CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN, NĂM B
SỐNG LỜI CHÚA
TIN MỪNG : Mc 1,29-39
Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
29 Khi ấy, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. 30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. 31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy ; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm kiếm. 37 Khi gặp Người, các ông thưa : “Mọi người đang tìm Thầy !” 38 Người bảo các ông : “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” 39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.
SUY NIỆM-CHÚA CỨU CHỮA CON NGƯỜI
Một linh mục trẻ nọ bị ung thư cổ họng giai đoạn cuối. Cha gọi điện cho nữ tu McKenna xin thêm lời cầu nguyện cho mình. Chị liền trả lời: “Thưa cha, con có thể cầu nguyện với cha ngay bây giờ trên điện thoại. Nhưng sáng nay, cha không gặp Chúa sao? Chẳng phải mỗi khi dâng lễ, truyền phép, tôn thờ và đón rước Mình Thánh là cha đang đụng chạm tới chính Chúa sao? Chúa Giêsu thật sự đi qua cổ họng của cha mỗi ngày. Thưa cha, không ai tốt hơn để cha tìm đến cho bằng Chúa Giêsu Thánh Thể. Cha hãy khấn xin Người chữa lành cho cha.” Nghe thế, vị linh mục này liền khóc nức nở. Ba tuần sau, vị linh mục gọi điện cho chị McKenna, báo rằng ngài không phải đi phẫu thuật nữa, các bác sĩ cho biết cổ họng cha đã khỏi bệnh.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu đến nhà ông Simon, đến với dân làng nơi đây, để gặp gỡ và cứu chữa nhiều kẻ đau ốm bệnh tật. Nhờ tình thương và bàn tay uy quyền của Chúa, họ được hồi phục sức khỏe, trở lại với những sinh hoạt thường nhật.
Qua Thánh Lễ mỗi ngày, Chúa Giêsu vẫn đến gặp gỡ và ở lại với mỗi người chúng ta, nhất là những ai đang phải chịu nhiều đau khổ phần xác cũng như phần hồn, đang cần đến sự nâng đỡ, ủi an. Điều quan trọng là chúng ta biết đặt niềm tin tưởng nơi Chúa, mở lòng ra đón rước Chúa, để nhờ thế, được kết hiệp mật thiết với Chúa, đón hưởng sự sống và sức mạnh thần linh của Chúa. Những ai đến với Chúa và cậy dựa vào quyền năng của Người sẽ chẳng phải thất vọng bao giờ.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Ngài trong mỗi phút giây của cuộc đời chúng con. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
ĐTC Phanxicô cử hành Thánh lễ Ngày Đời sống Thánh hiến
Trong bài giảng Thánh lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giê-su trong đền thánh, cũng là Ngày Đời sống thánh hiến lần thứ XXV, được cử hành tại đền thờ thánh Phê-rô chiều ngày 2/2, suy tư về hình ảnh của cụ già Simeon kiên nhẫn chờ đợi lời hứa của Chúa được thực hiện, Đức Thánh Cha mời gọi các tu sĩ kiên nhẫn để có thể nhìn thấy ánh sáng giữa bóng tối và mang ánh sáng đó cho thế giới.
Thánh lễ được bắt đầu với nghi thức làm phép nến. Sau đó, Đức Thánh Cha tiến đến bàn thờ, tay cầm nến như tất cả mọi người hiện diện. Sau nghi thức làm phép nến, biểu tượng của ánh sáng, đèn trong Đền thờ được mở lên.
Sự kiên nhẫn của ông Simeon: không hao mòn theo thời gian; với hy vọng
Trước hết, nói về sự kiên nhẫn của ông Simeon, người nhận ra Thiên Chúa không đến trong những sự kiện phi thường nhưng hiện diện trong sự đơn điệu của cuộc sống hàng ngày, trong những việc nhỏ bé mà chúng ta cố gắng thực hiện, Đức Thánh Cha lưu ý rằng trong cuộc sống của mình, “chắc chắn có những lần ông Simeon bị hụt hẫng thất vọng, nhưng ông không mất hy vọng; với sự kiên nhẫn ông gìn giữ lời hứa, không để cho mình bị tiêu hao bởi sự cay đắng của thời gian qua đi hay bởi nỗi sầu muộn cam chịu nổi lên khi ông đến tuổi xế chiều.
