22 Tháng Tư 20245:35 CH(Xem: 28)
Nguồn: Internet Thánh Gioan John Vianney và quyền năng của Áo Đức Bà Mầu Nâu.
22 Tháng Tư 20245:32 CH(Xem: 33)
Năm 2004, tôi đã dịch và viết nhiều sách trong năm này. Một trong những tác phẩm mà tôi đã dịch và sưu tầm có tên là 50 Tuần Cửu Nhật Gõ Cửa Thiên Đàng. Sau đây là bản dịch mà tôi đã cố gắng dịch thuật, bản chính ở phía dưới bằng tiếng Anh là từ Cố LM Don Dolindo Ruotolo. Ngài là một nhà thần bí người Ý. Những lời cầu này là do Chúa Giêsu ban cho Cố LM...
18 Tháng Tư 20249:08 CH(Xem: 64)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Cố LM Don Dolindo có những cảm nghiệm rất hay. Khi còn nhỏ, ngài chịu nhiều sự bách hại và khổ đau. Bằng cách nào mà ngài đã cố gắng ngửng đầu cao lên khỏi bể nước và luôn vui vẻ? Chúa Thánh Thần đã khơi nguồn cảm hứng cho ngài với lời cầu nguyện đơn sơ như sau:
18 Tháng Tư 20248:35 CH(Xem: 52)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Lúc gần đây có nhiều người biết đến hiện tượng: "Padre Pio of Naples", đó là điều mô tả về cố linh mục Don Dolindo Ruotolo. Ngài qua đời vào năm 1970, chỉ hai năm sau khi Padre Pio qua đời vào năm 1968. Ngài đang làm việc một cách hữu hiệu từ Thiên Đàng. Ngài an ủi, dỗ dành, chữa lành cho rất nhiều người khỏi chứng bịnh lo âu,
18 Tháng Tư 20247:58 CH(Xem: 41)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Có một gương sáng lớn nhất, đó là chính Chúa Giêsu. Kẻ dữ độc ác đã đóng đinh Chúa Giêsu, Con Chí Thánh của Chúa Cha ở trên cây thánh giá. Lúc đó, Satan nghĩ rằng hắn đã chiến thắng. Nhưng sự thật thì trái lại. Đó là bởi vì Chúa đã biến đổi sự dữ ấy thành sự thiện.
18 Tháng Tư 20243:58 CH(Xem: 51)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Sr. Emmanuel viết: Có một phụ nữ gõ cửa nhà tôi. Trông cô ấy thật là quá đau khổ, xuống sắc và thiểu não. Đôi mắt, đôi má và cái miệng của cô trông rất là buồn thảm và héo hắt. Cô bắt đầu kể lể về mọi nỗi thống khổ của mình.
17 Tháng Tư 20249:07 CH(Xem: 48)
https://luisapiccarreta.com/other-category/cristina-montella-sister-rita-of-the-holy-spirit-the-little-girl-of-padre-pio/ 1. Thời thơ ấu Nữ tu Cristina Montella được sinh ra tại vùng Cercola (Naples) vào ngày 3/4/1920. Khi cô bé được 2 tuổi, cô đang ở chơi nhà một người cô thì nhìn thấy một bức hình của Thánh Gerard Majella,
17 Tháng Tư 20244:44 CH(Xem: 51)
Đức Mẹ Guadalupe hiện ra ở Tepeyac, Mexico City, nước Mễ Tây Cơ từ ngày 9/12/1531 đến ngày 12/12/1531 và chữa lành rất nhiều người, dù rằng người ta đã chết nhưng vẫn được Mẹ cho sống lại.
17 Tháng Tư 20241:58 CH(Xem: 43)
Tồi vừa được xem một video clip tiếng Anh ngắn. Cậu bé chừng 6 tuổi mơ thấy mình lên Thiên Đàng. Sáng hôm sau, cậu kể câu chyện mẹ mình: -Mẹ ơi, con gặp một người chị của con ở Thiên Đàng. -Ủa, con chỉ có một người chị ở đây thôi mà.
13 Tháng Tư 20249:23 CH(Xem: 64)
Cảm nghiệm của một thanh niên làm nghề taxi: Con gặp khó khăn trong việc làm nên con quyết định làm nghề tài xế taxi.

LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY THỨ BẢY TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN SỐNG LỜI CHÚA Bài đọc : Bài đọc 1 : 1 Tm 1,15-17

10 Tháng Chín 20215:57 CH(Xem: 617)

11-9pLỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY

THỨ BẢY TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

SỐNG LỜI CHÚA

Bài đọc :

Bài đọc 1 : 1 Tm 1,15-17

Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê.

