LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
THỨ BA TUẦN VI THƯỜNG NIÊN
SỐNG LỜI CHÚA
Bài đọc :
Bài đọc 1 : St 6,5-8 ; 7,1-5.10
Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo.
Bài trích sách Sáng thế.
6 5 Đức Chúa thấy rằng trên mặt đất sự gian ác của con người quả là nhiều, và suốt ngày lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu. 6 Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng. 7 Đức Chúa phán : “Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, Ta hối hận vì đã làm ra chúng.” 8 Nhưng ông Nô-ê được đẹp lòng Đức Chúa.
7 1 Đức Chúa phán bảo ông Nô-ê : “Ngươi hãy vào tàu, ngươi và cả nhà ngươi, vì Ta chỉ thấy ngươi là người công chính trước nhan Ta trong thế hệ này. 2 Trong mọi loài vật thanh sạch, ngươi sẽ lấy bảy đôi, con đực và con cái, còn trong các loài vật không thanh sạch, thì một đôi, con đực và con cái, 3 trong các loài chim trời cũng lấy bảy đôi, trống và mái, để giữ giống trên khắp mặt đất. 4 Vì bảy ngày nữa Ta sẽ đổ mưa xuống đất trong vòng bốn mươi ngày bốn mươi đêm, và Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất mọi loài Ta đã làm ra.” 5 Ông Nô-ê làm đúng như Đức Chúa đã truyền.
10 Bảy ngày sau, nước hồng thuỷ tràn trên mặt đất.
Đáp ca : Tv 28,1a-2.3ac-4.3b và 9b-10 (Đ. c.11b)
Đ. Xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho dân hưởng bình an.
1aHãy dâng Chúa, hỡi chư thần chư thánh,
2Hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người,
và thờ lạy Chúa uy nghiêm thánh thiện.
Đ. Xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho dân hưởng bình an.
3acTiếng Chúa rền vang trên sóng nước,
Chúa ngự trên nước lũ mênh mông.
4Tiếng Chúa thật hùng mạnh !
Tiếng Chúa thật uy nghiêm !
Đ. Xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho dân hưởng bình an.
3bThiên Chúa hiển vinh cho sấm nổ ầm ầm,
9bcòn trong thánh điện Người,
tất cả cùng hô : “Vinh danh Chúa !”
10Chúa ngự trị trên cơn hồng thuỷ,
Chúa là Vua ngự trị muôn đời.
Đ. Xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho dân hưởng bình an.
Tung hô Tin Mừng : Ga 14,23
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Ha-lê-lui-a.
TIN MỪNG : Mc 8,14-21
Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
14 Khi ấy, các môn đệ Đức Giê-su quên đem bánh theo ; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh. 15 Người răn bảo các ông : “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê !” 16 Các ông mới bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh. 17 Biết thế, Người nói với các ông : “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh ? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao ? Lòng anh em ngu muội thế ! 18 Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư ? Anh em không nhớ sao : 19 khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh ?” Các ông đáp : “Thưa được mười hai.” 20 “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh ?” Các ông nói : “Thưa được bảy.” 21 Người bảo các ông : “Anh em chưa hiểu ư ?”
SUY NIỆM-HIỂU LỜI CHÚA DẠY
Nhiều học giả khi nghiên cứu triết học Hegel phải thừa nhận rằng, hiểu được ông thì không dễ tí nào. Chính Hegel cũng đã từng nói: “Thật ra, trong tất cả đám môn sinh, chỉ có trò E. Gans là hiểu tôi thôi, nhưng trò ấy lại cũng hiểu sai”.
Các môn đệ là những người nghe lời giảng và chứng kiến các phép lạ của Đức Giêsu. Nhưng các ông vẫn chưa thấu hiểu lời của thầy. Đức Giêsu đã khiển trách các ông chậm hiểu, cùng đưa ra lời cảnh báo các ông phải coi chừng men Pharisêu và men Hêrôđê - những thứ men bóp nghẹt Lời Chúa và làm các ông khước từ Tin Mừng là chính Đức Giêsu.
Xã hội hôm nay tràn ngập các phương tiện truyền thông, những ý thức hệ tai hại, phong trào tự do, chủ nghĩa vô thần. Chúng có thể là các thứ men cám dỗ chúng ta trở thành những kẻ điếc Tin Mừng.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin Chúa soi sáng lòng trí chúng con, để chúng con hiểu Lời Chúa dạy và đón nhận Tin Mừng của Chúa vào từng ngày sống, ngõ hầu đức tin chúng con thêm vững vàng, lòng mến chúng con thêm thắm thiết. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về Sự sống: Người già là một hồng ân của Thiên Chúa
Hôm thứ Ba 09/02/2021, Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về Sự sống cho công bố Tài liệu “Tuổi già: tương lai của chúng ta. Tình cảnh của người già sau đại dịch”. Tài liệu đề xuất một suy tư về các bài đọc được rút ra từ đại dịch, về hậu quả của nó đối với hiện tại và tương lai của xã hội.
