18 Tháng Tư 20249:08 CH(Xem: 19)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Cố LM Don Dolindo có những cảm nghiệm rất hay. Khi còn nhỏ, ngài chịu nhiều sự bách hại và khổ đau. Bằng cách nào mà ngài đã cố gắng ngửng đầu cao lên khỏi bể nước và luôn vui vẻ? Chúa Thánh Thần đã khơi nguồn cảm hứng cho ngài với lời cầu nguyện đơn sơ như sau:
18 Tháng Tư 20248:35 CH(Xem: 16)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Lúc gần đây có nhiều người biết đến hiện tượng: "Padre Pio of Naples", đó là điều mô tả về cố linh mục Don Dolindo Ruotolo. Ngài qua đời vào năm 1970, chỉ hai năm sau khi Padre Pio qua đời vào năm 1968. Ngài đang làm việc một cách hữu hiệu từ Thiên Đàng. Ngài an ủi, dỗ dành, chữa lành cho rất nhiều người khỏi chứng bịnh lo âu,
18 Tháng Tư 20247:58 CH(Xem: 13)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Có một gương sáng lớn nhất, đó là chính Chúa Giêsu. Kẻ dữ độc ác đã đóng đinh Chúa Giêsu, Con Chí Thánh của Chúa Cha ở trên cây thánh giá. Lúc đó, Satan nghĩ rằng hắn đã chiến thắng. Nhưng sự thật thì trái lại. Đó là bởi vì Chúa đã biến đổi sự dữ ấy thành sự thiện.
18 Tháng Tư 20243:58 CH(Xem: 17)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Sr. Emmanuel viết: Có một phụ nữ gõ cửa nhà tôi. Trông cô ấy thật là quá đau khổ, xuống sắc và thiểu não. Đôi mắt, đôi má và cái miệng của cô trông rất là buồn thảm và héo hắt. Cô bắt đầu kể lể về mọi nỗi thống khổ của mình.
17 Tháng Tư 20249:07 CH(Xem: 31)
https://luisapiccarreta.com/other-category/cristina-montella-sister-rita-of-the-holy-spirit-the-little-girl-of-padre-pio/ 1. Thời thơ ấu Nữ tu Cristina Montella được sinh ra tại vùng Cercola (Naples) vào ngày 3/4/1920. Khi cô bé được 2 tuổi, cô đang ở chơi nhà một người cô thì nhìn thấy một bức hình của Thánh Gerard Majella,
17 Tháng Tư 20244:44 CH(Xem: 31)
Đức Mẹ Guadalupe hiện ra ở Tepeyac, Mexico City, nước Mễ Tây Cơ từ ngày 9/12/1531 đến ngày 12/12/1531 và chữa lành rất nhiều người, dù rằng người ta đã chết nhưng vẫn được Mẹ cho sống lại.
17 Tháng Tư 20241:58 CH(Xem: 24)
Tồi vừa được xem một video clip tiếng Anh ngắn. Cậu bé chừng 6 tuổi mơ thấy mình lên Thiên Đàng. Sáng hôm sau, cậu kể câu chyện mẹ mình: -Mẹ ơi, con gặp một người chị của con ở Thiên Đàng. -Ủa, con chỉ có một người chị ở đây thôi mà.
13 Tháng Tư 20249:23 CH(Xem: 57)
Cảm nghiệm của một thanh niên làm nghề taxi: Con gặp khó khăn trong việc làm nên con quyết định làm nghề tài xế taxi.
13 Tháng Tư 20248:37 CH(Xem: 55)
“Thầy đây. Đừng sợ!” Trong tác phẩm “When All Hell Breaks Loose,” tạm dịch, “Khi Tất Cả Đổ Vỡ,” Steven J. Lawson viết, “Có thể bạn đang ở trong một cơn bão. Chúa có mục đích khi dẫn bạn vào đó. Ngài thừa sức bảo vệ bạn qua cơn bão; và Ngài có một kế hoạch, để cuối cùng, dẫn bạn ra khỏi đó. Hãy hướng mắt về Ngài!” Kính thưa Anh Chị em, “Hãy hướng mắt về Ngài!”
13 Tháng Tư 20248:26 CH(Xem: 55)
Nguồn: Spiritdaily.com 1. Có một câu chuyện kể rằng một vị chỉ huy vào cuối ngày, ông nhìn thấy mặt trời lặn trước khi ông ta có thể chiến thắng nơi chiến trường. Ông ta bèn quỳ xuống cầu nguyện với Đức Mẹ Maria để cầu xin Mẹ ngừng mặt trời lặn trong ngày hôm ấy lại để ông và quân đội của ông có thể chiến thắng. Thế là mặt trời bỗng dưng đứng lại...

LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY LỜI CHÚA THỨ HAI TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN SỐNG LỜI CHÚA LỄ và CÁC BÀI ĐỌC

11 Tháng Chín 20228:41 CH(Xem: 324)

20-7LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY

LỜI CHÚA THỨ HAI TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

SỐNG LỜI CHÚA

LỄ và CÁC BÀI ĐỌC

Ca nhập lễ : x. Hc 36,18

Lạy Chúa, xin ban bình an

cho những người trông đợi Chúa.

Xin cho các ngôn sứ của Ngài

được luôn luôn trung thực.

Xin nghe tiếng nguyện cầu

của toàn thể dân Chúa.

Bài đọc 1 : 1 Cr 11,17-26.33

Nếu có sự chia rẽ giữa anh em, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô

17 Thưa anh em, nhân lúc đưa ra một số chỉ thị, tôi chẳng khen anh em đâu, vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại. 18 Thật thế, trước tiên tôi nghe rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ nhau, và tôi tin là điều ấy có phần nào đúng. 19 Những sự chia rẽ giữa anh em, thế nào cũng có, nhưng nhờ vậy mới rõ ai là người đạo đức chắc chắn. 20 Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa. 21 Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say. 22 Anh em không có nhà để ăn uống sao ? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của ? Tôi phải nói gì với anh em ? Chẳng lẽ tôi khen anh em sao ? Về điểm này, tôi chẳng khen đâu !

23 Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em : trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, 24 dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói : “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em ; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” 25 Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói : “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy ; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” 26 Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.
33 Cho nên, thưa anh em, khi họp nhau để dùng bữa, anh em hãy đợi nhau.


Đáp ca : Tv 39,7-8a.8b-9.10.17 (Đ. x. 1 Cr 11,26b)


Đ. Anh em loan truyền Chúa đã chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến.

7Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật,
nhưng đã mở tai con ;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,
8acon liền thưa : “Này con xin đến !”


Đ. Anh em loan truyền Chúa đã chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến.

8bTrong sách có lời chép về con
9rằng : “Con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng,
lạy Thiên Chúa của con.”


Đ. Anh em loan truyền Chúa đã chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến.

10Đức công chính của Ngài,
con loan truyền giữa lòng đại hội ;
lạy Chúa, Ngài từng biết :
con đâu có ngậm miệng làm thinh.


Đ. Anh em loan truyền Chúa đã chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến.

17Ước chi mọi kẻ tìm kiếm Chúa,
đều mừng vui hoan hỷ trong Ngài !
Và những ai cảm mến ơn Ngài tế độ
luôn nói rằng : “Đức Chúa vĩ đại thay !”


Đ. Anh em loan truyền Chúa đã chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến.

Tung hô Tin Mừng : Ga 3,16

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời. Ha-lê-lui-a.


Tin Mừng : Lc 7,1-10

Ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.


1 Khi ấy, sau khi giảng dạy dân chúng, Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um. 2 Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm. 3 Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.

4 Họ đến gặp Đức Giê-su và khẩn khoản nài xin Người rằng : “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. 5 Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.” 6 Đức Giê-su liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người : “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. 7 Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. 8 Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này : ‘Đi !’ là nó đi ; bảo người kia : ‘Đến !’ là nó đến ; và bảo người nô lệ của tôi : ‘Làm cái này !’ là nó làm.” 9 Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng : “Tôi nói cho các ông hay : ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” 10 Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.

Ca hiệp lễ : Tv 35,8

Lạy Thiên Chúa,

tình thương Ngài quý trọng biết bao,

phàm nhân tìm bóng Ngài trú ẩn.

SUY NIỆM-CHỈ MỘT LỜI

Thế giới chúng ta đang sống dần đánh mất những cuộc đối thoại đúng nghĩa. Thay vào đó là những cuộc đối thoại thông qua tin nhắn, sticker,… Tưởng rằng với thế giới công nghệ thì người ta sẽ xích lại gần nhau hơn, nhưng thực tế lại không phải thế.

Tin Mừng hôm nay tường thuật cuộc đối thoại “gián tiếp” giữa Đức Giêsu với viên đại đội trưởng. Tại sao ông lại không trực tiếp đi đến gặp và xin Đức Giêsu? Có lẽ vì ông biết thân phận của mình là một dân ngoại không đáng để trực tiếp gặp Đức Giêsu. Tuy nhiên, Tin Mừng không nhằm nói về sự tế nhị của viên đại đội trưởng mà chủ đích nhắm tới lòng tin của ông. Ông tin rằng chỉ cần Đức Giêsu phán một lời thì đầy tớ của ông sẽ được lành bệnh. Hoa trái đã xuất hiện từ niềm tin không chút nghi ngờ của ông.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin cho chúng con, để chúng con vững tin vào quyền năng và lòng thương xót của Ngài cách xác quyết hơn. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

Một ví dụ phân định của thánh Inhaxiô

Sáng thứ Tư 7/9, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến chung hằng tuần với bài giáo lý tiếp theo về phân định. Sau thời gian mùa hè nắng nóng và các buổi tiếp kiến diễn ra tại Hội trường Phaolô VI, bắt đầu từ hôm nay, khi thời tiết tại Roma mát dịu trở lại, các buổi tiếp kiến được tổ chức tại quảng trường thánh Phêrô để nhiều người có thể tham dự.

Trích sách Huấn Ca được đọc trước bài giáo lý


Con ơi, từ thiếu thời, hãy hấp thụ giáo huấn,
thì tới khi tóc bạc, con sẽ được khôn ngoan.
Như người cày và kẻ gieo, con hãy vun trồng khôn ngoan,
và đợi chờ hoa thơm trái tốt của đức ấy;
vì con phải khó nhọc vun trồng một thời gian thôi,
rồi chẳng bao lâu sẽ được ăn hoa trái. (Hc 6,18-19)


Sau bài đọc Sách Thánh, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về phân định, bài thứ hai có chủ đề: “Một ví dụ về phân định của thánh Inhaxiô Loyola”.


Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!


Chúng ta tiếp tục suy tư về sự phân định – trong thời gian này, mỗi thứ Tư chúng ta sẽ nói về phân định, phân định thiêng liêng -, và từ đó, nó có thể giúp chúng ta tham chiếu đến một chứng tá cụ thể.


Thánh Inhaxiô thành Loyola đưa ra một trong những ví dụ điển hình nhất, với một giai đoạn quyết định trong cuộc đời của ngài. Ngài đang hồi phục tại nhà sau khi bị thương ở chân trong trận chiến. Để thoát khỏi sự nhàm chán, ngài yêu cầu một cái gì đó để đọc. Ngài thích những câu chuyện về tinh thần hiệp sĩ, nhưng tiếc là trong nhà chỉ có cuốn hạnh các thánh. Ngài đọc với một chút miễn cưỡng, nhưng trong quá trình đọc, ngài bắt đầu khám phá một thế giới khác, một thế giới thu hút ngài và dường như cạnh tranh với các hiệp sĩ. Ngài bị say mê bởi con người thánh Phanxicô và thánh Đa Minh, và cảm thấy muốn bắt chước họ. Nhưng thế giới hiệp sĩ vẫn tiếp tục cuốn hút ngài. Ngài cảm thấy những suy nghĩ như thế, về các hiệp sĩ và các thánh, luân phiên đến với mình, dường như là ngang ngang nhau.


Tuy nhiên, Inhaxiô cũng bắt đầu nhận thấy sự khác biệt. Trong cuốn Tự thuật, ở ngôi thứ ba, ngài viết như sau: “khi nghĩ đến những chuyện thế gian, - người ta hiểu là các chuyện hiệp sĩ - kẻ ấy rất thích thú; nhưng khi mệt mỏi, thôi không nghĩ nữa, lại thấy trống rỗng và buồn chán; trái lại, khi nghĩ về việc đi chân đất đến Giêrusalem, chỉ ăn rau cỏ, và làm những việc khổ chế như các thánh đã làm, chẳng những ngay lúc ấy kẻ ấy cảm thấy an ủi, mà cả sau khi thôi không nghĩ đến nữa vẫn thấy vui và thích.” (Số 8), nó để lại một dấu vết của niềm vui.


Trong kinh nghiệm này, chúng ta có thể lưu ý trên hết đến hai yếu tố. Đầu tiên là thời gian: những ý nghĩ về thế gian lúc đầu hấp dẫn, nhưng sau đó chúng mất đi vẻ hào nhoáng và để lại sự trống rỗng và buồn chán. Ngược lại, những ý nghĩ về Thiên Chúa lúc đầu khơi dậy một sự phản kháng nào đó, -“tôi chẳng đọc câu chuyện nhàm chán này về các thánh”, nhưng khi chúng được chào đón, chúng mang lại một sự bình an không tả được và lưu lại rất lâu.


Yếu tố thứ hai là điểm đến của những ý nghĩ. Trạng thái lúc đầu có vẻ không rõ ràng. Có một sự phát triển trong phân định: ví dụ chúng ta hiểu điều gì tốt cho chúng ta không phải theo cách trừu tượng, chung chung, mà là trong hành trình cuộc đời chúng ta. Trong các quy tắc phân định, là kết quả của kinh nghiệm nền tảng này, thánh Inhaxicô đặt một tiền đề quan trọng, giúp chúng ta hiểu tiến trình này: “Đối với những người sa ngã hết tội trọng này sang tội trọng khác, kẻ thù thường quen bày cho họ những vui thú bề ngoài, trấn an rằng mọi sự đều ổn, xui họ tưởng đến những khoái lạc và vui thú giác quan để dễ cầm giữ và thúc đẩy họ tiến sâu vào thói hư và tội lỗi. Với những người như thế, thần lành dùng phương pháp ngược lại, bằng cách thôi thúc cho lương tâm cắn rứt họ bằng luật tự nhiên của lẽ phải” (Linh thao, 314), rằng: “điều này không ổn…”


Đối với người phân định, có một câu chuyện xảy ra trước, một câu chuyện nhất thiết phải nhận biết, bởi vì phân định không phải là một loại sấm ngôn hay thuyết định mệnh hay một thứ trong phòng thí nghiệm, giống như rút thăm giữa hai khả thể. Những câu hỏi lớn nổi lên khi trong cuộc sống chúng ta đã đi một chặng đường, và ở chính chặng đường đó, chúng ta phải quay trở lại để hiểu chúng ta đang tìm kiếm gì. Nếu trong cuộc sống, chúng ta đi một hồi và tự hỏi:

“Tại sao tôi đi theo hướng này, tôi đang tìm gì?”, thì đó là chúng ta đang làm một cuộc phân định. Inhaxiô, khi bị thương ở nhà, đã hoàn toàn không nghĩ đến Chúa hay làm thế nào để thay đổi cuộc sống của mình. Ngài có kinh nghiệm đầu tiên về Chúa khi lắng nghe con tim của chính mình. Nó cho ngài thấy có một sự đảo lộn lạ kỳ: những thứ thoạt đầu hấp dẫn lại khiến ngài thất vọng và còn điều kia kém bóng bẩy hơn thì ngài cảm nhận một sự bình an kéo dài theo thời gian.


Chúng ta cũng có kinh nghiệm này, nhiều khi chúng ta bắt đầu nghĩ về điều gì đó và chúng ta lưu lại, rồi sau đó lại thất vọng. Ngược lại, chúng ta làm một việc bác ái, làm một điều tốt và cảm thấy điều gì đó hạnh phúc, là niềm vui, đó là kinh nghiệm của chính chúng ta. Thánh Inhaxiô đã có nghiệm đầu tiên về Chúa bằng việc lắng nghe con tim của chính mình. Đây là điều chúng ta phải học: biết lắng nghe con tim của mình, nó vốn tỏ cho thấy những đảo lộn lạ kỳ.

Đây là điều tôi đã nói: cần biết điều gì đang xảy ra, điều gì cần đưa ra quyết định, suy xét về một tình huống, hãy lắng nghe con tim của mình. Chúng ta nghe tivi, radio, điện thoại, chúng ta là những bậc thầy về việc nghe, nhưng tôi đặt câu hỏi: “Bạn có thể lắng nghe con tim của mình không? Bạn hãy dừng lại để hỏi xem: “Con tim của tôi thế nào? Tôi có hài lòng không, tôi có buồn không, tôi đang tìm kiếm gì?”. Để đưa ra quyết định đúng đắn, bạn cần lắng nghe con tim mình.

Do đó, thánh Inhaxiô sẽ đề nghị đọc cuộc đời của các thánh, bởi vì chúng thuật lại câu chuyện dễ hiểu về cách thức Thiên Chúa hoạt động trong cuộc đời của những người không khác chúng ta cho lắm bởi vì các thánh cũng là xương là thịt như chúng ta. Hành động của họ nói về hành động của chúng ta và giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của chúng.

Trong đoạn nổi tiếng đó về hai xung động mà thánh Inhaxicô cảm thấy khi đọc những truyện kiếm hiệp và khi đọc cuộc đời các thánh, chúng ta có thể nhận thấy một khía cạnh quan trọng khác của sự phân định mà chúng ta đã đề cập ở lần trước. Có một sự tình cờ bề ngoài trong các sự kiện của cuộc sống: mọi sự dường như phát sinh từ một bất lợi tầm thường: không có sách về các hiệp sĩ, mà chỉ có cuốn cuộc đời các thánh. Tuy nhiên, nhiều khi một bất lợi có thể hàm chứa một bước ngoặt có thể xảy ra. Chỉ sau một thời gian, Inhaxiô mới nhận thấy điều đó, và từ khi đó ngài sẽ dành hết sự quan tâm của mình cho nó.

Hãy nghe kỹ điều này: Thiên Chúa làm việc ngang qua những sự kiện không theo kế hoạch - tình cờ tôi gặp biến cố này, tình cờ tôi gặp người này, xem phim này… những điều đó không theo kế hoạch nhưng Thiên Chúa làm việc ngang qua những biến cố không theo kế hoạch đó, và cũng ngang qua những bất lợi – tôi muốn đi dạo một chút nhưng cái chân tôi có vấn đề, tôi không thể… Thiên Chúa nói với chúng ta điều gì nơi đó. Chúng ta cũng đã thấy điều đó trong một đoạn trong Tin Mừng theo thánh Matthêu: một người đang cày ruộng thì tình cờ gặp thấy một kho báu bị chôn giấu. Một tình huống hoàn toàn bất ngờ. Nhưng điều quan trọng là anh nhận ra đó là điểm may mắn trong cuộc đời mình và đưa ra quyết định tương ứng: anh bán tất cả mọi thứ và mua thửa ruộng đó (x. Mt 13,44).

Tôi khuyên anh chị em một điều, hãy để ý đến những điều không ngờ trước, có thể nói rằng: điều này tình cờ tôi không mong đợi. Qua chuyện không mong đợi này, cuộc sống nói với bạn, Chúa nói với bạn hay ma quỷ nói với bạn? Ai đang nói? Nhưng có một điều cần phân định, đó là cách tôi phản ứng trước những điều không mong đợi đó. Tôi đang ở nhà yên bình, đột nhiên mẹ chồng / mẹ vợ đến, tôi phản ứng thế nào? Đó là tình yêu hay là một thứ gì đó khác trong lòng? Hãy thực hiện cuộc phân định. Tôi đang làm việc ở văn phòng và một người bạn đến nói với tôi rằng anh ta cần tiền và bạn phản ứng như thế nào? Hãy để ý xem điều gì xảy ra khi chúng ta đối diện với những điều chúng ta không mong đợi và ở đó chúng ta học được cách nhận biết chuyển động con tim của chúng ta.

Phân định là giúp nhận ra những dấu chỉ mà Chúa hành động trong những tình huống không lường trước, thậm chí khó chịu, chẳng hạn như vết thương ở chân của thánh Inhaxiô. Từ đó, một cuộc gặp gỡ làm thay đổi cuộc đời có thể nảy sinh, như trường hợp của thánh Inhaxiô. Nó làm thay đổi có thể tốt hơn hoặc tệ hơn, nhưng phải chú ý. Điều đẹp nhất là những điều không chờ đợi, tôi chuyển động thế nào trước điều đó. Xin Chúa giúp chúng ta cảm nhận được con tim của chúng ta và nhìn xem khi nào Người hoạt động, khi nào không phải là Người mà là một điều gì đó khác.

Vatican News