15 Anh thân mến, đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận : Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. 16 Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời. 17 Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. A-men.

Đáp ca : Tv 112,1-2.3-4.5-7 (Đ. c.2)

Đ. Chúc tụng danh thánh Chúa, tự giờ đây cho đến mãi muôn đời !

1Hỡi tôi tớ Chúa, hãy dâng lời ca ngợi,
nào ca ngợi danh thánh Chúa đi !
2Chúc tụng danh thánh Chúa,
tự giờ đây cho đến mãi muôn đời !

Đ. Chúc tụng danh thánh Chúa, tự giờ đây cho đến mãi muôn đời !

3Ca ngợi danh thánh Chúa,
từ rạng đông tới lúc chiều tà !
4Chúa siêu việt trên hết mọi dân,
vinh quang Người vượt xa trời cao thẳm.

Đ. Chúc tụng danh thánh Chúa, tự giờ đây cho đến mãi muôn đời !

5Ai sánh tày Thượng Đế Chúa ta, Đấng ngự chốn cao vời,
6cúi xuống để nhìn xem bầu trời trái đất ?
7Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi,
ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro.

Đ. Chúc tụng danh thánh Chúa, tự giờ đây cho đến mãi muôn đời !

Tung hô Tin Mừng : Ga 14,23

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Ha-lê-lui-a.

TIN MỪNG : Lc 6,43-49

Tại sao anh em gọi Thầy : “Lạy Chúa ! Lạy Chúa !”, mà anh em không làm điều Thầy dạy ?

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

43 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. 44 Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho ! 45 Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình ; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.

46 “Tại sao anh em gọi Thầy : ‘Lạy Chúa ! Lạy Chúa !’, mà anh em không làm điều Thầy dạy ?

47 “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai. 48 Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc. 49 Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành.”

SUY NIỆM-NỀN TẢNG

Một trong những chi tiết rất quan trọng trong sách Sáng Thế là sự bất tuân mệnh lệnh Chúa truyền của nguyên tổ loài người. Chính vì sự bất tuân này mà con người đã tự làm cho mình trở nên nhơ bẩn, và xa lạ với Thiên Chúa, tự đẩy mình vào cái chết.

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy Đức Giêsu khẳng định một chuyện vô cùng quan trong đời sống Kitô hữu, đó là thực hành. Thực vậy, thực hành lời Chúa dạy là mệnh lệnh tuyệt đối và nền tảng của đời sống Kitô hữu.

Đó cũng là cách biểu lộ tình yêu dành cho Thiên Chúa như Đức Giêsu đã dạy: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. Do đó, người Kitô hữu không chỉ nói lời Thiên Chúa mà còn phải hành động như lời Thiên Chúa dạy.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa, xin chỉ dạy chúng con và xin cho chúng con biết mau mắn thực thi những lời Ngài truyền dạy. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

ĐTC Phanxicô: Hãy suy nghĩ xem chúng ta sống đức tin thế nào

Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:

Nguy hiểm xa rời con đường đức tin và bị rơi vào chủ nghĩa hình thức

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong các bài giáo lý trước, chúng ta đã thấy thánh Tông đồ Phaolô chỉ cho các Kitô hữu đầu tiên của Galát thấy rằng khi rời khỏi con đường họ đã bắt đầu khi đón nhận Phúc Âm thì nguy hiểm thế nào. Thực tế, điều nguy hiểm chính là rơi vào chủ nghĩa hình thức - là một trong những cám dỗ dẫn chúng ta đến thói đạo đức giả, điều mà chúng ta đã nói lần trước - và phủ nhận phẩm giá mới mà họ đã nhận được: phẩm giá của những người được Chúa Kitô cứu chuộc. Đoạn sách Thánh chúng ta vừa nghe bắt đầu phần thứ hai của lá thư: anh chị em hãy đọc nó nếu có thời gian. Cho đến lúc này, thánh Phaolô đã nói về cuộc đời và ơn gọi của ngài: về cách mà ân sủng của Thiên Chúa đã biến đổi cuộc sống của ngài và dành nó hoàn toàn cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Về điểm này, ngài đặt câu hỏi trực tiếp cho các tín hữu Galát: ngài đặt họ trước những lựa chọn mà họ đã chọn và trước tình cảnh hiện tại của họ, điều có thể làm mất đi kinh nghiệm ân sủng họ đã sống.

