Wednesday, September 11, 20247:35 PM(View: 7)
Nguồn: Spiritdaily.com 1. Nhà thần bí nổi tiếng ở vùng Nam Mỹ có tên là bà Maria Esperanza đã từng 3 lần tiên đoán rằng sẽ có những biến cố lớn xẩy ra tại nước Mỹ. Đó là chuyện về những kẻ thù của nước Mỹ sẽ tấn công nước Mỹ...
Wednesday, September 11, 20242:47 PM(View: 11)
Nguồn: Spiritdaily.com Hôm nay thì ngày 9/11 lại đến. Cho dù có bao nhiêu năm tháng đi qua, chúng ta vẫn ngậm ngủi và giữ thinh lặng trong giây lát để tưởng niệm những nạn nhân và cầu nguyện cho nước Mỹ.
Wednesday, September 11, 20242:09 PM(View: 9)
Nguồn: Internet Đối với rất nhiều người thì vị linh mục người Mỹ này được mọi người thương mến vì ngài có những hành động quên mình để cứu những người khác.
Wednesday, September 11, 20241:38 PM(View: 10)
Hôm nay, ngày 11 tháng 9 năm 2024, cả nước Mỹ tưởng nhớ ngày này. Đó là vào năm 2001, khi mà cả nước Mỹ đau buồn vì biến cố khủng bố đã xẩy ra tại thành phố New York, ở lầu Năm Góc thuộc thủ đô Washington DC và ở một cánh đồng của tiểu bang Pennsylvania.
Wednesday, September 11, 20241:24 PM(View: 14)
Một cựu chiến binh Hoa Kỷ kể: Tôi đã phục vụ trong quân đội. Tôi được gửi đi hoạt động ở nước Afghanistan. Trong một sứ mệnh cứu đồng đội thì tôi bị thương và mất hai chân và một cánh tay. Sau đó, vợ tôi bỏ rơi tôi
Wednesday, September 11, 20247:11 AM(View: 14)
Hôm nay ngày 11 tháng 9 năm 2024. Tính đến hôm nay thì bieesns cố khủng bố đã xẩy ra được 23 năm (2001). Nhưng trong lòng tôi, dường như biến cố này mới xẩy ra hôm qua. Một vết thương quá sâu và quá đau xót.
Tuesday, September 10, 20247:06 PM(View: 25)
Nữ tu Mechthild Hackeborn khẩn cầu Đức Mẹ xót thương phù hộ cho mình trong giờ phút cuối đời. Đức Mẹ hiện ra và nói: "Mẹ đã nge lời khẩn cầu của con. Mẹ chấp nhận điều con xin, nhưng xin con đọc mỗi ngày 3 Kinh Kính Mừng theo ý mẹ. Kinh thứ nhất: Kính tôn và cảm tạ Chúa Cha, Đấng đã dùng quyền phép vô cùng cao cả của Người mà ban cho mẹ, sau Người, được toàn quyền...
Tuesday, September 10, 20246:00 PM(View: 27)
Nguồn: Spiritdaily.com Thánh Giuse là Cha nuôi của Chúa Giêsu và là chồng của Đức Mẹ Maria, Ngài là một vị thánh tuyệt hảo để giúp cho những người mất ngủ thì được ngủ dễ dàng hơn.
Tuesday, September 10, 20245:47 PM(View: 23)
Nguồn: Spiritdaily.com Thánh Peter Damian là một vị tu sĩ Dòng Benedictine và cũng là một vị Giám Mục của thế kỷ thứ 11. Ngài hoạt động trong nhiều lãnh vực nên thường có nhiều đêm mất ngủ trầm trọng. Ngài luôn cầu nguyện rất sốt sắng, làm việc sám hối và nhiều công việc khác.
Tuesday, September 10, 20244:59 PM(View: 24)
Nguồn: https://www.catholic365.com Nicholas chào đời năm 1245 tại San Angelo, quận Marche, thành phố Ancona (Ý Đại Lợi). Cha mẹ người không có con đã đi hành hương tại đền thánh Bari, Ý Đại Lợi để cầu xin Thánh Nicholas ở Myre ban cho một đứa con.

Thứ Năm Trong Tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh Phụng Vụ Lời Chúa Bài Đọc I: Cv 3, 11-26

Wednesday, April 7, 20218:30 PM(View: 1380)
ps6Thứ Năm Trong Tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Đọc I: Cv 3, 11-26
"Đấng ban sự sống thì anh em đã giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại".
Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, khi người què được chữa lành cứ theo sát Phêrô và Gioan, toàn dân bỡ ngỡ chạy đến hai ngài đang ở hành lang gọi là hành lang Salômôn. Thấy vậy Phêrô liền nói với dân chúng rằng: "Hỡi các người Israel, tại sao anh em ngạc nhiên về việc đó và nhìn chúng tôi như là chúng tôi dùng quyền năng hay lòng đạo đức riêng mà làm cho người này đi được? Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta, đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Đấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh, Đấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Đấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng. Và bởi đã tin vào danh Người, nên danh Người đã làm cho kẻ mà anh em thấy và biết đây, được vững mạnh, và lòng tin vào Người chữa anh này hoàn toàn lành mạnh trước mặt hết thảy anh em.

"Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm. Thiên Chúa đã hoàn tất việc Ngài dùng miệng các tiên tri mà báo trước rằng Đức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ, như thế để Thiên Chúa ban cho anh em thời kỳ thư thái, và sai Đức Giêsu Kitô, Đấng mà Chúa đã phán hứa cùng anh em trước, Đấng phải về trời cho đến thời kỳ phục hồi vạn vật, như Chúa đã dùng miệng các thánh tiên tri Ngài mà phán từ ngàn xưa. Môsê đã nói rằng:

"Vì Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ cho xuất hiện giữa anh em các ngươi một tiên tri như ta, các ngươi hãy nghe tất cả những điều Ngài sẽ nói với các ngươi. Vậy, tất cả những ai không chịu nghe theo vị tiên tri đó, thì sẽ bị khai trừ khỏi dân chúng.

"Và tất cả các tiên tri, từ Samuel và các vị kế tiếp, đều đã nói và tiên báo về ngày này. Anh em là con cháu các tiên tri và con cháu của giao ước mà Chúa đã thiết lập với các tổ phụ chúng ta, khi Người phán cùng Abraham rằng: "Chính nơi dòng dõi ngươi, mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc". Chính vì anh em trước tiên mà Thiên Chúa đã cho Con của Ngài xuất hiện và sai đi chúc phúc cho anh em, để mỗi người từ bỏ tội ác".
Đó là lời Chúa.

Đáp Ca: Tv 8, 2a và 5. 6-7. 8-9
Đáp: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu (c. 2a).
Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu! Nhân loại là chi mà Chúa để ý chăm nom? - Đáp.

2) Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người. - Đáp.

3) Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi. - Đáp.

Alleluia: Tv 117, 24
Alleluia, alleluia! - Đây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 24, 35-48
"Đấng Kitô phải chịu thương khó như vậy, rồi mới được tôn vinh".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đứng bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: "Bình an cho các con! Này Thầy đây, đừng sợ". Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: "Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây". Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: "Ở đây các con có gì ăn không?" Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Đoạn Người phán: "Đúng như lời Thầy đã nói với các con khi Thầy còn ở với các con, là: cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh". Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: "Có lời chép rằng: Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy".Đó là lời Chúa.

Cảm Nhận Lời Chúa

"Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đứng bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: 'Bình an cho các con! Này Thầy đây, đừng sợ'".

Thánh ký Luca, qua đoạn trên đây, đã thuật lại sự kiện lần đầu tiên Chúa Kitô hiện ra với chung các tông đồ sau khi Người từ trong cõi chết sống lại. Tuy nhiên, Đấng Phục Sinh vẫn còn phải chứng thực Người quả thật là Thày của các vị và là Đấng đã thực sự bị đóng đanh nữa, bằng cả các dấu hiệu bề ngoài là chân tay của Người và ăn uống trước mặt các vị, lẫn soi sáng tâm trí bề trong của các vị để các vị nhờ đó mới có thể chân nhận rằng những lời Thánh Kinh về Người đã được hoàn toàn ứng nghiệm:

"Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: 'Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây'. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: 'Ở đây các con có gì ăn không?' Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Đoạn Người phán: 'Đúng như lời Thầy đã nói với các con khi Thầy còn ở với các con, là: cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh'. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh".

Ở đây chúng ta thấy các tông đồ có khác, là nam nhân thiên về lý trí và lý sự nên khó tin hơn thành phần nữ giới tự bản chất sống theo cảm tình và trực giác, thành phần đã chẳng cần phải chứng minh gì cả đã tin ngày Đấng hiện ra với mình là Chúa Kitô, như trong bài Phúc Âm Thứ Hai (với chung các phụ nữ) và Thứ Ba (với riêng Chị Mai Đệ Liên) Bát Nhật tuần này cho thấy.

Đối với các vị nam nhân tông đồ này, Chúa Giêsu đã chẳng những cho các vị "xem tay chân Thày" mà còn "ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ" (nghĩa là ăn thật nên còn dư), mà còn mở lòng mở trí cho các vị hiểu được Thánh Kinh do chính Người dẫn chứng về Người nữa. Nhờ đó, các vị mới có thể làm chứng về Người, bằng một đức tin không phải thuần lý hay thuần thiêng có vẻ duy tín hay cuồng tín một cách dị đoan hoặc hoang đường nhưng có chứng cớ cụ thể hiển nhiên đàng hoàng không thể chối cãi.

Đó là lý do ở cuối bài Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu đã bảo các tông đồ được Người hiện ra chứng thực rằng Người cho dù đã bị chết nhưng sống lại rằng "các con là chứng nhân về những điều này", nghĩa là về những gì các vị được Người tỏ ra cho thấy, và vì thế chứng tỏ những gì chính các vị đã thấy và đã nghe về Người, cả trước và sau khi Người sống lại từ trong kẻ chết.