Suy nghĩ lại mô hình phát triển
Các bài học là: Một mặt, đại dịch tỏ cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa tất cả mọi người, và mặt khác sự hiện diện mạnh mẽ của sự bất bình đẳng. Tất cả chúng ta đều phải chịu đựng cùng một cơn bão, nhưng ở một khía cạnh nào đó có thể nói chúng ta đang chèo trên những con thuyền khác nhau. Vì vậy, điều cần thiết là phải suy nghĩ về mô hình của sự phát triển của toàn hành tinh.
Covid-19 và người già
Tài liệu chỉ ra, trong làn sóng đầu tiên của đại dịch, một phần lớn các trường hợp tử vong là người già ở trong các viện dưỡng lão, là nơi được cho là phải bảo vệ “thành phần yếu đuối của xã hội”. Chúng ta cần có một cái nhìn mới, một kiểu mẫu mới cho phép xã hội chăm sóc người già.
Vào năm 2050, thế giới có hai tỷ người trên 60 tuổi
Tài liệu của Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về Sự sống nhấn mạnh rằng, ngày nay con người có tuổi thọ cao hơn. Sự biến đổi nhân khẩu học lớn này tỏ rõ một thách đố về văn hóa, nhân chủng học và kinh tế. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, vào năm 2050 trên thế giới sẽ có hai tỷ người trên 60 tuổi: do đó, cứ năm người thì có một người cao tuổi. Do đó, điều cần thiết là phải làm cho các thành phố của chúng ta trở thành những nơi hòa nhập và chào đón người già và nói chung, cho tất cả những người yếu đuối.
Người già là một hồng ân của Thiên Chúa
Trong xã hội của chúng ta, quan niệm phổ biến về tuổi già thường là tuổi không hạnh phúc, luôn được hiểu là tuổi cần được trợ giúp, cần chi phí cho chăm sóc y tế. Hàn Lâm viện Tòa Thánh khẳng định: “Tuổi già là một hồng ân của Thiên Chúa và một nguồn lực to lớn, một thành tựu cần được bảo vệ cách cẩn thận, ngay cả khi căn bệnh trở nên không thể chữa trị và cần phải được chăm sóc cách đặc biệt. Và không thể phủ nhận rằng đại dịch đã củng cố trong tất cả chúng ta nhận thức rằng sự phong phú của tuổi già là một kho báu cần được trân trọng và bảo vệ”.
Một mô hình mới cho các nhóm yếu đuối
Liên quan đến việc hỗ trợ, Hàn Lâm Viện chỉ ra một mô hình mới, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương, đó là việc hỗ trợ liên tục giữa việc chăm sóc tại nhà và một số dịch vụ bên ngoài. Về bản chất, chúng ta hy vọng sẽ tái tạo một mạng lưới liên đới rộng lớn hơn “không nhất thiết dựa trên quan hệ huyết thống, nhưng được gắn kết dựa trên các mối quan hệ liên kết, tình bạn, tình cảm chung, lòng quảng đại hỗ tương trong việc đáp ứng nhu cầu của người khác”.
Cuộc gặp gỡ giữa các thế hệ
Đối với người trẻ, tài liệu gợi lên một “cuộc gặp gỡ” có thể đưa vào cấu trúc xã hội “nhựa sống mới mang tính nhân văn sẽ làm cho xã hội đoàn kết hơn. Nhiều lần Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích những người trẻ gần gũi với ông bà và nói thêm rằng khi con người già không phải là gần tới điểm kết thúc, nhưng là mầu nhiệm của vĩnh cửu; để hiểu điều này, chúng ta cần đến gần Thiên Chúa hơn và sống trong mối tương quan mật thiết với Người. Chăm sóc tinh thần cho người già, nhu cầu thân mật với Chúa Kitô và chia sẻ đức tin là một nhiệm vụ bác ái trong Giáo hội”. Văn kiện nêu rõ “Chỉ nhờ có người già mà người trẻ mới tìm lại được cội nguồn của mình và cũng chỉ nhờ có người trẻ mà người già mới khôi phục được khả năng mơ ước”.
Tính mong manh như là huấn quyền
Sự mong manh yếu đuối của người già cũng thật đáng quý. “Nó có thể được đọc như một huấn quyền, một lời dạy về cuộc sống. Tuổi già cũng phải được hiểu trong chân trời linh đạo này: đó là tuổi phó thác nơi Thiên Chúa. Trong khi cơ thể suy yếu, sức sống tinh thần, trí nhớ và tâm trí giảm sút, sự lệ thuộc của con người vào Chúa ngày càng rõ nét”.
Khúc rẽ văn hóa
Cuối cùng, Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về Sự sống kêu gọi: “Toàn xã hội dân sự, Giáo hội và các truyền thống tôn giáo, thế giới văn hóa, trường học, hoạt động tình nguyện, giải trí, kinh tế và truyền thông xã hội phải cảm thấy có trách nhiệm đề xuất và hỗ trợ các biện pháp mới cách quyết liệt, để người già có thể được đồng hành và hỗ trợ trong các bối cảnh gia đình, trong nhà của họ và trong bất kỳ trường hợp nào trong môi trường gia đình giống như nhà hơn là bệnh viện. Đây là một bước ngoặt văn hóa cần được thực hiện”.
Ngọc Yến - Vatican News