Ông Simeon đã tỉnh thức cho đến ngày ông nhìn thấy ơn cứu độ. Ông đã biết hy vọng trong sự kiên nhẫn chờ đợi. Ông đã học được sự kiên nhẫn từ đời sống cầu nguyện và từ lịch sử của dân tộc, nơi ông luôn nhìn thấy Thiên Chúa là “một Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, chậm giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6), luôn chờ đợi chúng ta hoán cải.
Sự kiên nhẫn của chính Thiên Chúa: Người không bao giờ mệt mỏi chờ đợi chúng ta
Và Đức Thánh Cha nhận định: “Sự kiên nhẫn của ông Simeon là tấm gương phản chiếu sự kiên nhẫn của chính Thiên Chúa.” Thiên Chúa đáp lại sự yếu đuối của chúng ta bằng sự kiên nhẫn và cho chúng ta thời gian cần thiết để hoán cải. Chúa Giê-su tỏ cho chúng ta thấy sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, “Đấng không đòi hỏi sự hoàn hảo nhưng tấm lòng nhiệt thành, Đấng mở ra những khả năng mới khi tất cả dường như đã mất…”
Đức Thánh Cha khẳng định: “Đây là lý do chúng ta hy vọng: Thiên Chúa không bao giờ mỏi mệt chờ đợi chúng ta. Khi chúng ta xa cách Chúa, Người đến tìm chúng ta; khi chúng ta ngã xuống đất, Người nâng chúng ta dậy; khi chúng ta trở về với Người sau khi xa lạc, Người vẫn mở rộng vòng tay chờ đón chúng ta. Tình yêu của Người không đong đo theo quy mô tính toán của con người chúng ta, nhưng luôn truyền cho chúng ta lòng can đảm để bắt đầu lại. Nó dạy chúng ta tính kiên cường, lòng dũng cảm để bắt đầu lại. Luôn luôn, mỗi ngày. Sau khi vấp ngã, luôn luôn bắt đầu lại. Người kiên nhẫn.”
Từ lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa và của ông Simeon, chúng ta có thể hiểu thế nào là lòng kiên nhẫn. Đức Thánh Cha lưu ý: “Kiên nhẫn không phải là dấu chỉ của sự yếu đuối nhưng là sức mạnh giúp chúng ta “mang gánh nặng” của những vấn đề cá nhân và cộng đoàn, chấp nhận người khác với chúng ta, kiên trì trong việc thiện và tiếp tục tiến bước ngay cả khi bị mệt mỏi và nản chí.”
Kiên nhẫn trong đời sống cá nhân: kiên nhẫn với bản thân và hy vọng chờ đợi thời gian và địa điểm của Chúa
Đức Thánh Cha đưa ra 3 hoàn cảnh cụ thể nơi sự kiên nhẫn được thể hiện. Trước hết là trong đời sống cá nhân. Sau khi đã nhiệt tình đáp lại lời kêu gọi của Đức Chúa Trời, trên đường đi cũng gặp phải những thất vọng và khó chịu.
Đức Thánh Cha nói: “Đôi khi, lòng nhiệt thành trong công việc của chúng ta không đạt được kết quả mong muốn, việc gieo giống của chúng ta dường như không sinh hoa trái xứng đáng, lòng nhiệt thành cầu nguyện mất dần và chúng ta không còn được miễn dịch chống lại sự khô cằn tâm linh. Có thể xảy ra là, trong cuộc sống của những người thánh hiến chúng ta, niềm hy vọng bị tiêu hao vì những kỳ vọng bị thất vọng. Chúng ta phải kiên nhẫn với bản thân và hy vọng chờ đợi thời gian và địa điểm của Chúa, vì Người luôn trung thành với lời hứa của mình. Ghi nhớ điều này có thể giúp chúng ta tìm lại các bước và hồi sinh ước mơ của mình, thay vì phó mặc cho nỗi buồn và sự chán nản nội tâm.”
