4 BÀI GIẢNG VỀ GIAO THỪA VÀ BA NGÀY TẾT
1. NÉN HƯƠNG TRẦM TRONG ĐẠO HIẾU VIỆT NAM
Ngày Tết, cùng với đất trời giao hòa, con người dường như cũng gần gũi nhau hơn. Trong cái không khí ấm áp với gió xuân nhè nhẹ của ngày Tết, ta lại nhớ về mái nhà xưa, về quê hương, nơi đó có những người thân yêu, ruột thịt. Bên mâm cơm gia đình, gợi nhớ những người ở xa, ngậm ngùi nghĩ về những người thân đã khuất. Người Việt có thói quen đốt lên một nén hương gợi nhớ về biết bao kỷ niệm thân thương như câu thơ xưa đã viết:
"Đêm qua đốt đỉnh hương trầm
Khói lên nghi ngút âm thầm nhớ quê".
'Nhớ quê', quê nào đây? Có phải khu vườn quanh nhà có cây ổi, cây xoài hay cụm chuối sau nhà? Có phải cánh đồng lúa cho ta mùi thơm bông lúa mới? Có phải mái nhà tranh đơn sơmà nay chỉ còn là một hoài niệm? Nếu chỉ thế thì đâu phải đợi vào đêm, trong phút giờ tĩnhmịch, ta mới chạnh lòng vương vấn tâm tư? Có phải ông bà tổ tiên đã mất? Có phải là cha mẹ, anh em hiện nay không còn hoặc đang xa cách? Có thể là như thế, nhưng nếu chỉ là thế thôi thì cũng chẳng phải đợi vào đêm, phải đốt hương trầm lên mới nhớ đến quê nhà.
Hình như nỗi nhớ này nó còn vượt lên trên những tình cảm ruột thịt ấy, vì khi đốt lên nén hương, hoà trong làn khói hương nghi ngút, trong mùi trầm ngào ngạt, lòng ta như muốn bay về cội nguồn, mong tìm về quê hương thời tuổi thơ, nơi chứa đựng vùng trời kỷ niệm thân thương, mà khi đi xa ta cũng chạnh lòng vấn vương: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều” .
Như thế, nhớ quê ở đây là nhớ về cội nguồn, nhớ về nguồn gốc tổ tiên: “vì chim có tổ, nước có nguồn, con người có cha mẹ sinh ra”. Đây là nỗi nhớ trong tiềm thức nay trỗi dậy trong ta nhớ như in về tình yêu của cha, của mẹ, của anh chị em trong nhà.
Người Việt Nam với đạo hiếu làm đầu nên con cháu dù giầu hay nghèo vẫn không bao giờ quên ơn tổ tiên. Đây là lý do trong gia đình người Việt luôn có bàn thờ tổ tiên với khói hương trầm nghi ngút toả lan như hương hồn ông bà vẫn bao bọc con cháu. Sự thờ kính tổ tiên, có khi được thu gọn rất nhỏ, mà gia đình nghèo đến cỡ nào cũng có thể có. Một chiếc chén ăn cơm còn nguyên lành, chứa trong đó lưng bát gạo, và có thể trở thành bát hương, để rồi trầm tư cắm trên đó vài nén nhang tỏ lòng thành kính.
Hành vi này cao đẹp biết bao, nó diễn tả bao điều suy tư trầm mặc trong cuộc sống: Chẳng phải vì nghèo mà oán trách tổ tiên, chẳng vì nghèo mà quên tiên tổ. Nhớ về tổ tiên là nét đẹp văn hoá Việt Nam. Nó đẹp bởi vì tấm lòng của con cháu hiếu nghĩa với tiên tổ, nó đẹp bởi vì dẫu cho nghèo vẫn giữ được sạch, dẫu cơ hàn vẫn giữ lòng thờ kính mẹ cha.
Mỗi khi thắp nén hương, lòng trí ta vẫn vang lên một lời khuyên, vẫn gợi nhớ biết bao điều ngày xưa ông, bà, cha, mẹ dạy bảo, nhớ bao ngày ấu thơ được nghe chuyện cổ tích bắt đầu bằng câu: “ngày xưa có mẹ”, “ngày xưa có ba”.
Như vậy, văn hoá bát hương- nén nhang còn là cách để con cháu nhắc nhở nhau nhớ giữ lấy lề thói tổ tiên và dòng tộc. Đồng thời, nhắc nhở nhau tiếp nối truyền thống đạo hiếu thờ kính tổ tiên của cha ông bao đời để lại.
Chiếc bát hương của một thời đang được thay thế bằng những chiếc lư đồng, bằng những bình lắc xông hương trong nghi thức phụng tự, nhưng dù sao vẫn không thể xoá nhoà chiếc bát hương của lòng thành kính thưở nào.
Giáo Hội Công Giáo sau Công Đồng Vat II đã mở ra con đường hội nhập văn hoá địa phương, từ đó Giáo Hội đã thích nghi những nền văn hoá cốt lõi của Người Việt là “đạo thờ cúng tổ tiên” và hoàn chỉnh việc thờ kính tổ tiên theo tinh thần ky-tô giáo.
Giáo hội khuyến khích làm bàn thờ gia tiên trong gia đình. Đây là một cách làm cho người Kitô hữu không quên cội nguồn và sống phúc âm giữa lòng dân tộc. Trên bình diện quốc gia thì Giáo Hội cũng khuyến khích bày tỏ lòng biết ơn đối với tiền nhân. Chúng ta vẫn có thói quen dành ngày Mồng Hai Tết để tưởng nhớ và cầu nguyện cho tổ tiên của dòng tộc mình, có lẽ phải vượt xa hơn nữa là hướng về tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Các ngài là những người mở bờ cõi đất nước và gìn giữ, bảo vệ để chúng ta có được nét đẹp quê hương hôm nay.
Những năm gần đây, chúng ta thấy nhiều giáo xứ cũng lập bàn thờ tổ tiên của dân tộc trong các nhà thờ. Bàn thờ tổ tiên hình chữ S với mâm ngũ quả để nhắc nhở nhau “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và nguyện cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu bình an.
Khởi đầu năm mới, chúng ta hướng về Thiên Chúa là cội nguồn sự sống, là Đấng ban phát mọi ơn lành để thờ lạy, tôn vinh và chúc tụng vì những ơn lành Ngài đã ban xuống trên cuộc đời ta. Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta tưởng nhớ đến các bậc tổ tiên, những người đã xây dựng giang sơn, mở rộng bờ cõi quê hương, cũng như những người có công đức sinh thành dưỡng dục chúng ta.
Vì thế, trong bầu khí mừng xuân Giáp Thìn và nhớ về cội nguồn. Chúng ta cùng thắp nén hương trầm để cầu nguyện cho tổ tiên và xin các ngài mãi luôn phù hộ cho con cháu hôm nay, cho quê hương Việt Nam luôn thanh bình, cho con người luôn gần nhau hơn trong tình nghĩa anh em một nhà, một dân tội, một cội nguồn từ chính Thiên Chúa tác sinh muôn loài.
Xuân Giáp Thìn
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
2. MỒNG MỘT TẾT
Mời Chúa Xông Nhà Năm Mới
Người Việt Nam có tục lệ Xông nhà ngày Tết. Người được chọn xông nhà phải là người mà chủ nhân hy vọng sẽ mang lại may mắn, thuận lợi trong công việc và bình yên cho gia đình trong năm mới. Ngày tôi còn là một thầy giáo nhà quê hàng năm vẫn được mời đi xông nhà. Cứ tới 30 Tết là chủ nhà lại bảo : sáng mai lễ Mồng Một chú đi qua nhà gọi anh đi lễ kẻo ngủ quên. Thực ra anh ấy muốn tôi xông nhà. Và bây giờ là linh mục, tôi vẫn được mời đi khaitrương cửa hàng , khai trương công ty với hình thức rảy nước thánh xin ơn thánh hoá người, dụng cụ, công việc để xin Chúa chúc lành cho công việc của họ được bình an thuận lợi.
Nhiều người nghèo lại hay trách phận mình nghèo nên đâu dám mời người xông đất, xông nhà ngày Tết. Thực ra, tự mình xông đất cho mình cũng được đâu cần kiếm người hợp tuổi, như câu thơ viết rằng:
“Tự mình xông đất cho mình
Tự tay đốt pháo, tự mình đón xuân”.
Người Việt có thói quen lúc giao thừa cả nhà gọi nhau bước ra đường ngắm pháo giao thừa, và khi bước vào nhà sẽ nhường cho người người lớn nhất xông nhà rồi mới đến mọi thành viên khác. Người chủ nhà sẽ chúc phúc và lì xì may mắn cho mọi người khiến ai cũng vui, cũng hạnh phúc.
Giáo Hội đang sống tinh thần hiệp hành. Sự hiệp hành của Giáo Hội chỉ nên một nhờ Lời Chúa và Thánh Thể. “Lời” chính là Ngôi Hai Thiên Chúa, vì Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và ở giữa chúng ta. Ngài ở giữa chúng ta qua Lời và Bí Tích Thánh Thể . Do đó, khi dự lễ đầu năm về, thay vì đóng cửa chờ người xông nhà thì hãy mở rộng cửa để đón lộc Chúa vào nhà. Cả gia đình hãy quây quần trước bàn thờ và cùng nhau trân trọng công bố lời Chúa và đọc kinh Lạy Cha xin ơn Chúa chúc lành cho gia đình năm mới no đủ và bình an.
Đây là dịp chúng ta trao gởi niềm ước mơ của mình cho Đấng Tạo hoá – Đấng Càn Khôn. Ngài là Đấng làm cho đất trời thay đổi theo bốn mùa: Xuân – Hạ – Thu – Đông. Và chỉ có Ngài mới làm cho ước mơ ngày xuân trở thành hiện thực. Vì “mưu sự tại nhân – thành sự tại thiên”. Sự toan tính là của con người, nhưng có thành hiện thực hay không lại tùy thuộc vào ơn ban của Trời.
Niềm tin này không phải là niềm tin mông lung, nhưng dựa trên chính lời hứa của Chúa Giêsu: “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đóa hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin? Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì tất cả những điều nầy các dân ngoại vẫn tìm kiếm, và Cha các con ở trên trời đã biết mọi nhu cầu của các con”.(Mt 6: 28-32)
Thật tuyệt vời làm sao! Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên bạn, nên tôi và vạn vật, đã sẵn lòng yêu thương lo lắng, chu cấp . Giống như những bông hoa huệ ngoài đồng, tất cả chúng ta chỉ cần sống đúng như mục đích mà Chúa đã tạo dựng và tận hưởng sự sống phong phú từ Chúa.
Tạ ơn về một năm Chúa luôn tuôn đổ hồng ân xuống trên cuộc đời chúng ta. Xin Chúa lì xì cho chúng ta một năm mới bình an. Ước gì mỗi người luôn biết trân quý sự sống Chúa ban, luôn an vui trong sự quan phòng của Chúa, nhất là biết sống đúng theo mục đích Ngài tạo dựng, để dâng sự vinh hiển lên Thiên Chúa Cha. Xin cho danh Chúa Cha luôn cả sáng trong Chúa Giê-su, Ngôi Con, Đấng Cứu Chuộc trần gian. A-men.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
3. MỒNG HAI TẾT, BIẾT ƠN
Người xưa có câu : “Ơn ai một chút chớ quên” để nhắc nhở con cháu đừng quên, đừng phụ người giúp mình mà phải luôn trân trọng và biết ơn những ai đã giúp đỡ mình. Từ đó, cha ông ta đã nhắc nhở: "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Bởi lẽ, tất cả mọi sự đều có nguồn, có gốc nên làm người phải có lòng tri ân.
Thánh Phaolo trong thơ gửi tín hữu Conrinto 9,15 cũng viết: “Hãy tạ ơn Đức Chúa, vì những ân ban của Ngài vô xiết kể”. Người có đức tin luôn xác tin rằng “tất cả là hồng ân”. Mọi sự đều do Thiên Chúa tác thành. Mọi sự chúng ta có đều là ân ban của Thiên Chúa. Thế nên, lòng biết ơn Thiên Chúa là lẽ đương nhiên của những người tin có Thiên Chúa. Chính Ngài là suối nguồn ân phúc ban xuống cho nhân loại.
Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa nên Ngài cũng làm gương cho chúng ta về tâm tình tạ ơn Thiên Chúa Cha. Ngài đã từng cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, tạ ơn, rồi bẻ bánh ra mà trao cho môn đệ, đặng phát cho đoàn dân.
Lòng biết ơn là nét đẹp trong nhân cách con người. Qua cử chỉ, lời nói thể hiện lòng biết ơn sẽ làm cho nhân cách thêm đáng yêu, đáng quý và thái độ đó luôn làm vui lòng mọi người. Biết ơn người khác, cho dù chỉ là sự giúp đỡ mình nhỏ nhặt trong cơn khốn khó, hoặc sự thăm viếng, an ủi, trong những lúc gia đình gặp tang chế, tai nạn, ốm đau, vv... Dù sự giúp đỡ trong hoàn cảnh nào đi nữa, là con người biết đạo nghĩa, chúng ta không thể quên ơn. Ngược lại, kẻ vô ơn luôn bị xã hội lên án, khinh rẻ.
Ngày Mồng Một Tết ta hướng về Đấng tạo thành để tạ ơn và cầu xin bình an. Ngày Mồng Hai ta lại hướng về tổ tiên, về các đấng sinh thành để tri ân và cầu nguyện cho ông bà cha mẹ . Đối với văn hoá Việt Nam thì đạo làm người phải khởi đi từ lòng biết ơn ông bà cha mẹ, vì:
"Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ Hiếu, mới là đạo con".
“Đạo Hiếu” là Đạo mà tất cả những người làm con phải sống, phải lo giữ tròn. Đạo không ở xa, Đạo không ở trên cao, nhưng Đạo là lời mời gọi đáp lại những nhọc nhằn của cha, của mẹ. Có những nỗi nhọc nhằn đi suốt chiều dài tháng ngày của mẹ cha. Từ khi con còn thơ ấu đã bao là hy sinh:
"Công cha nghĩa mẹ cao vời,
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
Nên người con phải xót xa,
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao."
Con người dù vất vả truân chuyên nhưng vẫn phải lo giữ sao cho vuông tròn chữ hiếu, vì “đạo hiếu” là một con đường tất yếu của kiếp người mà ta đi sai, đi lệch lạc thì chúng ta đang dẫn thế hệ sau đi vào con đường sai lệch ấy.
"Nếu mình hiếu với mẹ cha
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì.
Nếu mình ăn ở vô nghì
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công".
Hôm nay hầu hết các gia đình đều quây quần bên nhau để chúc xuân ông bà cha mẹ. Đồng thời con cháu lại được ông bà cha mẹ lì xì lấy hên đầu năm. Thật hân hoan khi ngày xuân được sum họp bên nhau trong tình nghĩa ruột thịt. Đúng như thánh vịnh nói:
“Anh em sum họp một nhà
Bao là tốt đẹp, bao là tốt tươi”.
Xin Chúa là Chúa của mùa xuân, là cùng đích của mọi vạn vật chúc lành cho ngày sum họp của các gia đình luôn nồng nàn mến thương. Xin cho chúng ta luôn biết trân trọng mái ấm gia đình, vì chẳng ở đâu có người yêu thương, lo lắng cho ta bằng những người thân trong gia đình. Hãy trân trọng gia đình bằng việc sống hiếu thuận trong trách nhiệm và bổn phận của mình. Đừng vì thói lười biếng, trốn tránh trách nhiệm của mình mà mang lại những nỗi đau cho người thân.
