18 Tháng Tư 20249:08 CH(Xem: 19)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Cố LM Don Dolindo có những cảm nghiệm rất hay. Khi còn nhỏ, ngài chịu nhiều sự bách hại và khổ đau. Bằng cách nào mà ngài đã cố gắng ngửng đầu cao lên khỏi bể nước và luôn vui vẻ? Chúa Thánh Thần đã khơi nguồn cảm hứng cho ngài với lời cầu nguyện đơn sơ như sau:
18 Tháng Tư 20248:35 CH(Xem: 16)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Lúc gần đây có nhiều người biết đến hiện tượng: "Padre Pio of Naples", đó là điều mô tả về cố linh mục Don Dolindo Ruotolo. Ngài qua đời vào năm 1970, chỉ hai năm sau khi Padre Pio qua đời vào năm 1968. Ngài đang làm việc một cách hữu hiệu từ Thiên Đàng. Ngài an ủi, dỗ dành, chữa lành cho rất nhiều người khỏi chứng bịnh lo âu,
18 Tháng Tư 20247:58 CH(Xem: 12)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Có một gương sáng lớn nhất, đó là chính Chúa Giêsu. Kẻ dữ độc ác đã đóng đinh Chúa Giêsu, Con Chí Thánh của Chúa Cha ở trên cây thánh giá. Lúc đó, Satan nghĩ rằng hắn đã chiến thắng. Nhưng sự thật thì trái lại. Đó là bởi vì Chúa đã biến đổi sự dữ ấy thành sự thiện.
18 Tháng Tư 20243:58 CH(Xem: 16)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Sr. Emmanuel viết: Có một phụ nữ gõ cửa nhà tôi. Trông cô ấy thật là quá đau khổ, xuống sắc và thiểu não. Đôi mắt, đôi má và cái miệng của cô trông rất là buồn thảm và héo hắt. Cô bắt đầu kể lể về mọi nỗi thống khổ của mình.
17 Tháng Tư 20249:07 CH(Xem: 31)
https://luisapiccarreta.com/other-category/cristina-montella-sister-rita-of-the-holy-spirit-the-little-girl-of-padre-pio/ 1. Thời thơ ấu Nữ tu Cristina Montella được sinh ra tại vùng Cercola (Naples) vào ngày 3/4/1920. Khi cô bé được 2 tuổi, cô đang ở chơi nhà một người cô thì nhìn thấy một bức hình của Thánh Gerard Majella,
17 Tháng Tư 20244:44 CH(Xem: 31)
Đức Mẹ Guadalupe hiện ra ở Tepeyac, Mexico City, nước Mễ Tây Cơ từ ngày 9/12/1531 đến ngày 12/12/1531 và chữa lành rất nhiều người, dù rằng người ta đã chết nhưng vẫn được Mẹ cho sống lại.
17 Tháng Tư 20241:58 CH(Xem: 24)
Tồi vừa được xem một video clip tiếng Anh ngắn. Cậu bé chừng 6 tuổi mơ thấy mình lên Thiên Đàng. Sáng hôm sau, cậu kể câu chyện mẹ mình: -Mẹ ơi, con gặp một người chị của con ở Thiên Đàng. -Ủa, con chỉ có một người chị ở đây thôi mà.
13 Tháng Tư 20249:23 CH(Xem: 57)
Cảm nghiệm của một thanh niên làm nghề taxi: Con gặp khó khăn trong việc làm nên con quyết định làm nghề tài xế taxi.
13 Tháng Tư 20248:37 CH(Xem: 55)
“Thầy đây. Đừng sợ!” Trong tác phẩm “When All Hell Breaks Loose,” tạm dịch, “Khi Tất Cả Đổ Vỡ,” Steven J. Lawson viết, “Có thể bạn đang ở trong một cơn bão. Chúa có mục đích khi dẫn bạn vào đó. Ngài thừa sức bảo vệ bạn qua cơn bão; và Ngài có một kế hoạch, để cuối cùng, dẫn bạn ra khỏi đó. Hãy hướng mắt về Ngài!” Kính thưa Anh Chị em, “Hãy hướng mắt về Ngài!”
13 Tháng Tư 20248:26 CH(Xem: 55)
Nguồn: Spiritdaily.com 1. Có một câu chuyện kể rằng một vị chỉ huy vào cuối ngày, ông nhìn thấy mặt trời lặn trước khi ông ta có thể chiến thắng nơi chiến trường. Ông ta bèn quỳ xuống cầu nguyện với Đức Mẹ Maria để cầu xin Mẹ ngừng mặt trời lặn trong ngày hôm ấy lại để ông và quân đội của ông có thể chiến thắng. Thế là mặt trời bỗng dưng đứng lại...

LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY CHÚA NHẬT TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN, Năm B SỐNG LỜI CHÚA TIN MỪNG : Mc 5,21-43

27 Tháng Sáu 202112:25 CH(Xem: 655)

9-12Tượng_Đức_Mẹ_và_hai_tháp_chuôngLỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY

CHÚA NHẬT TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN, Năm B

SỐNG LỜI CHÚA

TIN MỪNG : Mc 5,21-43

Này bé, Thầy truyền cho con : trỗi dậy đi.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

21 Khi ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. 22 Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, 23 và khẩn khoản nài xin : “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống.” 24 Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

25 Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, 26 bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, đến tán gia bại sản, mà bệnh vẫn không thuyên giảm, lại còn thêm nặng là khác. 27 Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo choàng của Người. 28 Vì bà tự nhủ : “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa.” 29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. 30 Ngay lúc đó, Đức Giê-su nhận thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi : “Ai đã sờ vào áo tôi ?” 31 Các môn đệ thưa : “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi : ‘Ai đã sờ vào tôi ?’” 32 Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. 33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. 34 Người nói với bà ta : “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

35 Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo : “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa ?” 36 Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường : “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” 37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. 38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy cảnh ồn ào và người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. 39 Người bước vào nhà và bảo họ : “Sao lại ồn ào và khóc lóc như vậy ? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy !” 40 Họ chế nhạo Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, rồi đưa cha mẹ đứa trẻ và những kẻ theo Người, cùng đi vào nơi nó đang nằm. 41 Người cầm lấy tay nó và nói : “Ta-li-tha kum”, có nghĩa là : “Này bé, Thầy truyền cho con : trỗi dậy đi !” 42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta sửng sốt kinh ngạc. 43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.

SUY NIỆM-CHỈ CẦN TIN THÔI

Volta là nhà vật lý đã phát minh ra pin. Khi nghe có một khoa học gia là bạn của mình hồ nghi về sự “có Chúa”, ông liền mạnh mẽ nói rằng: “Khoa học chỉ làm cho tôi thấy Chúa hiện diện khắp nơi. Nguyên Nhân Tiên Khởi, Đấng Ra Luật không sai lầm, Đấng Tạo Hóa, Lý Do Cuối Cùng của tất cả: đó là CHÚA.”

Tự bản thân mình, con người đã có thể nhận ra bàn tay kỳ diệu của Thiên Chúa qua vạn vật trong vũ trụ bao la này. Nhưng con người lại không thể hiểu biết hết về Thiên Chúa. Vì lẽ đó, Thiên Chúa đã mặc khải chính mình cho con người qua lịch sử cứu độ mà đỉnh cao là Đức Giêsu Kitô.

Trong hành trình rao giảng Nước Trời, Đức Giêsu đã thực hiện nhiều phép lạ để dân chúng tin vào quyền năng của Người. Một trong những phép lạ đó là việc Đức Giêsu làm cho con gái ông trưởng hội đường sống lại. Phép lạ đã xảy ra vì đức tin mạnh mẽ của người cha.

