24 Tháng Tư 20249:29 CH(Xem: 3)
8 ĐIỀU HỨA CỦA ĐỨC MẸ KHI MẶC ÁO ĐỨC BÀ MẦU NÂU Áo Đức Bà Mầu Nâu làm một Á Bí Tích của người Công Giáo. Khi mặc áo Đức Bà Mầu Nâu thì Đức Mẹ Maria sẽ bảo vệ chúng ta khỏi mọi sự dữ. Sau đây là 12 điều hứa của Đức Mẹ khi ta mặc Áo Đức Bà. 1. Những ai chết mà mặc Áo Đức Bà Mầu Nâu thì sẽ không rớt vào lửa hoả ngục đời đời.
22 Tháng Tư 20245:35 CH(Xem: 46)
Nguồn: Internet Thánh Gioan John Vianney và quyền năng của Áo Đức Bà Mầu Nâu.
22 Tháng Tư 20245:32 CH(Xem: 57)
Năm 2004, tôi đã dịch và viết nhiều sách trong năm này. Một trong những tác phẩm mà tôi đã dịch và sưu tầm có tên là 50 Tuần Cửu Nhật Gõ Cửa Thiên Đàng. Sau đây là bản dịch mà tôi đã cố gắng dịch thuật, bản chính ở phía dưới bằng tiếng Anh là từ Cố LM Don Dolindo Ruotolo. Ngài là một nhà thần bí người Ý. Những lời cầu này là do Chúa Giêsu ban cho Cố LM...
18 Tháng Tư 20249:08 CH(Xem: 72)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Cố LM Don Dolindo có những cảm nghiệm rất hay. Khi còn nhỏ, ngài chịu nhiều sự bách hại và khổ đau. Bằng cách nào mà ngài đã cố gắng ngửng đầu cao lên khỏi bể nước và luôn vui vẻ? Chúa Thánh Thần đã khơi nguồn cảm hứng cho ngài với lời cầu nguyện đơn sơ như sau:
18 Tháng Tư 20248:35 CH(Xem: 59)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Lúc gần đây có nhiều người biết đến hiện tượng: "Padre Pio of Naples", đó là điều mô tả về cố linh mục Don Dolindo Ruotolo. Ngài qua đời vào năm 1970, chỉ hai năm sau khi Padre Pio qua đời vào năm 1968. Ngài đang làm việc một cách hữu hiệu từ Thiên Đàng. Ngài an ủi, dỗ dành, chữa lành cho rất nhiều người khỏi chứng bịnh lo âu,
18 Tháng Tư 20247:58 CH(Xem: 48)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Có một gương sáng lớn nhất, đó là chính Chúa Giêsu. Kẻ dữ độc ác đã đóng đinh Chúa Giêsu, Con Chí Thánh của Chúa Cha ở trên cây thánh giá. Lúc đó, Satan nghĩ rằng hắn đã chiến thắng. Nhưng sự thật thì trái lại. Đó là bởi vì Chúa đã biến đổi sự dữ ấy thành sự thiện.
18 Tháng Tư 20243:58 CH(Xem: 61)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Sr. Emmanuel viết: Có một phụ nữ gõ cửa nhà tôi. Trông cô ấy thật là quá đau khổ, xuống sắc và thiểu não. Đôi mắt, đôi má và cái miệng của cô trông rất là buồn thảm và héo hắt. Cô bắt đầu kể lể về mọi nỗi thống khổ của mình.
17 Tháng Tư 20249:07 CH(Xem: 56)
https://luisapiccarreta.com/other-category/cristina-montella-sister-rita-of-the-holy-spirit-the-little-girl-of-padre-pio/ 1. Thời thơ ấu Nữ tu Cristina Montella được sinh ra tại vùng Cercola (Naples) vào ngày 3/4/1920. Khi cô bé được 2 tuổi, cô đang ở chơi nhà một người cô thì nhìn thấy một bức hình của Thánh Gerard Majella,
17 Tháng Tư 20244:44 CH(Xem: 55)
Đức Mẹ Guadalupe hiện ra ở Tepeyac, Mexico City, nước Mễ Tây Cơ từ ngày 9/12/1531 đến ngày 12/12/1531 và chữa lành rất nhiều người, dù rằng người ta đã chết nhưng vẫn được Mẹ cho sống lại.
17 Tháng Tư 20241:58 CH(Xem: 46)
Tồi vừa được xem một video clip tiếng Anh ngắn. Cậu bé chừng 6 tuổi mơ thấy mình lên Thiên Đàng. Sáng hôm sau, cậu kể câu chyện mẹ mình: -Mẹ ơi, con gặp một người chị của con ở Thiên Đàng. -Ủa, con chỉ có một người chị ở đây thôi mà.

LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY CHÚA NHẬT TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN, C

25 Tháng Mười Một 20195:44 SA(Xem: 1041)

dgh1LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
CHÚA NHẬT TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN, C
ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ
TIN MỪNG : Lc 23,35-43

Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, dân chúng thì đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo : “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn !” Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói : “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi !” Phía trên đầu Người, có bản án viết : “Đây là vua người Do-thái.”

Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người : “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao ? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với !” Nhưng tên kia mắng nó : “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái !” Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su:

“Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !” Và Người nói với anh ta : “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”

SUY NIỆM-DẤU CHỨNG TÌNH YÊU

Năm 1980, đài phát thanh Vienne nước Áo truyền đi một bài phỏng vấn vô cùng cảm động. Phóng viên phỏng vấn một nữ sinh viên đang từng ngày nằm chờ chết trong bệnh viện: “Tôi đọc thấy trên gương mặt của cô niềm vui và hy vọng. Xin hỏi, cô còn chờ đợi gì nơi cuộc sống này?” Cô gái mỉm cười nói : “Tôi chờ đợi mọi sự từ cuộc sống. Nhưng trên hết mọi sự là tình yêu của Chúa. Chính Người đã cho tôi nếm thử thiên đàng. Chỉ có như thế tôi mới đương đầu được với những đau khổ đang đè nặng trên tôi.”


Tin Mừng cho ta thấy khuôn mặt của một vị Vua hiền hoà, khiêm tốn, vị Vua của mọi gia đình, Vua bình an nơi tâm hồn chúng ta. Vị Vua ấy chịu treo trên thập giá để đền thay tội lỗi chúng ta. Chính Người đã dùng giá máu để cứu chuộc nhân loại như là dấu chứng cho một tình yêu bất diệt. Tình yêu của một vì Thiên Chúa đã cúi xuống để nâng con người sa ngã lên.


Con người hôm nay ra như đã lìa bỏ Chúa. Họ dễ bị cám dỗ bởi tiền tài, danh vọng phù hoa, nên cũng dễ dùng quyền lực để trấn áp người khác, chà đạp lên cả nhân phẩm của người khác nữa. Ai cho họ cái quyền đó? Vậy mà, Thiên Chúa vẫn yêu thương con người, ban chính Con Một làm giá cứu chuộc nhân loại. Và giờ đây, Đức Giêsu vẫn đang đồng hành với con người để xây dựng một vương quốc yêu thương.

Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống mầu nhiệm thập giá, suy nghĩ về thập giá chiến thắng, qua đau khổ đến vinh quang.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)


LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa, xin ngự đến và làm vua cõi lòng chúng con. Xin cho vương quốc tình yêu mà Ngài đã và đang xây dựng được triển nở trong thế giới này. Amen.


TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

Chúa Giêsu là tư tế từ lúc nào?

Các linh mục là những thừa tác viên của Chúa Giêsu thượng tế. Nhưng Chúa Giêsu là tư tế từ lúc nào: từ muôn thuở, hay là từ khi chào đời, hoặc là lúc chết trên thập tự?

