống và giúp nhau sống Lời Chúa thế nào?
Những vấn đề, những sự kiện trong đời thường đang xảy ra, giúp tôi và anh chị em nhận ra dấu chỉ nào của Chúa và Ngài muốn chúng ta phải làm gì?

Lời Chúa ảnh hưởng đến sứ vụ tông đồ của người Kitô hữu thế nào?
Khi chia sẻ Lời Chúa, được Chúa soi sáng, chúng ta hướng tới khát vọng dấn thân trong sứ vụ tông đồ, tức là cùng đồng hành với Chúa Giêsu. Chúng ta không dừng lại ở việc biến đổi đời mình mà còn phải vượt ra khỏi ranh giới bản thân đển đi đến anh em và cùng nhau đem tinh thần Tin Mừng thấm nhuần vào mọi thực tại trần thế (x. Sắc Lệnh TĐGD).

Sức mạnh nào thúc đẩy người tín hữu tham gia vào công việc truyền giáo của Giáo Hội?
Công việc truyền giáo của Giáo Hội chỉ có thể thực hiện khi mỗi người tín hữu cảm nhận được sức mạnh nội tâm từ Lời Chúa thúc đẩy.

Hết