SỐNG LỜI CHÚA
BÀI ĐỌC
Bài đọc 1 : Is 50,4-9a
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
4Đức Chúa là Chúa Thượng
đã cho tôi nói năng như một người môn đệ,
để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.
Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi
để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.
5Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi,
còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.
6Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,
giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.
7Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,
vì thế, tôi đã không hổ thẹn,
vì thế, tôi trơ mặt ra như đá.
Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
8Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên.
Ai tranh tụng với tôi ? Cùng nhau ta hầu toà !
Ai muốn kiện cáo tôi ? Cứ thử đến đây coi !
9Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,
ai còn dám kết tội ?
Đáp ca : Tv 68,8-10.21bcd-22.31 và 33-34 (Đ. c.14bc)
Đ. Lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân, xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày.
8Âu cũng vì Ngài, mà con bị người đời thoá mạ,
chịu nhuốc nhơ phủ lấp mặt mày.
9Anh em nhà kể con như người dưng nước lã,
hàng máu mủ xem con bằng khách lạ mà thôi.
10Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân.
Lời kẻ thoá mạ Ngài, này chính con hứng chịu.
Đ. Lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân, xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày.
21bcdNỗi sầu riêng, mong người chia sớt,
luống công chờ, không được một ai ;
đợi người an ủi đôi lời,
trông mãi trông hoài mà chẳng thấy đâu !
22Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng,
con khát nước, lại cho uống giấm chua.
Đ. Lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân, xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày.
31Tôi sẽ hát bài ca chúc mừng Danh Thánh,
sẽ dâng lời cảm tạ tán dương Người.
33Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên,
người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi.
34Vì Chúa nhận lời kẻ nghèo khó,
chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm.
Đ. Lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân, xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày.
Tung hô Tin Mừng
Muôn lạy Vua Ki-tô, vì vâng lời Thánh Phụ, Ngài đã chịu dẫn đi đóng đinh vào thập giá, như con chiên hiền lành bị dẫn đi làm thịt.
TIN MỪNG : Mt 26,14-25
Con người phải ra đi như Kinh Thánh đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
14 Khi ấy, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế 15 mà nói : “Tôi nộp ông Giê-su cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. 16 Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.
17 Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su : “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu ?” 18 Người bảo : “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy : “Thầy nhắn : thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.” 19 Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.
20 Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. 21 Đang bữa ăn, Người nói : “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” 22 Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người : “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao ?” 23 Người đáp : “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. 24 Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người : thà nó đừng sinh ra thì hơn !” 25 Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi : “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao ?” Người trả lời : “Chính anh nói đó !”
SUY NIỆM-PHẢN BỘI VÀ THA THỨ
Ắt hẳn, Đức Giêsu ý thức sâu sắc sứ vụ của mình như “Người Tôi Tớ Đau Khổ” mà ngôn sứ Isaia loan báo. Người bình tĩnh đón nhận tất cả bằng tình yêu không gì lay chuyển, ngay cả với Giuđa – môn đệ phản bội.
Một bên là tình yêu đến điên dại của Thiên Chúa, và bên kia là sự phản bội của con người. Có thể nói, trong thân phận nhân loại, Đức Giêsu cũng cảm nghiệm sự đau khổ khốn cùng mà các ngôn sứ đã trải qua. Đau khổ trước sự phản bội của dân Israel đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ. Đó là điều làm tan nát cõi lòng Người.
Bi kịch của sự phản bội không có điểm dừng trong lịch sử nhân loại và sẽ không bao giờ kết thúc. Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn luôn mời gọi chúng ta can đảm khép lại quá khứ đau thương của sự phản bội mà chính Con Một Người đã trải nghiệm, hầu mở ngỏ cho lòng bao dung tiếp tục được lan tỏa.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Cha Hằng Hữu, xin rộng ban cho chúng con ân sủng, để chúng con nhận ra thời giờ Con Cha viếng thăm. Nhờ mẫu gương của Con Cha, chúng con biết sống bác ái hơn, và bao dung hơn với khiếm khuyết của chính mình và của tha nhân. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
"Hãy tự cứu mình" không phải là lối đi của Chúa
Sáng Chúa Nhật ngày 10/4, Đức Thánh Cha đã dâng Thánh Lễ Lá tại quảng trường thánh Phêrô. Số tín hữu tham dự Thánh Lễ khoảng 65 ngàn người. Đây là lần đầu tiên Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ bên ngoài Đền thờ Thánh Phêrô sau hai năm ngưng lại do đại dịch. Trước Thánh Lễ, có nghi thức làm phép lá, và rước lá trong quảng trường hướng về lễ đài. Do chân đau, ĐTC ngồi tại bàn thờ và không đi cùng với đoàn rước.
Bài giảng lễ của Đức Thánh Cha:
Trên đồi Canvê, hai não trạng gặp nhau. Trong Phúc âm, những lời của Chúa Giêsu bị đóng đinh trái ngược với những lời của những kẻ đóng đinh Người. Họ lặp lại một điệp khúc: “Hãy tự cứu lấy mình đi”. Các thủ lãnh đã nói như vậy: “Hãy cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn” (Lc 23,35). Còn những người lính thì nhắc lại điều đó: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi” (câu 37). Và cuối cùng, một trong hai tên gian phi, đã nghe và cũng lặp lại: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao ? Hãy tự cứu mình đi!” (câu 39). Hãy tự cứu lấy mình, lo cho bản thân mình, hãy nghĩ về bản thân mình; không phải cho người khác, mà chỉ cho sức khỏe của riêng mình, thành công của riêng mình, lợi ích của riêng mình; giàu có, quyền lực và nổi trội. Hãy tự cứu lấy mình: đây là điệp khúc của con người để đóng đinh Chúa. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này.
Nhưng não trạng của “cái tôi” lại đối nghịch với tư tưởng của Thiên Chúa; sự tự cứu mình gặp nhau với Đấng Cứu Thế tự hiến mình. Trong bài Tin Mừng trên đồi Canvê hôm nay, Chúa Giêsu cũng ba lần nói, như những kẻ bách hại Người (xem câu 34.43.46), nhưng không lần nào Người đòi hỏi bất cứ điều gì cho riêng mình; thực sự, thậm chí Người không biện hộ hay biện minh cho chính mình. Người cầu nguyện với Cha và ban lòng thương xót cho kẻ trộm lành. Đặc biệt, một trong những cách diễn đạt của Người đánh dấu sự khác biệt so với sự tự cứu mình, đó là: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ” (câu 34).
Chúng ta hãy dừng lại ở những từ này. Chúa đã nói điều này khi nào? Vào một giây phút đặc biệt: trong khi bị đóng đinh, khi Người cảm nhận những chiếc đinh đâm vào cổ tay và bàn chân của Người. Chúng ta hãy thử tưởng tượng sự đau đớn tột cùng của những mũi đinh này gây ra. Ở đó, trong cơn đau đớn nhất về thể xác trong cuộc Khổ nạn, Chúa Kitô cầu xin sự tha thứ cho những ai đang bước qua Người. Trong những giờ phút đó, người ta sẽ chỉ hét lên tất cả sự tức giận và đau khổ của mình; thay vào đó, Chúa Giê-su nói: Lạy Cha, xin tha thứ cho họ. Không giống như những vị tử đạo khác mà Kinh thánh kể lại (x. 2 Mac 7,18-19), Người không quở trách những kẻ hành hình và không đe dọa những hình phạt nhân danh Thiên Chúa, nhưng Người cầu nguyện cho kẻ ác. Sự sỉ nhục gắn với án xử làm gia tăng cường độ của món quà được trao, đã trở thành sự tha thứ.
Anh chị em thân mến, chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa cũng làm điều này với chúng ta. Chúng ta làm cho Người đau khổ bằng hành động của mình, Người đau khổ và chỉ có một ước muốn duy nhất: có thể tha thứ cho chúng ta. Để nhận ra điều này, chúng ta hãy nhìn lên Thánh giá. Chính từ những vết thương của Người, từ những lỗ đinh đau đớn do bàn tay chúng ta gây ra, sự tha thứ đã tuôn trào. Chúng ta nhìn Chúa Giêsu trên Thánh giá và nghĩ rằng chúng ta chưa bao giờ nhận được lời nào tốt hơn: Lạy Cha, xin tha thứ cho họ. Chúng ta nhìn Chúa Giêsu trên Thánh giá và thấy rằng chúng ta chưa bao giờ nhận được một cái nhìn dịu dàng và yêu mến hơn. Chúng ta nhìn Chúa Giêsu trên Thánh giá và hiểu rằng chúng ta chưa bao giờ nhận được một vòng tay yêu thương hơn thế. Chúng ta nhìn lên Thánh Giá và nói: “Cảm ơn Chúa Giêsu: Chúa yêu thương con và luôn tha thứ cho con, ngay cả khi con thấy mình khó yêu và khó tha thứ cho chính mình”.
Ở đó, trong khi bị đóng đinh, trong thời khắc khó khăn nhất, Chúa Giêsu đã sống điều răn khó nhất của Người: yêu kẻ thù. Chúng ta nghĩ về ai đó đã làm tổn thương, xúc phạm, làm chúng ta thất vọng; với người đã khiến chúng ta tức giận, không hiểu chúng ta hoặc không phải là một tấm gương tốt. Chúng ta đã dành bao nhiêu thời gian để dừng lại nghĩ về người đã làm tổn thương chúng ta! Cũng như chính chúng ta nhìn vào chính mình và liếm lại những vết thương mà người khác, cuộc đời và lịch sử đã gây ra cho chúng ta. Hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng ở lại đó, nhưng hãy hành động. Để phá vỡ vòng luẩn quẩn của sự ác và nuối tiếc. Để phản ứng lại trước những cái đinh của cuộc sống bằng tình yêu, trước những cú đánh mạnh của hận thù bằng sự dịu dàng của tha thứ. Nhưng chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta bước theo vị Thầy hay theo bản năng oán thù của mình?
Đó là một câu hỏi mà chúng ta phải tự hỏi: chúng ta bước theo vị Thầy của mình hay theo bản năng oán thù của mình? Nếu chúng ta muốn xác minh mình có thuộc về Đức Kitô hay không, chúng ta hãy xem cách chúng ta cư xử với những người đã làm tổn thương chúng ta thế nào. Chúa đòi hỏi chúng ta đáp lại không phải bằng tính khí của chúng ta hay như mọi người đều làm, nhưng như cách Người đã làm cho chúng ta. Người đòi chúng ta phá bỏ chuỗi mắc xích “Tôi yêu bạn nếu bạn yêu tôi; Tôi là bạn của bạn nếu bạn là bạn của tôi; Tôi giúp bạn nếu bạn giúp tôi”. Không. Lòng nhân từ và thương xót là cho mọi người, bởi vì Chúa nhìn thấy mỗi người là một người con. Người không chia chúng ta thành tốt và xấu, bạn và thù. Chúng ta làm điều đó, khiến Người đau khổ. Đối với Người, tất cả chúng ta đều là những người con yêu quý mà Người mong muốn được ôm lấy và tha thứ. Và đây là trường hợp trong dụ ngôn nhà vua mời dự tiệc cưới của con trai mình. Ông đã sai người hầu ra các ngã tư đường và nói: “Mọi người, bất luận trắng, đen, tốt, xấu, tất cả mọi người, khỏe mạnh, bệnh tật, tất cả mọi người...” ( x. Mt 22,9-10). Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho tất cả mọi người, không có đặc quyền nào ở đây. Tất cả. Đặc ân của mỗi chúng ta là được yêu thương, được tha thứ.
Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết họ làm. Tin Mừng nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu đã “nói” (c. 34) điều này: Người không nói điều đó một lần cho mãi mãi vào lúc bị đóng đinh, nhưng Người đã trải qua hàng giờ trên Thánh giá với những lời này trên môi và trong lòng. Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ. Chúng ta phải hiểu điều này, nhưng hiểu nó không chỉ bằng trí óc, mà còn bằng trái tim: Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ, chính chúng ta là người mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ, nhưng Người không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ. Người không làm như thế trong một khoảng thời gian nhất định cho đến khi thay đổi quyết định, như chúng ta thường làm. Chúa Giêsu – như Tin Mừng thánh Luca dạy - đã đến thế gian để mang đến ơn tha thứ cho chúng ta (x. Lc 1,77) và cuối cùng Người đã ban cho chúng ta một chỉ dẫn cụ thể: nhân danh Người mà rao giảng ơn tha thứ tội lỗi cho mọi người (x. Lc 24,47).