Xin cho ngày xuân luôn thắt chặt tình ruột thịt để cùng nhau xây dựng gia đình trong yêu thương nồng ấm và mỗi ngày an khang thịnh vượng hơn. Amen.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
4. MỒNG BA TẾT
Năm Mới Sống Chia Sẻ
Một lần nọ, khi dừng xe lại ở ngã tư vì đèn đỏ, tôi bất chợt thấy hai đứa trẻ nghèo ngồi bên vệ đường, bẻ đôi chiếc bánh cho nhau và cùng ăn cách ngon lành. Bỗng dưng tôi cảm thấy xúc động. Nhìn lại bản thân, tôi mới nhận ra rằng lâu này mình vẫn sống trong “tháp ngà” và bàng quan với mọi chuyện của “thiên hạ”. Chỉ tích lũy và thu vén cho bản thân hơn là cảm thông và chia xẻ với mọi người.
Tôi thực sự là kẻ nghèo và vẫn nghèo vì bao lâu nay tôi chưa cho đi mà chỉ lo vun quén, lo tích luỹ cho mình. Dầu tôi vẫn ao ước một ngày nào đó có tiền, có dư giả tiền sẽ giúp đỡ, chia sẻ cho người nghèo, nhưng lòng tôi vẫn chưa bao giờ nghĩ mình đã giầu có dư gỉa để cho đi.
Sự dư giả và giầu có theo kiểu chẳng phải lo làm mà tiền vẫn có “tiền dư, bạc để”, vẫn có ăn, có mặc trong nhung lụa, giầu sang, chỉ khi đó chúng ta mới nghĩ đến việc cho đi.
Có lẽ, đây là hoài niệm trong vô thức của vườn địa đàng năm xưa. Thiên Chúa tạo dựng con người và cho con người hưởng dùng toàn bộ vạn vật trong vườn địa đàng. Họ không cần làm lụng nhưng những trái cây có hạt vẫn tiếp tục sinh sôi nẩy nở để mang lại lương thực cho họ. Đó là những ngày xuân vườn địa đàng. Mùa Xuân của vườn địa đàng đã bị khép lại khi con người quay lưng lại với Chúa của Mùa Xuân. Họ đã bị đuổi ra khỏi vườn xuân địa đàng vì phạm tội chống lại Thiên Chúa, chống lại Thiên Chúa của mùa xuân nên từ nay họ phải vất vả mới có cái để ăn.
Sau khi phạm tội, Thiên Chúa đã phán bảo với Ađam rằng: “Vì ngươi đã nghe lời vợ mà ăn trái Ta cấm, nên đất bị nguyền rủa vì tội của ngươi. Trọn đời, ngươi phải làm lụng vất vả mới có mà ăn. Đất sẽ mọc cho ngươi đủ thứ gai góc, và ngươi sẽ ăn rau cỏ ngoài đồng. Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi ngươi trở về đất, vì ngươi từ đó mà ra.
Ra khỏi vườn địa đàng con người phải đối diện với mặt đất nắng mưa, gió bụi, đất đai khô cằn, gai góc và phải: “Có làm thì mới có ăn – Không dưng ai dễ mang phần cho ta”.
Từ ngày ấy, con người muốn có của ăn của để phải chấp nhận cuộc sống mưu sinh vất vả, phải biết vượt ra khỏi sự an nhàn để dấn thân vào cuộc sống mưu sinh đầy vất vả truân chuyên. Bên cạnh sự nỗ lực bản thân, niềm tin ky-tô giáo còn mời gọi chúng ta tin vào sự quan phòng của Chúa. Vì “Mưu sự tại nhân – Thành sự tại thiên”. Bởi lẽ: “Nếu Chúa chẳng xây nhà , thợ nề vất vả cũng bằng uổng công”.
Thế nên, ngày đầu năm mới chúng ta hướng về Đấng tạo thành để tạ ơn về một năm “mưa trời ân phúc” đã ban xuống cho trần gian. Chúng ta cũng phó dâng một năm mới cho lòng thương xót của Chúa. Xin Chúa là Đấng đầy quyền năng và đầy lòng thương xót chúc lành cho một năm mới với bao dự định, công việc được toàn vẹn như ý. Xin Chúa Xuân ở lại nơi từng gia đình để niềm vui được kéo dài vô tận trong suốt ngày sống. Amen.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền