Một đứa trẻ lười biếng, hư hỏng sẽ nhận sự trừng phạt của cha mẹ. Nhưng sự trừng phạt ấy nhằm giúp sửa dạy con, và khi con hối lỗi, thì cha mẹ lại thương con nhiều hơn nữa. Trong dòng lịch sử cứu độ, chúng ta cũng thấy lộ trình đó nơi Thiên Chúa dành cho con người, đó là: Tội – Phạt – Hối - Cứu. Khi dân Ít-ra-en bất trung, Thiên Chúa đã ra tay giáng phạt; và khi dân hối lỗi ăn năn, Thiên Chúa lại đưa tay cứu vớt.
Kính thưa anh chị Legio Mariæ,
Trong bài đọc một, trích sách Sử Biên Niên hôm nay, chúng ta được nghe tóm lược lộ trình như vậy. Chỉ ít câu thôi, tác giả đã khắc hoạ cách sinh động lịch sử của dân Chúa, và cũng là lịch sử của mỗi chúng ta...
Ở cuối bài đọc, chúng ta nhận ra niềm hân hoan khi dân Israen được Thiên Chút giải thoát khỏi ách lưu đày Babilon.
Niềm hân hoan này được nối dài qua bài đọc hai, trong thư gửi cho giáo đoàn Êphêsô. Tại đây, thánh Phaolô nhắc nhớ cho chúng ta biết ơn cứu độ của mỗi người do đâu mà có, và giá trị của chúng lớn lao đến chừng nào. Tất cả những giá trị ấy được kín múc bởi giá máu là cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Từ đó, người ta càng nhận ra tình yêu mà Thiên Chúa dành cho.
Trong bài Tin mừng thánh Gioan đã đúc kết tình yêu của Thiên Chúa trong một câu ngắn ngủi: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Thực vậy, tình yêu Thiên Chúa biểu lộ một cách hoàn hảo qua công trình sáng tạo, qua những ân huệ Người ban cho nhân loại, nhưng không thể nào so sánh được với tình yêu trao ban chính Con Một. Chiêm ngắm Đức Giêsu chịu giương cao trên Thập giá, người ta sẽ nhận ra tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu đó không phải thứ tình yêu đòi buộc sự đáp trả. Đúng hơn, tình yêu đó mời gọi chúng ta hãy tín trung với Chúa.
Tình yêu của Thiên Chúa thể hiện qua Đức Kitô thật lớn lao, không ai có thể phủ nhận. Phần chúng ta, mỗi người đã đáp lại tình yêu như thế nào mới là điều đáng nói. Thời gian mùa Chay chẳng còn bac nhiêu ngày nữa sẽ hết. Chúng ta đã sống tâm tình mùa Chay ra sao? Mỗi người có để cho tình yêu Thiên Chúa tuôn đổ trên cuộc đời mình, và mong muốn Thiên Chúa tái tạo lại con người yếu hèn của chúng ta hay không?
Thiết nghĩ, Giáo Hội luôn muốn con cái mình thực hành một việc trong suốt mùa Chay này, đó là năng chạy đến tòa giải tội. Nơi ấy, chúng ta sẽ được giao hoà với Thiên Chúa, để Thiên Chúa tái tạo, đổi mới con người mình. Trên hết, nơi tòa giải tội, chúng ta sẽ cảm nhận được Thiên Chúa luôn yêu thương con người, dẫu cho chúng ta có tội lỗi, tệ bạc đến đâu chăng nữa. Liệu chúng ta có dám tin: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô” hay không? Amen.
Học viện Đaminh