Và những từ ngữ mà thánh Tông đồ dùng để nói với tín hữu Galát chắc chắn không phải là những lời lịch thiệp: chúng ta đã nghe điều đó. Trong các Thư khác, chúng ta dễ dàng tìm thấy cụm từ “anh chị em” hoặc “anh chị em yêu quý”; ở đây thì không. Bởi vì ngài đang tức giận. Ngài nói một cách chung chung “những người Galát” và hai lần ngài gọi họ là “những kẻ ngu xuẩn”. Ngài làm điều đó không phải vì họ không thông minh, nhưng vì hầu như họ không nhận ra họ có nguy cơ đánh mất niềm tin vào Chúa Kitô mà họ đã nhiệt thành đón nhận. Họ dại dột vì họ không nhận ra rằng điều nguy hiểm là đánh mất kho tàng quý giá, vẻ đẹp, của sự mới mẻ của Chúa Kitô. Rõ ràng thánh Tông đồ rất ngạc nhiên và buồn bã. Không phải là ngài không cảm thấy cay đắng, ngài đã kêu gọi các Kitô hữu đó nhớ lại lời loan báo đầu tiên mà ngài trao cho họ, điều mà qua đó ngài mang lại cho họ cơ hội có được một sự tự do mới, điều cho đến tận lúc này vẫn không có hy vọng

Tình yêu của Chúa Kitô - nguồn ơn cứu độ

Thánh tông đồ hỏi những người Galát một số câu hỏi nhắm lay chuyển lương tâm của họ: đây là lý do tại sao ngài rất mạnh mẽ. Đây là những câu hỏi tu từ, vì người Galát biết rất rõ rằng việc họ đến với đức tin vào Chúa Kitô là kết quả của ân sủng nhận được nhờ lời rao giảng Tin Mừng. Nó đưa họ đến với sự khởi đầu của ơn gọi Kitô hữu. Lời mà họ đã nghe từ thánh Phaolô tập trung vào tình yêu thương của Thiên Chúa, được thể hiện trọn vẹn qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêu. Thánh Phaolô không thể tìm được cách diễn đạt thuyết phục hơn điều mà có lẽ ngài đã lặp lại với họ nhiều lần trong khi rao giảng: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20). Thánh Phaolô không muốn biết gì khác ngoài Chúa Kitô chịu đóng đinh (x. 1Cr 2, 2).

Người Galát phải chú ý đến sự kiện này, không để cho mình bị phân tâm bởi những lời loan báo khác. Nói tóm lại, ý định của thánh Phaolô là buộc các Kitô hữu nhận ra vấn đề và không để mình bị mê hoặc bởi tiếng còi muốn dẫn họ đến một thực hành tôn giáo chỉ dựa trên việc tuân thủ tỉ mỉ các giới luật. Bởi vì những nhà truyền giáo mới đến Galát và thuyết phục người Galát rằng họ phải quay trở lại và tuân theo các giới luật, những giới luật đã được tuân giữ và chúng đã đưa họ đến sự hoàn thiện trước khi Chúa Kitô đến, Đấng mang ơn cứu độ cách nhưng không.

Đừng đặt Chúa Thánh Thần ở vị trí thứ yếu

Mặt khác, những người Galát hiểu rất rõ điều mà thánh Tông đồ muốn nói đến. Chắc chắn họ đã cảm nghiệm được tác động của Chúa Thánh Thần trong các cộng đoàn: lòng bác ái và nhiều đặc sủng khác cũng được thể hiện trong các Giáo hội khác cũng như ở giữa họ. Khi bị thúc ép, họ phải trả lời rằng những gì họ đã trải nghiệm là hoa trái của sự mới mẻ của Thần Khí. Do đó, họ bắt đầu đến với đức tin là sáng kiến của Thiên Chúa, chứ không phải của loài người. Chúa Thánh Linh là tác nhân trong kinh nghiệm của họ; giờ đây, đặt Người vào thứ yếu để dành ưu tiên cho các hoạt động của mình - nghĩa là để thực hiện các giới luật của Lề Luật – thật là điều ngu ngốc. Sự thánh thiện đến từ Chúa Thánh Linh và đó là ơn cứu độ được ban nhưng không của Chúa Giêsu: điều này làm cho chúng ta được trở nên công chính.

Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại có vẫn là trung tâm của cuộc sống hàng ngày của tôi không?

Theo cách này, thánh Phaolô cũng mời gọi chúng ta suy tư về cách chúng ta sống đức tin. Tình yêu của Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại có vẫn là trung tâm của cuộc sống hàng ngày của chúng ta như nguồn cứu rỗi, hay chúng ta hài lòng với một số hình thức tôn giáo để cứu vãn lương tâm của chúng ta? Chúng ta sống đức tin như thế nào? Chúng ta có gắn bó với kho tàng quý giá, với vẻ đẹp của sự mới mẻ của Chúa Kitô, hay chúng ta thích điều gì đó thu hút chúng ta vào lúc này nhưng sau đó lại để tâm hồn chúng ta trống vắng? Sự phù du thường gõ cửa vào ban ngày, nhưng đó là một ảo ảnh đáng buồn, khiến chúng ta rơi vào sự hời hợt và ngăn cản chúng ta nhận ra điều gì thực sự đáng để chúng ta sống vì đó. Tuy nhiên, thưa anh chị em, chúng ta hãy vững tin rằng, ngay cả khi chúng ta bị cám dỗ quay lưng, Thiên Chúa vẫn tiếp tục ban tặng các ân sủng của Nguời.

Những điều đã xảy ra với người Galát cũng thường xảy ra trong lịch sử, cũng xảy ra hôm nay. Thậm chí ngày nay, một số người đến rỉ rả vào tai chúng ta: “Không, sự thánh thiện nằm trong những giới luật này, trong những điều này, bạn phải làm điều này và điều này”, và họ đưa ra chúng ta đến việc thực hành tôn giáo cứng nhắc, sự cứng nhắc làm mất đi sự tự do trong Chúa Thánh Linh, Đấng ban cho chúng ta ơn cứu độ của Chúa Kitô. Hãy cẩn thận với sự cứng nhắc mà họ đề xuất với anh chị em: hãy cẩn thận. Bởi vì đằng sau mọi sự cứng nhắc đều có điều gì đó xấu, không có Thánh Thần của Thiên Chúa. Và vì lý do này, Thư này sẽ giúp chúng ta không nghe theo những đề xuất hơi cực đoan, khiến chúng ta bước lùi trong đời sống thiêng liêng của mình, và nó sẽ giúp chúng ta tiến bước trong ơn gọi Phục sinh của Chúa Giêsu.

Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta

Đây là điều mà thánh Tông đồ khẳng định với các tín hữu Galát, khi nhắc lại rằng Chúa Cha “rộng ban Thần Khí cho anh em và thực hiện những phép lạ ở giữa anh em” (3, 5). Ngài dùng thì hiện tại - “cho”, “thực hiện” - không dùng thì quá khứ. Ngài không nói “Chúa Cha đã rộng ban Thần Khí”, chương 3, câu 5. Bởi vì, bất chấp mọi khó khăn mà chúng ta có thể gây ra cho hoạt động của Người, cho dù chúng ta tội lỗi, Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta mà vẫn ở lại với chúng ta bằng tình yêu thương xót của Người. Thiên Chúa luôn gần gũi chúng ta bằng lòng nhân từ của Người. Cũng giống như người cha ngày nào cũng lên sân thượng nhìn xem con mình có trở về: Chúa Cha không mệt mỏi yêu thương chúng ta. Chúng ta hãy xin ơn khôn ngoan để luôn ý thức về thực tại này và loại bỏ những tư tưởng thủ cựu đưa chúng ta đến một cuộc sống khổ hạnh giả tạo, xa rời sự phục sinh của Chúa Kitô. Khổ hạnh là cần thiết, nhưng khổ hạnh cách khôn ngoan, không phải là giả tạo.

Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thụ tạo

Trong lời chào các tín hữu bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha nhắc rằng ngày 1/9 là Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thụ tạo, và bắt đầu “Thời gian của Thụ tạo”, thời gian sẽ kết thúc vào ngày 4/10, lễ thánh Phanxicô Assisi. Đức Thánh Cha nhắc rằng đề tài của Ngày này năm nay là “Một căn nhà cho tất cả? Canh tân Ngôi nhà của Thiên Chúa”. Đức Thánh Cha cho biết ngài cùng với Đức Thượng phụ Bartolomeo của Chính Thống và Đức tổng giám mục Justin Welby của Anh giáo đã viết một Sứ điệp nhân Ngày này. Sứ điệp sẽ được công bố trong những ngày tới đây. Đức Thánh Cha mời gọi: “Cùng với các anh chị em của các Giáo hội Kitô khác, chúng ta hãy cầu nguyện và hành động vì ngôi nhà chung của chúng ta, trong thời gian khủng hoảng của hành tinh này”.

Hồng Thủy - Vatican News