Chúa Kitô khổ nạn, tử giá và được mai táng trong mồ vào chiều Thứ Sáu ấy đã hiện ra với chung các môn đệ và riêng các tông đồ lần đầu tiên này không phải chỉ để chứng thực về bản thân Người là Đấng đã bị bàn tay hận thù sắt máu của con người giết chết nhưng Người đã sống lại, hoàn toàn chiến thắng tội lỗi và sự chết, mà còn để sai các vị đi "bắt đầu từ Giêrusalem, khắp Giuđêa và Samaria" (Tông Vụ 1:8) mà làm chứng về Người là Đấng Thiên Sai của dân Do Thái, và đi "cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 1:8) mà làm chứng cho Người là Đấng Cứu Thế của toàn thể nhân loại:

"Phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy". Phải chăng Bí Tích Hòa Giải (xem cả Gioan 20:21 cùng với Bí Tích Rửa Tội - xem Mathêu 28:19) được Chúa Giêsu thiết lập sau khi Người phục sinh từ trong kẻ chết mà theo luật Giáo Hội hằng năm Kitô hữu Công giáo buộc phải "xưng tội một năm ít là một lần trong Mùa Phục Sinh" chứ không phải trong một mùa nào khác, cho dù là Mùa Chay vốn được coi là mùa thống hối ăn năn hoán cải?

Nếu trong biến cố khổ nạn và tử giá, Chúa Kitô đã chứng thực mình quả là Đấng Thiên Sai, đến không phải để làm theo ý của mình mà là ý của Cha là Đấng đã sai Người, đến độ cho dù có thể Người vẫn không xuống khỏi thập giá, trái lại, "mặc dù là Con, Người đã biết tuân phục nơi những gì Người chịu" (Do Thái 5:8), thì trong biến cố phục sinh, Chúa Kitô được Chúa Cha, Đấng mà Người phó thần trí của Người cho trước khi chết (xem Luca 23:46), qua quyền năng của Thánh Thần là Đấng đã làm cho Người sống lại từ kẻ chết (xem Roma 8:11), chứng thực Người đúng là "Chúa và Thiên Chúa" (Gioan 20:28).

Bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan thuật lại lần hiện ra với chung các tông đồ lần đầu tiên này còn cho biết thêm các chi tiết sau đây:

1- Sau khi nhận ra Chúa căn cứ vào tác động tự chứng của mình (như Phúc Âm Thánh Luca hôm nay thuật lại), "các môn đệ hoan hỉ khi thấy Chúa" (Gioan 20:20);

2- Được các môn đệ nhận biết rồi Chúa Kitô Phục Sinh mới sai phái các vị ra đi như Người để tiếp tục sứ vụ của Người và thay Người: "Như Cha đã sai Thày thế nào, Thày cũng sai các con như thế" (Gioan 20:21);

3- Sau cùng, để các vị có thể thực hiện sứ vụ thừa tác viên được chính Chúa Kitô Phục Sinh sai phái như thế, sứ vụ "rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân", như trong bài Phúc Âm Thánh Luca hôm nay, Người đã phải thông Thánh Linh của Người cho các vị bằng hơi thở từ chính thân xác phục sinh tràn đầy Thánh Linh của Người: "Các con hãy nhận lấy Thánh Linh" (Gioan 20:22).

Vì chỉ có nhờ Thánh Linh, các vị mới có thể trở thành chứng nhân trung thực và sống động của Người và cho Người, khi các vị có cùng một tâm tình, ngôn từ, tác hành và phản ứng như chính Chúa Kitô, Đấng "đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư trầm" (Luca 19:10). Chính vị Thánh ký Luca này cũng là tác giả của Sách Tông Vụ, trình thuật lại hoạt động của Thánh Linh qua chứng từ truyền giáo của các tông đồ nói chung và của vị tông đồ dân ngoại Phaolô nói riêng, như chúng ta đọc thấy trong suốt Mùa Phục Sinh 7 tuần lễ ở Bài Đọc 1 được Giáo Hội cố ý sắp xếp như vậy.

Lời Chứng (ngôn từ) và Dấu Chứng (hành động) về Người Con Thiên Chúa Nhập Thể Vượt Qua Thiên Sai Cứu Thế của các tông đồ ở Bài Đọc Sách Tông Vụ:
"Thấy vậy Phêrô liền nói với dân chúng rằng: 'Hỡi các người Israel, tại sao anh em ngạc nhiên về việc đó và nhìn chúng tôi như là chúng tôi dùng quyền năng hay lòng đạo đức riêng mà làm cho người này đi được?... Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh, Đấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Đấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng. Và bởi đã tin vào danh Người, nên danh Người đã làm cho kẻ mà anh em thấy và biết đây, được vững mạnh, và lòng tin vào Người chữa anh này hoàn toàn lành mạnh trước mặt hết thảy anh em".

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên.