26 Tháng Ba 20249:00 CH(Xem: 29)
Có một thanh niên trong giáo xứ đã chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống hôn nhân. Anh ngậm đắng nuốt cay vì người vợ của anh rất hay nóng giận và hung dữ. Chị luôn nói những lời nặng nề khi chị không hài lòng về một điều gì đó.
23 Tháng Ba 20249:13 CH(Xem: 54)
Nguồn: Spiritdaily.com Cô Yamilexis Fernandez chia sẻ cảm nghiệm là cô nhận được ơn lành tìm thấy Chúa và được Chúa giải thoát khỏi tà thuật.
22 Tháng Ba 20245:00 CH(Xem: 59)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and.../ Điều quan trọng nhất là hãy yêu thương. Ông Vincent nói rằng điều chính yếu nhất là cần yêu thương mọi người dù là ở trong bất cứ trường hợp nào. Trên hết mọi sự là hãy ở trong tình yêu Thiên Chúa.
22 Tháng Ba 20244:12 CH(Xem: 52)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and-was-told-what-was-about-to-hit-earth-put-your-phones-away/ Ông Vincent tuyên bố rằng ông ấy đã từng chết rồi. Ông được báo cho biết về tình hình của trái đất. Ông bảo: "Hãy đặt điện thoại của bạn xuống!"
22 Tháng Ba 202412:05 SA(Xem: 66)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. LỜI CẦU NGUYỆN DÂNG ĐỜI SỐNG Lạy Chúa Giêsu kính yêu, trước sự Hiện Diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, trước Nhan Thánh của Đức Mẹ Thiên Đàng và Triều Thần Thiên Quốc trên Trời, con xin dâng cuộc đời con theo như ý chỉ của Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẫu Tâm Vô Nhiễm Mẹ Rất Thánh Maria.
21 Tháng Ba 20246:41 CH(Xem: 74)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie dâng hiến cuộc đời và những lời hứa của Thiên Đàng Trong năm Thánh Mẫu (1983-1984) Đức Trinh Nữ Maria nói với tôi rằng:
21 Tháng Ba 20245:09 CH(Xem: 67)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie không được nhiều người trong Giáo Hội biết đến Nữ tu Natalie gửi những thông điệp cứng rắn đến cho Giáo Hội Công Giáo tại nước Hung Gia Lợi. Đó là những lời khuyên mọi người hãy rời khỏi những cung điện. Hãy làm việc thống hối. Hãy phân phát những của cải cho người...
21 Tháng Ba 20241:09 CH(Xem: 56)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie Nữ Tu Natalie Kovacsics (1901-1992) thuộc Dòng Chúa Chiên Lành Thánh Magdalene. Bà cũng được biết đến là Nữ Tu Natalia Magdolna. Bà sinh vào ngày 31/1/1901 tại gần vùng Pozsony mà nay thuộc về thành phố Bratislava, nước Slovakia. Đó là vùng thuộc về Đế Quốc...
21 Tháng Ba 202411:39 SA(Xem: 49)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Khi Chúa hiện ra với bà nha sĩ Gloria Polothì Chúa Kito đã giải thích về chương trình của Chúa dành cho mỗi gia đình như sau: "Mỗi khi một trẻ thơ được thụ thai trong cung lòng người mẹ thì các thiên thần nhẩy múa trên Thiên Đàng trước một tạo vật mới này." Bằng việc bảo vệ sự sống, chúng ta bắt chước...
21 Tháng Ba 202411:10 SA(Xem: 56)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Một nhà thần bí nổi tiếng là Sr. Natalia Magdolna (1901-1992) có mối liên hệ mật thiết với Đức Mẹ Maria. Vì thế mà Mẹ luôn đến thăm viếng và nsoi chuyện với bà. Đức Mẹ còn tiết lộ cho bà biết về những gì sẽ xẩy đến cho thời đại mà chúng ta đang sống.

LỜI CHÚA THỨ SÁU TUẦN VI THƯỜNG NIÊN SỐNG LỜI CHÚA BÀI ĐỌC Bài đọc 1 : Gc 2,14-24.26

17 Tháng Hai 20229:19 CH(Xem: 536)

18-2sLỜI CHÚA THỨ SÁU TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

SỐNG LỜI CHÚA

BÀI ĐỌC

Bài đọc 1 : Gc 2,14-24.26

Một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.

Bài trích thư của thánh Gia-cô-bê tông đồ.

14 Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì ? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng ? 15 Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, 16 mà có ai trong anh em lại nói với họ : “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ?

17 Cũng vậy, đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết. 18 Đàng khác, có người sẽ bảo : “Bạn, bạn có đức tin ; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin. 19 Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn làm phải. Cả ma quỷ cũng tin như thế, và chúng run sợ.” 20 Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô dụng không ? 21 Ông Áp-ra-ham tổ phụ chúng ta, đã chẳng được nên công chính nhờ hành động, khi ông hiến dâng con mình là I-xa-ác trên bàn thờ đó sao ? 22 Bạn thấy đó : đức tin hợp tác với hành động của ông, và nhờ hành động mà đức tin nên hoàn hảo. 23 Như thế ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã chép : Ông Áp-ra-ham tin Thiên Chúa, và vì thế Thiên Chúa kể ông là người công chính, và ông được gọi là bạn của Thiên Chúa.

24 Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi. 26 Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.

Đáp ca : Tv 111,1-2.3-4.5-6 (Đ. x. c.1b)

Đ. Hạnh phúc thay người nào những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban.

1Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa,
những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban.
2Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường,
dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc.

Đ. Hạnh phúc thay người nào những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban.

3Gia đình họ phú quý giàu sang,
đức công chính của họ tồn tại muôn đời.
4Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng
chiếu rọi kẻ ngay lành :
đó là người từ bi nhân hậu và công chính.

Đ. Hạnh phúc thay người nào những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban.

5Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn,
biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình.
6Họ sẽ không bao giờ lay chuyển,
thiên hạ muôn đời còn tưởng nhớ chính nhân.

Đ. Hạnh phúc thay người nào những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban.

Tung hô Tin Mừng : Ga 15,15b

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Ha-lê-lui-a.

TIN MỪNG : Mc 8,34 – 9,1

Ai liều mất mạng sống vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

8 34 Khi ấy, Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 36 Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì ? 37 Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình ? 38 Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người.”

9 1 Đức Giê-su còn nói với họ : “Tôi bảo thật các người : trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực.”

SUY NIỆM-DÁM TỪ BỎ

Trong cuộc sống, con người luôn phải đối diện với hai sự lựa chọn: được và mất. Giành lấy thì sẽ được, từ bỏ thì sẽ mất. Tuy nhiên, ranh giới của được và mất rất mong manh, không phải cứ giành lấy thì sẽ được còn từ bỏ thì sẽ mất.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi những ai muốn theo Người phải “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Từ bỏ chính mình là không còn coi mình là trung tâm, không còn sống cho riêng mình nữa, nhưng là sống cho mọi người. Còn vác thập giá mình chính là chia sẻ, là dám chết cùng Đức Kitô, để được sống lại với Người trên Nước Trời.

Lời mời gọi của Đức Kitô xem ra thật nghịch lý. Đặc biệt trong thời đại hôm nay, khi mà ai ai cũng muốn sống cho chính mình. Là Kitô hữu, chúng ta tin có sự sống đời đời, và như thế, dám từ bỏ những ham muốn trần tục, một lòng hướng về quê trời thì khôn ngoan hơn. Vì được cả thế giời mà đánh mất sự sống đời đời thì nào có lợi gì.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết can đảm từ bỏ chính mình mà theo Chúa đến cùng. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

Khi nhiều người chỉ trích Giáo hội, chúng ta hãy biết yêu mến Giáo hội

Sáng thứ Tư 16/2/2022, trong buổi tiếp kiến chung dành cho các tín hữu hiện diện tại đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican, Đức Thánh Cha đã kết thúc loạt bài giáo lý về thánh Giuse. 12 bài giáo lý suy tư về các chiều kích của thánh Giuse được Đức Thánh Cha xem là phần bổ sung cho Tông thư Patris Corde - Trái tim người cha, được ngài viết nhân dịp kỷ niệm 150 năm Chân phước Pio IX tuyên bố thánh Giuse là Đấng Bảo trợ của Giáo hội Công giáo.

Đức Thánh Cha nói rằng cũng như thánh Giuse đã bảo vệ Thánh Gia, thì ngài cũng tiếp tục yêu thương và bảo vệ Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô, cũng như những người nghèo khổ, bệnh tật và hấp hối mà Chúa gọi là anh chị em của Người. Thánh Giuse dạy chúng ta rằng chúng ta cũng phải yêu thương và bảo vệ Giáo hội cũng như những người nghèo của Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha đặc biệt lưu ý rằng vào thời điểm khi mà người ta dễ dàng chỉ trích Giáo hội, thì điều này có nghĩa là phải thẳng thắn thừa nhận rằng chúng ta là đoàn dân gồm những tội nhân được ơn cứu chuộc bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng thời làm chứng cho sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh ở giữa chúng ta, cho quyền năng biến đổi của Người, cho ân sủng trong các bí tích, và sự thánh thiện là món quà không ngừng được Chúa Thánh Thần ban tặng. Ngài mời gọi các tín hữu hãy yêu quý Giáo hội như chính nó là, nghĩa là với cả sự thánh thiện và với cả những yếu đuối lỗi lầm của các thành phần trong Giáo hội.

Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu hãy cùng với rất nhiều vị thánh trong suốt lịch sử phó thác bản thân và những nhu cầu của Giáo hội cho sự bảo vệ của Thánh Giuse.

Tước hiệu Đấng Bảo trợ của Giáo hội có nghĩa là gì? Nói rằng thánh Giuse là “quan thầy của Giáo hội” có nghĩa là gì? Điều này được Đức Thánh Cha giải thích trong bài giáo lý cuối cùng của loạt bài về thánh Giuse.

Thánh Giuse bảo vệ Hài nhi Giêsu và Mẹ Maria

Trước hết, Đức Thánh Cha khẳng định rằng, chính các sách Phúc Âm cũng cung cấp cho chúng ta chìa khoá để đọc chính xác hơn về tước hiệu trên. Ngài nói: “Thực ra, ở cuối mỗi câu chuyện mà thánh Giuse là nhân vật chính, Phúc Âm ghi nhận rằng thánh nhân mang Hài Nhi và Mẹ Người theo và thực hiện những gì Thiên Chúa đã truyền cho ngài (x. Mt 1,24; 2,14.21). Do đó, nhiệm vụ bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria của Thánh Giuse rất nổi bật. Ngài là người bảo vệ chính của họ: ‘Thật vậy, Chúa Giêsu và Mẹ Maria, Mẹ Người là kho tàng đức tin quý giá nhất của chúng ta[1]’ (Tông thư Patris corde, 5) và kho tàng này được thánh Giuse gìn giữ bảo vệ.”

Đức Thánh Cha giải thích: “Trong kế hoạch cứu độ, chúng ta không thể tách rời Chúa Con khỏi Đức Mẹ, khỏi Đấng ‘tiến bước trong cuộc lữ hành của đức tin và trung thành gìn giữ sự kết hợp của Mẹ với Con cho đến tận thập giá’ (Lumen gentium, 58), như Công đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta.”

“Theo một nghĩa nào đó, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse là hạt nhân nguyên thủy của Giáo hội. Chúa Giêsu là Người và là Thiên Chúa; Mẹ Maria, nữ môn đệ đầu tiên, là Mẹ; và thánh Giuse, người bảo vệ.”

