Trích sách “Lời hay ý đẹp của Cha Piô”, Pascal Cataneo, Nxb Médiaspaul
Đối với đa số chúng ta, Thiên thần hộ thủ chỉ là một hình ảnh ít quen thuộc, nhưng với Cha Piô thì ngược lại, đó là người thân thuộc, cùng hợp tác với mình trong sự thánh thiện và trong sứ vụ chức thánh. Giữa họ kết hiệp một loại hòa hợp thiêng liêng làm cho họ có một hình thức sống chung. Chắc chắn, đời sống thiêng liêng ngoại hạng của Cha Piô cũng cần sự trợ giúp đặc biệt của thiên thần bổn mệnh của mình. Cũng như sứ vụ chức thánh của cha đầy cả đặc sủng thì cũng cần nhiều loại phục vụ khác nhau như: liên lạc với những người muốn tiếp xúc với Cha Piô, thông dịch viên các ngoại ngữ… Sau đây là một vài câu chuyện cho thấy sự thân thuộc giữa Cha Piô và thiên thần bổn mệnh của ngài.
Cha Piô giận thiên thần hộ thủ của mình
Có một lần nọ, Cha Piô bị Satan và đồng bọn của chúng mà cha gọi là “các kỵ binh Nga” tấn công. Cuộc tấn công ráo riết tưởng có lúc Cha Piô đã thua cuộc, cha xin thiên thần hộ thủ trợ giúp, nhưng không thấy thiên thần xuất hiện, cha phải chiến đấu một mình. cuối cùng, như thường lệ, cha vừa cầu nguyện, vừa chiến đấu hết mình, cha thắng cuộc chiến nhưng kiệt sức.
Khi đó thiên thần hộ thủ mới xuất hiện. Cha Piô quá giận, trách cứ thiên thần đã vắng mặt khi mình cần đến nhất, khi đã kêu nài hết sức. Rồi, như để “phạt” thiên thần, cha bỏ ra đi mà không nhìn lại thiên thần. Thiên thần vừa khóc vừa tiu nghỉu đi theo.
Cuối cùng họ làm hòa với nhau và thiên thần giải thích như sau: Không phải vì hờ hững mà thiên thần không can thiệp, nhưng vì lần này Chúa muốn Cha Piô chiến đấu một mình, không cần sự trợ giúp.
Cha Piô nói tiếng Anh mà chưa bao giờ học
Cô Angelina Sorritelli,con gái của một người Ý di cư qua Mỹ ở, cô sinh tại Mỹ và chỉ nói tiếng Anh. Cha của cô là ông Tommaso đưa cô về San Giovanni Rotondo vì ông muốn cô được xưng tội và rước lễ lần đầu từ tay Cha Piô. Vào thời đó, bà Maria Pyle, một người Mỹ trở lại, sống ở San Giovanni Rotondo. Bà ở một căn nhà gần tu viện để hợp tác với các công việc của Cha Piô.
Khi bà biết tin cô Angelina về San Giovanni Rotondo, bà tình nguyện thông dịch cho cô. Bà cũng đến gặp Cha Piô để giải thích cho cha và giúp cha trong các việc của cha. Nhưng cha cám ơn, cha nói mình có thể nói trực tiếp với cô Angelina. Ngạc nhiên, bà Pyle rút lui và cha giải tội cho cô bé.
Khi xưng tội xong, bà Pyle hỏi cô:
-Nhưng Cha Piô nói con có hiểu không?
-Nhưng Cha Piô nói con có hiểu không?
– Dạ hiểu.
– Con hiểu được sao?
– Dạ, con hiểu.
– Làm sao cha nói được? … cha nói tiếng Anh? – Dạ, cha nói tiếng Anh!”
Một cuộc trò chuyện bằng tiếng Đức
Giáo sư Bruno Rabajotti kể một ngày nọ ông ở trong phòng với Cha Piô và cùng lần tràng chuỗi với cha.
Vào cuối buổi cầu nguyện, người ta đưa một người khách Đức vào, ông này cao và ốm, tóc bạc và ngắn. Ông cám ơn Cha Piô bằng tiếng Đức.
Câu chuyện tiếp tục một lúc, hai người hỏi và trả lời. Ông Rabajotti không tin vào tai mình: Cha Piô nói tiếng Đức và thỉnh thoảng nhìn ông cười vẻ láu lỉnh. Sau đó cha nói với ông: “Con ngạc nhiên vì thấy cha nói và hiểu một thứ tiếng mà cha không biết phải không? Cha không phải là người duy nhất có thể làm được việc này. Tại sao con không thử? – Nhưng con không biết tiếng Đức, thưa cha. – Còn cha thì sao?… Rất dễ. Chỉ cần nói. Ông đó đến đây năm ngoái, ông sẽ kể cho con nghe chuyện của ông. Sự khác nhau giữa các ngôn ngữ, các hàng rào cản giữa các tâm hồn sẽ không còn khi mình biết nói một ngôn ngữ duy nhất và thật, đó là ngôn ngữ của tinh thần!”
Giáo sư Rabajotti nghe lời Cha Piô và trước sự ngạc nhiên vô cùng của ông, ông nói được tiếng Đức với người khách lạ. Trong khi đó, Cha Piô vòng tay trên ngực, vui vẻ nhìn hai người. Rồi ông giáo sư nói thêm: “Chúng tôi nói tiếng Đức mà con có cảm tưởng như nói tiếng Ý. Tất cả trở thành dễ dàng và thật hay. Trước khi từ giã nhau, chúng tôi hôn nhau”.
Người phát thư… không bình thường
Bà Cleonice Morcaldi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện kỳ lạ sau: trong thời Thế Chiến Thứ Hai, một trong các cháu của bà bị tù. Trong hơn một năm, bà không nhận tin tức nào của cháu. Một ngày nọ, bà Cleonice đến gặp cha, quỳ xuống dưới chân cha, xin cha nói cho bà biết, cháu mình còn sống hay đã chết.
Cha trấn an bà và nói: “Con đứng dậy và ra về bình an”. Dù những lời nói này cho bà hy vọng nhưng bà vẫn còn nghi. Ngày qua ngày bà vẫn không nhận được tin. Nỗi lo của bà ngày càng tăng. Cuối cùng bà thử làm một chuyện hơi điên, nhưng do bà quá tin tưởng. Bà quay trở lại gặp Cha Piô và nói: “Thưa cha, chúng ta sẽ thử làm như sau: con sẽ viết một thư cho cháu Giovannino, chỉ để tên cháu vì con không biết địa chỉ cháu. Con nhờ cha và thiên thần hộ thủ của cha mang thư đi!” Cha Piô không trả lời gì, nhưng bà Cleonice nghĩ: “Cha không trả lời là cha đồng ý!”, và bà hy vọng lại.
Chiều hôm đó, trước khi ngủ bà viết bức thư, và dĩ nhiên bà để bức thư trên đầu giường. Sáng hôm sau, vừa hốt hoảng vừa sợ, bà không còn thấy cái thư. Bà chạy đến gặp Cha Piô, cha nói với bà: “Con cám ơn Đức Mẹ đi!”
Mười lăm ngày sau bà nhận thư trả lời của cháu với tin vui: Giovannino còn sống, anh cho bà địa chỉ và anh sẽ sớm gặp bà.
Khi cô con thiêng liêng muốn đẩy cánh cửa
Khi Cha Piô bị cấm không được liên lạc với bên ngoài, một vài người hỏi cha: “Thưa cha, chúng con làm gì bây giờ, bây giờ chúng con không được viết thơ cho cha?” Cha trả lời: “Chúng con gởi cho thiên thần hộ thủ của các con!”
Một trong các con thiêng liêng của cha là người làm việc ở tu viện và hợp tác vào các công việc của Cha Piô, biết là cha không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Mặc dù cô năn nỉ xin gặp cha, vì cô có chuyện khẩn cấp cần phải nói để có lợi ích cho tâm hồn cô. Nhưng cha trả lời, vì cha phải vâng lệnh bề trên nên cha không xuống phòng khách được.
Bực mình, vì lo cho chuyện cá nhân của mình hơn là lo cho tình trạng của Cha Piô, cô than phiền mình bị đối xử không tốt, dù cô đã phục vụ hết mình cho tu viện cũng như cho Cha Piô. Về nhà, cô bực luôn cả thiên thần hộ thủ của mình, cô ra lệnh cho thiên thần đến nói với Cha Piô ngày mai cô sẽ không đi lễ, cũng không rước lễ.
Đương nhiên thiên thần tuân lệnh vì buổi chiều Cha Piô nhờ thiên thần trả lời cho cô: “Nói với cô Rachelina đừng rước lễ ngày mai”.
Ngày hôm sau cô Rachelina cùng với cô bạn là Lucietta Fiorentino đến tu viện để làm việc như thường lệ. Nhưng khi cô đang làm việc thì Cha Piô xuất hiện và nói: “Hoan hô!… Thiên thần hộ thủ là nhân viên của con. Con gọi thiên thần đến để trút cơn giận của con lên cha!” Rồi cha quay qua cô Lucietta Fiorentino, cha nói thêm: “Lucietta, con biết bạn con làm gì không? Cô giận, cô không muốn đi lễ, không muốn rước lễ; rồi cô kênh kiệu ra lệnh cho thiên thần hộ thủ đến nói với cha như vậy!”
Bối rối, cô Rachelina hỏi cha: “Thưa cha, vậy thiên thần đến kể cho cha nghe hết mọi sự à?… Đương nhiên, thiên thần đến kể cho cha nghe! Thiên thần đâu dám không vâng lời!”
Bối rối, cô Rachelina hỏi cha: “Thưa cha, vậy thiên thần đến kể cho cha nghe hết mọi sự à?… Đương nhiên, thiên thần đến kể cho cha nghe! Thiên thần đâu dám không vâng lời!”
Một thiên thần hộ thủ quá tế nhị
Trong một khoảng thời gian, Cha Piô bị bệnh và phải nằm trên giường. Cha Paolino de Casacalenda là bề trên thời đó thường hay đến thăm Cha Piô, có một hôm cha nói: “Nếu trong đêm, cha cần gì đến tôi thì cha gởi thiên thần hộ thủ của cha đến cho tôi biết?”
Cha Piô trả lời là mình không thiếu gì. Cha Paolino về phòng ngủ. Khoảng nửa đêm giường của cha lay động mạnh. Nửa thức nửa tỉnh, cha hiểu là thiên thần hộ thủ của Cha Piô đến thức mình dậy để đến thăm Cha Piô. Nhưng quá mệt, cha lại nằm thiếp sâu.
Bị xấu hỏ, cha đến nói với Cha Piô là thiên thần hộ thủ của Cha Piô không tế nhị mấy, như vậy thì thiên thần đến cũng vô ích, phải lay động làm sao để tôi phải dậy để đến với cha.
Đêm thứ ba, thiên thần lại đến thức cha Paolino. Lần này thiên thần lay mạnh đến mức cha Paolino bật ra khỏi giường, cha chạy đến Cha Piô và hỏi: “Cha cần gì con?” Cha Piô trả lời: “Tôi bị ra mồ hôi hột. Cha giúp tôi thay áo, tôi không thay một mình được”.
Marta An Nguyễn dịch