(24.07.2022 – Chúa Nhật XVII Thường Niên năm C)
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 11, 1-13)
1 Một hôm, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người : “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” 2 Người bảo các ông : “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói :
“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,
3 xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy ;
4 xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”
5 Người còn nói với các ông : “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói : ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, 6 vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’, 7 mà người kia từ trong nhà lại đáp : ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi : cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.’ ? 8 Thầy nói cho anh em biết : dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.
9 “Thế nên Thầy bảo anh em : anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. 10 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. 11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó ? 12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp ? 13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?”
LẠY CHA CHÚNG CON, ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Các Tông đồ đã nhiều lần thấy Chúa Giêsu cầu nguyện. Có lẽ khi Người cầu nguyện, có một cái gì đó thật đẹp, thật huyền bí và cũng thật lôi cuốn toả ra. Vì thế, các Tông đồ xin Người dạy cách cầu nguyện. Và Người đã dạy các ông cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Kinh Lạy Cha mạc khải cho ta hai điều quan trọng.
*1. Thiên Chúa là Cha chúng ta.
Có lẽ vì đã đọc thuộc lòng Kinh Lạy Cha một cách máy móc nên ít khi ta cảm nhận được hết ý nghĩa thâm sâu nằm trong từ ngữ “Cha”.
Một người bạn có đứa con đầu lòng tâm sự: “Lần đầu tiên khi nghe đứa con gọi “Ba ơi”, tôi bủn rủn cả tay chân. Một luồng điện cực mạnh chạy khắp thân thể. Tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng”. Quả thực, mối liên hệ Cha-Con là một mối liên hệ rất thâm sâu, huyền bí và thân thiết.
Gọi ai là Cha tức là nhận người ấy là ân nhân lớn nhất đời mình. Vì nhờ Cha, ta nhận được món quà tặng quí giá nhất đó là sự sống. Có những người cha không chỉ sinh con về mặt thể xác mà còn cho con một đời sống tinh thần. Đó là những người Cha có nhân cách lớn, kiên trì đúc nặn nên những đứa con có tâm hồn cao đẹp, có lý tưởng, có tư cách làm người.
Cha không chỉ là nguồn cội phát sinh nhưng còn là vòng tay nâng đỡ, là mái ấm chở che, là động lực thúc đẩy, là lý tưởng mời gọi. Nói tóm lại, từ ngữ “Cha” gợi lên cả một trời yêu thương vừa thân thiết vừa huyền nhiệm không bút nào tả xiết được.
Khi mạc khải cho biết Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu đã đưa ra một hình ảnh về Thiên Chúa hoàn toàn khác với hình ảnh các vị thần của các tôn giáo khác. Không những Người cho ta thấy Thiên Chúa Cha yêu thương ta vô cùng, mà còn muốn ta đi vào tình nghĩa thâm sâu, tha thiết với Cha. Vì thế, Người đã dạy ta tiếng “Abba” là tiếng gọi “Ba ơi” rất thân thương của một đứa trẻ vừa nũng nịu, vừa tin tưởng, phó thác mọi sự trong tay Cha.
*2. Mọi người là anh em
Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện: Lạy Cha chúng con… Xin Cha cho chúng con… Chứ không dạy ta đọc: Lạy Cha của con… Xin Cha cho con… Nghĩa là tất cả mọi người có cùng một Cha. Mọi người đều thuộc về một gia đình Thiên Chúa. Là anh em nên phải có tình yêu thương đoàn kết, liên đới với nhau. Liên đới trong đời sống, liên đới trong cả lời cầu nguyện.
Một lần dâng lễ chung với những người bạn Mỹ, tôi đã hỏi họ trong giờ chia sẻ: Hằng ngày các bạn vẫn đọc Kinh Lạy Cha. Vậy khi đọc câu “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày” các bạn cầu xin điều gì? Vì ở Mỹ tôi thấy lương thực dư thừa, không ai phải chết đói. Họ trả lời: Chúng tôi vẫn đọc Kinh Lạy Cha. Và với câu “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày” chúng tôi vẫn cầu xin tha thiết. Vì tuy chúng tôi đã đủ ăn đủ mặc, chúng tôi vẫn nhớ đến những anh em bên Phi châu, bên Àu châu đang phải đói khát khổ sở.
Câu trả lời thật chính xác. Vâng, chúng ta là anh em nên phải liên đới, có trách nhiệm về nhau. Trong bài đọc 1 hôm nay, tổ phục Abraham đã nêu gương liên đới khi tha thiết cầu nguyện cho thành Sođoma khỏi bị phạt.
Nếu trong gia đình đứa em út yếu đuối bệnh tật luôn được thương yêu cưng chiều, thì trong kinh nguyện, ta cũng phải ưu tiên cầu nguyện cho những anh em bé nhỏ trước hết.
Nếu lời cầu nguyện của ta là lời của đứa con nhỏ nói với Cha, và là tâm tình liên đới yêu thương với mọi anh em trên khắp thế giới, lời cầu nguyện ấy sẽ rất đẹp và Thiên Chúa sẽ hài lòng.
Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin thương xót chúng con. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Bạn có thực sự cảm thấy Chúa là Cha và sống với Người như người con hiếu thảo không?
2- Thiên Chúa là Cha tốt lành. Người chỉ ban cho ta những điều tốt. Có khi nào Bạn gặp thất bại khổ đau mà bạn thấy lòng tốt của Thiên Chúa không?
3- Bạn cầu nguyện cho người kém may mắn, nhưng bạn có sẵn sàng chia sẻ với họ không?