Trước khi trả lời câu hỏi, thiết tưởng nên lưu ý về từ ngữ. Trong năm dành cho các linh mục (2009) chúng ta bàn về Đức Kitô tư tế, chứ không bàn về Đức Kitô linh mục, bởi vì Đức Kitô là tư tế chứ không phải là linh mục. Thực ra các linh mục thông dự vào cả ba chức vụ của Đức Kitô ngôn sứ, tư tế và vua. Mặt khác trong tiếng Hán Việt, danh từ “tư tế” gợi lên ý tưởng “thờ cúng”, còn trong tiếng latinh, sacerdos còn hàm ngụ thêm tư tưởng “thánh hóa” nữa, như các giáo phụ thường phân tích tầm nguyên của tiếng sacerdos, gồm bởi sacra dos / sacra dans, có nghĩa là: ban cấp những đồ thánh). Khi nói đến chức tư tế của Chúa Giêsu, các nhà chú giải Kinh Thánh đã đưa ra nhiều nhận xét thú vị, mà tôi chỉ muốn dừng lại ở hai điểm. Thứ nhất, trong Tân ước, duy chỉ lá thư gửi cho các tín hữu Hipri (quen gọi là gửi các tín hữu Do thái) đề cập đến chức tư tế của Đức Kitô, còn những tác phẩm khác thì không đả động gì đến chức vụ ấy. Thứ hai, tác giả lá thư gửi cho các tín hữu Hipri, khi đề cập đến chức tư tế của Đức Kitô, luôn nhấn mạnh rằng Đức Kitô là một tư tế độc nhất vô nhị, hoàn toàn khác với các tôn giáo khác, cách riêng là khác với đạo Do thái.


Tại sao ngoài lá thư gửi cho các tín hữu Hipri, các tác giả Tân ước không gọi Đức Kitô là tư tế?


Theo các sách Tin Mừng, đức Kitô được người đương thời gọi bằng nhiều biệt hiệu, tựa như: “ngôn sứ, Rabbi (tôn sư, thầy), Mêsia”, nhưng không hề được gọi là “tư tế”. Đã có nhiều giả thuyết được nêu lên để giải thích sự kiện này. Ý kiến đơn giản hơn hết là bởi vì Đức Giêsu không xuất thân từ dòng dõi tư tế. Trong xã hội Do thái thời đó, chức vụ tư tế được dành cho dòng tộc Lêvi (mang tính cách cha truyền con nối). Chúng ta biết rằng ông Gioan Tẩy giả là con của ông Dacaria, thuộc dòng tư tế, còn Đức Giêsu lại thuộc dòng tộc Giuđa. Tuy nhiên, người ta còn đưa ra những giải thích sâu xa hơn, đó là các tác giả sách Tin mừng không có thiện cảm đối với hàng ngũ tư tế Do thái. Ta có thể thấy hai thí dụ. Trong dụ ngôn về người Samari nhân hậu, một thầy tư tế và một thầy Lê-vi thấy kẻ bị thương nằm bên vệ đường nhưng thiếu lòng trắc ẩn và quay mặt bỏ đi. Nhưng bi đát hơn nữa, vị Thượng tế tại Giêrusalem là kẻ chủ mưu thủ tiêu Đức Giêsu: điều này được nêu bật trong Tin mừng nhất lãm cũng như trong Tin mừng thứ bốn (Mc 12,10; Ga 11,47-50). Vì thế, hàng ngũ tư tế Do thái không những là xa cách đạo lý của Đức Giêsu mà còn chống đối Người nữa.


Tóm lại, theo sách Tin mừng, Đức Giêsu không phải là tư tế hay sao?


Đúng thế, theo sách Tin mừng, Đức Giêsu không phải là tư tế, không tự xưng mình là tư tế, và không được người đương thời coi là tư tế. Tuy nhiên, dưới một khía cạnh khác, Đức Giêsu đã có những cử chỉ và lời nói tương đương với chức vụ của vị tư tế, được hiểu theo một ý nghĩa mới, chẳng hạn như khi giải thích sứ mạng của mình, Người nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45). Ý tưởng này được lặp lại trong bữa Tiệc Ly, khi trao tấm bánh và chén rượu cho các môn đệ, Người nói: “Đây là Mình Thầy, được hiến ban cho anh em ... đây là chén giao ước mới, lập bằng máu của Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 20,19-20). Ta có thể hiểu như là Đức Giêsu muốn khai trương một giao ước mới, một hy lễ mới, một phụng tự mới, một đền thờ mới.

Điều này có thể được nhận ra khi thánh Matthêu viết rằng bức màn trướng trong đền thờ Giêrusalem bị xé đôi vào lúc Đức Giêsu tắt thở trên thập giá. Thánh Gioan thì còn nói mạnh hơn nữa. Ở chương hai, Chúa Giêsu bảo rằng hãy phá đền thờ Giêrusalem đi, bởi vì chính thân thể của Người là đền thờ mới (2,21); bước sang chương 4, Người nói với người phụ nữ Samari rằng đã đến lúc không cần lên đền thờ Giêrusalem để thờ phượng Chúa Cha nữa (4,21). Và Chúa Giêsu đã chết trên thập giá vào lúc cử hành lễ Vượt qua: từ nay trở đi chính Người là hy lễ Vượt qua mới. Nói tóm lại, Đức Giêsu không phải là tư tế hiểu theo đạo Do thái, nhưng là tư tế hiểu theo một nghĩa mới. Đó là điều mà tác giả thư gửi Hip-ri muốn khai triển.

Tác giả thư gửi người Hip-ri trình bày Đức Giêsu như là tư tế, nhưng Người làm tư tế từ lúc nào?

Như đã nói trên đây, thư gửi Do thái là tác phẩm duy nhất trong Tân ước gọi Đức Kitô là tư tế, nhưng đồng thời tác giả cũng rào trước đón sau, nhằm nêu bật rằng chức tư tế của đức Kitô mang tính cách độc nhất vô nhị. Điều thứ nhất mà tác giả muốn lưu ý là Đức Kitô không xuất thân từ hàng tư tế Do thái (được đồng hóa với hàng tư tế thuộc dòng Aaron), nhưng Người là tư tế theo phẩm trật Melkiseđec. Thứ đến, một đặc trưng nữa, Đức Kitô là Người dâng chính bản thân mình làm hy lễ, chứ không phải là hy lễ chiên bò tựa như các tôn giáo khác.

Tư tế theo phẩm trật Melkisedec có nghĩa là gì?

Đây là một điều đã gây rất nhiều tranh cãi giữa các nhà chú giải Kinh thánh. Ông Melkisedec là một nhân vật huyền bí, được nhắc đến hai lần trong toàn thể Cựu ước. Lần thứ nhất, ở chương 14 của sách Sáng thế, khi kể chuyện cuộc đời ông Abraham. Melkisedec được giới thiệu như là vua của Salem và tư tế của El-Elyon (Thượng đế); ông chúc lành cho ông Abraham. Lần thứ hai là ở thánh vịnh 110, 4 (được phụng vụ sử dụng trong Kinh Chiều Hai của các Chúa Nhật). Không ai hiểu rõ tông tích họ hàng của ông. Tác giả thư gửi Hipri lợi dụng chỗ này để giới thiệu Đức Kitô như là thượng tế từ trời cao, không cha không mẹ (Dt 7,3).

Đến đây chúng ta bước vào những cuộc tranh luận sôi nổi trong lịch sử thần học Kitô giáo về chức vụ tư tế của Đức Kitô. Các tác giả đã tranh luận về lúc mà Đức Kitô trở thành tư tế (nói nôm na là “được phong chức”). Sở dĩ có sự bất đồng ý kiến là bởi vì trong thư gửi Hipri, có nhiều đoạn văn xem ra mâu thuẫn với nhau: có khi nói rằng Đức Kitô là Thượng tế từ muôn thuở, có khi nói rằng Người làm thượng tế vào lúc Nhập thể, có khi nói rằng Người trở thành Thượng tế khi chết trên thập giá, đó là chưa kể có đoạn nói rằng Người làm Thượng tế vào lúc phục sinh. Chúng ta hãy rảo qua vài đoạn văn thì sẽ thấy. Trước hết, như vừa nói, tác giả thư gửi Hipri quan niệm rằng Đức Kitô là Thượng tế theo phẩm Melkisêđec, không cha không mẹ, nghĩa là từ muôn thuở. Nói cách khác, Đức Kitô là Thượng tế bởi vì là Con Thiên Chúa; thế nhưng ta đọc thấy ở ngay đầu tác phẩm rằng Người là Con Thiên Chúa (Thánh Tử) từ muôn thuở (1,2.5). Ý kiến thứ hai cho rằng Đức Kitô là thượng tế từ lúc nhập thể, dựa theo ý niệm tư tế mà ông đưa ra ở chương 5 câu 1:

“Thượng tế nào cũng được chọn trong số người phàm, và được đặt làm đại diện cho loài người trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như lễ vật đền tội”. Xét vì vai trò của Thượng tế là trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, cho nên Đức Kitô chỉ trở nên Thượng tế kể từ khi Con Thiên Chúa làm người, và chính Lời Thiên Chúa đã xức dầu tấn phong cho nhân tính. Ý kiến này cũng được bổ sung với câu 7 của chương 10, trích dẫn lời Đức Giêsu thưa với Chúa Cha lúc vào trần gian: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể... bấy giờ con mới thưa: Này đây, con đến để thực thi ý Ngài”. Ý kiến thứ ba thì cho rằng Đức Kitô trở thành Thượng tế khi chịu chết trên thập giá, bởi vì đây mới chính là đặc trưng của chức tư tế Tân ước, đó là vị Thượng tế được đồng hoá với lễ phẩm (sacerdos et victima). Chính lúc đổ máu trên thập giá mà Đức Kitô thiết lập giao ước mới. Ý kiến thứ bốn thì lưu ý rằng cái chết của Đức Kitô chẳng mang lại giá trị gì nếu không có sự phục sinh. Chính vào lúc phục sinh mà Người được tôn vinh làm Con Thiên Chúa, Thượng tế vĩnh cửu, bước vào thánh điện trên trời.

Những cuộc tranh luận trên đây về chức tế của Đức Kitô chỉ có tính cách lý thuyết giữa các nhà thần học, hay có ảnh hưởng gì đến việc sống đạo của chúng ta?

Thoạt tiên xem ra là chuyện lý thuyết, nhưng trên thực tế, nó mang nhiều hệ luận cho đời sống đạo của chúng ta. Thực vậy, như tác giả thư gửi Hipri đã nhấn mạnh, trong Tân ước, chúng ta chỉ có Đức Kitô là Thượng tế duy nhất. Tuy nhiên, các Kitô hữu cũng thông dự cách này hay cách khác vào các chức tư tế của Đức Kitô. Các linh mục được thông dự vào chức vụ tư tế của Người khi cử hành bí tích Thánh Thể, nhắc nhớ giao ước Vượt qua. Tất cả các tín hữu thông dự vào chức vụ tư tế của Người khi dâng hiến tất cả cuộc đời vâng phục, yêu thương phục vụ, cũng như khi dâng hy lễ chúc tụng ngợi khen, như thánh Phêrô đã nhắn nhủ chúng ta (1 Pt 2, 5.9). Đó là điểm mới mẻ của Kitô giáo, một tôn giáo không chỉ giới hạn vào phạm vi cúng bái tế tự, nhưng còn chi phối toàn thể cuộc sống.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.