Đức tin quả là một điều thiết yếu đối với cuộc sống con người, đặc biệt là mỗi Kitô hữu. Khi tin vào quyền năng Thiên Chúa, con người sẽ có được bình an trong tâm hồn và luôn cháy sáng niềm hy vọng về cuộc sống vinh phúc mai sau.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa, đức tin của chúng con còn yếu kém lắm. Xin ban thêm đức tin để chúng con luôn vững bước trong cuộc đời và không còn phải lo lắng, sợ hãi trước bất kỳ thế lực gian ác nào. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Ông Bà và Người Cao tuổi lần thứ nhất

Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Ông Bà và Người cao tuổi lần thứ nhất, Đức Thánh Cha Phanxicô bảo đảm với những người cao tuổi rằng Thiên Chúa luôn ở bên họ. Ngài cũng nhắc nhở họ về ơn gọi của họ trong việc gìn giữ cội nguồn và truyền lại đức tin cho lớp trẻ.

Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Ông Bà và Người Cao tuổi lần thứ nhất

"Ta luôn ở cùng con"

Các ông bà nội ngoại và các bạn cao niên thân mến,

“Ta luôn ở cùng con” (Mt 28,20): đây là lời Chúa đã hứa với các môn đệ trước khi về trời. Đây là những lời hôm nay Chúa lặp lại với anh chị em, thưa quý ông bà nội ngoại và những người bạn cao niên. “Tôi luôn ở bên anh chị em”, cũng là những lời mà với tư cách là Giám mục của Roma và một người lớn tuổi như anh chị em, tôi muốn nói với anh chị em trong Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ nhất. Toàn thể Giáo hội gần gũi với anh chị em - với chúng ta - và quan tâm đến anh chị em, yêu thương anh chị em và không muốn để anh chị em đơn độc!

An ủi giữa đại dịch

Tôi biết rõ rằng Sứ điệp này đến với anh chị em vào một thời điểm khó khăn: đại dịch ập xuống trên chúng ta như một cơn bão dữ dội và bất ngờ; đó là thời gian thử thách cho tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là đối với những người cao tuổi chúng ta. Nhiều người trong chúng ta bị bệnh, những người khác chết hoặc chứng kiến cái chết của vợ/chồng hoặc những người thân yêu, trong khi những người khác thấy mình bị cô lập và cô đơn trong thời gian dài.

Chúa nhận biết tất cả những gì chúng ta đã trải qua trong thời gian này. Người gần gũi với những người cảm thấy bị cô lập và cô đơn, những cảm giác càng trở nên đau xót hơn trong đại dịch. Có một truyền thống kể rằng, thánh Gioakim, ông ngoại của Chúa Giêsu, cảm thấy bị những người xung quanh xa lánh vì không có con; cuộc sống của ngài, cũng như của thánh Anna vợ ngài, bị coi là vô ích. Vì vậy, Chúa đã gửi một thiên thần đến để an ủi ngài. Trong khi ngài buồn bã trầm ngâm bên ngoài cổng thành, một sứ giả của Chúa xuất hiện với ngài và nói: “Gioakim, Gioakim! Chúa đã nghe lời cầu nguyện van nài của ông” [1]. Trong một trong những bức bích họa nổi tiếng của mình [2], hoạ sĩ Giotto dường như đặt bối cảnh vào ban đêm, một trong nhiều đêm không ngủ, chất đầy những ký ức, lo lắng và mong ước, mà nhiều người trong chúng ta đã trở nên quen thuộc.

Chúa sai thiên thần, gửi sứ giả qua lời của Người

Ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất, như trong những tháng đại dịch này, Chúa vẫn tiếp tục gửi các thiên thần đến để xoa dịu nỗi cô đơn của chúng ta và nhắc nhở chúng ta: “Ta luôn ở bên các con”. Người nói điều này với anh chị em, và Người nói điều đó với tôi. Đó là ý nghĩa của Ngày này, Ngày mà tôi muốn cử hành lần đầu tiên trong năm đặc biệt này, khi thời gian dài bị cô lập kết thúc và cuộc sống xã hội từ từ trở lại. Cầu mong cho mọi người ông, người bà, mỗi người lớn tuổi, đặc biệt là những người cô đơn nhất trong chúng ta, được một thiên thần viếng thăm!

