17 Tháng Tư 20249:07 CH(Xem: 12)
https://luisapiccarreta.com/other-category/cristina-montella-sister-rita-of-the-holy-spirit-the-little-girl-of-padre-pio/ 1. Thời thơ ấu Nữ tu Cristina Montella được sinh ra tại vùng Cercola (Naples) vào ngày 3/4/1920. Khi cô bé được 2 tuổi, cô đang ở chơi nhà một người cô thì nhìn thấy một bức hình của Thánh Gerard Majella,
17 Tháng Tư 20244:44 CH(Xem: 16)
Đức Mẹ Guadalupe hiện ra ở Tepeyac, Mexico City, nước Mễ Tây Cơ từ ngày 9/12/1531 đến ngày 12/12/1531 và chữa lành rất nhiều người, dù rằng người ta đã chết nhưng vẫn được Mẹ cho sống lại.
17 Tháng Tư 20241:58 CH(Xem: 11)
Tồi vừa được xem một video clip tiếng Anh ngắn. Cậu bé chừng 6 tuổi mơ thấy mình lên Thiên Đàng. Sáng hôm sau, cậu kể câu chyện mẹ mình: -Mẹ ơi, con gặp một người chị của con ở Thiên Đàng. -Ủa, con chỉ có một người chị ở đây thôi mà.
13 Tháng Tư 20249:23 CH(Xem: 56)
Cảm nghiệm của một thanh niên làm nghề taxi: Con gặp khó khăn trong việc làm nên con quyết định làm nghề tài xế taxi.
13 Tháng Tư 20248:37 CH(Xem: 55)
“Thầy đây. Đừng sợ!” Trong tác phẩm “When All Hell Breaks Loose,” tạm dịch, “Khi Tất Cả Đổ Vỡ,” Steven J. Lawson viết, “Có thể bạn đang ở trong một cơn bão. Chúa có mục đích khi dẫn bạn vào đó. Ngài thừa sức bảo vệ bạn qua cơn bão; và Ngài có một kế hoạch, để cuối cùng, dẫn bạn ra khỏi đó. Hãy hướng mắt về Ngài!” Kính thưa Anh Chị em, “Hãy hướng mắt về Ngài!”
13 Tháng Tư 20248:26 CH(Xem: 53)
Nguồn: Spiritdaily.com 1. Có một câu chuyện kể rằng một vị chỉ huy vào cuối ngày, ông nhìn thấy mặt trời lặn trước khi ông ta có thể chiến thắng nơi chiến trường. Ông ta bèn quỳ xuống cầu nguyện với Đức Mẹ Maria để cầu xin Mẹ ngừng mặt trời lặn trong ngày hôm ấy lại để ông và quân đội của ông có thể chiến thắng. Thế là mặt trời bỗng dưng đứng lại...
12 Tháng Tư 20249:28 CH(Xem: 64)
Nguồn: Spiritdaily.com và Forums of the Virgin Mary Đức Mẹ Maria đã từng can thiệp và thay đổi tình hình thế giới và tình hình giáo hội trong 500 năm trở lại đây. Thế giới luôn chiến đấu để chống nạn đói khát và bịnh tật. Những người Hồi Giáo đã chiếm đóng nước Tây Ban Nha trong nhiều thế kỷ. Họ cũng đã từng kiểm soát vùng Đất Thánh.
12 Tháng Tư 20249:57 SA(Xem: 53)
Nguồn: Spiritdaily.com Những nơi trú ẩn ở đâu khi có cơn thử thách lớn? Đâu là những nơi trú ẩn dành cho những người còn sống sót? Sẽ có một cuộc thanh tẩy rất lớn để thanh lọc thế giới này. Nhân loại đã rời xa Thiên Chúa và đã xúc phạm nặng nề đến Ngài. Vậy các tín hữu của Chúa sẽ ra sao? Liệu họ có phải chịu sự thống khổ như những người khác không?
11 Tháng Tư 20242:08 CH(Xem: 54)
Nguồn: Spiritdaily.com Thị Nhân Estela Ruiz kể tiếp về các thông điệp mà Đức Mẹ Maria ban cho bà...
11 Tháng Tư 20241:43 CH(Xem: 55)
Nguồn: Spiritdaily.com Thị Nhân Estela Ruiz đang cư ngụ tại miền Nam của thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona và đã bắt đầu nghe và nhìn thấy Đức Mẹ vào năm 1988.

SỐNG TRONG CÁI KÉN THỜ Ơ VÔ CẢM?

25 Tháng Chín 20223:32 SA(Xem: 272)

3vuaSỐNG TRONG CÁI KÉN THỜ Ơ VÔ CẢM?

Bản văn này là một phần của một loạt các dụ ngôn mà chúng ta đã nghe trong các tuần vừa qua: Con chiên được tìm thấy - đồng xu được tìm thấy - đứa con thứ được tìm thấy, đôi khi còn được gọi là dụ ngôn về đứa con hoang đàng. Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ tại sao Ngài lại sử dụng các dụ ngôn. Đọc lại Mátthêu, người ta thấy những dòng này: “Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu…” (Mt 13: 13).

Xin Chúa Giêsu giúp chúng ta nghe và hiểu được những gì Ngài muốn nói với chúng ta qua dụ ngôn hôm nay: người phú hộ giầu có và Ladarô nghèo khó, để làm sâu sắc hơn suy niệm và biến đổi cách sống của chúng ta trở nên tốt lành hơn.

Chúng ta thấy mình đứng trước hai nhân vật: một người giàu có sống xa hoa - không được nêu tên: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16: 19) và một người nghèo tên là Ladarô, hay Eleazar, có nghĩa là “Thiên Chúa giúp đỡ”: “Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta” (Lc 16: 20-21).

Người giàu có không thương xót và không bố thí cho Ladarô. Ông ta thậm chí còn biết sự tồn tại của Ladarô? Phần còn lại của câu chuyện sẽ chứng minh điều ngược lại. Cả Ladarô và người giàu có đều phải chết: “Thế rồi người nghèo này chết,… Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn” (Lc 16: 22) nhưng số phận của họ rất khác nhau. Ladarô trước đây đáng thương bây giờ “được thiên thần đem vào lòng tổ phụ Ábraham” (Lc 16: 23), sống trong hạnh phúc, hoàn toàn khác với người giàu có, thấy mình “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình…” (Lc 16: 23).

Người giầu có ấy, và cả chúng ta ngày nay nữa, có nhớ đến lời của Chúa được tiên tri Isaia tường thuật: “…vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn, cho dân Ta tuyển chọn được giải khát…” (Isaia 43: 20)? Nhưng người giàu có, lúc này lâm vào cơn hoạn nạn, mới nghĩ đến Ladarô, mà thực ra ông ta lại chỉ đang nghĩ đến mình: “Lạy tổ phụ Ábraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!” (Lc 16: 24). Ông ta vẫn giữ trong tâm trí mình cái não trạng và thái độ “kẻ cả” của người có của; đối với người giầu có như ông thì người nghèo như Ladarô mãi mãi chỉ là “tôi tớ để sai bảo”, là “công cụ” để phục vụ ông ta, ngay cả ở thế giới bên kia. Sau cái chết, mọi chọn lựa thái độ sống trong cuộc đời này của một con người sẽ không thể thay đổi nữa. Người ta sẽ mãi mãi là “cái tôi” mà họ đã quyết định hình thành nơi trần thế.

Thiên đàng hay hỏa ngục sẽ tùy thuộc vào cái tôi đó và trở thành vĩnh viễn, “sống sao chết vậy”. Ábraham sẽ đặt mọi thứ trở lại vị trí đúng đắn của chúng: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ” (Lc 16: 25). Và không có giải pháp nào để lấy lại sự cân bằng: các mối tương quan giữa hai thế giới phúc lành và thế giới trầm luân là không thể hòa hợp: “Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được” (Lc 16: 26).

Hỏa ngục đóng một vai trò quan trọng trong dụ ngôn này, nhưng đó chắc hẳn không phải là trọng tâm. Nếu trọng tâm của dụ ngôn là địa ngục, thì phải chăng những người nghèo đương nhiên sẽ lên thiên đàng và những người giầu có tiền bạc của cải vật chất ở đời này sẽ bị kết án sa hỏa ngục?

Mối phúc đầu tiên của Nước trời mà Chúa Giêsu loan báo là: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5: 3). Đa số những người trong đám đông theo Chúa Giêsu là những người nghèo tiền của, lại càng không phải là những người quyền thế hay quan trọng trong xã hội, nhưng Tin mừng của Chúa Giêsu về Nước trời không bao giờ lý tưởng hoá sự nghèo khó vật chất. Thánh Kinh luôn trình bày sự nghèo khổ như một sự dữ cần phải nỗ lực đấu tranh xóa bỏ. “Nghèo khó” trong Thánh Kinh không bao giờ liên quan đến chuyện không có tài khoản trong ngân hàng: những người nghèo theo nghĩa Thánh Kinh là những người không có lòng kiêu hãnh, không có cách nhìn cao ngạo:

“Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi!
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu” (Tv 131:1).

Đó là những kẻ bé nhỏ, những người khiêm nhu, luôn cậy trông vào Chúa:

“Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.
Cậy vào Chúa, Israel ơi,
từ nay đến mãi muôn đời muôn năm” (Tv 131:2-3).

Họ không phải những kẻ no đầy, thỏa mãn, hài lòng về chính mình, như người Pharisêu: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18:11-12). Họ luôn cảm thấy tự sâu thẳm lòng mình còn thiếu và khát khao một điều gì đó vượt lên trên mọi sự trần thế:

“Hồn chúng con khát vọng Thánh Danh
Và ước mong tưởng nhớ đến Ngài.
Suốt đêm trường, hồn con khao khát Chúa,
trong thâm tâm, những kiếm tìm khắc khoải” (Is 26;8-9).

Những người có tinh thần nghèo khó đích thực chỉ mong chờ Thiên Chúa lấp đầy khát khao ấy của họ. Người nghèo tiền của vật chất nhưng trong lòng lại đầy tham lam, gian dối, “bần cùng sinh đạo tặc”…chắc chắn không phải là những người nghèo theo lời giảng dạy của Chúa Giêsu, không phải là Ladarô được “thiên thần đem vào lòng tổ phụ Ábraham” hay được vào hưởng hạnh phúc vì “Nước trời là của họ” !

Chúa Giêsu, qua dụ ngôn này, càng không có ý bảo các thành viên của các tổ chức từ thiện không cần giúp đỡ những người nghèo, và cứ nói với họ rằng không sớm thì muộn họ chắc chắn sẽ được hạnh phúc trên thiên đàng nhằm để mang lại cho họ một niềm hy vọng về một thế giới mai sau tốt đẹp hơn. Liệu có đủ không khi chỉ nói với một người vô gia cư trên phố rằng anh ta sẽ có một tương lai tươi sáng ở trên thiên đàng - mà không cần cho anh ta một đồng xu nhỏ hoặc không nói một lời khích lệ nào? Chúng ta hãy nghe thánh Giacôbê nói: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gia 2: 15-16).

Chúa Giêsu không nói giầu tiền của vật chất là tội lỗi và đương nhiên phải sa cõi trầm luân, nhưng những người giầu có vật chất dễ bị nguy cơ thành tội lỗi khi cố ý “làm ngơ” những người nghèo đang ở trước cửa nhà mình, khi để cho người nghèo “thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no” và mặc kệ để cho “mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta” (Lc 16: 21). Tội lỗi của người giàu trong dụ ngôn là chỉ quan tâm đến hạnh phúc, danh tiếng và cuộc sống tiện nghi thỏa mái của riêng mình. Hỏa ngục của ông ta đang hình thành trên chính “ốc đảo vui vẻ” khép kín của mình giữa “đại dương bao la” đầy những người nghèo vốn là nạn nhân của sự thờ ơ, vô cảm, bóc lột, đàn áp bất công, “sống chết mặc bay”. Thói thờ ơ vô cảm trước những hoàn cảnh ấy sẽ đưa người đàn ông giầu có tiền bạc nhưng rất nghèo tình thương xót vào “âm phủ,… chịu cực hình” (Lc 16: 23). Tiên tri Amốt nói:

“Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xion,
và sống an nhiên tự tại trên núi Samari,…
Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ,
Mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng.

Chúng đàn hát nghêu ngao;
như Đavít, chúng dùng nhạc cụ mà sáng tác.
Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng,
nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ !

Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đày,
dẫn đầu những kẻ bị lưu đày.
Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn!” (Am 6,1a.4-7)

Dụ ngôn là lời kêu gọi công bằng xã hội và sự chia sẻ. Để nhận ra lời kêu gọi này, không cần phải có một sự thị kiến đặc biệt nào theo kiểu “nếu có người từ cõi chết đến với họ,thì họ sẽ ăn năn sám hối” (Lc 16: 30) nhưng chỉ cần lắng nghe và thực thi Lời Chúa vì: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8: 21).

Do đó, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để nói với những người Pharisêu vô cảm thời Ngài, và mỗi người chúng ta hôm nay, vốn dĩ vẫn còn ít nhiều thờ ơ, rằng tuân theo Lề luật nhưng mặc kệ “nhà hàng xóm cháy bình chân như vại” là lối sống đáng bị kết án: người ta phải nhìn thấy người nghèo đang ở trước cửa nhà mình. Đừng bao giờ để mình phải nghe lời này: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin” (Lc 16: 31).

Khi còn sống nơi trần gian, suốt trong sứ vụ của mình, Chúa Giêsu mặc khải Thiên Chúa là tình yêu bằng cách hướng đến những người thiệt thòi nhất: bệnh tật, đau yếu, nghèo túng, để mang lại sự chữa lành và an ủi: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Ngài. Cả thành xúm lại trước cửa. Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật” (Mc 1; 32-34) và: “Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9: 35-36).

Chúng ta có thể đọc lại dụ ngôn này và áp dụng vào cuộc sống của mình hôm nay. Chúng ta bị choáng ngợp bởi những lời kêu gọi ủng hộ nhiều công việc bác ái từ thiện mà tất cả đều có lẽ sống là: giúp chăm lo cho trẻ em bất hạnh, người già, người tàn tật, người ốm đau mắc các chứng bệnh khác nhau… Làm thế nào để đáp ứng tất cả những nỗi đau khổ này?

Xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng con về những lựa chọn mà chúng con phải thực hiện và hành động để góp phần vào việc loan báo Tin Mừng tình thương, như thánh tông đồ Phaolô khuyên bảo:

“Phần anh, hỡi người của Thiên Chúa…; hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hoà. Anh hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời; chính vì sự sống ấy, anh đã được Thiên Chúa kêu gọi, và anh đã nói lên lời tuyên xưng cao đẹp trước mặt nhiều nhân chứng… Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, xuất hiện” (1Tim 6: 11-12, 14).

Lời tiên tri Isaia vẫn còn đó: “…vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn, cho dân Ta tuyển chọn được giải khát…” Xin cho chúng con biết chia sẻ nước này cho những ai đang khát, khát hy vọng, khát tình yêu để mọi người được vui hưởng “hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gal 5: 22-23). Amen. 

Phêrô Phạm Văn Trung.