Đạo Hiếu…Mồng Hai : Kính nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ
Lời Chúa: Hc 44,1.10-15, Ep 6,1-4.18-23, Mt 15,1-6 hoặc Lc 1,67-75
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 15,1-6).
1 Khi ấy, có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng : 2 “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa ?” 3 Người trả lời : “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa ? 4 Quả thế, Thiên Chúa dạy : Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. 5 Còn các ông, các ông lại bảo : ‘Ai nói với cha với mẹ rằng : những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, 6 thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.”
Đạo Hiếu…
Đức Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, trong Tông Huấn Hội Thánh tại Á Châu, đã ghi nhận: “Người Á châu rất quý trọng các giá trị như tôn trọng sự sống, từ bi với mọi loài, gần gũi thiên nhiên, hiếu thảo với cha mẹ, người lớn và tổ tiên…” (HTTAC.6)
Thật vậy, mọi dân tộc đều coi việc “thờ cha kính mẹ” là một bổn phận hết sức thiêng liêng cao quý. Đối với các dân tộc Á Châu nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng; đó còn là “đạo hiếu”. Và dưới ánh sáng Tin Mừng “hiếu thảo với cha mẹ” còn là “ĐẠO” do chính Thiên Chúa ghi khắc trong lương tâm nhân loại.
Tin Mừng hôm nay (Mt. 15,1-6) kể lại hai khía cạnh tranh luận của Chúa Giê-su với những người Pha-ri-sêu, để làm sáng tỏ việc giữ luật thảo kính cha mẹ thì quan trọng và cấp thiết hơn việc thực thi tập tục tiền nhân. Đó là sự đối kháng giữa hai quan niệm, hai hình thức giữ luật.
Khía cạnh thứ nhất là việc rửa tay trước khi ăn; nó chỉ là một tập tục buộc phải làm để giữ gìn vệ sinh. Tuy nhiên, đối với các Pha-ri-sêu thì nó được giải thích như là một điều luật và là một nghi thức tôn giáo để đánh giá con người trong sạch hay dơ bẩn.
Khía cạnh thứ hai là người Do Thái đã đặt ra những luật lệ để lấp liếm bổn phận thảo hiếu do Chúa ban truyền, khi họ viện cớ là đã dâng lễ phẩm vào Đền Thờ – là đã dâng cho Chúa rồi; đủ rồi – để không phải phụng dưỡng cha mẹ nữa.
Hàng năm vào ngày mồng 2 Tết Nguyên Đán, Giáo Hội dành riêng để nhớ về công ơn của các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nhớ ơn các ngài và cầu nguyện cho các ngài cũng chính là dịp để mỗi người tự vấn lương tâm, kiểm điểm đời sống cá nhân và tìm ra ý nghĩa của cuộc đời xuyên qua sự hy sinh cao quý của các ngài.
Đối với Ki-tô giáo đạo hiếu được xem như là đạo yêu thương. Thiên Chúa là tình yêu, nên đạo của Chúa là đạo yêu thương. Không có tình yêu ấy thì mọi lễ nghi tỏ lòng thảo kính đều vô nghĩa. Chính Đức ái là cội nguồn của hiếu đạo Công giáo. Không có tình yêu sâu đậm cụ thể với ông bà cha mẹ, một tình yêu cắm rễ bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa thì lòng hiếu với Tổ tiên chỉ là giả hình, vị kỷ.
Thái độ tưởng nhớ các đấng bậc sinh thành, dưỡng dục còn là sự biểu lộ niềm tin vào sự sống đời sau, đồng thời biểu tỏ lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà tổ tiên, với niềm hy vọng ngày sau cũng được đoàn tụ với các ngài trong Nước Trời.
Lạy Chúa, xin cho con biết tôn kính và thảo hiếu với cha mẹ con suốt đời để được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này (x. Ep 6,1-3). Amen.
CÁT BIỂN