Đôi khi những thiên thần đó mang khuôn mặt của các cháu của chúng ta, đôi khi có khuôn mặt của các thành viên trong gia đình, những người bạn lâu năm hoặc những người mà chúng ta đã biết trong những khoảng thời gian thử thách này, khi chúng ta hiểu được những cái ôm và những cuộc thăm hỏi thì quan trọng dường nào đối với mỗi người chúng ta. Tôi buồn biết bao khi ở một số nơi người ta vẫn không thể thực hiện những điều này!

Tuy nhiên, Chúa cũng gửi cho chúng ta những sứ giả qua lời của Người, những điều luôn ở trong tầm tay. Chúng ta hãy cố gắng đọc một trang Tin Mừng mỗi ngày, cầu nguyện với các Thánh vịnh, đọc các sách ngôn sứ! Chúng ta sẽ được an ủi bởi sự thành tín của Chúa. Kinh Thánh cũng sẽ giúp chúng ta hiểu những gì Chúa đang yêu cầu trong cuộc sống của chúng ta hôm nay. Vì vào mọi giờ trong ngày (x. Mt 20, 1-16) và trong mọi mùa của cuộc sống, Chúa vẫn tiếp tục sai thợ vào làm vườn nho của Người. Có thể nói, tôi đã được kêu gọi để trở thành Giám mục của Roma khi tôi đã đến tuổi nghỉ hưu và nghĩ rằng tôi sẽ không làm bất cứ điều gì mới. Chúa luôn - luôn luôn - ở gần chúng ta. Người ở gần chúng ta với những khả năng mới, ý tưởng mới, niềm an ủi mới, nhưng luôn ở gần chúng ta. Anh chị em biết rằng Chúa là vĩnh cửu; Chúa không bao giờ nghỉ hưu.

Ơn gọi của người cao niên

Trong Tin Mừng thánh Mátthêu, Chúa Giêsu nói với các Tông đồ: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (28, 19-20). Những lời này cũng được nói với chúng ta ngày hôm nay. Chúng giúp chúng ta hiểu rõ hơn rằng ơn gọi của chúng ta là gìn giữ cội nguồn của mình, truyền lại đức tin cho lớp trẻ và chăm sóc những trẻ nhỏ. Hãy suy nghĩ về nó: ơn gọi của chúng ta ngày nay, ở tuổi của chúng ta là gì? Gìn giữ cội nguồn của chúng ta, trao truyền niềm tin cho lớp trẻ và chăm sóc những trẻ nhỏ. Đừng bao giờ quên điều này.

Việc anh chị em bao nhiêu tuổi, anh chị em còn đi làm hay không, anh chị em độc thân hay có gia đình, anh chị em đã trở thành bà hay ông khi còn trẻ hay lúc lớn tuổi hơn, anh chị em vẫn tự lập hay cần trợ giúp, những điều này không tạo nên sự khác biệt. Bởi vì công việc loan báo Tin Mừng và chuyển trao các truyền thống cho con cháu mình thì không có tuổi nghỉ hưu. Anh chị em chỉ cần lên kế hoạch và thực hiện một điều gì đó mới.

Vào thời điểm quan trọng này trong lịch sử, anh chị em có một ơn gọi được đổi mới. Anh chị em có thể tự hỏi: Làm sao điều này có thể thực hiện được? Sức lực của tôi đang cạn kiệt và tôi không nghĩ mình có thể làm được nhiều việc. Làm sao tôi có thể bắt đầu hành động khác đi khi thói quen đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi? Làm sao tôi có thể cống hiến hết mình cho những người nghèo khi tôi đã quá lo toan cho gia đình của mình? Làm sao tôi có thể mở rộng tầm nhìn của mình khi tôi thậm chí không thể rời khỏi nơi ở của mình? Chẳng phải sự cô độc của tôi đã đủ là một gánh nặng rồi sao? Có bao nhiêu người trong số anh chị em đang hỏi câu đó: không phải sự cô độc của tôi đã đủ là một gánh nặng rồi sao? Chính Chúa Giêsu đã nghe một câu hỏi tương tự từ ông Nicôđêmô: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được?” (Ga 3, 4). Chúa trả lời, điều đó có thể xảy ra, nếu chúng ta mở lòng đón nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng thổi đến nơi đâu Người muốn. Chúa Thánh Thần, với sự tự do của mình, Người đi đến bất cứ nơi đâu, và làm bất cứ điều gì Người muốn.

