THÁNH CATARINA SIÊNA
Thánh Ca‑ta‑ri‑na sinh năm 1347 tại Phôn‑tê‑bơ‑ran‑đa, thành Xi‑ê‑na, nước Ý. Người là con áp út trong gia đình có 25 người con. Được Chúa ban ơn, thánh Ca‑ta‑ri‑na khấn giữ mình trinh khiết từ hồi thơ ấu. Sau khi đã lướt thắng nhiều phiền nhiễu do thân nhân gây ra, thánh Ca‑ta‑ri‑na đã cùng với “các chị em hãm mình của thánh Đa Minh” sống đời nhiệm nhặt, cầu nguyện, chay tịnh và hãm mình. Qua việc chuyên cần chiêm niệm “Chân lý đệ nhất dịu ngọt”, thánh Ca‑ta‑ri‑na cố gắng “nhận biết Thiên Chúa ở trong mình và mình ở trong Thiên Chúa”. Người sống khổ hạnh tại gia cho đến năm 1370, thì, trong một thị kiến, được Đấng Lang Quân truyền ra đi hoạt động tông đồ.
Từ đó, được thêm nhiều ân huệ lạ lùng của Chúa Thánh Thần, và hằng ngoan ngoãn tuân theo sự hướng dẫn của Người, thánh nữ đã dùng “căn phòng tâm hồn” mà liên kết việc chiêm niệm các mầu nhiệm của Thiên Chúa với hoạt động tông đồ kỳ diệu bên ngoài.
Bằng lời lẽ hùng hồn, những lá thư chí tình, chí lý, thánh nữ đã thuyết phục được Đức Giáo hoàng trở về Rô‑ma. Người còn hướng dẫn nhiều người thuộc mọi hoàn cảnh xã hội trên đường thánh đức và bình an.
Tâm hồn thánh nữ bừng cháy lửa mến Chúa, trong nỗ lực trở nên giống Chúa Ki‑tô chịu đóng đinh, nên ngày 1‑4‑1375, thánh nữ vinh hạnh được Chúa in các dấu thánh.
Giáo thuyết của thánh nữ không phải là do công học hỏi. Được coi là “mẫu sư hơn là môn sinh”, thánh nữ đã để lại cho hậu thế nhiều tài liệu đặc sắc về đạo lý và thần học, nhất là cuốn Đối Thoại. Ngay từ lúc đó, người đã được đoàn môn sinh đông đúc gọi là “Mẹ”. Danh hiệu ấy vẫn được duy trì trong đại gia đình Đa Minh cho đến nay.
Thánh nữ qua đời năm 1380 tại Rô‑ma, và được mai táng trong Vương cung thánh đường “Đức Ma‑ri‑a thành Mi‑nê‑va”.
Ngày 29‑6‑1461, Đức Pi‑ô II đã tôn phong người lên bậc hiển thánh, và năm 1970, Đức Phao lô VI đã tuyên phong người làm tiến sĩ Hội Thánh.
Giáo hội Hoa Kỳ đã thấy nơi ĐTC Phanxicô khuôn mặt lòng thương xót Chúa
Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, Đức Tổng Giám Mục Joseph E. Kurtz, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, người đã tháp tùng Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến Tông du đến Hoa Kỳ năm 2015, cho biết người dân Mỹ "đang khao khát" sứ điệp lòng thương xót của Đức Thánh Cha.
Trước hết, đề cập đến sự ra đi của Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám Mục nói: “Không chỉ Giáo hội mà cả thế giới thương tiếc sự ra đi của Đức Thánh Cha Phanxicô”.
Đức Tổng Giám Mục đặc biệt ca ngợi “sứ điệp mục vụ tuyệt vời” trong Tông huấn Evangelii Gaudium - Niềm vui Tin Mừng của Đức Thánh Cha: “Có thể nói văn kiện này gắn kết 12 năm phục vụ của ngài. Tông huấn thực sự xuất phát từ con tim và những ưu tiên của Đức Thánh Cha”.
Nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đặc biệt nhắc lại cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tới Washington, và những bài phát biểu được đánh giá cao của ngài tại cuộc gặp gỡ Quốc hội. Chính Đức Tổng Giám Mục cũng rất xúc động trước bài diễn văn này. Và vì thế, theo nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, những lời của Đức Thánh Cha sẽ được nhớ đến theo nhiều cách, không chỉ trong sử sách của Giáo hội, nhưng còn trong lịch sử của Hoa Kỳ.
Đức Tổng Giám Mục lưu ý sở dĩ những lời đó được ghi nhớ vì Đức Thánh Cha đã nói về tự do và sự cần thiết phải sử dụng tự do một cách đúng đắn cũng như đối xử với con người với phẩm giá. Đặc biệt, Đức Thánh Cha đã nói về những anh hùng Hoa Kỳ, tất cả mọi người từ tiến sĩ Martin Luther King Junior đến Thomas Merton, Dorothy Day, một cách rất cá nhân và gần gũi.
Đức Tổng Giám Mục nói: “Giáo hội và đất nước chúng tôi đã nhìn thấy nơi Đức Thánh Cha Phanxicô khuôn mặt lòng thương xót Chúa. Ngài đã được chào đón rất nồng nhiệt. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy đau thương, vì thế mọi người đều khao khát nghe sứ điệp của lòng thương xót”.
Từng tháp tùng Đức Thánh Cha trong chuyến Tông du qua Washington, New York và Philadelphia, Đức Tổng Giám Mục đề cập đến chặng cuối của cuộc viếng thăm tại Philadelphia, đặc biệt nhà tù. Và ngài rất xúc động khi biết một trong những cuộc viếng thăm mục vụ cuối cùng của Đức Thánh Cha trong dịp Phục sinh cũng lại là tại một nhà tù.
Đức Tổng Giám Mục Kurtz kết luận: “Chắc chắn Giáo hội chúng ta đau buồn, nhưng tôi nghĩ nhiều người trong chúng ta sẽ chỉ nhớ những ký ức đẹp về Đức Thánh Cha của chúng ta”.
Vatican News