Ơn gọi bảo vệ của Kitô hữu

Đức Thánh Cha mời các Kitô hữu “phải luôn tự hỏi mình xem chúng ta có đang hết sức bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria, những người được giao phó một cách mầu nhiệm cho trách nhiệm của chúng ta, cho chúng ta bảo vệ hay không (Patris corde, 5).” Và Đức Thánh Cha giải thích thêm: “Và ở đây có một dấu vết rất đẹp của ơn gọi Kitô hữu: gìn giữ bảo vệ. Bảo vệ sự sống, bảo vệ sự phát triển của con người, bảo vệ trí tuệ con người, bảo vệ trái tim con người, bảo vệ công việc của con người ... Chúng ta có thể nói rằng Kitô hữu, cũng giống như Thánh Giuse, phải gìn giữ bảo vệ. Là Kitô hữu không chỉ là lãnh nhận đức tin, tuyên xưng đức tin, nhưng là bảo vệ sự sống, sự sống của mình, sự sống của người khác, sự sống của Giáo hội.”

Thánh Giuse bảo vệ Giáo hội - Nhiệm thể của Chúa Kitô

Cả Chúa Giêsu và Mẹ Maria đều cần được thánh Giuse bảo vệ. Đức Thánh Cha nói: “Con Đấng Tối Cao đã đến thế gian trong tình trạng vô cùng yếu đuối. Người muốn cần được bảo vệ, che chở, chăm sóc. Thiên Chúa đã tin cậy nơi Thánh Giuse, cũng như Đức Maria, người mà Mẹ tìm thấy là người chồng yêu thương, kính trọng và luôn chăm sóc Mẹ và Hài Nhi.”

Theo nghĩa này, Đức Thánh Cha nhận xét: “Thánh Giuse không thể không là Đấng gìn giữ Giáo Hội, vì Giáo Hội là sự kéo dài của Nhiệm Thể Chúa Kitô trong lịch sử, và đồng thời trong tình mẫu tử của Giáo Hội cho thấy tình mẫu tử của Đức Maria. Khi tiếp tục bảo vệ Giáo hội, Thánh Giuse tiếp tục bảo vệ Hài Nhi và Mẹ của Người, và chúng ta cũng vậy, khi yêu quý Giáo hội, chúng ta tiếp tục kính yêu Hài Nhi và Mẹ của Người” (sđd.).

Bảo vệ những người yếu đuối

Tiếp tục bài giáo lý, Đức Thánh Cha giải thích rằng chính Hài Nhi Giêsu là Đấng sẽ diễn tả rằng mọi người phải được chăm sóc khi rằng “Tất cả những gì anh em đã làm với một trong những người anh em hèn mọn nhất của Thầy, thì anh em đã làm cho Thầy” (Mt 25,40). “Vì thế, mọi người đói khát, mọi người xa lạ, mọi người di dân, mọi người không có áo để mặc, mọi người bệnh, mọi tù nhân đều là ‘Hài Nhi’ mà Thánh Giuse bảo vệ. Và chúng ta được mời gọi bảo vệ những người này, những người anh chị em này, như thánh Giuse đã làm.

Vì thế, ngài được gọi là người bảo vệ tất cả những người nghèo khổ, những người lưu vong, những người đau khổ và thậm chí cả những người hấp hối - chúng ta đã nói về điều đó vào thứ Tư tuần trước. Và chúng ta cũng phải học nơi Thánh Giuse để ‘bảo vệ’ những điều tốt này: yêu Chúa Hài Đồng và mẹ của Người; yêu mến các Bí tích và dân của Chúa; yêu thương người nghèo và giáo xứ của chúng ta. Mỗi thực tại này luôn là Hài nhi và Mẹ của Người (xem Patris corde, 5). Chúng ta phải bảo vệ, bởi vì bảo vệ họ là chúng ta bảo vệ Chúa Giêsu, như thánh Giuse đã làm.”

Bảo vệ Giáo hội

Như thánh Giuse, chúng ta phải bảo vệ người nghèo, nhưng cả các bí tích, Dân Chúa. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà người ta thường hay chỉ trích Giáo hội, chỉ ra những mâu thuẫn, những tội lỗi của nó, mà thực tế là những mâu thuẫn của chúng ta, là tội lỗi của chúng ta, bởi vì Giáo hội luôn là đoàn dân gồm những tội nhân được gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem trong thâm tâm, chúng ta có yêu mến Giáo hội không. Dân Chúa bước đi trên hành trình, với rất nhiều khiếm khuyết nhưng rất mong ước phục vụ và yêu mến Thiên Chúa. Trên thực tế, chỉ có tình yêu thương mới làm cho chúng ta có khả năng nói ra sự thật một cách đầy đủ, không theo cách bè phái; nói về những điều sai trái, nhưng cũng nhận ra tất cả sự tốt lành và thánh thiện trong Giáo Hội, bắt đầu từ chính Chúa Giêsu và Mẹ Maria.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng cần yêu mến Giáo Hội, bảo vệ Giáo Hội và bước đi với Giáo Hội. “Nhưng Giáo hội không phải là một nhóm nhỏ gần gũi với linh mục và chỉ huy mọi người. Giáo hội là tất cả chúng ta. Đồng hành. Bảo vệ cho nhau. Đây là một câu hỏi hay: khi tôi có vấn đề với ai đó, tôi cố gắng bảo vệ người đó hay ngay lập tức lên án người đó, đàm tiếu, tiêu diệt người đó? Hãy bảo vệ.”

Cầu xin ơn can đảm, tha thứ và khiêm nhường

Cuối bài giáo lý, Đức Thánh Cha nói với các tín hữu: “Anh chị em thân mến, tôi khuyến khích anh chị em hãy cầu xin sự chuyển cầu của Thánh Giuse ngay trong những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời anh chị em và của cộng đoàn của anh chị em. Ở đó, khi lỗi lầm của chúng ta trở thành tai tiếng, chúng ta cầu xin Thánh Cả Giuse lòng can đảm nói lên sự thật, cầu xin sự tha thứ và khiêm nhường làm lại từ đầu. Ở những nơi mà sự bách hại ngăn cản việc loan báo Tin Mừng, chúng ta cầu xin Thánh Cả Giuse sức mạnh và sự kiên nhẫn để có thể chịu đựng sự bách hại và đau khổ vì tình yêu Tin Mừng.

Ở những nơi khan hiếm phương tiện vật chất và thiếu thốn nhân lực và làm cho chúng ta cảm thấy nghèo khó, nhất là khi chúng ta được mời gọi phục vụ những người rốt cùng nhất, những người không có khả năng tự vệ, những đứa trẻ mồ côi, những người bệnh tật, những người bị bỏ rơi trong xã hội, chúng ta hãy cầu xin Thánh Giuse để ngài trở thành sự Quan Phòng cho chúng ta. Bao nhiêu vị thánh đã chạy đến cùng ngài! Có bao nhiêu người trong lịch sử Giáo Hội đã tìm thấy nơi ngài đấng bảo trợ, một người bảo vệ, một người cha! Chúng ta hãy noi gương họ.

Kinh nguyện với thánh Giuse

Và Đức Thánh Cha mời gọi tất cả cùng nhau cầu nguyện với Thánh Giuse bằng lời cầu nguyện mà ngài đã viết ở cuối Tông thư Patris corde, phó thác cho thánh nhân những ý định của chúng ta và cách đặc biệt, Giáo Hội đang đau khổ và đang bị thử thách.

Kính chào Đấng Gìn giữ Đấng Cứu Thế,
Bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria.
Chúa đã trao Con Một của Chúa cho ngài;
Mẹ Maria đã tin tưởng vào ngài;

Chúa Kitô đã lớn lên thành người cùng với ngài.

Lạy Thánh Giuse diễm phúc,
xin cũng hãy tỏ ra ngài là cha của chúng con
và hướng dẫn chúng con đi trên đường đời.

Xin ban cho chúng con ân sủng, lòng thương xót và lòng can đảm,
và xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen.

Hồng Thủy - Vatican News