16 Tháng Ba 20249:19 CH(Xem: 37)
https://www2.cbn.com/news/world/iranian-muslims-find-jesus-truly-miraculous-ways-god-using-dreams Có nhiều người Hồi Giáo Ba Tư tìm thấy Chúa Giêsu trong những cách thức kỳ diệu. Chúa dùng những giấc mơ để hiện ra với họ. Một trong những người lãnh đạo của một cơ quan thường hay loan truyền Lời Chúa cho những người xứ Ba Tư (Iranians) báo cáo rằng:
16 Tháng Ba 202410:19 SA(Xem: 51)
Nguồn: Spiritdaily.com Đây là một trường hợp phép lạ xẩy ra tại nước Ukraine và đã được công bố. Đó là việc trong 18 ngày, có 45 người bị kẹt dưới hầm tối bởi vì lực lượng người Nga đã tấn công nước Ukraine bằng hoả tiễn. Rồi 45 người ấy được cứu bởi một người phụ nữ mặc quần áo lấp lánh như kim cương. Bà đã đến thăm và ban cho họ thức ăn...
16 Tháng Ba 20247:19 SA(Xem: 33)
Nguồn: Spiritdaily.com Có một lần khác khi Thiên Đàng can thiệp nhưng người ta không được nhìn thấy. Các dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ rằng Chúa luôn can thiệp. Vào ngày 13/10/1972, có một chiếc máy bay chở một nhóm người Uruguay bị rớt máy bay tại vùng Andes....
16 Tháng Ba 20246:42 SA(Xem: 38)
Nguồn: Spiritdaily.com Trong một số các tai nạn thì người ta được nhìn thấy có Chúa Giêsu và Đức Mẹ hiện diện để cứu giúp các nạn nhân và bảo vệ những người bị thương tích.
16 Tháng Ba 20246:08 SA(Xem: 32)
Nguồn:Spiritdaily.com, Forums of the Virgin Mary Có khi Thiên Đàng can thiệp trong lúc có tình hình căng thẳng và hỗn độn xẩy ra. Có bao giờ mà bạn tự hỏi xem liệu cuộc đời mình có sự giúp đỡ của Thiên Đàng hay không?
14 Tháng Ba 20246:59 CH(Xem: 51)
https://www.catholicnewsagency.com/news/257022/8-of-the-most-popular-novenas Tuần Cửu Nhật là một truyền thống cầu nguyện lâu dài trong đạo Công Giáo. Đó là lời cầu nguyện trong 9 ngày liên tiếp. Thật ra thì Tuần Cửu Nhật là để cầu xin Chúa ban cho ta một ý chỉ nào đặc biệt.
12 Tháng Ba 20247:28 CH(Xem: 51)
Nguồn: Spiritdaily.com Có một tác giả tên Jeffery Poor đã nói như sau: “Một ngẫu tượng là một vật gì hay một người nào trở nên quan trọng hơn là Chúa đối với chúng ta. Cũng có khi một sự vật tốt có thể trở thành ngẫu tượng khi chúng ta cho nó là điều quan trọng không thể thiếu được trong cuộc đời. Vậy bất cứ điều gì hay người nào cũng có thể trở nên một ngẫu tượng khi
12 Tháng Ba 20247:01 CH(Xem: 46)
Nguồn: Spiritdaily.com Hãy mở Thánh Kinh ra và để cho Thánh Kinh nói chuyện với chúng ta. Thánh Kinh có thể trả lời những câu hỏi của bạn. Tại sao thế giới này quá tối tăm? Tại sao lại có sự dữ ở khắp mọi nơi? Tại sao những kẻ lãnh đạo trên trái đất này lại có nhiều vấn đề như thế?
12 Tháng Ba 20246:07 CH(Xem: 47)
Nguồn: Spiritdaily.com Bà Cindy Shepard, một cư dân ở vùng North Syracuse, tiểu bang New York kể về giấc mơ của bà như sau:
11 Tháng Ba 20249:29 CH(Xem: 59)
Nguồn: Spiritdaily.com Có những người nhận được giấc mơ như là điều báo trước về câu chuyện sẽ xẩy ra. Ông Rich Mitrak đang cư ngụ tại tiểu bang Michigan đã kể về một giấc mơ của ông như sau:

Kitô hữu và sự chết

25 Tháng Tám 201811:48 SA(Xem: 1565)
GOD10Kitô hữu và sự chết

Đã làm người thì ai cũng phải chết. Chúng ta chỉ được sống một lần và phải chết một lần. Ngay khi bắt đầu có sự sống, chúng ta đã mang trong mình mầm mống của cái chết rồi. Có sinh ắt có tử. Sinh bệnh lão tử... Đó là số phận nghiệt ngã của nhân loại chúng ta.
Mỗi lần tham dự thánh lễ an táng của một người anh chị em Ki-tô hữu nào đó, chúng ta đều nghe vang câu kinh, tiếng hát sau: “Đời sống con người chóng qua như cỏ, / như bông hoa nở trong cánh đồng. / Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, / nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích “ (Đáp Ca thánh lễ an táng cầu hồn “Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu”; x.Tv 103, 15-16: “Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi, / tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, / một cơn gió thoảng là xong, / chốn xưa mình ở cũng không biết mình”).

Con người xem ra hoàn toàn bất lực trước sự chết, mặc dù họ vẫn miệt mài đi tìm một lời giải đáp thỏa đáng và ra công chế tạo những phương thuốc trường sinh bất tử. Công đồng Vat. II đã nói lên tình trạng của con người trước cái chết như sau: “Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên tới tột độ. Con người không những bị hành hạ bởi đau khổ và sự tiến dần đến tan rã của thân xác, mà hơn thế nữa, còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời... Mọi cố gắng của kỹ thuật, dù rất hữu ích, cũng không thể làm nguôi được nỗi lo âu của con người: bởi vì đời sống sinh vật, dù có được kéo dài thêm đi nữa, cũng không thể thỏa mãn được khát vọng một cuộc sống mai hậu đã được in sâu trong lòng con người” (Hiến chế Vui mừng và Hi vọng / GS số18).

Không ai trong chúng ta có một chút kinh nghiệm cụ thể nào về sự chết, chính vì thế mà ai ai cũng sợ hãi khi đối diện với cái chết. Thực vậy, “Với cách nhìn nhận thông thường, chết là một cuộc vĩnh biệt đơn độc và hãi hùng nhất. Không ai có thể đau khổ và chết thay cho nhau, cho dù đó là người thân yêu nhất. Các triết gia xưa nay đều mải miết đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Con người từ đâu đến và đi về đâu? Tại sao con người lại đau khổ và phải chết? Nhiều triết thuyết ra đời để lý giải cho câu hỏi này. Những triết thuyết mang chữ ‘duy’ không giải đáp rốt ráo về nguyên lý của sự chết. Những thuyết không tìm ra ý nghĩa đích thực của đau khổ và sự chết thì thấy cuộc đời chỉ toàn bế tắc, có muôn vàn mâu thuẫn và xáo trộn” (Hàn Cư Sĩ, bài “Đau khổ và sự chết”, nguồn tinmung.net).

Mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ an táng hay dự buổi đọc kinh cầu nguyện cho một người tín hữu đã qua đời, thường chúng ta mang hai tâm trạng trái ngược nhau. Một là đau buồn, xót xa vì phải chia lìa vĩnh viễn người quá cố, hai là vui mừng và hi vọng vì tin rằng “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Không người Ki-tô hữu nào mà lại không xác tín rằng chết là một cuộc ly trần để vượt qua thế gian này về Nhà Cha. Chết là chấm dứt cuộc đời trần thế. Riêng đối với những người chết trong ân sủng Đức Ki-tô, chết là về với Chúa, là được lên thiên đàng, là tham dự vào cái chết của Chúa để sau cùng được thông dự vào sự Phục sinh vinh quang của Ngài.

ĐTC Phan-xi-cô, khi nói về Thiên đàng là đích điểm niềm hy vọng Ki-tô giáo, đã chia sẻ như sau: “Trong giờ chết, Kitô hữu lập lại với Chúa Giêsu: ‘Xin Chúa nhớ đến con’. Và cho dù không còn ai nhớ đến chúng ta, Chúa Giêsu vẫn ở đó cạnh chúng ta. Ngài muốn đưa chúng ta vào nơi đẹp đẽ nhất. Ngài muốn đưa vào đó với ít nhiều điều thiện trong cuộc sống chúng ta, để không điều gì bị mất đi khỏi những gì Ngài đã cứu chuộc. Và trong nhà Cha, Ngài cũng mang tất cả những gì ở trong chúng ta cần được cứu chuộc: những thiếu sót và những sai lầm trong trọn cuộc sống. Đó là mục đích cuộc sống của chúng ta: tất cả được hoàn thành, được biến đối trong tình thương…

“Nếu chúng ta tin điều đó, thì cái chết không còn làm cho chúng ta sợ hãi nữa và chúng ta cũng có thể hy vọng rời khỏi thế giới này một cách thanh thản, với bao nhiêu lòng tín thác. Ai đã biết Chúa Giêsu, thì không còn sợ hãi gì nữa. Và chúng ta cũng có thể lập lại những lời của cụ già Simeon, cụ cũng đã được phúc gặp gỡ Chúa Kitô, sau trọn cuộc đời chờ đợi: ‘Giờ đây, lạy Chúa, xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an, theo lời Ngài, vì mắt con đã thấy ơn cứu độ của Chúa’ (Lc 2,29-30)” (Nguồn vi.radiovaticana.va/news).

* Ý NGHĨA CÁI CHẾT CỦA KI-TÔ HỮU

- Sự sống thay đổi chứ không mất đi

Sách GLHTCG số 1012 viết: “Cái nhìn Ki-tô giáo về sự chết được diễn tả đặc biệt trong phụng vụ: ‘Lạy Chúa! Đối với chúng con là những tín hữu, sự sống thay đổi chứ không mất đi; và khi nơi trú ngụ dưới trần gian bị hủy diệt, chúng con được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời’ (Sách lễ Rô-ma, kinh tiền tụng cho kẻ qua đời)”.

Như vậy khi chết, chúng ta chấm dứt cuộc đời trần thế, để từ trần gian, xác thịt bước vào cõi sống thiên thai, thần linh. Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su trong tập sách về những lời cuối cùng, đã thốt lên: “Tôi không chết, nhưng đang bước vào cõi sống”. Sự chết chính là ngưỡng cửa để con người bước vào sự sống khác, như lữ khách vượt qua dòng sông sang bờ bên kia để đến miền đất tươi sáng, diệu kỳ, vĩnh cửu. Ngay cả những Ki-tô hữu bình thường cũng có cảm nhận lạc quan về sự chết. Chẳng hạn, nhà soạn nhạc thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart đã nói: “Tôi cảm ơn Chúa đã độ lượng ban cho mình cơ hội để hiểu rằng cái chết là chìa khóa mở cánh cửa dẫn tới chân hạnh phúc”. Còn ca sĩ kiêm nhạc sĩ nổi tiếng John Lennon cũng đã phát biểu: “Tôi không sợ chết vì tôi không tin vào nó. Đó chỉ là ra khỏi xe này và vào xe khác”.

Đức tin Ki-tô giáo cho ta biết rằng khi chết thì thân xác tiêu tan nhưng linh hồn thì tồn tại và sẽ trở về với Thiên Chúa để được xét xử. Thực vậy, “Ngay khi lìa khỏi xác, linh hồn bất tử sẽ chịu phán xét riêng để được thưởng hay bị phạt đời đời; tùy theo đời sống của mình trong tương quan với Đức Ki-tô, linh hồn hoặc phải trải qua một cuộc thanh luyện hoặc được hưởng phúc trên trời hoặc sa địa ngục vĩnh viễn ” (GLHTCG số 1022).

Đối với chúng ta, là con cái Thiên Chúa, Đấng nguồn mạch sự sống, thì sự chết chính là biến cố đưa ta vào cõi sống. Thánh Phao-lô đã từng mong chết để được sống, ngài nói: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi…” (Pl 1, 21-23), và “Chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (2Cor 5, 8).

- Chết là đi về Nhà Cha

Qua cái chết, Thiên Chúa gọi chúng ta về với Người. Vì thế đối với cái chết, Ki-tô hữu có thể mong ước như thánh Phao-lô: “Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô” (Pl 1, 23); theo gương Đức Ki-tô, họ có thể biến cái chết của mình thành một hành vi vâng phục và yêu mến đối với Chúa Cha (x. GLHTCG số 1011). Thánh nữ Tê-rê-sa Giê-su Vida I đã nói: “Tôi muốn gặp Thiên Chúa và để gặp Người tôi phải chết”.

Cái chết là sự chấm dứt cuộc sống tạm bợ này để sau đó con người được trở về cõi sống vĩnh hằng trong Thiên Chúa. Chính vì vậy mà các tín hữu khi nói lời phân ưu đến tang quyến có người qua đời, thường cầu mong cho linh hồn người quá cố sớm về với Chúa trên Nước Thiên Đàng…

Đức Giê-su khi biết mình sẽ phải chết, đã nhắc đến cuộc ra đi vượt qua của Ngài để các môn đệ yên tâm và không hoảng sợ trước sự chết. “Lòng anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (Ga 14, 1-2).

Chúa dọn chỗ cho chúng ta để Ngài ở đâu chúng ta cũng được ở đó với Ngài. “Ở-một-chỗ-với-Chúa” chính là sự hiệp thông thần linh, kỳ diệu với Thiên Chúa, trong Thiên Chúa, một ân huệ mà Đức Giê-su đã hứa chia sẻ cho các môn đệ. “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17, 24).

Trong lịch sử Hội thánh, không ít các vị thánh đã được ơn thị kiến nhờ đó các ngài đã có thể nếm trải hạnh phúc được “thấy” Thiên Chúa như thế nào.

Sau đây là cảm nghiệm về sự chết của thánh nữ Têrêxa Avila.

“Thánh nữ Têrêxa Avila, một trong những vị đại thánh thuộc Giáo Hội Công Giáo, thường hay được trải nghiệm tình trạng xuất thần. Những gì thánh nữ trình bày sau đây hoàn toàn đồng hóa với một sự cảm nghiệm về sự chết:‘Tôi cảm thấy mình được đưa lên trời và những người đầu tiên tôi nhìn thấy ở đó là hai ông bà thân sinh của tôi’.

“Và thánh nữ cũng so sánh những cảm nghiệm của bà với sự chết. Bà thường nói về giây phút ‘…khi linh hồn thoát ra khỏi ngục tù giam hãm nó trong một giây lát và được đưa vào trong sự an bình yên tĩnh…và sự mạc khải về những điều thật cao siêu mà linh hồn chiêm ngắm trong lúc xuất thần như thế, thì đối với tôi là một điều hết sức tương tự giống như sự linh hồn lìa ra khỏi xác… Linh hồn chấp nhận điều đó’.

“Thánh nữ tâm sự là bà được kết hiệp với Thiên Chúa. Và từ đó bà nhận thức được một cách chắc chắn rằng bà hoàn toàn không thể rời bỏ đức tin đó được, bà nói:‘…Tôi đã không biết được rằng Thiên Chúa hiện hữu trong mọi sự, và theo tôi là một điều bất khả, là Thiên Chúa lại hiện diện cách thân tình với tôi dường ấy, như tôi đã trải nghiệm được điều đó’.” (Lm Nguyễn Hữu Thy, bài “Cái nhìn khách quan và độc lập về sự chết (3)”, nguồn VietCatholic News 21-11-2008).

-Phúc cho ai được chết trong Chúa

Sách Khải Huyền đã viết: “Tôi nghe có tiếng từ trời phán rằng: ‘Ngươi hãy viết: Ngay từ bây giờ, phúc thay những người đã chết, mà được chết trong Chúa!’ Thần khí phán: ‘Phải, họ sẽ được nghỉ ngơi, không còn vất vả và nhọc nhằn nữa, vì các việc họ làm vẫn theo họ’ “ (Kh 14, 13).

Người ta thường nói “Sống thế nào, chết thế ấy”. Nếu trong cuộc sống thường ngày của mình, Ki-tô hữu chúng ta sống gắn bó mật thiết với Chúa thì chắc chắn lúc ta lìa đời, ta sẽ gặp được Chúa. Sự chết không còn bi đát nữa mà sẽ trở thành cuộc hội ngộ thần thiêng. Đúng như lời thánh Phao-lô đã viết: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi…” (Pl 1,21-23). Sống mật thiết gắn bó với Chúa cũng có nghĩa là chúng ta thông hiệp vào sự chết cứu chuộc của Ngài, để nên đồng hình đồng dạng với Ngài, trong sự chết cũng như trong sự sống lại, trong đau khổ cũng như trong vinh quang. Trong thư Rô-ma, thánh Phao-lô đã khẳng định: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Ngài” (Rm 6, 8).

Cuộc sống của Ki-tô hữu trên dương thế sẽ có kết cục thế nào đó là tùy vào sự chọn lựa và đáp ứng của ta đối với Đức Ki-tô và với Tin Mừng của Ngài. Nếu chúng ta đã sống cho Chúa, vì Chúa, trong Chúa thì cũng sẽ chết cho Ngài, vì Ngài và trong Ngài. Và phần thưởng của những ai đã sống-chết cho Chúa, vì Chúa, đó là sự sống đời đời. “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 8, 51). Ở chỗ khác, Chúa Giê-su cũng đã nói: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12, 25). Thánh Phao-lô cũng khẳng định, “Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14, 7-8).

Thực vậy, “Theo kế hoạch của Thiên Chúa, cái chết của con người không mang tính chết chóc, nhưng là một định hướng cho cuộc sống mới. Là người Kitô hữu, chúng ta ‘chết cho Chúa’ cũng như đã sống cho Ngài (x. Rm 14, 7). Nhờ cái chết, chúng ta ‘tôn vinh Thiên Chúa’ (Ga 21, 19) để đáng hưởng triều thiên sự sống (x. Kh 2, 10). Từ nỗi khắc khoải không thể tránh được, sự chết trở nên một đối tượng của toàn phúc: ‘Phúc thay những kẻ chết trong Chúa’ (Kh 14, 13), vì nhờ đó Chúa đưa chúng ta đến nơi an nghỉ muôn đời, đến miền ánh sáng vô tận” (LM Thái Nguyên, bài “Suy gẫm về sự chết”, nguồn simonhoadalat.com).

* THÁI ĐỘ & TÂM TÌNH CỦA KI-TÔ HỮU TRƯỚC SỰ CHẾT

Bình thường trước sự chết, ai cũng lo sợ, nhưng nhờ có sự nâng đỡ của đức tin, Lời Chúa và các bí tích, Ki-tô hữu chúng ta sẽ bớt sợ hãi. Thánh Inhaxiô Antiôkia trong thư gửi giáo đoàn Rô-ma đã khẳng định như sau: “Đối với tôi, chết trong Đức Giê-su Ki-tô còn hơn là được cai trị cả thế gian. Tôi đang đi tìm Đấng đã chết cho chúng ta: tôi đang khao khát Đấng đã phục sinh cho chúng ta. Giờ tôi được sinh ra (trong cuộc sống vĩnh cửu) đã gần kề... Anh em hãy để tôi nhận lãnh ánh sáng tinh tuyền, khi nào tôi tới được đó, tôi mới thực sự là một con người” (Rm 6, 1-2) (x. GLHTCG số 1010).

Sở dĩ các thánh và những người công chính mạnh mẽ và lạc quan chấp nhận sự chết như một biến cố đáng mong đợi, đó là vì các ngài đã luôn sống trong tỉnh thức và tín thác. Đó là thái độ khôn ngoan và sáng suốt của người Ki-tô hữu chân chính. Bởi ai cũng biết rằng, cái chết luôn luôn đến bất ngờ và không chừa một ai.

. Tỉnh thức và tín thác

Sách GLHTCG số 1014 viết như sau: “Hội thánh khuyên chúng ta chuẩn bị cho giờ chết (‘Xin cứu chúng con khỏi chết bất đắc kỳ tử’: kinh cầu các thánh cũ); khấn xin Mẹ Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta ‘trong giờ lâm tử’ (Kinh Kính Mừng) và trông cậy vào Thánh Giu-se là bổn mạng kẻ ‘mong sinh thì’: ‘Trong mọi hành động, trong mọi suy tư của con, con phải xử sự như hôm nay con phải chết. Thà giữ mình không phạm tội, hơn là trốn tránh sự chết. Nếu hôm nay con chưa sẵn sàng chết, thì làm sao ngày mai con sẵn sàng được’ (x. Sách Gương Chúa Giê-su)”.

