28 Tháng Ba 20241:20 CH(Xem: 9)
Sáng nay là Thứ Năm Tuần Thánh, tôi nhận được một cú điện thoại viễn liên của cô Agnes. Cô Agnes xin tôi cho cô địa chỉ một Dòng tu nào đó để cô xin 30 lễ cầu nguyện cho linh hồn Giuse là ba của cô vừa qua đời.
28 Tháng Ba 202412:51 CH(Xem: 9)
Ngày 26/3/2024 vừa qua, vợ chồng tôi đã tham dự buổi cầu nguyện cho linh hồn cụ Giuse, ba của cô Kim Anh. Cô Kim Anh lúc trước là xướng ngôn viên của Radio Giờ Của Mẹ. Cụ Giuse năm nay 89 tuổi. Một điều lạ lùng trong đời cụ là
28 Tháng Ba 202412:16 CH(Xem: 8)
Nguồn: Spiritdaily.com Khi Chúa Giêsu chết trên cây thánh giá thì trời đất bỗng trở nên tối đen. Đó là dấu hiệu Thiên Tính của Ngài. Tin Mừng Thánh Mattheu 27: 54 nói rằng:
26 Tháng Ba 20249:00 CH(Xem: 32)
Có một thanh niên trong giáo xứ đã chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống hôn nhân. Anh ngậm đắng nuốt cay vì người vợ của anh rất hay nóng giận và hung dữ. Chị luôn nói những lời nặng nề khi chị không hài lòng về một điều gì đó.
23 Tháng Ba 20249:13 CH(Xem: 55)
Nguồn: Spiritdaily.com Cô Yamilexis Fernandez chia sẻ cảm nghiệm là cô nhận được ơn lành tìm thấy Chúa và được Chúa giải thoát khỏi tà thuật.
22 Tháng Ba 20245:00 CH(Xem: 60)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and.../ Điều quan trọng nhất là hãy yêu thương. Ông Vincent nói rằng điều chính yếu nhất là cần yêu thương mọi người dù là ở trong bất cứ trường hợp nào. Trên hết mọi sự là hãy ở trong tình yêu Thiên Chúa.
22 Tháng Ba 20244:12 CH(Xem: 53)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and-was-told-what-was-about-to-hit-earth-put-your-phones-away/ Ông Vincent tuyên bố rằng ông ấy đã từng chết rồi. Ông được báo cho biết về tình hình của trái đất. Ông bảo: "Hãy đặt điện thoại của bạn xuống!"
22 Tháng Ba 202412:05 SA(Xem: 66)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. LỜI CẦU NGUYỆN DÂNG ĐỜI SỐNG Lạy Chúa Giêsu kính yêu, trước sự Hiện Diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, trước Nhan Thánh của Đức Mẹ Thiên Đàng và Triều Thần Thiên Quốc trên Trời, con xin dâng cuộc đời con theo như ý chỉ của Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẫu Tâm Vô Nhiễm Mẹ Rất Thánh Maria.
21 Tháng Ba 20246:41 CH(Xem: 74)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie dâng hiến cuộc đời và những lời hứa của Thiên Đàng Trong năm Thánh Mẫu (1983-1984) Đức Trinh Nữ Maria nói với tôi rằng:
21 Tháng Ba 20245:09 CH(Xem: 69)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie không được nhiều người trong Giáo Hội biết đến Nữ tu Natalie gửi những thông điệp cứng rắn đến cho Giáo Hội Công Giáo tại nước Hung Gia Lợi. Đó là những lời khuyên mọi người hãy rời khỏi những cung điện. Hãy làm việc thống hối. Hãy phân phát những của cải cho người...

THÁNH JÉRÔME, NHÀ KINH THÁNH CÓ VĂN CHƯƠNG TRAU CHUỐT

29 Tháng Chín 20225:30 SA(Xem: 359)

30-9cTHÁNH JÉRÔME, NHÀ KINH THÁNH CÓ VĂN CHƯƠNG TRAU CHUỐT

I. CUỘC ĐỜI MỘT VỊ ĐAN SĨ.

CUỘC ĐÀO LUYỆN DÀI TRONG KIẾP LANG THANG.

Jérôme chào đời khoảng trước năm 350 tại Stridon, một nơi ngày nay rất khó định vị, thuộc xứ Dalmatie. Ngài được hưởng nền giáo dục của con nhà quyền quý. Tại Roma, ngài theo học nhiều thầy mà trong đó có nhà bác ngữ học Donat danh tiếng, người đã khơi dậy nơi ngài lòng ham thích ngữ học và văn chương. Tại đây, ngài kết thân với Bonose và Rufin, một dịch giả tương lai, và cũng có vài ba cuộc tình mà kỷ niệm về chúng sẽ ám ảnh ngài nơi sa mạc. Tuy nhiên, thành phố [Roma] cả ngoại giáo lẫn Kitô giáo, mới là điều ngài say mê hơn cả. Ngài lãnh nhận Phép Rửa, rồi lẳng lặng trẩy đi xứ Gaule, dừng lại ở Tréves, nơi Valentinien ở.

Trong cảnh ẩn dật, ngài nghiên cứu và khám phá ra những dấu vết của thánh Athanase bị lưu đày và bản dịch Latinh cuốn "Cuộc đời thánh Antôn". Ít lâu sau, ngài về gần quê hương của mình và vào lối 373, ngài lập cư tại Vénétie, Aquilée, một trung tâm kinh tế và văn học. Ngài thành lập ở đó một kiểu đan viện trí thức dưới sự bảo trợ của Chromatius, Giám Mục tương lai ở đây, cùng với hai bạn ngài là Rufin và Bonose, nhưng nhóm này đã nhanh chóng tan rã trước lời chỉ trích và những hiểu lầm. Đây là sự đoạn tuyệt mà ngài tưởng là mãi mãi, với quê hương, gia đình, bè bạn. Những năm tháng nghiên cứu và thử nghiệm đời sống cộng đoàn này đã để lại cho ngài một kiến thức vững chắc về ngữ học, một dấu ấn không phai về Roma vĩ đại và một ám ảnh về đời đan tu đích thực. Ngài trẩy qua Đông phương năm 374.

Sau cuộc hành trình gian khổ, ngài dừng chân nơi một người bạn là Évagre, tại Antioche xứ Syrie, một thành phố bị xâu xé, và ở đó ngài đào sâu tiếng Hylạp, sách tiên tri Abdias, cũng tại đây ngài có cảm tình với Paulin, một người theo phe Eustathe và là đối thủ của Mélèce và Vital. Nhưng giấc mơ cô tịch đeo đuổi ngài. Năm 375, ngài lui vào sa mạc kế cận miền Chalcis. Tại đó, ngài sống đời ẩn dật trong khổ hạnh tột cùng và trong những cơn cám dỗ. Để khuây khỏa, ngài bắt đầu học hỏi Kinh Thánh và ban đêm học tiếng Hip-ri với một người Dothái tòng giáo. Nhưng than ôi ! Chất "chaldée" trong người đã không rời bỏ ngài như ngài hy vọng. Trong "thi thể" của ngài "đám lửa khoái lạc vẫn sôi sục" và trong "đêm tối" của ngài, dù thức hay ngủ, nhà "Kinh Thánh-mới" nghe thấy mình bị coi là kẻ nói láo : "Ngươi là môn đệ của Cicéron chứ không phải là Kitô hữu". Ngài thề sẽ không đọc sách đời nữa. - lại thêm một ảo tưởng. Sau hai năm sống cái kinh nghiệm gian khổ nhưng phong phú này, ngài trở về Antioche, nơi mà sự can dự của các đan sĩ chỉ thấy gây thêm lộn xộn cho Giáo Hội địa phương [Các đan sĩ đã kết án ngài là theo Sabellianisme - một thứ hình thái thuyết - vì ngài sử dụng công thức "tria prosopa" thay vì "TREISHYPOSTASES"] (1).

"Hiện nay, mặt trời công chính đang mọc lên ở Tây phương", ngài viết như thế cho Đức Giáo Hoàng Damase, và hai lần ngài thỉnh ý Đức Thánh Cha nhưng không được trả lời : "Tôi không ngừng kêu lên ; Kẻ gắn bó với ngai tòa Phêrô ấy từng là người đứng về phía tôi". Tâm hồn "Roma" cùng với những kiến thức về ngôn ngữ của ngài khiến ngài cảm thấy ngờ vực kiểu nói "ba hypostases" vì trong ngôn ngữ thông thường nó sẽ có nghĩa là ba bản thể (subtances) hay ba bản tính (ousia). Vậy phải tuyên xưng gì đây ? Không nhận được câu trả lời chính thức [của đức Giáo Hoàng Damase] (2), ngài đi theo Paulin, người đã truyền chức Linh Mục cho ngài. Tuy lựa chọn như thế, ngài vẫn theo học với Apollinaire de Laodicée, thầy của Vital, người mà ngài ngưỡng mộ khoa chú giải nhưng không tán thành các học thuyết của ông, và sau này ngài còn du hành sang tận Alexandrie để được nghe Didyme l Aveugle ! (Didyme : người mù).

(1), (2) : chú thích của người dịch.

MỘT TỬ THI MÀ "LỬA DỤC LẠC VẪN SÔI SỤC" TRONG CON NGƯỜI.

7. Ôi đã bao nhiêu lần, tôi, kẻ đã ở trong sa mạc, trong cõi cô tịch mênh mông cháy bỏng ánh mặt trời, nơi ở hãi hùng dành cho các đan sĩ thế mà cứ ngỡ đang hòa mình giữa những lạc thú của Roma. Tôi ngồi, đơn độc, bởi nỗi đắng cay đã xâm chiếm toàn thân. Các chi thể dị dạng của tôi đều thô sần cả lên. Da dẻ dơ bẩn giống như nước da tồi tàn của một tên hắc chủng. Ngày nào cũng khóc, ngày nào cũng than ! Mỗi lần giấc ngủ ập đến, dù đã chống chọi, thì xương cốt tôi gần như rời rã, va đập xuống nền đất trần không.

Về thức ăn, của uống, tôi chẳng nói làm gì : ngay cả những người bệnh cũng chỉ dùng nước lạnh, nhận một đĩa đồ nóng đã là quá đáng. Ô vậy mà tôi, phải, chính tôi, kẻ vì sợ hỏa ngục đã tự đày đọa, giam hãm mình trong một ngục tù khổ sở đến thế, chẳng có bạn bè nào khác ngoài bò cạp và thú dữ. Tôi lại thường xuyên ngỡ mình đang tham dự những buổi khiêu vũ của các cô thiếu nữ. Chay tịnh làm mặt tôi tái nhợt, thân xác giá băng nhưng ngọn lửa dục vọng lại thiêu đốt lòng trí. Trước mặt kẻ khốn khổ này, một kẻ đã trở thành xác chết hơn là một thân xác sống động chỉ còn những đám lửa khoái lạc là sục sôi.

Không còn gì để nương cậy, tôi nằm dài dưới chân Giêsu, lấy nước mắt tưới đẫm chân Ngài, lấy tóc mình mà lau. Xác thịt có nổi loạn thì tôi chế ngự nó bằng chay tịnh trong nhiều tuần lễ. Tôi không hổ nhục vì nỗi bất hạnh của mình, đúng hơn tôi than khóc vì không còn được như thuở ấy. Tôi còn nhớ : tôi thường kêu van suốt cả ngày đêm và chỉ ngừng đấm ngực vật vã khi đã bình tâm lại trước những đe dọa của Thầy Chí Thánh.

Thư 22, 7 gửi Eustochium, CUF, 1949, p. 117 - 118, trad. J. Labourt.

ĐÊM TỐI CỦA JÉRÔME : CUỘC TRỞ VỀ VỚI KINH THÁNH.

Đã từ lâu lắm, vì Nước Trời, tôi từ bỏ cha mẹ, chị em, họ hàng và gay go hơn nữa, từ bỏ thói ăn sung mặc sướng ; tôi đi Giêrusalem chiến đấu vì Đức Kitô. Nhưng đối với thư viện mà tôi khổ công xây dựng ở Roma, thì tôi không thể bỏ qua nổi. Thật khốn khổ ! Trước khi đọc Cicéron là tôi ăn chay kiêng cữ, nhiều đêm nằm thức trắng nhớ lại tội lỗi ngày xưa mà lòng ứa trào nước mắt. Sau đó tôi lại cầm Plaute đọc ! Nếu hồi tâm lại, bắt đầu đọc một tiên tri thì thứ ngôn ngữ bán khai đó lại làm tôi kinh hãi. Đôi mắt mù lòa khiến tôi không nhìn thấy ánh sáng. Ấy thế mà thay vì kết tội chính đôi mắt mình tôi lại kết tội Mặt Trời. Con rắn thái sơ đã phỉnh phờ tôi như vậy đó.

Vào khoảng giữa Mùa chay, cơn sốt len vào tận nơi sâu thẳm nhất của con người tôi, xâm chiếm thân xác kiệt quệ của tôi, không để yên một giây phút và, thật khó tin nổi, nó tiêu hủy chi thể tôi đến mức chỉ còn da bọc lấy xương. Trong khi đó, người ta chuẩn bị tang lễ cho tôi vì toàn thân tôi đã giá lạnh, sự sống, hơi nóng, hơi thở chỉ còn phập phồng nơi khoảnh ngực còn ấm. Đột nhiên, tôi ngất trí. Kia là tòa án của vị Thần Phán, người ta đang điệu tôi đến đó. Người ta cật vấn tôi là ai, tôi trả lời : "Tôi là Kitô hữu". Nhưng vị ngồi trên tòa phán : "Ngươi nói dối, ngươi là kẻ theo Cicéron, ngươi không phải là Kitô hữu", "kho tàng ngươi ở đâu thì lòng ngươi ở đó".

Lập tức tôi trở nên câm lặng. So với những đòn roi, vì Ngài ra lệnh cho người ta đánh tôi, thì sự dày vò của lương tâm còn gây vết hằn đau gấp bội. Tôi tự nhủ : "Nhưng trong âm phủ ai sẽ ca tụng Ngài ?", nhưng rồi tôi bắt đầu kêu khóc, lặp đi lặp lại : "Lạy Chúa, xin thương xót con". Lời kêu xin vang lên giữa những làn roi, cuối cùng, những người tham dự quì mọp dưới chân vị chủ tọa van xin Ngài gia ân cho tuổi trẻ của tôi, cho tôi được thống hối lỗi lầm ; nếu sau này tôi lại đọc văn chương ngoại giáo thì sẽ phải chịu hình phạt xứng đáng. Phần tôi, lâm vào thế cùng, tôi sẵn sàng đoan hứa nhiều hơn thế nữa. Vậy là tôi bắt đầu thề, lấy Danh Ngài làm chứng, tôi nói : "Lạy Chúa, nếu bao giờ con có những tác phẩm đời, hay nếu con đọc chúng thì như là con chối Chúa vậy".

Sau khi đã thốt lên lời thề đó, người ta thả tôi ra, và này tôi trở về trần thế. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, tôi mở mắt ra. Mắt tôi đẫm lệ đến nỗi những người hoài nghi nhất cũng nhận thức nỗi đau đớn của tôi. Đó không phải là giấc ngủ, cũng chẳng phải là cơn mộng mị hão huyền thường lừa dối chúng ta. Bằng chứng là phiên tòa mà tôi bị điệu đến, bằng chứng là cuộc phán xét thật kinh khiếp - ước gì đừng bao giờ tôi phải chịu sự tra hỏi như thế - vai tôi đã sưng phù và tôi còn cảm giác về những vết thương khi thức giấc. Từ đó, tôi đọc SáchThánh một cách chuyên chú hơn so với ngày xưa khi tôi đọc sách của người phàm.

Lettre 22, 30, A Eustochium, ibid, p. 144 - 146.


CUỘC DU HÀNH QUA CÁC THỦ ĐÔ : CONSTANTINOPLE VÀ ROMA.

Thánh Jérome đã từng biết Tréves. Ngài trở lại Constantinople vào khoảng năm 380, ở lại đó vài năm, có thể ngài đã thụ huấn với thánh Grégoire de Nazianze, vì chúng ta thấy ngài gọi thánh nhân là "Thầy tôi". Ngài đã không đề cập gì đến Công đồng 381, mặc dầu đây là Công Đồng hết sức quan trọng đối với Đông phương. Ngài khởi sự công việc dịch thuật với các bản văn của Eusèbe và Origène. Năm 382, ngài tháp tùng Paulin và Épiphane de Salamine tới Roma dự Công Đồng do hoàng đế Tây phương là Gratien triệu tập. Đức Giáo hoàng Damase (366 - 384), một người có những tham vọng lớn đối với Roma, đã biết tận dụng năng lực của ngài, chọn ngài làm thư ký, giao nhiệm vụ quản lý văn khố và thủ thư, đề nghị ngài duyệt lại bản văn Kinh Thánh Latinh dùng trong phụng vụ, Phúc Âm, Thánh Vịnh. Jérome ủng hộ Đức Giáo Hoàng trong việc chống lại các đồ đệ của Lucifer de Cagliari, một người "bài-ariô" bảo thủ, và chống Helvidius, kẻ công kích sự đồng trinh vĩnh viễn của Đức Maria cách khá thô tục. Xen vào đó, ngài lên tiếng chống lại Vigilantius de Calagurris, rồi còn khai mào cuộc chiến tranh luận kịch liệt về Origène chống lại "Rufin rất yêu quí".

Cũng trong thời gian này, ngài kết tình nồng thắm với giới nữ quí tộc như Marcella, một góa phụ được nhiều người săn đón và Asella con gái bà ; Paula, một góa phụ khác rất mộ đạo, cùng với các con gái ; Blésilla, khá lịch thiệp ; Estochium, con người khổ hạnh và Paulina người lấy nghị viên Pammachius. Jérome vị linh hướng của họ, khai tâm cho họ về Kinh Thánh, bàn luận về tiếng Hip-ri trong các bức thư gửi cho Marcella. Bù lại, ngài nhận được cơ man là quà tặng. Một bên có Đức Giáo Hoàng Damse, một bên có các gia đình Roma quyền quí, kẻ lãng du của Chúa đạt tới đỉnh cao trên con đường nhập thế của mình.

Ngài thổ lộ với Asella : "Hầu như mọi người đều nghĩ và quyết rằng cha xứng đáng với ngôi Giáo Hoàng". Tuy nhiên, những mối quan hệ này không phải là không gặp những đối nghịch, chỉ trích. "Tòa án của biệt phái" thậm chí còn khởi tố ngài. Và rồi, năm 384, Đức Giáo hoàng Damase qua đời, cả Blésilla cũng chết, có lẽ vì chay tịnh quá sức theo lời khuyên của ngài. Ngài rời Roma, thành Babylon, nơi mà ngài hẳn đã trở thành kẻ ít được ai ưa, nhưng ngài ra đi với một chương trình : dịch thuật Kinh Thánh sẽ là công việc chính yếu của ngài.


BA NĂM Ở ĐÔNG PHƯƠNG VÀ CHUYẾN ĐI VỀ VĨNH CỬU.

Cơ hội đã đến và thực hiện giấc mơ hằng ấp ủ, một giấc mơ đã nhiều lần chạm đến hiện thực : Đời đan tu. Năm 385, ngài ra đi về Đông phương cùng với em trai là Paulinien, trong khi đó Paula, đóa hoa tươi đẹp trong những người bạn Roma của ngài và nhất là Eustachium, con gái bà, cùng với một số đan sĩ cũng đến Đông phương qua ngã khác. Ngài gặp lại Paulin và Évagre ở Antioche, rồi du hành qua Palestine và Aicập. Lúc đó Rufin đang ở tại Jérusalem, gần chỗ Mélanie lAncienne, một phụ nữ Roma khác thuộc gia đình quí tộc, hết sức giàu có. Năm 386, Jérome chọn ở lại Bethlem. Gia tài của Paula được xữ dụng để xây ba nữ đan viện, phân chia theo giai cấp xã hội, trong khi đó, ngài xây một nam đan viện.

Một cách nào đó ngài là Đan Viện Phụ, còn Paulinien em ngài làm quản lý. Césarée Palestine gần bên cạnh, với bộ Hexaples của Origène và những sưu tập của ông vốn đã được Pamphile và Eusèbe tài bồi thêm và được những người kế vị thuộc phái Ariô tu bổ. Ngài chuyên cần giảng dạy, nhất là Kinh Thánh, làm việc rất nhiều và tranh cãi cũng lắm. Ngài tranh cãi với Rufin và Jean de Jérusalem "Kẻ ngạo mạn nhất trong số các Giám Mục", về bản văn và sự chính thống của Origène, tranh luận với Jovinien về sự đồng trinh và chay tịnh, và một lần nữa tranh luận với Vigilantuis về các thánh tích và về cơ chế đan tu . Những mối ác cảm của ngài còn ầm ỉ hơn cả những tình bạn của ngài, những mối thân hữu đó đang dần dần mất đi : Paula, Marcella và cuốí cùng là Eustochium lần lượt qua đời. Việc Roma bị xâm chiếm năm 410 là cái tang không kém phần đau đớn đối với ngài, một người luôn ý thức mình là dân Latinh và là kẻ rất say mê Kinh Thánh. Ít lâu sau, chính nơi lưu ngụ của ngài cũng bị quân Sarrasins đe dọa, và đan viện của ngài đã bị phái Pélage thiêu hủy. Ngày 30 tháng 9 năm 419, ngài đi về vĩnh cửu, rời bỏ trần gian đau buồn này, nơi đã che chở những ước mơ, việc làm, những cuộc chiến đấu và đời khổ hạnh của ngài.

CÔNG DÂN ROMA ĐẾN KỲ CÙNG.

Lời tựa của các sách cũng như những lá thư của Jérome có thể coi là những trang nhật ký. Dưới đây là hai đoạn trích nói về sự sụp đổ của Roma, một nằm trong lời tựa cuốn "Chú giải sách Ézéchiel", một nằm trong một bức thư ngài.

Này đây ánh sáng huy hoàng nhất của tất cả các lục địa vừa vụt tắt, chính xác hơn, đế quốc Roma đã bị chặt đầu, và nói cho trọn sự thật, nơi một thành phố cả vũ hoàn đã tiêu vong.

Prol. PL 25, 16A = COSL 5, p. 3, 12 - 14.

Gần đây tôi muốn bàn đến sách Ézéchiel và làm trọn lời hứa mà tôi đã nhiều lần lập lại với các độc giả chăm chỉ của tôi. Nhưng, khi sắp bắt đầu đọc cho người ta viết, thì sự tàn phá các tỉnh bên Tây phương và nhất là thành Roma đã làm tôi bàng hoàng rung động, đến mức, nói như ngạn ngữ bình dân tôi chẳng còn biết mình là ai nữa, và tôi đã giữ thinh lặng trong một thời gian dài, tôi biết đây là thời để khóc. Và năm đó, khi tôi đã hoàn tất ba cuốn sách chú giải thì thình lình cuộc xâm lăng của quân Man-di ập đến, bọn người mà Virgil đã nói : "Bọn Barcéens trải bước giang hồ đến tận miền xa" (En. IV, 42) và Sách Thánh, khi nói về Israel : "và nó sẽ ở đối mặt lại các anh em mình" (Kn 16, 12).

Chúng vượt qua các nẽo đường Aicập, Palestine, Phénicie như giòng thác lũ cuốn phăng tất cả, đến nỗi khó khăn lắm, nhờ lòng thương xót của Đức Kitô, chúng tôi mới có thể thoát khỏi bàn tay chúng. Nếu theo một nhà diễn thuyết lừng danh : "Vũ khí bắt lề luật phải lặng câm" (Cicéron, Pour Milon, 10 (11)) thì điều ấy càng đúng hơn biết mấy đối với việc nghiên cứu Thánh Kinh, vốn cần đến bao nhiêu là sách vở, thinh lặng, sự chuyên chú của những người sao chép, và riêng đối với những người đọc để chép thì tâm trí cần phải được thanh thản, thung dung.

Lettre 126. 2, A Marcellin et Anapsychie. CUF 1961, p. 135 - 136, trad. J. Labourt.

Từ Tây phương, một tin đồn khủng khiếp đến tai chúng tôi, Roma bị bao vây, người ta chuộc mạng các công dân với giá bằng vàng, rồi khi đã bị lột hết tiền của, họ lại bị bao vây lần nữa, thế là không những mất tài sản mà còn mất luôn mạng sống. Tôi lặng người, vừa đọc vừa nức nở uất nghẹn. Thành đã thất thủ, một thành từng chinh phục cả hoàn vũ, nói sao bây giờ ? Nó đã bị nạn đói hủy diệt trước khi bị gươm đao tàn phá, tù binh còn lại quá ít, đâu có thể làm gì. cơn đói dữ dội đã đẩy con người đến chỗ kiếm miếng ăn bằng tội ác ; một bà mẹ đã không buông tha đứa con còn bú, nuốt vào bụng đức con mà chỉ mới trước đây ít lâu bà đã sinh ra (tiếp theo là những trích dẫn kinh Thánh và Virgile).

Thư 127, 12, A Princeipia, Vierge, ibid., p. 146, trad. J. Labourt.

II. MỘT CON NGƯỜI KHOA HỌC.

NHÀ LUÂN LÝ.

Jérome không phải là triết gia cũng không là nhà thần học. Chắc chắn ngài có quan tâm đến tín lý, nhưng ngài đã không soạn một tác phẩm chuyên biệt nào. Nơi ngài dường như nỗi ám ảnh về tính chính thống đã thế chỗ cho tư tưởng. Người ta cũng không thấy ngài soạn những khả luận luân lý. Tuy nhiên, ngài thường đề cập tới các vấn đề thống hối và khổ chế, đồng trinh và độc thân trong đời sống đan tu, trong các tác phẩm bút chiến : "Chống Helvidius", "Chống Jovinien", "Chống vigilantius" và nhất là trong các thư của ngài. Là người say sưa ngợi ca đức trinh khiết, ngài kêu gọi cứu vãn lấy truyền thống Roma chống lại những điều xằng bậy của Jovinien !

Tuy nhiên, trong bức thư 22 gửi Eustochium, trực tiếp bàn về đề tài này, ngài nhìn nhận có "những cuộc hôn nhân đoan chính", tạo nên một "thứ bậc" trong Giáo Hội, một "phẩm giá", cho dù chỉ vì những cuộc hôn nhân đó "sinh ra các trinh nữ !". Thế nhưng trong thư đó, chính việc hôn nhân lại bị nối kết với sodome, đối với một sự thiện thì hôn nhân là một sự dữ, "chỉ sau khi đã có tội lỗi". Nhìn vào hôn nhân, là ngài nhìn ngay tới "những tiếng khóc oe oe của trẻ con", "những lo âu nặng nề trong các đám cưới" mà rất nhiều lần ngài mô tả với ngòi bút hiện thực, trong khi sự trinh khiết lại đắm mình trong bầu khí thơ mộng của sách Diệu Ca, với khuôn mẫu là Đức Maria. Trong các thư, nhất là các thư từ 48 - 50, ngài buộc lòng phải bác bỏ cách cay đắng những lời "vu khống" của những kẻ "dèm pha" ngài : ngài đã không bao giờ "kết án hôn nhân".

Trong các thư đó, ngài biện minh cho các tác phẩm của mình, nhất là cuốn "Chống Jovinien", phân tích tỉ mỉ cho bạn ngài là Pammachius (Thư 49) ; Ngài thấy mình "khoan dung hơn nhiều so với hầu hết các tác giả Hylạp và Latinh". Ngoài những điểm cá biệt đó, thánh Jérome quả là một nhà luân lý bẩm sinh, ngài thường xuyên phê phán những thói tục của người đương thời, nhất là các giáo sĩ và đan sĩ, như chúng ta sẽ thấy trong các thư của ngài.

HÔN NHÂN VÀ ĐỒNG TRINH.

2. (.) Tôi sẽ không kể ra những lo lắng phiền hà của hôn nhân, bụng phình ra, trẻ con khóc oa oa, bực mình với gia nhân, bực bội với việc nhà ; rồi tất cả những thứ hạnh phúc mà người ta hình dung rốt cuộc tử thần cũng chém phăng đi cả.

19. (.) Những người đã đánh mất tấm áo không có đường khâu do Trời ban hãy để họ tự khâu lấy những tấm áo ; những kẻ thích thú với tiếng oa oa của trẻ con : chúng vừa chào đời là đã khóc thé, như để than tiếc vì mình đã sinh ra (.)

25. Chớ gì con luôn ở trong sự kín ẩn của căn phòng mình, và vị Hôn Phu luôn đến chơi với con nơi căn phòng đó. Con cầu nguyện thì đó là con nói với phu nhân, con đọc sách thì đó chính là Ngài nói với con. Rồi khi giấc ngủ đè nặng trên con, Ngài sẽ đến, đứng sau vách ngăn, thò tay qua ô cửa và chạm đến người con. Khi đó con sẽ chỗi dậy, run lên và con sẽ nói : "Tôi dã mang vết thương tình" (Dc 5, 8) rồi con sẽ còn nghe Ngài nói : "Khu vườn khép kín, em gái và hiền thê của Ta, là vườn khép kín, là suối niêm phong" (Dc 4, 12).

Lettre 22, 2 - 25, A Estochium, ibid., p. 112 et 136.

ROMA CỨU ĐỨC TRINH KHIẾT.

Hỡi Roma, ta muốn nói với chính ngươi, vì khi tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, ngươi đã xóa đi lời chúc dữ khắc trên trán mình. Kinh thành hùng mạnh, Nữ-hoàng-thành của vũ hoàn, Kinh Thánh được Thánh Tông Đồ cất lời ca ngợi, hãy giải thích tên ngươi ! Roma, tiếng Hylạp có nghĩa là "sức mạnh", tiếng Hip-ri có nghĩa là "nâng cao". Hãy giữ lấy danh hiệu đó, chớ gì nhân đức của ngươi nâng ngươi lên cao và khoái lạc không hạ ngươi xuống thấp ! Hãy coi chừng gã Jovinien, kẻ có tên rút ra từ ngẫu tượng (Jove). Đồi Capitole đang để tang, các đền thờ Jupiter cùng với những nghi lễ của nó đã sụp đổ tan tành. Cớ sao tên gọi đó và những đồi bại của nó lại sống dậy giữa các tường thành của ngươi ?

Contre Jovinien, II, 38 PL 23, 337 - 338.

VỊ BẢO TRỢ CÁC DỊCH GIẢ.

Những điều nói trên, tuy vậy, chưa phải là nét độc đáo của thánh Jérome. Ngài chủ yếu là một nhà dịch thuật, tuy nhiên trong trường hợp của ngài, từ ngữ này không có nghĩa hạn chế. Việc dịch thuật không hề giới hạn tính cách của ngài, ngược lại, ngài còn nâng nó lên thành một ngành chuyên môn, cố công xác định nó, và cũng nhờ đó ngài đã có thể thực hiện một công trình lịch sử, nhất là về Kinh Thánh có tầm quan trọng hàng đầu.

Thánh Jérome dịch thuật trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Người ta thường kể đến bản dịch tác phẩm "Về các nguyên lý" (Peri - Archon) của Origène, và đây cũng là mục tiêu tranh luận chính giữa ngài với Rufin, một người cũng dịch tác phẩm đó. Jérome trách Rufin là đã giả tuyết có những đoạn thêm vào nguyên văn, và dựa vào giả thuyết đó, ông đưa ra một bản dịch không còn nguyên vẹn, đôi chỗ ngài còn nhấn mạnh hơn nhằm cho thấy rõ những sai lầm của Rufin. Ngài còn dịch khoảng 70 tác phẩm của vị thầy xứ Alexandrie này sang tiếng Latinh, nhưng thường xen vào đó những nhận xét riêng của mình.

Ngài dịch khảo luận "Về Chúa Thánh Thần" của Didyme lAveugle, nhằm tìm ra trong đó những chỗ thánh Ambroise đã đạo văn, dịch các qui luật đan viện và các bức thư của Pachône, dịch cuốn "Biên niên sử" (Chronique) và các từ điển Kinh Thánh (Onomasticon) của Eusèbe de Césarée. Lẫn trong các thư từ bằng tiếng Latinh của ngài, người ta thấy có các lá thư của Épiphane de Chypre, Théophile dAlexandrie và các văn kiện về các Thượng
Hội Đồng (Synodes) .Đôi lúc, nhờ bản dịch của ngài mà tác phẩm bằng tiếng Hylạp không bị rơi vào quên lãng. Công trình ngài thực hiện thật lớn lao và quí giá.

Công trình dịch thuật của ngài, như người ta nhận thấy, không hề là công việc của một nhà trí thức bàn giấy. Thánh Jérome thường xuyên bàn luận về nội dung cũng như cách giải thích, như trong bức thư dài số 124 gửi Avitus, liên hệ đến cuốn Peri - Archôn (Về các nguyên lý) của Origène. Hơn thế nữa, trong một bức thư gửi cho Pammachius quyền thế, cũng là một phát đại bác nhắm vào Rufin, ngài đề ra lý thuyết về "Lối dịch hoàn hảo nhất" : đó là phải dịch ý chứ không dịch từ, còn về bút pháp thì phải "Làm sáng tỏ những cách nói đặc thù của một ngôn ngữ khác bằng những cách nói đặc thù trong ngôn ngữ của mình". Và để dẫn chứng, Jérome kể ra một loạt các bản dịch ngoại đạo và Kitô giáo, nhất là bản dịch Thánh Kitnh từ tiếng Hipri ra tiếng Hylạp, tức bản LXX.

NHÀ KINH THÁNH.

Thánh Jérome trở về với Thánh Kinh, trung tâm đời sống của ngài, bằng những bước đi dứt khoát. Đức Giáo Hoàng Damase đã tham khảo ý kiến ngài về một bản văn Isaie trước cả khi ngài tới roma (Thư 18, A và B). tại Roma, Đức Giáo Hoàng hỏi người làng giềng mới đến về chữ Hossana (Thư 19 và 20 ; Cf 35 và 36), nhưng nhất là Đức Giáo Hoàng đã khuyến khích ngài soát lại bản dịch Latinh bản văn Luca đang dùng ở Roma, từ Tin Mừng Luca, ngài đi qua các Tin Mừng khác rồi toàn bộ Tân Ước. Trên cơ sở "Các bản văn Latinh người ta đã quen dùng". Vấn đề các Thánh Vịnh dĩ nhiên cũng được đặt ra và nhiều phần khác trong Cựu Ước, và lần này ngài hiệu chính dựa trên các bản dịch Latinh và Hylạp khác nhau, kể cả bản LXX.

Ngài đi đến cùng trong việc trở về nguồn, không những ngài so sánh bản Kinh Thánh của mình với "Sự xác thực của bản Hipri" (veritas Hebraica) như Origène đã làm với bộ Hexaples [x. Liébaert I, tr. 149], mà còn soạn thành một bản văn Latinh mới, bản này có chỗ gần với một bản dịch có trước, có chỗ dựa trên bản Hipri mà không lệ thuộc vào các bản dịch đang có. Thế nhưng, vì bản văn Hylạp LXX là bản duy nhất có trong Giáo Hội, nên khi đưa ra bản văn mới, các Kitô hữu cảm thấy thói quen bị xáo trộn, cảm thấy băn khoăn lo lắng về đức tin. Thánh Augustin đã lên tiếng báo động một cách khiêm tốn nhưng rất kiên quyết (Bộ thư của Jérome, 56 và 104).

Tất nhiên thánh Jérome cảm thấy khó chịu : "ngươi tìm hư vinh nơi dân chúng", "Ngươi có vẻ khoe khoang kiến thức". Augustin chỉ là chàng trai kiêu căng "đến vũ đài Kinh Thánh khiêu khích bậc trưởng thượng" (Thư 105 và 117). Dẫu như vậy, bản dịch của thánh Jérome được bổ túc thêm, dần dần được chấp nhận ở Tây phương dưới cái tên bản Vulgata (bản Phổ Thông). Vào thế kỷ VII, nó được đồng thanh đón nhận và cuối cùng được Công Đồng Trente phê chuẩn. Bản dịch này vẫn luôn được xử dụng, được các văn hào ngày nay ngưỡng mộ như Rémy de Gourmont, Valery Larbaut hay Claudel, dù rằng vào năm 1945, Đức Piô XII đã ban hành một bản dịch mới sách Thánh Vịnh, đây cũng chính là phần mà ngòi bút của thánh Jérome đã tỏ ra không thật thuyết phục.

VỀ CÁCH DỊCH HOÀN HẢO NHẤT.

Thánh Jérome thường biện minh cho các bản dịch của ngài. Ngài trình bày vấn đề dịch thuật trong "Lá thư - đề tựa" cho phần II cuốn Biên Niên Sử của Eusèbe. Ngài cho thấy có sự đối lập giữa "cái nghèo nàn khô khan của tiếng Latinh" với "sự linh hoạt trôi chảy của tiếng Hylạp". Vậy cần phải có sự chọn lựa. Ngài nói về công việc của mình : "Nếu có thiếu là thiếu chữ chứ không thiếu nghĩa" (Thư 114, 3). Ngài luôn luôn nhắm tới ý nghĩa, nhưng không phải là không nhạy cảm với đặc tính của ngôn ngữ. Cần phải tránh những "cách nói chướng tai" (cacophonies) : ngài đã viết một cách khái luận đúng nghĩa về "Cách dịch hoàn hảo nhất" để trả lời cho những phê bình của Rufin đối với bản dịch của ngài về thánh Épiphane. Dưới đây là phần chính.

5. (.) Về phần tôi, chẳng những tôi nhìn nhận, mà còn không ngần ngại lớn tiếng tuyên bố rằng : Khi dịch các tác giả Hylạp - ngoại trừ đối với Sách Thánh, vì trong đó cả thứ tự các từ ngữ cũng là một huyền nhiệm thì tôi không lấy từ ngữ để diễn từ ngữ, nhưng lấy ý tưởng diễn ý tưởng. Về điều này, bậc thầy của tôi là Cicéron, người đã dịch cuốn "Protagors" của Platon, "Economique" của Xénophone và hai bài diễn văn của Eschine và Démosthène soạn để chống lẫn nhau. Đây không phải là lúc kể ra tất cả những gì Cicéron đã bỏ qua, thêm vào hoặc thay đổi để giải thích những kiểu nói đặc thù của một ngôn ngữ khác bằng những cách nói đặc thù của ngôn ngữ mình. Tôi chỉ cần trưng dẫn chính bản văn, trong lời tựa cho các bài diễn văn, dịch giả đã bộc bạch như sau : "tôi không dịch tác phẩm như một dịch giả đơn thuần nhưng như một văn sĩ, vừa tôn trọng những hình thái tư tưởng, hình thái diễn đạt của họ, đồng thời xử dụng những từ ngữ thích hợp với thói quen của người Latinh chúng ta, vì thế tôi cho rằng không nhất thiết phải dịch sát từng chữ, tuy nhiên tôi vẫn bảo tồn đặc tính của tất cả các từ ngữ cũng như giá trị của chúng. Quả vậy, với độc giả không phải là đem đến cho họ cùng một con số từ ngữ nhưng là cùng một sức nặng của từ ngữ".

Và sau khi nói đến cả gương của Horace và Térenca, ngài viết tiếp :

"Vì thế cả tôi nữa, người môn đệ của những bậc thầy vĩ đại như thế, cách đây khoảng 20 năm, (.) lúc tôi dịch sdang tiếng Latinh cuốn Biên Niên Sử của Eusèbe, thì một trong những điều tôi bày tỏ trong lời tựa của mình là như sau : "Thật là điều khó khăn, không dễ dàng gì khi phải theo sát từng dòng chữ người khác diễn đạt mà không thể tách ra ở vài chỗ (.)". Nếu dịch từng chữ, tôi thấy sao chẳng có ý nghĩa gì cả, nếu cần tôi sửa đổi, dù chỉ một chút, cấu trúc và lối hành văn thì tôi cảm thấy như thoát được cái gánh nặng của người dịch sách. Và ngoài rất nhiều lý do mà nếu kể ra đây thì cũng chẳng ích lợi gì, tôi chỉ muốn thêm điều này : "Nếu ai không thấy cái hứng vị của một ngôn ngữ bị việc dịch thuật làm phai lạc đi, và nếu người đó dịch Homère sát từng chữ sang tiếng Latinh (.) anh ta sẽ thấy văn phong trở nên lố bịch và nhà thi sĩ truyền cảm nhất cũng như thiếu cách diễn đạt".