Đức Thánh Cha nói về nỗi buồn nội tâm mà đôi khi gây hại cho cuộc sống của những người thánh hiến và nói rằng đó "là một con sâu, một con sâu ăn thịt chúng ta từ bên trong".
Kiên nhẫn trong đời sống cộng đoàn: đón nhận cuộc sống, với cả khiếm khuyết, của anh chị em
Hoàn cảnh thứ hai để sống sự kiên nhẫn là đời sống cộng đoàn. Đức Thánh Cha nhận định rằng các tương quan con người không luôn bình lặng. Khi có những xung đột và không có hướng giải quyết ngay lập tức, đừng vội đưa ra lời phán xét. “Cần có thời gian nhìn lại, giữ hòa khí và chờ đợi một thời điểm tốt hơn để giải quyết các tình huống trong đức ái và sự thật.” Đức Thánh Cha trích ứng khẩu một đoạn về sự phân định tâm linh: “Khi biển động, bạn không thấy cá, nhưng khi biển lặng, bạn có thể nhìn thấy chúng”. Và ngài bình luận: "Chúng ta sẽ không bao giờ có thể sáng suốt, nhìn ra sự thật, nếu lòng chúng ta xao động và thiếu kiên nhẫn. Không bao giờ".
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Trong các cộng đoàn của chúng ta cần sự kiên nhẫn hỗ tương này: chịu đựng, nghĩa là mang trên vai cuộc sống của anh chị em của chúng ta, bao gồm cả những điểm yếu và thất bại của người đó. Chúng ta hãy ghi nhớ rằng Chúa không kêu gọi chúng ta trở thành những nghệ sĩ độc tấu, nhưng để trở thành một phần của dàn hợp xướng, đôi khi có thể bỏ sót một hoặc hai nốt nhạc, nhưng phải luôn cố gắng cùng nhau hát.”
Kiên nhẫn trong tương quan của chúng ta với thế giới: đừng phàn nàn nhưng kiên nhẫn tìm ánh sáng trong bóng đêm
Cuối cùng lòng kiên nhẫn được thể hiện trong tương quan của chúng ta với thế giới. Bà Anna và ông Simeon kiên nhẫn chờ đợi niềm hy vọng được loan báo; họ không phàn nàn về những điều sai trái nhưng kiên nhẫn tìm kiếm ánh sáng trong bóng đêm. “Chúng ta cũng cần sự kiên nhẫn đó, để không rơi vào cái bẫy của việc than thở rằng ‘thế giới không còn lắng nghe chúng ta nữa’, hoặc ‘chúng ta không còn ơn gọi nữa’, ‘đây không phải là thời điểm dễ dàng’… Đôi khi Thiên Chúa kiên nhẫn vun xới mảnh đất lịch sử và tâm hồn chúng ta, nhưng chúng ta thiếu kiên nhẫn và muốn phán xét mọi thứ ngay lập tức. Bằng cách này, chúng ta đánh mất hy vọng.”
Đức Thánh Cha kết luận bằng cách mời gọi các tu sĩ “kiểm điểm nội tâm” trước những thách đố của đời sống: “Kiên nhẫn giúp chúng ta có lòng thương xót đối với chính mình, với cộng đoàn và với thế giới… Chúng ta đừng hoài niệm quá khứ nhưng cần can đảm và kiên nhẫn để tiến bước, khám phá những con đường mới và đáp lại lời mời của Chúa Thánh Thần.” Đức Thánh Cha mời gọi các tu sĩ cầu xin ơn kiên nhẫn của ông Simeon để mắt của chúng ta có thể nhìn thấy ánh sáng ơn cứu độ và mang nó cho thế giới.
Hồng Thủy - Vatican News