Thánh Phan-xi-cô Assisi đã cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, chúc tụng Chúa vì chị chết mà không ai thoát khỏi được. Vô phúc cho người chết trong tội trọng và diễm phúc cho người được chết trong ân nghĩa Chúa, vì cái chết lần thứ hai sẽ không làm cho họ đau khổ” (x. GLHTCG số 1014).

Chúng ta phải sẵn sàng chờ Chúa đến trong giờ chết của chúng ta với một tâm thế tỉnh thức và sẵn sàng.

“Tỉnh thức là ở trong tư thế sẵn sàng đón Chúa bất cứ lúc nào, sẵn sàng cả trong khi ngủ, ngủ trong an bình như các cô trinh nữ khôn ngoan, như Thánh Phanxicô de Sales đã nói rằng: “Sự chờ đợi đích thực có nghĩa là chờ đợi mà không lo lắng gì cả”.

“Tỉnh thức là cũng là dấn thân chu toàn bổn phận như người quản gia được giao trách nhiệm phân phát lương thực cho các gia nhân (x. Mt 24, 45-51; Lc 12, 42-46).

“Tỉnh thức là luôn chủ động làm cho những nén vàng, nén bạc Chúa trao được sinh lợi (x. Mt 25, 31-46).

“Tỉnh thức để nhận ra Chúa nơi người anh em bé mọn, khốn khổ, bất ngờ đến với mình và nài xin mình trợ giúp. Thật thế, Đức Kitô đến với chúng ta qua hiện thân người đói khát, rách rưới, một người yếu đau, lỡ đường, thậm chí một phạm nhân trong nhà giam như chính Ngài đã khẳng định (x. Mt 25, 31-46). Ai tỉnh thức đón nhận những người bé mọn này là đón nhận Ngài, được Ngài đưa vào dự tiệc dành sẵn đời đời.

“Mang tâm tình tỉnh thức, chúng ta sẽ luôn có thái độ sẵn sàng như cha Charles de Foucault khuyên nhủ: “Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay” (LM Đan Vinh, bài “Tỉnh thức và cầu nguyện”, nguồn tinvui.org).

. Vui mừng và hi vọng

Xưa nay, người ta vẫn thường liên tưởng đến sự chết như là một giấc ngủ ngàn thu. Vì thế rất nhiều người đã thường viết ba chữ in hoa R.I.P, là chữ tắt của cụm từ “Yên nghỉ trong bình yên”, nghĩa của câu tiếng la-tinh “Requiescat In Pace”, để hướng về người chết và về những nơi chôn cất những người qua đời.

Thực vậy, “Người chết (tiếng la-tinh là defungi) là người đã vĩnh viễn hoàn tất đời mình. Là người Kitô hữu, chúng ta phải biết đón nhận sự hoàn tất đó với một tâm hồn bình an cao cả, vì mạc khải Kitô giáo đã cho biết rằng cái chết như cánh cổng to lớn mở vào thánh điện an vui vĩnh hằng. Như thánh Phaolô đã xác định: vào ngày cuối cùng, cái hư hoại trong ta sẽ trở nên bất hoại, cái khả tử sẽ nên bất tử (x. 1Cor 15, 53)” (LM Thái Nguyên, bài “Suy gẫm về sự chết”, nguồn simonhoadalat.com).

Thực ra, chết không phải là yên nghỉ mà là tiếp tục sống. Vì cái chết chính là ngưỡng cửa đi vào đời sống vĩnh cửu. Với người Ki-tô hữu, “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” (Thánh Phanxicô Assisi). Quả thật, với một cái nhìn đầy lạc quan và hy vọng, một sự cảm nhận thâm sâu về thực tại vĩnh cửu ngay bên cạnh giờ phút lâm chung, thi sĩ Tagore đã thốt lên: “Bởi yêu cuộc đời nên tôi cũng yêu cả sự chết”.

Sách Khải Huyền cũng đã mở ra một viễn ảnh tươi sáng, huy hoàng, huyền diệu về một trời mới đất mới, “Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: ‘ Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất’ ” (Kh 21, 3-4)./.

Aug Trần Cao Khải