Thoát ra khỏi đại dịch

Như tôi đã lặp lại nhiều lần, chúng ta sẽ không thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại như chúng ta là trước đây, nhưng sẽ tốt hơn hoặc tệ hơn. Và “Nhờ trời,… ước gì đây không là một bi kịch khác của lịch sử mà lại một lần nữa chúng ta chẳng học được gì. Ước gì chúng ta luôn nhớ đến những người già đã chết vì thiếu máy trợ thở, ... Ước gì nỗi đớn đau dằn vặt lớn lao đó không trở nên vô ích, nhưng là bước tiến giúp chúng ta biết đổi mới cách sống. Ước gì chúng ta tái khám phá và vĩnh viễn nhận biết rằng chúng ta cần đến nhau, chúng ta mắc nợ lẫn nhau để nhờ đó, gia đình nhân loại được tái sinh”(Fratelli Tutti, 35). Không ai được cứu một mình. Tất cả chúng ta đều mắc nợ lẫn nhau. Tất cả chúng ta đều là anh chị em.

Theo quan điểm này, tôi muốn nói với anh chị em rằng anh chị em là người cần thiết để giúp xây dựng, trong tình huynh đệ và tình bạn xã hội, thế giới tương lai: thế giới mà chúng ta, cùng với con cháu của chúng ta, sẽ sống sau khi cơn bão đã lắng xuống. Tất cả chúng ta phải tham gia tích cực vào việc đổi mới và hỗ trợ các xã hội đang gặp khó khăn của chúng ta” (ibid., 77). Trong số các trụ cột hỗ trợ dinh thự mới này, có ba trụ cột mà anh chị em, tốt hơn bất kỳ ai khác, có thể giúp thiết lập. Ba trụ cột đó là ước mơ, ký ức và cầu nguyện. Sự gần gũi của Chúa sẽ ban cho tất cả, ngay cả những người yếu đuối nhất trong chúng ta, sức mạnh cần thiết để bắt đầu một cuộc hành trình mới trên con đường của ước mơ, ký ức và cầu nguyện.

Ước mơ, ký ức và cầu nguyện

Ngôn sứ Giô-en đã từng loan báo lời hứa này: “Những người già của các ngươi sẽ được báo mộng, và những người trẻ của các ngươi sẽ thấy thị kiến” (3, 1). Tương lai của thế giới phụ thuộc vào giao ước giữa trẻ và già. Ai có thể chắp cánh ước mơ của người già và biến chúng thành hiện thực, nếu không phải là người trẻ? Tuy nhiên, để điều này xảy ra, chúng ta cần phải tiếp tục ước mơ. Ước mơ của chúng ta về công lý, về hòa bình, về tình liên đới có thể giúp những người trẻ của chúng ta có những tầm nhìn mới; bằng cách này, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng tương lai. Anh chị em cần chứng tỏ rằng có thể vượt qua và đổi mới sau trải nghiệm gian khổ. Tôi chắc chắn rằng anh chị em đã hơn một lần trải nghiệm như thế: trong cuộc đời anh chị em, anh chị em đã phải đối mặt với bất kỳ khó khăn nào nhưng vẫn có thể vượt qua. Giờ đây hãy sử dụng những kinh nghiệm đó để học cách vượt qua.

Những giấc mơ vì thế mà đan xen với ký ức. Tôi nghĩ về ký ức đau thương của chiến tranh và tầm quan trọng của nó đối với việc giúp những người trẻ tuổi học được giá trị của hòa bình. Những người trong số anh chị em đã trải qua đau khổ của chiến tranh phải truyền lại thông điệp này. Giữ cho ký ức sống động là một sứ mệnh thực sự của mỗi người cao tuổi: giữ cho ký ức sống động và chia sẻ nó với những người khác. Edith Bruck, người đã sống sót sau cuộc diệt chủng Shoah kinh hoàng, đã nói rằng “ngay cả việc soi sáng cho một lương tâm cũng đáng với những nỗ lực và đau đớn để giữ cho ký ức về những gì đã qua tồn tại”.

Bà nói tiếp: "Đối với tôi, ký ức là sống.[3] Tôi cũng nghĩ đến ông bà của tôi, và về những người trong số anh chị em đã phải di cư và biết rằng thật khó khăn khi rời bỏ chính ngôi nhà của mình, như rất nhiều người vẫn tiếp tục làm ngày hôm nay, để tìm kiếm một tương lai. Một số người trong số những người đó thậm chí có thể bây giờ đang ở bên cạnh chúng ta, chăm sóc cho chúng ta. Ký ức này có thể giúp xây dựng một thế giới nhân văn và hiếu khách hơn. Tuy nhiên, nếu không có ký ức, chúng ta sẽ không bao giờ có thể xây dựng được; không có nền móng thì không bao giờ xây được một ngôi nhà. Không bao giờ. Và nền tảng của cuộc sống là ký ức.

Cuối cùng là cầu nguyện. Như vị tiền nhiệm của tôi, Đức Biển Đức XI, một người cao niên thánh thiện vẫn tiếp tục cầu nguyện và làm việc cho Giáo hội, đã từng nói: "Lời cầu nguyện của người cao tuổi có thể bảo vệ thế giới, có lẽ giúp ích cách hữu hiệu hơn là hoạt động tất bật của nhiều người"[4]. Ngài đã nói những lời này vào năm 2012, gần cuối triều đại giáo hoàng của mình. Thật là hay. Lời cầu nguyện của anh chị em là một nguồn lực vô cùng quý giá: nó là hơi thở sâu mà Giáo hội và thế giới vô cùng cần thiết lúc này (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 262). Đặc biệt là trong thời điểm khó khăn này của nhân loại, khi chúng ta cùng ở trên cùng một con thuyền chèo qua biển cả bão tố của đại dịch, lời cầu bầu của anh chị em cho thế giới và cho Giáo hội vô cùng có giá trị: nó truyền cho mọi người sự tin tưởng thanh thản rằng chúng ta sẽ sớm đến bờ.

Quý ông bà nội ngoại và anh chị em cao niên thân mến, kết thúc Sứ điệp gửi đến anh chị em, tôi cũng muốn nhắc đến gương của Chân phước (sắp được phong thánh) Charles de Foucauld. Ngài sống như một ẩn sĩ ở Algeria và ở đó ngài đã làm chứng cho “mong muốn được cảm thấy mình là anh em đối với tất cả mọi người” (Fratelli Tutti, 287). Câu chuyện về cuộc đời của ngài cho thấy làm thế nào, ngay cả trong sự đơn độc của sa mạc của riêng một người, có thể cầu bầu cho những người nghèo trên toàn thế giới và thực sự trở thành một người anh chị em của thế giới.

Tôi cầu xin Chúa, cũng nhờ gương của ngài, giúp cho tất cả chúng ta có thể mở tấm lòng nhạy cảm trước những đau khổ của người nghèo và cầu khẩn cho những nhu cầu của họ. Chớ gì mỗi người chúng ta học cách lặp lại với tất cả mọi người, và đặc biệt là với người trẻ, những lời an ủi mà chúng ta đã nghe nói với chúng ta hôm nay: “Tôi luôn ở bên bạn”! Hãy tiếp tục tiến bước! Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.

Roma, đền thờ thánh Gioan Laterano, ngày 31/05/2021,

Lễ Đức Mẹ đi viếng bà thánh Elizabeth

____________________________

[1] Câu chuyện được kể trong Ngụy thư "Sách Tin mừng thứ nhất của thánh Giacôbê".

[2] Hình ảnh này được chọn làm logo của Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao niên.

[3] Ký ức là cuộc sống, chữ viết là hơi thở. Báo Quan sát viên Roma, 26/01/2021.

[4] Thăm viếng Nhà Gia đình “Hoan hô Người già”, 02/11/2012.