6. Nhưng để cho thế giá của lời tôi nói không quá kém cỏi - dù chỉ muốn chứng minh một điều duy nhất là ngay từ thời còn trẻ, tôi đã luôn dịch ý chứ không dịch chữ - tôi xin trích một bản văn để bạn biết, trong lời tựa ngắn của cuốn Hạnh Thánh Antoine, đã có nhận định như thế nào về vấn đề này : "Việc dịch ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, nếu dịch từng chữ, sẽ che mất ý nghĩa, giống như cỏ quá dày làm nghẹt mất cây gieo".

Thư 57, 5 - 6, A. Pamachius, C.U.F. 1953.

p. 60 - 61, Trad. J. Labourt.

CLAUDEL ĐỨNG TRƯỚC JÉROME, DỊCH GIẢ KINH THÁNH.

Đất hỡi, hãy bạt đường trước đạo binh Đức Chúa

Điều quan trọng là thốt ra được điều đó ! Điều quan trọng là thốt ra, Lời đang ẩn trong lòng ta, còn Quintilien mặc kệ !

Điều quan trọng là thốt ra khỏi đáy lòng Abraham, thốt ra Isaia và Đavít, thốt ra Giảng Viên và các Thánh Vịnh !

Điều quan trọng là dẫn dắt Giáo Hội, một Giáo Hội đang cần đến Ngôi Lời trong trái tim ta.

Và Tây phương, không thể không cần đến thánh Jérome, có thể nói là mãi mãi.

Trên thân thể sõng soái của đa thần giáo, này cỗ xe tam mã của ta vun vút lao nhanh !

Ta đứng trên cỗ xe của Elis, vị đã diễn tả bằng chớp lòa sấm động.

Thần Khí như bồ câu rên rỉ, nay trào tuôn như gió xoáy bão cuồng.

Và nơi tâm điểm của đại dương cuồng nộ, chợt có ánh mắt của vì sao trắng lóa.

Lời khác trên Thập Giá viết bằng ba ngôn ngữ

Và ta, để giải thích lời đó, bên hài nhi khóc gào, Bêlem, chính ở đó ta dựng xưởng thánh Jérome

Những cuộn giấy da chồng chất, bên Roma người ta đang chờ đợi

Kìa chúng ta đi ! Hãy nghe, hỡi Sư Tử, ngươi nghe chăng điều đó ? Này Giáo Hội đã bắt đầu lắng tai !

Nghe kìa, hỡi mãnh sư, Giáo Hội trên toàn cõi đất mới khai sinh, Giáo Hội đó lắng nghe ta và đang cố sức bập bẹ !

Jérome, vị đã có mặt khi Thiên Chúa muốn ngài làm một tiên tri, chúng tôi yêu mến ngài bởi ngài còn là một văn sĩ

Các ngươi nghe thấy tiếng ngài chăng, điều đó không thể bỏ qua được, ngài đang nguyền rủa lời chỉ trích vô liêm và xuẩn ngốc ?

Và giữa lòng sa mạc mênh mông, khi nghe biết Rufin công kích.

Ngài bắt đầu thét lên những tiếng, mà tận đáy biển Địa Trung mà vẫn nghe thấy tiếng ngài rền vọng.

"Saint Jérome, Parton des homes de letters,

Paul Claudel, Oeuvre poétique, Bibl. De la Pléiade,

Paris, 1957, p. 762.

NHÀ CHÚ GIẢI.

Công trình dịch thuật Kinh Thánh của thánh Jérome kéo dài khoảng 20 năm (khoảng 383 - 405), kèm theo là công trình chú giải mà trong đó đôi khi khó phân biệt phần chú giải của riêng ngài với phần đã có sẵn mà ngài chỉ phỏng tác lại. Trường hợp tiêu biểu nhất là cuốn chú giải sách Khải Huyền, thực tế chỉ là sửa lại bản chú giải của Victorin de Pettau. Công trình chú giải của thánh Jérôme được thực hiện dưới nhiều hình thức rất khác nhau. Hàng chục bức thư, đôi khi rất dài, bàn về những điểm đặc thù như chúng ta thấy qua. Trong những hình thức khác [như trong các bài giảng], ngài thực sự có ý giải thích một quyển Sách Thánh, chẳng hạn sách Thánh Vịnh hay sách Khởi Nguyên, nhưng thực tế ngài chỉ lảm công việc sắp xếp lại các ghi chú rãi rác, phần chú giải Tin Mừng Matthêu được soạn có phần kỹ lưỡng hơn.

Vai trò "gần như Viện Phụ" cũng là cơ hội khiến ngài phải nghiên cứu Kinh Thánh nhưng không thuận tiện cho ngài soạn ra một chú giải liên tục, có hệ thống. Kết quả là ngài soạn hàng trăm bài giảng dành cho các bài đọc Chúa Nhật và ngày lễ, nhất là những bài giáo huấn cho các đan sĩ nam nữ, trong đó chứa đựng rất nhiều chú giải về sách Giảng Viên và các Thư thánh Phaolô. Chỉ riêng phần chú giải các tiên tri, đặc biệt là tiên tri Isaia, là có vẻ được cưu mang có hệ thống.

Khoa chú giải mà thánh Jérome không ngừng bàn đến trong các lời tựa, chịu ảnh hưởng của Origène về mặt giáo lý nhưng ngài vẫn bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với "Thiên tài bất tử" này khi đứng trước kho tàng tinh thần phong phú của ông. Cả thánh Jérome cũng tìm kiếm "những nghĩa ẩn giấu" (Sens caché) : cho đến cuối đời, trong cuốn chú giải sách Ezechiel, ngài chấp nhận có "ba cách" giải thích : "Trước hết là theo nghĩa đen, thứ đến là theo nghĩa ngụ ý (troplogia), cuối cùng theo nghĩa thần bí, là nghĩa cao siêu nhất". Bình thường, khi bản văn khó có thể giải thích theo nghĩa đen, thì ta có thể vượt lên bình diện cao hơn. Tuy nhiên, thánh Jérome thường xen lẫn các "cách" chú giải đó một cách tự do. Hai người mù thành Jéricho tượng trưng cho dân Cựu Ước và dân Tân Ước ; hai môn đệ có nhiệm vụ tìm lừa mẹ và lừa con cho cuộc khải hoàn vào Jérusalem đó là tri thức và hành động, và hai con vật mà Chúa Giêsu cỡi là Hội đường Dothái và dân ngoại - mà đoạn này nằm trong cuốn "chú giải thánh Matthêu", một tác phẩm mà ngài muốn chú giải theo nghĩa đen.

Nhưng, về sau khi kiến thức về ngôn ngữ và Kinh Thánh của ngài càng ngày càng cao, thì lối chú giải của ngài nói chung nghiêng về ngữ học và sát với nghĩa đen hơn. Khi chú giải tiên tri Isaia, ngài không bác bỏ : "lối giải thích này phải phù hợp với chân lý lịch sử" và trong tác phẩm "Jeremia" là tác phẩm cuối cùng của ngài, ngài coi Origène là "nhà giải thích ẩn dụ chạy trốn chân lý lịch sử". Khuynh hướng của thánh Jérome, hẳn đã rõ, nhưng nét độc đáo sâu xa nhất của ngài chắc chắn đó là, trong số các Giáo Phụ, có lẽ chỉ mình ngài là người tham khảo chú giải của các Rabbi về mọi điểm, và điều này cũng tạo cho ngài một nét mới mẻ, hiện đại. Nếu không phải là một nhà chú giải thật sâu sắc, thì ít nhất, do việc nghiên cứu bản văn nguyên thủy cũng như các bản dịch rất khác nhau, thánh Jérome là một Đại Tiến Sĩ về Thánh Kinh.

Ý NGHĨA CỦA KINH THÁNH.

Thánh Jérome chú giải đoạn cuối câu 16, chương III sách tiên tri Habacuc, theo một bản dịch Latinh đặc biệt :

"Nào tôi lên với dân chúng đang chiến đấu". Cũng như mọi khi, ngài biện minh cho "cách" giải thích của mình : ở đây ngài không chấp nhận gạt bỏ "lịch sử".

"Nào tôi lên", kiểu nói rất hay, người ta luôn luôn bước lên để hợp với dân sẵn sàng chiến đấu. "Chúng tôi" cũng hết sức tao nhã : người đã chịu đau khổ, đã tự nguyện gánh lấy những đớn đau và đã đền bù những phần thưởng mai hậu bằng những đau khổ hiện tại, thì có thể mạnh dạn nói : "Chúng tôi", theo gương Abraham, Isaac, Jacob, người đó cũng sẽ ngủ yên khi đời đã bách niên giai lão, và sẽ được hội ngộ với cha ông.

-Nhưng, hẳn người ta sẽ la lên : Này ! đang khi giải thích lịch sử ông lại hướng vào lưới ẩn dụ mà không hay đưa phép ngụ ý (tropologie) vào lịch sử mà không biết !

-Tôi trả lời rằng lối ám dụ (métaphore) áp dụng vào lịch sử không luôn luôn đồng nghĩa với ẩn dụ (allégorique), chính lịch sử cũng thường hay được trình bày theo lối ám dụ, dưới hình ảnh chỉ một người đàn bà hay một người đàn ông, lời tiên tri nhằm nói đến cả dân tộc. Vì thế, ở đây chúng ta có thể áp dụng lời nói này cho cả dân : Con cam lòng chịu cảnh lưu đày, chịu những đau khổ mà lòng vẫn không nao, gánh lấy ách nặng nề của quân Babylone, và trong niềm vui sướng, con hứng chịu đến cùng cơn túng quẫn thật khắc nghiệt hành hạ, miễn là được nghỉ ngơi vào thời Người nguyền rủa vương quyền của quân vô đạo, lúc chiến mã của Người tung vó đạp trên bùn những con sông cả, để sau đó, cùng với các thánh nhân của Người, Zorobabel và Jésu, con Josédec và tư tế Edras với Néhémie, con quay về miền Đất Hứa.

Chúng ta hãy dừng lại đó, không nên tỏ ra hoàn toàn gạt bỏ lịch sử. Một cách nào đó, chúng ta giải thích gượng ép, đã ép nghĩa những câu nói không phù hợp với lối giải thích của chúng ta. Bây giờ chúng ta hãy trở lại với bản dịch LXX và trở lại với lối giải thích ngụ ý (tropologique).

Commentaire d Habacuc, PG 25, 1328 CD

NGƯỜI PHỤC VỤ LỊCH SỬ.

Công trình về lịch sử của thánh Jérome cũng phát xuất từ việc dịch thuật. Khi dịch sang tiếng Latinh cuốn Biên Niên Sử của Eusèbe, là cái khung niên biểu các sự kiện, thánh nhân đã viết tác phẩm đó từ năm 325 - 378. Cũng thế, ngài đã rút từ cuốn "Lịch sử Giáo Hội" của Eusèbe 78 trong số 135 ghi chú "Về các Danh Nhân" (393) theo mẫu của Suétone. Trong danh mục các tác giả Kitô giáo này, ngài kể lẫn lộn vào đó một số tác giả lạc giáo và cả Joseph, Philon và Sénèque. Cuối bản danh mục, ngài kể thêm tên của mình, "như đứa con đẻ non và là người Kitô hữu bé nhỏ nhất", ngài đã viết như thế ở một chỗ khác (Thư 47), nhưng lại kèm theo một bài trình bày khá dài về mình. Công trình này làm thành bộ "Giáo Phụ học đầu tiên" rất quý giá, mặc dù có những chỗ không được chính xác lắm.

Sau Phontius, tác giả "Hạnh Thánh Antoine", Jérome là người viết hạnh các thánh đầu tiên ở Tây phương. Cuốn "Cuộc đời Paul de Thébes" và cuốn "Cuộc đời của Malcus và Hiarion" chứa đựng những mẫu chuyện thật tuyệt vời, lý thú. Chúng phản ánh phần đơn sơ hồn nhiên trong tâm hồn một tác giả thường xuyên khó tính và gay gắt. Ngoài các tác phẩm về lịch sử đó, các bức thư của ngài cũng là một tài liệu đặc biệt về một số sự kiện nhất định, về các xung đột đương thời, về các mối tương quan giữa đông và Tây phương, về việc chấp nhận đưa vào qui điển một số sách và nhất là về các phong tục và kinh nghiệm của thời đại đó.

Chúng ta nghĩ như thế nào về công trình lịch sử học và thánh Kinh học và về công việc của nhà dịch thuật nói chung ? Jérome chắc chắn là người mà ngày nay ta gọi là nhà nghiên cứu. Một nhà bác học lỗi lạc vượt trên cả Origène. Ngài còn là người có ý thức về vấn đề xuất bản và phát hành, chúng ta có thể đọc thấy điều đó trong rất nhiều lá thư của ngài. Hơn nữa ngài đặt nặng giá trị của tài liệu viết. Nhiều lần, ngài bác bỏ lời nói của đối phương và thách thức họ tranh luận đựa trên các tác phẩm của họ. Cuốn sách mới là tại liệu đích thực, truyền đạt tư tưởng lại cho hậu thế. Tuy nhiên, nhà thông thái đôi khi cũng có những điều chưa tiêu hóa nhuần nhuyễn, ngài làm việc quá vội vàng, thiếu chặc chẽ, chính xác, dễ tự mâu thuẩn vì xuôi theo những tình cảm thương hay ghét, thậm chí thay đổi cả bản văn của mình từ ấn bản này sang ấn bản khác tùy theo sự thay đổi tùy hứng trong các mối quan hệ của ngài. Nhà bác học vĩ đại nhất của khoa Giáo Phụ học Latinh đôi lúc lại dùng những tiêu chuẩn rất là chủ quan làm qui tắc cho khoa học của mình.

TÔI DỰA VÀO SÁCH VỞ.

Thánh Jérome thường hay "có chuyện" với những kẻ khéo nói. Ngài muốn chống lại họ dựa trên cơ sở sách vở. (Thư 50, 5).

Tôi dựa vào sách vở như bản ký sự truyền lại cho hậu thế. Hãy nói bằng các văn phẩm của chúng ta để cho độc giả là những người giữ yên lặng, xét xử chúng ta.

Thư 50, 4 gửi Domnion, trad. J. Labourt

Ngài đã chuyển thư viện của ngài từ Roma vào sa mạc. Ngài cho đem đến đó những cảo bản, giao cho các đan sĩ sao chép lại. Cộng đoàn sống là nhờ xưởng làm việc này. Chính ngài đang khi nghiên cứu ở Roma, đã chép lại những áng văn cổ mà ngài không thể mua, và tại Trèves, đã chép hai cuốn sách của Hilaire cho Rufin, lúc đó còn là bạn ngài.

III. NGƯỜI GIỎI VỀ THƯ TÍN VÀ LÀ VĂN SĨ CHUYÊN NGHIỆP.

Thư từ là phần thể hiện rõ con người của thánh Jérome nhất trong công trình của ngài. Trong số 154 bản làm thành bộ thư, có 122 bản do ngài viết và 117 bản đúng nghĩa là bức thư. Nội dung của các bức thư này rất khác nhau. Ngoài ra cũng cần ghi nhận những lá thư thắm thiết tình bạn hơn, những thư hướng dẫn đời sống thiêng liêng hoặc thư an ủi. Dù tác giả nhiều lần cho rằng, các thư ký không theo kịp nhịp tư tưởng, hay đúng hơn, không theo kịp nhịp xúc cảm của ngài, nhưng phần lớn các bức thư này đều được soạn kỹ càng hơn so với những văn phẩm khác và tỏ cho thấy ngài là một cây bút thật tuyệt vời.

Đức Cha Pellegrino xếp thư của thánh Jérome vào số "những kiệt tác văn xuôi Latinh của mọi thời". Thật vậy, thánh Jérome là một văn sĩ vĩ đại, ngài thông thạo mọi phương pháp văn chương khoa bảng, nghiên cứu văn thể, câu văn, vận dụng dễ dàng các hình thức văn chương, thậm chí còn bàn luận về chúng. Ngài biết trích dẫn cổ văn để tô điểm một cách thích đáng. Tuy nhiên, ngài không cần đến những thứ giả tạo đó để khẳng định mình. Mọi công kích đều khiến ngài cao hứng. Thánh Ambroise tội nghiệp thì "lanh lẹ về từ ngữ nhưng lại lờ đờ về ý tưởng". Lối văn đối ngẫu thật hợp với thứ văn chương đấu đá : "Rufin bên trong là Néron, bên ngoài là Canton", còn Jovinien là "tay trí thức thất học". Ngài trau luyện các kiểu diễu cợt dựa trên ý nghĩa từ ngữ. Để nối kết Chromatius, Jovinius và Eusèbe thành bạn hữu.

Ngài tạo ra chữ "Chromajovieusèbe". Nếu Didyme l Aveugle (Didyme : người mù) rất mực "tinh anh" thì ngài lại tiếc cho cái tâm hồn tối đen của Mélanie (Mélanie tiếng Hylạp có nghĩa là đen). Còn Vigilantius (người thức) thì bị gọi theo lối phản ngữ (antiphrase) trở thành "Dormantius" nghĩa là "người ngủ mê mệt" :Giấc ngủ rất sâu làm cho ngươi ngáy, đúng hơn là chứng ngủ lịm (léthargie). Khi giận đến bầm gan tím ruột thì ngài tuôn ra các thứ tên súc vật . sà sà mặt đất và đủ thứ ngôn ngữ sống sượng liên quan đến vấn đề tiêu hóa và phái tính. Ngài Rabelais của khoa giáo phụ cho kẻ đã thách thức ngài, một đan sĩ trẻ, xuất thân là trạng sư, đi dạo giữa "các bà các cô yếu đuối nhu nhược", "giữa những cái bụng phình lên, những đứa trẻ khóc oa oa và những chiếc trường kỷ của các đức ông chồng" (Thư số 50, 5).

Mạch văn đột nhiên bay cao ngang tầm một xen kịch xứng với Junéval thượng thặng. Nhà quan sát tài tình đồng thời cũng tỏ lộ một tài năng hiếm họa tàn nhẫn. Tài năng đó ngài đã thể hiện còn xuất sắc hơn nữa trong bức tranh về những đan sĩ phàm tục khác, trong bức chân dung của Rufin-Grunnius (người mõm heo) hay của người đàn bà làm phúc, phát tiền theo tiếng kèn ầm ĩ. Những trang sách này xứng đáng đứng vào số những văn tập ưu hạng. Tuy cho rằng mình mong muốn tránh sự châm biếm, nhưng ngòi bút châm biếm của ngài thuộc vào bậc thầy trong lịch sử văn chương thế giới.

Ngòi bút dữ dội là thế đột nhiên bay bổng. Trong chính những trang châm biếm này, ngài mời gọi Estochium đọc Kinh Thánh và cầu nguyện ban chiều bằng những lời tế nhị tuyệt vời : "ước gì trang Sách Thánh đón nhận khuôn mặt con gục xuống" (vì buồn ngủ), "Hãy là con ve sầu ban đêm" (Thư 22, 17 - 18). Đối với người phê bình chỉ trích ngài, một kẻ thay vì viết ra sách vở lại chỉ biết nói dông dài giữa quí bà xinh đẹp. Ngài đưa ra lời kêu gọi trang trọng : Thì ít ra, bên kia bao đất đai, sóng nước, dân tộc, đang ngăn cách chúng ta, ông ta cũng nghe thấy lời tôi kêu thét : "Tôi không kết án các buổi hôn lễ, tôi không kết án hôn nhân" (Thư 50, 5).

Ngài bén nhạy lạ lùng đối với các chi tiết, gợi hình gợi ý, việc bài ngoại giáo được minh họa bằng một nét đơn giản : "đồi Capitole hoang vắng và trong những hang hốc của mình, các thần minh chẳng còn bạn bè nào khác ngoài những con chim cú". Như ta đã thấy, sự sụp đổ của thành Roma đã khiến ngài thốt lên những lời thật bi thiết, cũng như ký ức về chiến thắng của lạc giáo ở Rimini năm 359 : "Toàn thế giới rên rỉ và ngạc nhiên thấy mình thuộc phe Arius". Chỉ một từ ngữ của Kinh Thánh cũng làm phát khởi nguồn cảm hứng hùng tráng. Những "viên đá thánh" biến thành "con cái Abraham", "vượt qua những cơn lốc trần gian, nơi cỗ xe của Thiên Chúa, chúng xoay tròn hết tốc". Thánh Jérome có thể không là một tác giả lớn nhưng chắc chắn ngài là một văn sĩ thật lỗi lạc với tài năng vô cùng đa dạng.

Thánh Jérome là con người rất hay cãi cọ, kẻ thù của thiên hạ, không ai thoát khỏi tay ngài. Dù cho rằng mình chỉ nhắm đến các học thuyết, các tác phẩm nhưng thực tế thì ngài lại không ngừng nhắm vào con người. Rufin bị kết án là xảo quyệt, dối trá, cònVigilantius thì bị "hết các Kitô hữu này đến các Kitô hữu khác (!)" cho lãnh đủ những lời tử tế kiểu thế này : "Những điều nhơ bẩn đã thấm quá sâu vào đầu óc ông rồi" (Thư 61, 3). Những nhân vật đáng kính nhất cũng trở thành nạn nhân, Basile là người kiêu ngạo, Augustin là chàng trai tự phụ.

Những người không tán đồng các luận đề về tu đức của ngài thì ngài cho là những kẻ sa đọa, giả hình, dù họ có là đan sĩ đi nữa. Còn khủng khiếp hơn cả Épiphane là đối thủ của ngài trong các vấn đề tranh cãi vụ này vào lúc cuối đời đã rút lại lời kết án nhẫn tâm đối với thánh Jean Chrysostome, còn thánh Jérome thì lại dịch những lời vu khống đáng xấu hổ mà Théophile dAlexandrie đã tung ra, rồi còn dùng lại những từ "điếm nhục", "tội ác" để chống lại vị Giám Mục thánh thiện (Thư 113 và 114). Bù lại, trong các cuộc chiến này cũng như trong các vụ kiện cáo mà ngài cho là chính đáng, ngài đã thể hiện cùng một lòng can đảm mà ngài đã từng thể hiện trong đời sống khổ hạnh của mình.

Tính hay bốc giận của ngài là mặt trái của một tấm lòng hết sức mẫn cảm, như ngài đã bày tỏ đối với những người bạn phụ nữ : "ôi Eustochie của tôi, con gái của tôi, nữ chủ của tôi, người bạn phục vụ với tôi, em gái của tôi" (Thư 22, 26). Ngài cũng tỏ lộ cho thấy một sự tế nhị như thế trong các lá thư an ủi, chẳng hạn cái chết của Blésilla (Thư 39, Gửi Paula). Ngài đã quá say mê điều tốt đẹp đến độ thường xuyên làm mếch lòng người khác. Ngài đã thực lòng muốn "trần truồng đi theo Chúa Giêsu trần truồng", nhưng "con người cũ trong ngài đã mặc lấy hình hài con thủy quái trăm đầu mà ngài cứ nhất tâm tố cáo nơi Rufin.

Nhưng, dầu sao, thánh Jérome cũng đã phục vụ rất nhiều cho Giáo Hội. Ngài là người Latinh và Roma đến tận xương tủy, có năng khiếu về khoa tu từ hơn là suy luận. Bị lôi cuốn trước đời sống đan tu tại Palestine, ngài lập cư ở Bethlem, và với một công trình lớn lao, ngài đã đưa nền văn minh Kinh Thánh và các ngôn ngữ sémites hội nhập vào nền văn hóa La-Hy của mình. Như thế là ngài đã phát khởi lối ẩn tu trí thức.

DANH MỤC THÚ VẬT CỦA JÉROME.

Khi tức giận, thánh Jérome liền lấy tên các thú vật mà gọi các đối thủ của mình, người ta có thể lập thành một bảng danh mục thú vật phong phú từ những lời chửi rủa của ngài.

Các đối thủ là những "con lừa hai chân", "những con chó đang cơn giận dữ", "những con chó xứ Scylla", "những loài côn trùng rì rầm về tôi trong sách vở của chúng".

Rufin "nói chậm như rùa" ; ở chỗ khác, ông là "một con heo ụt ịt", "một con quạ hiểm độc". Ông thường bị coi là bọ cạp : "một con bò cạp, con vật câm lặng và độc hại (.) chết vì chính cái vòi mà nó cố chỉa về phía tôi". Và đây là lời trong bài điếu văn : "Con bọ cạp đã bị nghiền nát trên đất (.) và con thủy quái trăm đầu rốt cuộc đã không còn gào rít chống lại chúng ta".

Jovinien "đứng dựng lên như con rắn nước bị thương và lại ngã sụp xuống, gắng sức quá thành kiệt sức". Hoặc hơn nữa : "Đó là một con chó quay trở lại với đống nó nôn mửa ra".

Các đan sĩ trẻ "dùng hàm răng chó của mình gặm nhấm, xé rách và cột lại" những cuốn sách chống Jovinien của ngài. Họ "kêu la ở các góc phố và ở trong phòng mạch của mấy ông thầy lang". Tên đó "cứ chọc giận tôi xem ! Tôi có thể dùng hàm răng cắn sâu vào da thịt hắn". "Cái tên cao ngạo đó thử so tài với tôi dựa trên sách vở xem", và "con heo cái có chửa hẳn sẽ không còn ủn ỉn nữa".

"Satan sủa bằng tiếng của con chó xứ Albion (1) (= Pélage, người nước Anh) cao lớn và vạm vỡ, những cú đạp chân của nó còn đáng sợ hơn cả vết cắn". Đó là một "con chó Cerbère (2) khác !".

-----------------------------------------------

(1) Albion : tên người xưa gán cho xứ Anh (Grand - Bretagne) vì họ thường mặc áo dài trắng (Alba). Đó là cái tên thơ mộng chỉ xứ Anh-Cát-Lợi.


(2) Cerbère : con chó 3 đầu canh giữ địa ngục trong thần thoại Hylạp (chú thích của người dịch).

·Phe Pélage thinh lặng trước những công kích của ngài "là những con chó không đủ sức sủa". Các "đối thủ của ngài có cơ hội để sủa" vì ngài xuất bản sách. Ngài than van vì "những tiếng sủa bẻm mép" của Helvidius chống lại sự đồng trinh của Đức Maria.


·Một đan sĩ không trả lời thư của ngài thì "chẳng buồn phát ra cả đến một tiếng kêu ụt ịt".


·Thánh Ambroise, bị kết án là đạo văn, là "một chú quạ kỳ khôi" hay "một con cà cưỡng trang điểm bằng những chiếc lông công".


·Origène là một con rắn độc. Với những người tố cáo ngài mới đây còn biểu dương Origène. Jérome gào lên : "đồ chuột chũi, các ngươi chỉ nhìn ta bằng
mắt loài dê cái". Chỗ khác ngài nói về "cái miệng rắn độc. Ở chỗ khác nữa ; "Một con rắn độc xứ Tây Ban Nha xâu xé (ngài) bằng những chuyện tào lao độc địa của nó". Một sở thú lạ lùng.


NGỮ VỰNG CỦA CÁI BỤNG.


"Julien Augustus đã mửa ra bảy cuốn sách chống lại Chúa Kitô".


·Trong tác phẩm của Jovinien là "những cuốn sách hắn mửa ra trong một ngày say sưa". Tên đan sĩ "duy khoái lạc" (Épucurien) này đã "ợ ra tư tưởng của hắn giữa chim trĩ và thịt heo rô-ti".


·Vigilantius - Dormitantius "đã mơ hay đúng hơn đã phun ra thứ đồ nôn mửa nhơ nhớp nhất".


TIẾT MỤC CỦA MỘT ĐAN SĨ TRẺ Ở ROMA.


1. Có một gã đàn ông không có thầy nhưng hoàn hảo, được chính Thiên Chúa soi sáng và dạy dỗ. Hắn có thể vượt Cicéron về tài hùng biện, lập luận hơn Aristote, sâu sắc hơn Platon, uyên bác hơn Aristarque, lượng sách ấn hành vượt cả Didyme la Chalcentère, hiểu biết Thánh Kinh hơn mọi nhà chú giải thời đại mình. Cuối cùng người ta nói hắn chỉ muốn một điều - theo cách nói của Carnéade - là sẵn sàng cãi cả hai chiều, tôi muốn nói, vì công lý hoặc chống lại công lý. Thế giới được giải thoát khỏi một mối nguy, các phiên tòa tranh gia sản thừa kế hay quyền dân sự thoát khỏi sự đổ vỡ, vì con người đó đã bỏ nghị trường đi vào nhà thờ (.) Thật vậy, những cái dậm chân, phóng mắt khoa môi múa mỏ của hắn dường như đã khiến các thẩm phán mất đi sáng suốt, minh mẫn. Nhân vật rất đỗi Latinh và lẻo mép này thắng được tôi thì cũng chẳng lạ gì, vì tôi vắng mặt, từ lâu chẳng còn quen dùng tiếng Latinh và cuối cùng đã trở nên bán-mandi. Biết rằng Jovinien đã có mặt tại đó (Lạy Chúa ! Một kẻ vĩ đại làm sao, nhưng những tác phẩm của ông ta thì không ai hiểu nổi, vì ông ta chỉ hát cho chính mình và cho các nàng thơ). Biết rằng, Jovinien đã cứng họng trước tài hùng biện của nó !


2. (.) Tôi còn biết rằng, hắn thích qua lại những căn phòng của các trinh nữ, các bà góa, bởi lẽ, lòng đầy cao ngạo, hắn khoa miệng triết lý giữa các bà các cô về Sách Thánh. Thế hắn dạy gì cho các phụ nữ ấy trong nơi bí mật hay trong phòng của họ ? Phải chăng hắn dạy : trinh hay lấy chồng thì cũng thế, đừng bỏ bê tuổi thanh xuân của mình, dạy uống, dạy ăn, lui tới hồ tắm, tìm kiếm những chuyện vớ vẫn và đừng khinh thị nước hoa / Hay hắn dạy họ tiết hạnh, chay kiêng, khinh thường việc chăm sóc thân xác. Hẳn là hắn chỉ đưa ra những huấn giới đầy nhân đức. Mà này, chớ gì hắn dạy công khai những gì hắn nói ở nhà ! Còn nếu ở nhà hắn cũng cho cùng những lời dạy bảo như ở chỗ công khai thì bây giờ, hãy tống hắn ra khỏi hội các thiếu nữ. Gã thanh niên ấy, tên đan sĩ hùng biện ấy, hắn tự nghĩ mình như thế, với môi miệng thật hết sức duyên dáng, lại còn chêm pha chút khôi hài, trí tuệ cho ngôn ngữ thêm phần thanh lịch, hắn không biết xấu hổ trong việc lai vãng những chỗ quyền quí, lui tới những cuộc tiếp tân của các mệnh phụ, biến tôn giáo của chúng ta thành bãi chiến trường, làm méo mó đức tin vào Chúa Kitô bằng thứ ngôn ngữ khẩu chiến của hắn ta và cùng lúc, vu khống nah em mình (.)


3. Chớ gì hắn biết giữ mình, biết chừa tôi ra ! Chớ gì hắn ý thức rõ ràng, hắn là đan sĩ không phải khi hắn nói hay chạy lăng quăng khắp chốn nhưng là khi hắn giữ yên lặng và ở trong nơi cư trú (.) Nếu hắn tưởng mình đã nhận chiếc roi da của nhà kiểm duyệt để tác oai tác quái trên tất cả các văn sĩ, vì có lẽ chỉ mình hắn mới hiểu được Jovinien - như câu ngạn ngữ : kẻ cà lăm hiểu rõ hơn giọng nói của người cà lăm - thì tất cả chúng ta, những văn sĩ, phải chống lại một thẩm phán như thế. Nói thế nào nhỉ ? Chính Jovinien - nhà trí thức thất học - hẳn sẽ kêu lên thật chí lý : Các Giám Mục kết án tôi, điều đó không phải là điều hợp lý nhưng là âm mưu.

Thư 50, 2 - 4, A Domnion, ibid, p. 151 - 153, trad.J.Labourt


JUVÉNAL NƠI CÁC ĐAN SĨ THẾ KỶ IV.


Cha không muốn ra vẻ chỉ là người biết nói dông dài về phụ nữ. Vậy con hãy xa lánh những người đàn ông bện tóc ; tóc như phụ nữ, bất kể gương thánh Tông Đồ, râu dê, áo khoác đen, chân trần như để chịu đựng giá lạnh ; tất cả những điều đó là biểu hiện của ma quỷ. Như Antimus ngày xưa, như Sofronius mới đây : Roma đã khóc than vì đó. Chúng đi vào nơi ở của những người quí tộc, chúng dụ dỗ những người đàn bà yêu đuối, bị kết án là tội lỗi, chúng giả vờ lúc nào cũng nghiên cứu mà không bao giờ đạt tới hiểu biết sự thật.

Chúng làm bộ sống khổ hạnh ; chay tịnh dài ngày, chúng kéo dài ngày chay bằng cách lén lút ăn ban đêm. Cha hổ thẹn, không muốn nói phần còn lại, kẻo lại ra vẻ muốn lăng nhục hơn là cảnh giác. Có những người khác, cha nói về người trong dòng cha, nuôi tham vọng làm Linh Mục, Phó Tế, để được gặp phụ nữ tự do hơn. Họ chỉ biết lo đến y phục, nước hoa, lo sao cho chân mình không nhảy trong đôi giày xấu, tóc họ xoắn tròn, còn hằn nếp của đồ uốn tóc, ngón tay họ lấp lánh nhẫn vàng, và vì sợ đường đi quá ẩm sẽ làm ướt bàn chân, họ chỉ nhón đi trên các đầu ngón ! Con hẳn sẽ tưởng mình nhìn thấy những tình quân hơn là các giáo sĩ.

Có những kẻ hết cả cuộc đời chỉ lo mỗi một việc là học tên các bà mệnh phụ, địa chỉ và thói quen của họ. Cha chỉ mô tả một người, kẻ đứng đầu trong nghệ thuật này, ngắn gọn và tóm tắt, để khi biết ông thầy con dễ dàng nhận diện những tên đồ đệ. Mặt trời vừa lên thì hắn cũng vội vàng chỗi dậy.

Những cuộc viếng thăm của hắn ư ? Hắn đã sắp xếp thứ tự cả rồi. Hắn nghiên cứu những lộ trình ngắn nhất, lão già quấy quá đó nếu không vào ngay trong phòng lúc các bà còn đang ngủ thì cũng suýt như thế. Vừa để ý một chiếc gối dựa, một vuông vải đẹp hay bất cứ một đồ vật gì trong căn phòng. Hắn liền ca tụng, chiêm ngưỡng và mân mê nó. Hắn than phiền chẳng hề có những vật như vậy và thế là hắn có được đồ vật, chỉ thiếu điều cưỡng đoạt, vì bà nào cũng sợ xúc phạm đến người đưa tin của thành phố. Hắn không thích khiết tịnh, hắn ghét những ngày ăn chay, hắn hít hà giám định các món ăn, vì vậy người ta thường đặt cho hắn biệt danh là con gà thiến béo (.) Miệng hắn thô lỗ, trơ trẽn lúc nào cũng sẵn sàng chửi rủa. Dù con có quay đi đâu thì hắn vẫn là kẻ đầu tiên đối diện với con. Nếu người ta có nghe thấy tin tức gì chính hắn đã bịa đặt hoặc thổi phồng rồi tung ra. Những con ngựa của hắn, mà hắn thay đổi theo giờ giấc, lộng lẫy và hung hăng đến nỗi người ta tưởng hắn là hoàng đệ của vua xứ Thrace.

Thư 22, 28 gửi Eustochium, ibid., p. 141 - 142, trad. J.Labourt

BỨC BIẾM HỌA VỀ GIÁO SƯ : GRUNNIUS (NGƯỜI MẶT LỢN) HAY RUFIN : CON HEO.

Bước đi như rùa, Grunnius tiến lên để nói, ngắt quãng thật lâu, khó nhọc lắm mới thốt được vài chữ : người ta tưởng rằng ông phát ra những tiếng nấc hơn là một ngôn ngữ. Thế nhưng, khi ông đã trải cả đống sách trên bàn, ông nhíu mày, nhéo mũi, trán nhăn lên, ông bật hai ngón tay tanh tách đấy là dấu hiệu mời gọi học trò lắng nghe. Ông bắt đầu tuôn ra những điều thật ngu xuẩn, rồi lớn tiếng công kích tùng người ; người ta bảo ông là Longin, nhà phê bình, quan kiểm tra về ngành hùng biện Roma, ông khiển trách kẻ mà ông cho là đàng khiển trách, và loại họ khỏi viện bác học. Nhân vật được trả lương hậu hĩnh này thành công hơn trong việc làm vui lòng khách trong các bữa ăn. Mà có gì đáng ngạc nhiên đâu, bởi lẽ ông có thói quen nuôi ăn rất nhiều thực khách. Ông lập cho mình một tiểu đoàn những tên lải nhải, chúng lớn tiếng hoan hô ông mỗi khi ông xuất hiện trước công chúng ; bên trong là Néron, bên ngoài là Canton, ông ta là con người hàm hồ trong mọi sự. Người ta nói rằng những bản tính khác nhau và thậm chí trái ngược tập hợp nơi ông để tạo nên một quái vật duy nhất và một con thú thuộc một loài chưa hề được nghe nói, theo ngôn từ của thi nhân : "Phía trước : sư tử ; phía sau : con rồng ; ở giữa chính con quái vật".

Thư 125, 18 gửi đan sĩ Rusticus, ibid., p. 130, trad. J.Labourt.

BỐ THÍ THEO TIẾNG KÈN.

32. (.) hiện nay người ta thấy nhiều phụ nữ, tủ chật ních xiêm y, thay áo dài mỗi ngày nhưng lại không thể thắng nổi những con nhậy gậm quần áo (.) Người ta sơn những tờ da thuộc với màu đỏ thắm, vẽ chữ với vàng pha, bìa sách dát ngọc, nhưng trước cửa nhà họ, Đức Kitô trần trụi đang nằm hấp hối ! Họ đưa tay làm phúc bố thí kèn sẽ vang lên : họ mời một bữa ăn huynh đệ (agapé) thì người ta thuê thằng mõ. Mới đây cha đã thấy một bà rất quí phái trong số các mênh phụ Roma, cha không nói tên kẻo người ta lại nghĩ là chuyện châm biếm, trong Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô, có các hoạn quan đi trước, bà tự tay phát tiền cho từng người nghèo để ra vẻ đạo đức hơn. Nhưng khi một bà cụ rách rưới chạy lên xếp hàng trên cao để được nhận thêm một đồng bạc thứ hai -lối gian lận dễ dàng đối với những người đã quen - thì người đàn bà quí phái, lúc đến chỗ bà cụ, đã cho cụ một quả đấm thay vì một đồng tiền, và người phạm một trọng tội đến thế đã chan hòa máu me !

(thư 22, 32 gửi Eustochium, ibid., p. 147, trad. J. Labourt).

Nhưng trước hết, với công trình dịch thuật và chú giải của mình, thánh Jérome mang đến cho Giáo Hội Latinh những kho tàng của Giáo Hội Hylạp và một bản Thánh Kinh bằng tiếng Latinh được phong phú hóa bởi tất cả truyền thống Đông phương. Nếu như hành động của ngài phần nào làm xáo trộn thêm các mối quan hệ, thì ngược lại công việc trí thức của ngài đã phóng nhịp cầu giữa thế giói Kitô giáo.

SÁCH ĐỌC THÊM.

J. STEINMANN, Saint Jérome, Paris, 1958 M. TESTARD, Saint Jérome. Lapôtre savant et pauvre du patriarcat romain, Paris, 1969 (avec une anthologie). (Y. M. DUVAL ed.), Jérome entre lOccident et lOrient, 16è centenaire du départ de Jérome de Rome et son installation à Bethleém. Actes du Colloque de Chantilly.

Aux Sources chrétiennes : Commentaire sur St. Matthieu (no. 242 et 259) ; Apologie contre Rufin (no. 303 ; Commentaire sur Jonas (no. 323).

Coll. Des Univ. de France : Saint Jérome, correspondance (8 vol).


(Nguồn: https://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/giaophu/ThanhGierome.htm)