LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
THỨ TƯ TUẦN IV THƯỜNG NIÊN
SỐNG LỜI CHÚA
Bài đọc :
Bài đọc 1 : Hr 12,4-7.11-15
Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy.
Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.
4 Thưa anh em, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu.
5 Anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con : Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. 6 Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. 7 Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy ? 11 Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính. 12 Bởi vậy, hãy làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ. 13 Hãy sửa đường cho thẳng mà đi, để người què khỏi trật bước và hơn nữa, còn được chữa lành.
14 Anh em phải cố ăn ở hoà thuận với mọi người, phải gắng trở nên thánh thiện ; vì không có sự thánh thiện, thì không ai sẽ được thấy Chúa. 15 Anh em phải coi chừng, kẻo có ai lừng khừng mà mất ân sủng của Thiên Chúa, kẻo có ai trở nên rễ đắng nảy mầm, gây xáo trộn và do đó làm hư hỏng nhiều người.
Đáp ca : Tv 102,1-2.13-14.17-18a (Đ. x. c.17)
Đ. Ân tình Chúa thiên thu vạn đại, Chúa dành cho ai kính sợ Người.
1Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh !
2Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
Đ. Ân tình Chúa thiên thu vạn đại, Chúa dành cho ai kính sợ Người.
13Như người cha chạnh lòng thương con cái,
Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.
14Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì,
hẳn Người nhớ : ta chỉ là cát bụi.
Đ. Ân tình Chúa thiên thu vạn đại, Chúa dành cho ai kính sợ Người.
17Ân tình Chúa thiên thu vạn đại,
dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn.
Người xử công minh cả với đời con cháu,
18acả những ai giữ giao ước của Người.
Đ. Ân tình Chúa thiên thu vạn đại, Chúa dành cho ai kính sợ Người.
Tung hô Tin Mừng : Ga 10,27
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng, và chúng theo tôi. Ha-lê-lui-a.
TIN MỪNG : Mc 6,1-6
Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
1 Khi ấy, Đức Giê-su trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói : “Bởi đâu ông ta được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao ? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì ? 3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a và là anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao ? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ?” Và họ vấp ngã vì Người. 4 Đức Giê-su bảo họ : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” 5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó ; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. 6 Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.
SUY NIỆM-SỨ VỤ GIỮA QUÊ NHÀ
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Bụt nhà không thiêng”. Theo lẽ thường, người ta không dễ chấp nhận những khả năng đặc biệt nào đó nơi những người thân cận với mình.
Có lần, Đức Giêsu trở về quê hương. Khi ấy, Người vào hội đường, đọc và giảng giải về trích đoạn trong sách ngôn sứ Isaia. Người đã bị dân xua đuổi (x. Lc 4,16-30). Hôm nay, Đức Giêsu trở về quê hương giảng dạy và một lần nữa bị từ chối. Cả hai lần, các đồng hương của Người đều đố kỵ và bác bỏ lời Người. Với họ, Người mãi chỉ là bác thợ mộc, là con bà Maria…, không thể là Mêsia. Rồi từ đó, họ vấp ngã, đánh mất cơ hội đón nhận Lời Chân Lý và ơn lành từ Đức Giêsu.
Trong giáo xứ hay khu xóm, có khi chúng ta cũng gặp phải những chống đối, nghi kỵ, chỉ vì nhiệt thành lo việc nhà Chúa. Lại có khi chính chúng ta nên trở ngại cho sứ vụ của những người khác, vì không tin vào khả năng của họ, hoặc ganh tị với họ.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin giúp chúng con vui vẻ và kiên trì phụng sự Chúa và phục vụ anh em, cho dù vất vả gian lao. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Ngày Thế giới Tình Huynh đệ Nhân loại lần thứ nhất
Hướng đến Ngày Thế giới Tình Huynh đệ Nhân loại lần thứ nhất, được cử hành hàng năm vào ngày 4/2, Đức Hồng y Miguel Ayuso Guixot, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn, đã nhắc lại sự cần thiết phải quan tâm đến những người khốn khó, và ngài hy vọng rằng giải thưởng Zayed 2021 về Tình huynh đệ Nhân loại sẽ là “dấu hiệu của sự hợp tác hiệu quả giữa những người khác tôn giáo phục vụ toàn thể nhân loại.”
Ngày 21/12 năm ngoái, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc đã quyết định thiết lập Ngày Thế giới Tình Huynh đệ Nhân loại vào ngày 4/2 hàng năm.
Cổ võ đối thoại liên tôn và liên văn hóa
Liên Hiệp quốc mời gọi các quốc gia cử hành Ngày này để “cổ võ đối thoại liên tôn và liên văn hóa”. Liên Hiệp quốc hy vọng rằng đứng trước cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có, chúng ta phải tìm kiếm “một câu trả lời toàn cầu dựa trên sự hiệp nhất, liên đới và cộng tác đa phương.” Do đó, Liên Hiệp quốc mời gọi nỗ lực hết sức, với ý thức rằng chúng ta không thể được cứu thoát một mình, để thúc đẩy đối thoại liên tôn giáo và liên văn hóa.
Làm chứng về sự hiệp nhất, liên đới và huynh đệ
Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Tình Huynh đệ Nhân loại lần thứ nhất, Đức Hồng y Guixot nói rằng trong bối cảnh đại dịch, chúng ta càng thấy rõ là không ai có thể tự cứu mình. “Vì vậy, điều cần thiết là thế giới phải quan tâm đến giá trị của tình huynh đệ giữa con người với nhau. Gia đình nhân loại cần có một tinh thần hiệp nhất và tình bạn chân chính để phát triển cách ứng phó với các vấn đề ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Các nhà lãnh đạo tôn giáo phải đặc biệt giúp truyền bá hy vọng và làm chứng trong các xã hội nơi họ sống về sự hiệp nhất, liên đới và huynh đệ.”
Chữa lành vết thương của nhân loại
Theo Đức Hồng y, việc cử hành Ngày Huynh đệ hàng năm nhắm giúp chúng ta sống theo tinh thần của Tài liệu về Tình Huynh đệ Nhân loại. Và như thế chúng ta có thể vượt qua những thách đố mà nhân loại đang đối mặt. Ngài nói: “Các cộng đồng và mọi người trên khắp thế giới nên được khuyến khích chỉ mưu cầu lợi ích chung và phẩm giá của mỗi con người và làm việc để, trong sự hiệp nhất và liên đới, tình huynh đệ có thể là dầu chữa lành vết thương của nhân loại.” (CSR_669_2021)
Hồng Thủy - Vatican News