Anh chị em thân mến, chúng ta đừng mệt mỏi về sự tha thứ của Thiên Chúa. Chúng ta, các linh mục thi hành, mọi Kitô hữu đón nhận và làm chứng về điều đó. Chúng ta đừng mệt mỏi với sự tha thứ của Thiên Chúa.
Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Chúng ta cần lưu ý một điều nữa. Chúa Giêsu không chỉ cầu xin sự tha thứ mà Người còn nói lý do: xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Nhưng thế nào được? Những kẻ đóng đinh Người đã định trước việc giết này, đã tổ chức để bắt Người, xét xử Người, và bây giờ họ đang ở trên đồi Canvê để chứng kiến cái chết của Người. Tuy nhiên, Đức Kitô đã biện minh cho những kẻ bạo tàn đó, vì họ không biết. Đây là cách Chúa Giêsu đối xử với chúng ta: Người trở thành người biện hộ cho chúng ta. Người không chống lại chúng ta, nhưng vì chúng ta, Người chống lại tội lỗi của chúng ta. Và lập luận mà Người sử dụng thật thú vị: bởi vì họ không biết, sự thiếu hiểu biết của trái tim mà tất cả tội nhân chúng ta đều có.
Khi người ta sử dụng bạo lực thì họ không biết về Thiên Chúa, là Cha, cũng không biết về người khác, là anh em. Chúng ta quên mất lý do chúng ta có mặt trên thế giới này và chúng ta thực hiện những hành động tàn ác vô lý. Chúng ta thấy điều này trong sự điên rồ của chiến tranh, nơi chúng ta trở lại đóng đinh Chúa Kitô. Đúng vậy, một lần nữa, Chúa Kitô lại bị đóng đinh trên Thánh giá nơi những người mẹ đang than khóc về cái chết oan uổng của chồng con họ. Người bị đóng đinh nơi những người tị nạn chạy trốn bom đạn với những đứa trẻ trên tay. Người bị đóng đinh nơi những người già bị bỏ lại một mình chỉ để chết, nơi những người trẻ bị tước đoạt tương lai của họ, nơi những người lính bị gửi đi để giết anh em của họ. Chúa Kitô bị đóng đinh ở đó, ngày nay.
Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Nhiều người nghe thấy những lời chưa từng nghe này; nhưng chỉ có một người chào đón nó. Anh ta là một tội phạm, bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giêsu. Chúng ta có thể thấy rằng lòng thương xót của Chúa Kitô đã làm trổi lên một niềm hy vọng cuối cùng trong anh và khiến anh thốt lên những lời này: “Ông Giê-su ơi, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,42). Như muốn nói: “Mọi người đã quên tôi, nhưng ông còn nghĩ đến những kẻ đã đóng đinh ông. Vậy thì, với ông, vẫn còn có chỗ dành cho tôi”. Người trộm lành đón nhận Thiên Chúa khi cuộc sống sắp kết thúc và vì vậy cuộc sống của anh bắt đầu lại; nơi địa ngục trần gian, anh thấy được cửa Thiên Đàng mở ra: “hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (c. 43). Đây là điều kỳ dịu của sự tha thứ của Thiên Chúa, điều này đã biến lời thỉnh cầu cuối cùng của một người bị kết án tử thành sự phong thánh đầu tiên trong lịch sử.
Anh chị em thân mến, tuần này chúng ta chào đón sự chắc chắn rằng Thiên Chúa có thể tha thứ mọi tội lỗi. Thiên Chúa tha thứ cho tất cả mọi người, Người có thể tha thứ mọi khoảng cách, biến mọi tiếng khóc thành vũ điệu (x. Tv 30,12); sự chắc chắn rằng với Đức Kitô luôn có chỗ cho mọi người; rằng với Chúa Giêsu, không bao giờ là kết thúc, không bao giờ là quá muộn. Với Chúa, chúng ta luôn có thể quay trở lại cuộc sống. Can đảm lên, chúng ta hãy tiến bước đến Lễ Phục sinh với sự tha thứ của Người. Bởi vì Chúa Kitô liên tục cầu bầu cùng Chúa Cha cho chúng ta (x. Dt 7,25) và khi nhìn vào thế giới bạo lực, thế giới đầy thương tích của chúng ta, Người không bao giờ mệt mỏi lặp lại - và chúng ta cũng hãy lặp lại điều này trong tâm hồn: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.
Vatican News