LỜI CHÚA THỨ SÁU TUẦN VII THƯỜNG NIÊN
SỐNG LỜI CHÚA
BÀI ĐỌC
Bài đọc 1 : Gc 5,9-12
Kìa vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa.
Bài trích thư của thánh Gia-cô-bê tông đồ.
9 Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa. 10 Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa. 11 Kìa xem : chúng ta tuyên bố : phúc thay những kẻ đã có lòng kiên trì ! Anh em đã nghe nói đến lòng kiên trì của ông Gióp và đã thấy mục đích Chúa nhắm, vì Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.
12 Nhưng, thưa anh em, trước hết, đừng có thề, dù là lấy trời, lấy đất, hay lấy cái gì khác mà thề. Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”, như thế, anh em sẽ không bị xét xử.
Đáp ca : Tv 102,1-2.3-4.8-9.11-12 (Đ. c.8a)
Đ. Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.
1Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh !
2Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
Đ. Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.
3Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
4Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.
Đ. Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.
8Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,
9chẳng trách cứ luôn luôn,
không oán hờn mãi mãi.
Đ. Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.
11Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,
tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.
12Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,
tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.
Đ. Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.
Tung hô Tin Mừng : x. Ga 17,17b.17a
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa, Lời Chúa là sự thật ; xin Chúa lấy sự thật mà thánh hiến chúng con. Ha-lê-lui-a.
TIN MỪNG : Mc 10,1-12
Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
1 Khi ấy, Đức Giê-su, đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ. 2 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng : “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không ?” Họ hỏi thế là để thử Người. 3 Người đáp : “Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì ?” 4 Họ trả lời : “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” 5 Đức Giê-su nói với họ : “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. 6 Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ ; 7 vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, 8 và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. 9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” 10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. 11 Người nói : “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình ; 12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”
SUY NIỆM-NÉT ĐẸP CỦA HÔN NHÂN
Việt Nam có nhiều ca dao tục ngữ đề cao tình yêu chung thủy, vợ chồng sắt son. Chẳng hạn, “Đạo nào bằng đạo phu thê/ Tay ấp, má kề, sinh tử có nhau”; hay “Thương nhau gặp khúc sông vơi/ Khó khăn, gian hiểm chẳng rời thủy chung”; hoặc “Theo nhau cho trọn đạo đời, dù cho lên ải xuống đèo cũng cam”…
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc lại tính bất khả phân ly của đời sống hôn nhân. Đặc tính này dựa trên nền tảng tình yêu bền vững của Thiên Chúa dành cho con người và giao ước yêu thương mà hai người nam nữ tự nguyện ký kết. Đó cũng là ý muốn của Thiên Chúa ngay từ khởi nguyên khi Người tạo dựng con người có nam có nữ để họ chung sống và gắn bó với nhau nên một xương một thịt.
Do đó, Đức Giêsu mạnh mẽ và dứt khoát lên án mọi hành vi phá vỡ sự chung thủy và trung tín trong hôn nhân. Ngày nay, Giáo Hội khẳng định lòng chung thủy là một trong những bổn phận cấp bách và quan trọng nhất của hôn nhân Kitô giáo.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin đồng hành với chúng con trong đời sống gia đình, và giúp chúng con sẵn sàng tha thứ, đón nhận nhau. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Ernesto Piraino - người cảnh sát trở thành linh mục nhờ chầu Thánh Thể
Ernesto Piraino là một cảnh sát và sắp kết hôn. Mọi sự thay đổi khi giáo xứ của anh bắt đầu chầu Thánh Thể liên tục 24 trên 24 giờ. Cuộc đời Ernesto bắt đầu thay đổi từ đó... Đó là câu chuyện về cuộc đời của cha Ernesto Piraino, ngày nay là một linh mục ẩn tu, người đã để lại bộ đồng phục phục cảnh sát để mặc lấy bộ áo dòng.
Mới đây nhà xuất bản Herkules Books đã phát hành một cuốn sách rất đặc biệt với tựa đề: "Từ bộ đồng phục đến chiếc áo dòng - Câu chuyện về người cảnh sát trở thành linh mục", tác phẩm tự truyện của một linh mục trẻ, người trước khi tuyên khấn đã nhiều năm mặc bộ quân phục Cảnh sát Quốc gia.
Cha Ernesto Piraino 42 tuổi, là người miền Calabria của Ý, là con của một gia đình di dân, hiện đang sống ẩn tu trong một ngôi nhà nhỏ với vườn rau tại thành phố Belvedere Marittimo ở tỉnh Cosenza, thuộc giáo phận San Marco Argentano-Scalea, nơi có độ cao 700 mét so với mực nước biển. Đó là một ngôi nhà biệt lập trong rừng của Pollino, từ đó người ta có thể nhìn thấy làn nước biển trong vắt đang tắm mát bờ biển Tyrênia.
Lớn lên trong một gia đình Công giáo, Ernesto có một chút đức tin nhưng không sống đức tin trọn vẹn. Vào năm 2006, khi Ernesto đang làm việc cho văn phòng Trụ sở Cảnh sát tỉnh Messina và sống ở Scilla, giáo xứ Đức Mẹ Vô nhiễm của anh bắt đầu chầu Thánh Thể liên tục 24 giờ mỗi ngày. Anh đã đến đó vì tò mò.
Vài tháng trước đó, Ernesto đã chia tay với cô bạn gái sau mối tình kéo dài 6 năm và sắp sửa tiến tới hôn nhân, và đang sống trong một tình cảnh khó khăn; và ngày đó Chúa Giêsu bắt đầu thay đổi cuộc đời anh. Ngay khi đó anh không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng từ lúc đó, tiếng gọi của Bí tích Thánh Thể ngày càng mạnh mẽ hơn.
Trong khi Ernesto tiếp tục cuộc sống bình thường của mình, Chúa Giêsu ngày càng trở nên không thể thiếu, và không thể tin được, anh kể, “bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều chầu Thánh Thể liên tục”. Bằng cách đào sâu vào trái tim của Ernesto, Chúa Giêsu thiết lập lại trật tự tối thiểu trong sự không chắc chắn nảy sinh do cuộc hôn nhân lỡ dở, chỉ yêu cầu anh tin tưởng vào Người và dành cho Người một chút không gian.
Trong 4 năm sau đó, Ernesto quen biết với những người phụ nữ rất xinh đẹp khác, nhưng mặc dù rất hòa hợp với họ, anh luôn cảm thấy thiếu vắng điều gì đó, và trong lòng tiềm ẩn một sự không hài lòng. Rồi một ngày kia, chính cô gái mà Ernesto đang có mối quan hệ rất khắng khít đã cảm nhận được có điều gì đó đang khuấy động trong tâm hồn anh, và cô đến nói với anh rằng nếu con đường của anh là trở thành một linh mục, anh chỉ cần nói cho cô biết. Nhờ sự nhạy cảm đặc trưng của người phụ nữ, cô đã hiểu được điều đó trước khi anh nhận ra.
Một thay đổi lớn xảy ra trong năm 2010. Anh đã trò chuyện với vị linh hướng về tiếng gọi trong tâm hồn, về ước muốn dâng mình cho Chúa đang ngày càng lớn dần trong lòng mình. Đang theo học ngành Luật, nhưng Ernesto đã bỏ môn học này và bắt đầu học thần học. Năm 2011, ở tuổi 32, anh bắt đầu chương trình đào tạo trong chủng viện. Trong một thời gian, Ernesto vẫn tiếp tục làm cảnh sát. Vừa là chủng sinh vửa là cảnh sát. Khi anh được thụ phong linh mục, tất cả các đồng nghiệp cảnh sát của anh đều có mặt và đối với anh, đó là một ngày lễ mà anh không bao giờ tưởng tượng được. Hôm qua là một viên cảnh sát, hôm nay trở thành một linh mục ẩn tu.
Có điểm nào chung nối kết người cảnh sát của quá khứ với vị linh mục và ẩn sĩ ngày nay không? Cha Ornesto chia sẻ, "trong tôi luôn có một ý thức sâu sắc về công lý và theo thời gian, nó đã biến thành một cái nhìn về tính tổng thể của con người. Tôi là một cảnh sát nghiêm khắc, và rồi tôi nhận được Lòng Thương xót và tôi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của bằng cách nhìn tội phạm với con mắt khác, như một người anh em cần giúp đỡ, chuộc lỗi. (…) Đó là con đường mà tôi tiếp tục tin tưởng và để bản thân được hướng dẫn. Tôi học cách nhìn thấy Khuôn mặt của Chúa trong Bí tích Thánh Thể, và rồi trong khuôn mặt của người anh em. Người ẩn sĩ học cách nhìn thấy Chúa trong mọi thứ. Gương mặt của Người theo tôi trong những giờ suy niệm, trong sứ vụ giải tội, trong thời gian dành riêng cho việc tiếp đón và linh hướng... Tuy nhiên, sau đó, tôi lấy lại năng lượng bằng cách đắm mình trong sự tĩnh lặng và thanh tĩnh của ngôi nhà Tabor nhỏ bé của tôi."
Hồng Thủy - Vatican News