28 Tháng Ba 20241:20 CH(Xem: 14)
Sáng nay là Thứ Năm Tuần Thánh, tôi nhận được một cú điện thoại viễn liên của cô Agnes. Cô Agnes xin tôi cho cô địa chỉ một Dòng tu nào đó để cô xin 30 lễ cầu nguyện cho linh hồn Giuse là ba của cô vừa qua đời.
28 Tháng Ba 202412:51 CH(Xem: 15)
Ngày 26/3/2024 vừa qua, vợ chồng tôi đã tham dự buổi cầu nguyện cho linh hồn cụ Giuse, ba của cô Kim Anh. Cô Kim Anh lúc trước là xướng ngôn viên của Radio Giờ Của Mẹ. Cụ Giuse năm nay 89 tuổi. Một điều lạ lùng trong đời cụ là
28 Tháng Ba 202412:16 CH(Xem: 12)
Nguồn: Spiritdaily.com Khi Chúa Giêsu chết trên cây thánh giá thì trời đất bỗng trở nên tối đen. Đó là dấu hiệu Thiên Tính của Ngài. Tin Mừng Thánh Mattheu 27: 54 nói rằng:
26 Tháng Ba 20249:00 CH(Xem: 34)
Có một thanh niên trong giáo xứ đã chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống hôn nhân. Anh ngậm đắng nuốt cay vì người vợ của anh rất hay nóng giận và hung dữ. Chị luôn nói những lời nặng nề khi chị không hài lòng về một điều gì đó.
23 Tháng Ba 20249:13 CH(Xem: 56)
Nguồn: Spiritdaily.com Cô Yamilexis Fernandez chia sẻ cảm nghiệm là cô nhận được ơn lành tìm thấy Chúa và được Chúa giải thoát khỏi tà thuật.
22 Tháng Ba 20245:00 CH(Xem: 61)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and.../ Điều quan trọng nhất là hãy yêu thương. Ông Vincent nói rằng điều chính yếu nhất là cần yêu thương mọi người dù là ở trong bất cứ trường hợp nào. Trên hết mọi sự là hãy ở trong tình yêu Thiên Chúa.
22 Tháng Ba 20244:12 CH(Xem: 53)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and-was-told-what-was-about-to-hit-earth-put-your-phones-away/ Ông Vincent tuyên bố rằng ông ấy đã từng chết rồi. Ông được báo cho biết về tình hình của trái đất. Ông bảo: "Hãy đặt điện thoại của bạn xuống!"
22 Tháng Ba 202412:05 SA(Xem: 66)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. LỜI CẦU NGUYỆN DÂNG ĐỜI SỐNG Lạy Chúa Giêsu kính yêu, trước sự Hiện Diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, trước Nhan Thánh của Đức Mẹ Thiên Đàng và Triều Thần Thiên Quốc trên Trời, con xin dâng cuộc đời con theo như ý chỉ của Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẫu Tâm Vô Nhiễm Mẹ Rất Thánh Maria.
21 Tháng Ba 20246:41 CH(Xem: 74)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie dâng hiến cuộc đời và những lời hứa của Thiên Đàng Trong năm Thánh Mẫu (1983-1984) Đức Trinh Nữ Maria nói với tôi rằng:
21 Tháng Ba 20245:09 CH(Xem: 69)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie không được nhiều người trong Giáo Hội biết đến Nữ tu Natalie gửi những thông điệp cứng rắn đến cho Giáo Hội Công Giáo tại nước Hung Gia Lợi. Đó là những lời khuyên mọi người hãy rời khỏi những cung điện. Hãy làm việc thống hối. Hãy phân phát những của cải cho người...

NGƯỜI GIEO NIỀM HY VỌNG”

03 Tháng Bảy 202111:23 SA(Xem: 555)

31-1ssNGƯỜI GIEO NIỀM HY VỌNG”

Đọc Kinh Thánh Cựu ước, chúng ta thấy bất kể thời nào, Thiên Chúa cũng sai sứ giả của Ngài đến để hướng dẫn dân Do Thái. Dù dân này cứng cổ và phản nghịch, Thiên Chúa cũng không bỏ rơi họ. Ngài vừa là một nhà giáo dục khôn ngoan, kiên nhẫn, mạnh mẽ lên án những sai lầm của dân, nhưng cũng là một người Cha bao dung tha thứ những tội lỗi dân đã phạm. Những sứ giả của Thiên Chúa cũng được gọi là tiên tri hay ngôn sứ, tức là những người được sai đi để chuyển tải sứ điệp của Thiên Chúa. Trong bối cảnh đau thương, thất bại, sa đoạ của dân Do Thái, họ là những người xây dựng hoà bình và gieo niềm hy vọng.

Êdêkien là một vị ngôn sứ sống ở cuối thế kỷ thứ VII, đầu thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Ông cùng chia sẻ thân phận lưu đày tại Babylon với dân tộc mình. Trong cảnh lưu đày xa quê, vào thời điểm không còn đền thờ, không còn nghi thức tế tự, cũng giống các ngôn sứ khác, ông có sứ mạng giúp dân duy trì niềm tin, tránh xa việc thờ ngẫu tượng cũng như những ảnh hưởng ngoại lai. Bài đọc hôm nay kể lại việc Chúa trao sứ vụ cho ngôn sứ Edêkien. Chúa cho ông biết trước, đây là một nhiệm vụ khó khăn và sẽ gặp nhiều chống đối.

Lời trấn an «đừng sợ» được lặp đi lặp lại, cho thấy Thiên Chúa luôn ở bên và đồng hành với những sứ giả của Ngài. Chúa cũng hứa trước, Ngài sẽ ban cho vị ngôn sứ sức mạnh can trường, để có thể đương đầu với những nghịch cảnh. Như chúng ta đọc thấy trong sách ngôn sứ mang tên ông, vị ngôn sứ đã nhiệt thành chuyên cần và can đảm để rao giảng Lời Chúa, củng cố đức tin, loan báo niềm hy vọng cho dân chúng. Ông cũng được gọi là ngôn sứ của niềm hy vọng. Ông chuyển tải đến Dân Chúa lời hứa hẹn sẽ có ngày Chúa mở huyệt và đưa mọi người đã chết ra khỏi đó (x. Ed 11,19).

Sẽ có ngày Chúa sẽ ban cho dân một quả tim mới, bỏ đi quả tim chai đá, thay vào đó là quả tim bằng thịt biết yêu thương. Ông cũng được gọi là vị Ngôn sứ của Thần Khí Thiên Chúa. Ông loan báo sẽ có ngày Thần Khí Chúa can thiệp làm cho dân được sức sống mới, như những bộ xương khô dường như không còn chút hy vọng sẽ tái sinh và trở thành những con người cường tráng (x. Ed 37,1-14). Những hình ảnh này đã nâng đỡ và khích lệ dân tộc đang lưu đày xa quê và đang chịu ngàn nỗi thống khổ.

Để thực hiện chương trình cứu nhân độ thế, Thiên Chúa đã sai con của Ngài là Đức Giêsu đến trần gian. Người là vị Ngôn sứ vĩ đại nhất trong lịch sử. Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai có sứ mạng cứu nhân độ thế. Lời nói và việc làm của Người đã chứng tỏ quyền năng thiên linh, đồng thời nhằm đem cho con người sự giải thoát. Khi nghe lời Chúa giảng dạy, những người nghe đã thốt lên: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7, 16). Lời Người giảng dạy vừa có uy quyền vừa có sức thu hút lạ kỳ. Hễ người đi đến đâu, dân chúng đi theo rất đông để đón nhận Lời Hằng Sống. Trước uy quyền của Người, những kẻ thù ghét Người cũng phải chùn bước.

Nếu có nhiều người đón nhận giáo huấn của vị ngôn sứ thành Nagiarét, thì cũng có những người khước từ và mưu mô chống đối. Đó là trường hợp những người đồng hương của Chúa Giêsu. Thánh Máccô trong Tin Mừng hôm nay kể lại một chuyến về thăm quê của Người. Người thi hành nhiệm vụ ngôn sứ, khi vào Hội đường để đọc và chú giải Sách Thánh. Đây là một sinh hoạt hàng tuần của các cộng đoàn Do Thái. Rất nhiều người ngạc nhiên vì lời giảng dạy của Chúa sâu sắc và khôn ngoan. Tuy vậy, cũng có những người dè bỉu chế nhạo. Khi không bắt bẻ được Người trong lời giảng dạy, họ bàn tán chê bai về gia đình và thân thế của Người. Họ lôi nghề nghiệp thợ mộc của cha Người để soi mói và nhằm giảm uy thế của Người. Họ chỉ đánh giá Người theo cái nhìn ghen tỵ và thành kiến. “Ngôn sứ không được tôn trọng tại chính quê hương mình…” Chúa Giêsu đã nhắc lại một câu ngạn ngữ thường được sử dụng trong giới bình dân, để chỉ sự cứng lòng của họ.

Nhờ Bí tích Thanh tẩy, người Kitô hữu được trao ba sứ mạng: Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế. Ngôn có nghĩa là lời; Sứ có nghĩa là được sai đi. Ngôn sứ tức là người được sai đi để nói Lời của Chúa. Nhiệm vụ này, không phải lúc nào cũng dễ dàng, vì “Trung ngôn nghịch nhĩ – Lời nói thẳng thì khó nghe”. Để thi hành nhiệm vụ ngôn sứ, có những lúc người tín hữu giống như người bơi ngược dòng. Trong khi nhiều người dễ dàng chấp nhận sự dối trá, thỏa hiệp để được lợi lộc danh vọng, thì người Kitô hữu phải cân nhắc kỹ càng để không phạm Luật Chúa và không làm trái với lương tâm. Lịch sử ghi lại rất nhiều tín hữu đã chọn con đường thập giá của Chúa Giêsu để làm chứng cho sự thật. Các thánh tử đạo là những ví dụ điển hình và là gương mẫu cho chúng ta về lòng trung thành với Chúa, noi gương Chúa Giêsu.

Trong bối cảnh xã hội còn nhiều bóng tối do bạo lực, ghen ghét, hận thù và tranh chấp, mỗi người tín hữu phải là một ngôn sứ của hy vọng. Niềm hy vọng đối với người Kitô hữu không chỉ là một thái độ sống, nhưng còn là một nhân đức đối thần, đó là đức cậy trông. Khi chúng ta đặt niềm hy vọng nơi Chúa, thì niềm hy vọng ấy là sự trông cậy. Trông cậy vào Chúa tức là chúng ta tin Ngài có thể làm được mọi sự, vì Ngài vừa là Thiên Chúa quyền năng vừa là Đấng thành tín yêu thương. Các ngôn sứ và các thánh vịnh khẳng định với chúng ta : ai tin vào Thiên Chúa sẽ không bao giờ phải thất vọng. Ngài là Cha nhân hậu, luôn muốn những điều tốt đẹp cho con cái mình.

Đôi lúc chúng ta không nhận ra những điều tốt đẹp ấy, như người con còn nhỏ không hiểu thiện ý của cha mẹ, mà lại cho đó là những kìm hãm ràng buộc, nên khó chịu và buồn lòng. Kitô hữu là người cậy trông ở Chúa. Kitô hữu cũng là người gieo niềm hy vọng đối với những người đang sống xung quanh. Lối sống thân thiện, lạc quan và hài hoà chính là những hạt giống làm nảy sinh hoa trái của niềm hy vọng đối với những người chung sống. Người Do Thái lưu đày ở Babylon đã nhờ các ngôn sứ, trong đó nổi bật là ngôn sứ Edêkien, mà họ bớt tiêu cực chán nản và họ vững tin vào Chúa. Ước chi nhờ đời sống lạc quan của người Kitô hữu, mà những ai đau khổ chán chường được tiếp sức để biét trân trọng và yêu mến cuộc sống này hơn.

Sống và thực thi ơn gọi ngôn sứ đòi hỏi sự kiên trì. Mặc dù bị chống đối, Chúa Giêsu không nản chí và thối lui. Người tiếp tục lên đường đến các làng mạc khác mà giảng dạy. Thánh Phaolô noi gương Thày mình, ông đã trải qua nhiều khó khăn thử thách trong khi thi hành nhiệm vụ loan báo Tin Mừng. Ông không buồn, trái lại, ông rất lạc quan: «Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô». Phaolô bền tâm vững chí trong sứ mạng, vì ông tin tưởng vào lời Chúa: ơn Ta đủ cho con. Quả vậy, Chúa luôn ban ơn trợ giúp đúng lúc và đủ cho những ai cậy trông vào Ngài.

“Thần khí Chúa ngự trên tôi, Chúa đã xức dầu cho tôi. Ngài sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó”. Lời Kinh Thánh quen thuộc nhắc chúng ta danh dự và bổn phận của người Kitô hữu. Bất luận già trẻ, nam nữ, giàu nghèo, ai trong chúng ta cũng được Chúa sai đi để làm chứng cho Ngài. Không ai viện cớ mình không có khả năng để từ chối bổn phận này, vì lời chứng cho Tin Mừng rất đơn giản: một lời nói, một nụ cười, và cụ thể hơn cả là lối sống tốt lành của mỗi chúng ta. 

+ ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên