18 Tháng Tư 20249:08 CH(Xem: 8)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Cố LM Don Dolindo có những cảm nghiệm rất hay. Khi còn nhỏ, ngài chịu nhiều sự bách hại và khổ đau. Bằng cách nào mà ngài đã cố gắng ngửng đầu cao lên khỏi bể nước và luôn vui vẻ? Chúa Thánh Thần đã khơi nguồn cảm hứng cho ngài với lời cầu nguyện đơn sơ như sau:
18 Tháng Tư 20248:35 CH(Xem: 7)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Lúc gần đây có nhiều người biết đến hiện tượng: "Padre Pio of Naples", đó là điều mô tả về cố linh mục Don Dolindo Ruotolo. Ngài qua đời vào năm 1970, chỉ hai năm sau khi Padre Pio qua đời vào năm 1968. Ngài đang làm việc một cách hữu hiệu từ Thiên Đàng. Ngài an ủi, dỗ dành, chữa lành cho rất nhiều người khỏi chứng bịnh lo âu,
18 Tháng Tư 20247:58 CH(Xem: 4)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Có một gương sáng lớn nhất, đó là chính Chúa Giêsu. Kẻ dữ độc ác đã đóng đinh Chúa Giêsu, Con Chí Thánh của Chúa Cha ở trên cây thánh giá. Lúc đó, Satan nghĩ rằng hắn đã chiến thắng. Nhưng sự thật thì trái lại. Đó là bởi vì Chúa đã biến đổi sự dữ ấy thành sự thiện.
18 Tháng Tư 20243:58 CH(Xem: 11)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Sr. Emmanuel viết: Có một phụ nữ gõ cửa nhà tôi. Trông cô ấy thật là quá đau khổ, xuống sắc và thiểu não. Đôi mắt, đôi má và cái miệng của cô trông rất là buồn thảm và héo hắt. Cô bắt đầu kể lể về mọi nỗi thống khổ của mình.
17 Tháng Tư 20249:07 CH(Xem: 26)
https://luisapiccarreta.com/other-category/cristina-montella-sister-rita-of-the-holy-spirit-the-little-girl-of-padre-pio/ 1. Thời thơ ấu Nữ tu Cristina Montella được sinh ra tại vùng Cercola (Naples) vào ngày 3/4/1920. Khi cô bé được 2 tuổi, cô đang ở chơi nhà một người cô thì nhìn thấy một bức hình của Thánh Gerard Majella,
17 Tháng Tư 20244:44 CH(Xem: 26)
Đức Mẹ Guadalupe hiện ra ở Tepeyac, Mexico City, nước Mễ Tây Cơ từ ngày 9/12/1531 đến ngày 12/12/1531 và chữa lành rất nhiều người, dù rằng người ta đã chết nhưng vẫn được Mẹ cho sống lại.
17 Tháng Tư 20241:58 CH(Xem: 24)
Tồi vừa được xem một video clip tiếng Anh ngắn. Cậu bé chừng 6 tuổi mơ thấy mình lên Thiên Đàng. Sáng hôm sau, cậu kể câu chyện mẹ mình: -Mẹ ơi, con gặp một người chị của con ở Thiên Đàng. -Ủa, con chỉ có một người chị ở đây thôi mà.
13 Tháng Tư 20249:23 CH(Xem: 56)
Cảm nghiệm của một thanh niên làm nghề taxi: Con gặp khó khăn trong việc làm nên con quyết định làm nghề tài xế taxi.
13 Tháng Tư 20248:37 CH(Xem: 55)
“Thầy đây. Đừng sợ!” Trong tác phẩm “When All Hell Breaks Loose,” tạm dịch, “Khi Tất Cả Đổ Vỡ,” Steven J. Lawson viết, “Có thể bạn đang ở trong một cơn bão. Chúa có mục đích khi dẫn bạn vào đó. Ngài thừa sức bảo vệ bạn qua cơn bão; và Ngài có một kế hoạch, để cuối cùng, dẫn bạn ra khỏi đó. Hãy hướng mắt về Ngài!” Kính thưa Anh Chị em, “Hãy hướng mắt về Ngài!”
13 Tháng Tư 20248:26 CH(Xem: 54)
Nguồn: Spiritdaily.com 1. Có một câu chuyện kể rằng một vị chỉ huy vào cuối ngày, ông nhìn thấy mặt trời lặn trước khi ông ta có thể chiến thắng nơi chiến trường. Ông ta bèn quỳ xuống cầu nguyện với Đức Mẹ Maria để cầu xin Mẹ ngừng mặt trời lặn trong ngày hôm ấy lại để ông và quân đội của ông có thể chiến thắng. Thế là mặt trời bỗng dưng đứng lại...

LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY CHÚA NHẬT TUẦN I MÙA VỌNG, NĂM A SỐNG LỜI CHÚA TIN MỪNG : Mt 24,37-44

02 Tháng Mười Hai 20195:50 CH(Xem: 1093)

bietonLỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY

CHÚA NHẬT TUẦN I MÙA VỌNG, NĂM A

SỐNG LỜI CHÚA

TIN MỪNG : Mt 24,37-44

Anh em hãy canh thức để được sẵn sàng.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Hôm ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại ; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại.

“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến. Anh em hãy biết điều này : nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

SUY NIỆM-SỐNG TỈNH THỨC

Thánh Hialariô (+371) là một thầy dòng khổ tu tại Palestin. Ngài chuyên chăm cầu nguyện và sống khổ hạnh. Trong những thời khắc cuối cùng của đời mình, ngài đã chịu cơn cám dỗ mất lòng trông cậy vào lòng Chúa nhân từ và khiếp sợ tòa phán xét. Thế nên, ngài đã tha thiết cầu nguyện, kêu xin Thiên Chúa và tuyên xưng đức tin vào cuộc sống mai sau.

Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta bước vào tuần đầu tiên của Mùa Vọng, mùa kỷ niệm biến cố Đức Kitô đến lần thứ nhất, đồng thời cũng là mùa trông đợi Chúa đến lần thứ hai. Sống tâm tình trông đợi Chúa đến lần thứ hai không gì khác hơn là sống sám hối, tỉnh thức. Đây cũng chính là ý nghĩa mà bài Tin Mừng hôm nay đề cập tới.

Quả thật, như người đầy tớ không biết khi nào chủ nhà về, và như chủ nhà không biết giờ nào kẻ trộm tới, chúng ta cũng không thể biết trước được ngày nào Chúa sẽ đến. Thế nên, lời khuyên dạy của Đức Giêsu: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” vẫn luôn là lời cảnh tỉnh cho mỗi người. Và nếu như không biết ngày nào Chúa đến thì cũng không biết được chắc chắn ngày giờ nào chúng ta sẽ lìa khỏi cuộc đời này. Thế nên, tỉnh thức còn là sẵn sàng cho một cuộc ra đi không ngờ tới. Tỉnh thức là gì nếu không phải là chuyên chăm cầu nguyện. Tỉnh thức là gì nếu không phải là sống tốt để sẵn sàng trả lời những chất vấn trước tòa Chúa. Sống tỉnh thức là một điều tối quan trọng cho cuộc sống mai hậu của chúng ta, vì lẽ, phần thưởng Nước Trời chỉ dành cho những ai biết tỉnh thức. Và nếu như thánh Hialariô trong câu chuyện kể trên còn bị cám dỗ vào lúc cuối đời, thì thiết nghĩ việc tỉnh thức cầu nguyện còn cần thiết với chúng ta đến dường nào.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống tỉnh thức, sẵn sàng cho những giờ phút bất ngờ nhất của cuộc đời. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

Ý nghĩa của mùa Vọng

1. Thời kỳ chuẩn bị cho lễ Giáng sinh

Phụng vụ gợi lại những biến cố đi trước biến cố nhập thể nhằm mời gọi chúng ta có những thái độ đặc biệt:

i] Trân quý một cách sâu sắc mầu nhiệm vĩ đại Thiên Chúa xuống thế làm người và nên một trong chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi;

ii] Biết tận dụng thời kỳ mùa Vọng để suy niệm và hiểu biết nhiều hơn về lịch sử cứu độ. Nhìn lại quá trình Thiên Chúa đã chuẩn bị con đường như thế nào cho Đấng Messia bước vào lịch sử của Israel khiến chúng ta phải thán phục trước kế hoạch khôn ngoan và diệu kỳ của Thiên Chúa. Mặc cho những yếu đuối và sa ngã, tội lỗi, phản nghịch và bất trung của con người đối với Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa vẫn đem ơn cứu rỗi đến cho nhân loại và giáo dục dân của Người. Bởi vậy, hãy để cho tinh thần kính sợ và thán phục trước kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa đánh thức trong chúng ta trong suốt mùa Vọng;

iii] Mùa Vọng dẫn chúng ta tới một sự trông đợi Chúa Kitô cách mới mẻ. Việc lắng nghe và suy gẫm về các biến cố dẫn đến cuộc giáng lâm của Ngài giúp chúng ta ngày càng khao khát hơn biến cố Chúa sẽ trở lại trong vinh quang vào ngày tận thế và khao khát Chúa đến với chúng ta qua các bí tích của Hội Thánh.

Đọc lại những Thánh vịnh sau đây, hẳn chúng ta sẽ thật kinh ngạc bởi những lời xinh đẹp và những hình ảnh ấn tượng biết bao chứa đựng trong những vần thơ diễn tả sự ngóng trông và khát khao Chúa đến:

Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan ? (Tv 42, 2-3).

Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước (Tv 62, 2tt).

Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người. Hồn tôi trông chờ Chúa,
hơn lính canh mong đợi hừng đông (Tv 130,5-6).

2. Thời kỳ chuẩn bị cho Chúa đến lần sau hết

Trong thời gian mùa Vọng, phụng vụ hướng chúng ta đến với Đấng [là Thiên Chúa] đã nhập thể vào trần gian cách đây hơn 2000 năm và Ngài sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, vương quyền của Ngài sẽ không bao giờ kết thúc.

Chúa đến lần sau hết trong vinh quang được nối kết với biến cố nhập thể. Phải đến đầu thế kỷ XX, chúng ta mới tìm thấy lại chiều kích cánh chung của mùa Vọng. Quả thực, Chúa đến lần thứ hai sẽ hoàn tất việc Ngài đến lần thứ nhất. Trong mầu nhiệm Nhập thể của Chúa Giêsu, một tiến trình đã khởi đầu, tiến trình này vẫn tiếp tục qua các thế kỷ để rồi dẫn đến một ngày khi mọi loài được đặt dưới chân Người và Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự (1Cr 15, 27tt).

Bởi thế, chúng ta - những Kitô hữu hôm nay - cũng là đoàn dân đang ngóng trông chờ đợi y như đoàn dân trong Cựu Ước. Họ chờ đợi Đấng Messia sẽ đến, còn chúng ta chờ đợi vương quốc của Người được hoàn thành. Những bản văn từ Cựu Ước được công bố trong phụng vụ mùa Vọng dễ dàng đem áp dụng cho chúng ta và mô tả tình trạng của chúng ta. Chúng ta và toàn thể thế giới cần đến sự giải thoát và ơn cứu độ. Mùa Vọng - và cách riêng trong giai đoạn thứ nhất của mùa này - là thời gian ngóng đợi đặc biệt Đấng Cứu độ sẽ đến và do vậy cũng là thời gian của niềm vui tuyệt hảo. Không nên bỏ lỡ trong cuộc đời mình tâm tình ngóng chờ ngày Chúa đến trong hân hoan.

Vì vậy, điều quan trọng là làm cách nào để biết lợi dụng mùa Vọng như một cơ hội cho chúng ta phục hồi chiều kích “ngóng đợi và khao khát” đã mất, một chiều kích rất thiết thân với cuộc sống Kitô hữu. Các Kitô hữu thời sơ khai đã có tâm tình chờ mong ngày Chúa đến cách mãnh liệt như được thấy trong bản văn Kinh Thánh và phụng vụ thời xưa. Tiếng reo vui “Maranatha”, “Lạy Chúa Giêsu xin ngự đến” và “Chúa chúng ta đã đến” là nhu cầu không thể thiếu trong kinh nguyện Kitô giáo thời sơ khai. Trong một bài diễn giảng Thánh vịnh 95, thánh Augustinô diễn tả sự kinh ngạc của mình rằng có những Kitô hữu không hân hoan mong đợi ngày Chúa đến lần thứ hai, trái lại họ kinh sợ ngày ấy: “Tình yêu dành cho Đức Kitô như thế nào mà lại e sợ ngày Chúa đến? Thưa anh em, chúng ta không khỏi thẹn thùng xấu hổ sao?

Chúng ta yêu mến Ngài, nhưng chúng ta lại hãi hùng ngày Chúa đến. Chúng ta có thực sự chắc chắn mình yêu mến Ngài không?”. Thánh nhân tiếp tục đưa ra cho các tín hữu của mình lời khuyên làm cách nào để chính họ chuẩn bị cho ngày Chúa đến: “Chúng ta đừng kháng cự Chúa đến lần thứ nhất để không khiếp đảm khi Chúa đến lần thứ hai. Vậy Kitô hữu nên làm gì? Kitô hữu phải sử dụng thế gian này nhưng không làm nô lệ cho nó… Đây là những hy lễ làm đẹp lòng Chúa nhất: xót thương, khiêm tốn, chúc tụng, bình an, bác ái… Chúng giải thoát chúng ta khỏi kinh hãi trong khi chờ đợi Đấng phán xét ngự đến;” “Bất kỳ ai không nhận thức được Chúa đến lần thứ nhất thì cũng không thể chuẩn bị cho ngày Ngài đến lần thứ hai”.

Nhấn mạnh đến niềm hân hoan mong đợi Chúa đến trong lần cuối cùng thật ra không loại trừ tính chất thống hối của mùa Vọng. Chúa Kitô sẽ đến như một Đấng xét xử. Mặc dầu sự xét xử đầy tình thương xót nhưng vẫn là một cuộc phán xét công minh. Mỗi người môn đệ Chúa Kitô phải chân thực thừa nhận rằng họ không luôn luôn sống đúng với lời mời gọi của Ngài. Vì thế bản chất của mùa Vọng là thời gian thống hối và thời gian trở lại. Tuy nhiên, sẽ không thích hợp nếu như đặc tính thống hối phủ đầy mùa này đến độ lấn át khía cạnh hân hoan. Cả hai đặc tính này phải đi chung với nhau và vì chúng ta đang trông chờ một một sự xét xử của vị Thiên Chúa đầy tình yêu thương, cho nên thái độ đợi chờ Chúa trong hân hoan phải ưu tiên và mạnh mẽ hơn.

So sánh với mùa Chay, chúng ta có thể coi mùa Vọng là mùa thống hối thứ yếu trong khi mùa Chay là mùa thống hối hàng đầu.

Điều này được củng cố bởi chú giải chính thức về niên lịch Roma khi phát biểu rằng mùa Vọng không còn đươc coi là mùa chủ yếu để thống hối nữa, nhưng trên hết là thời gian mong đợi Chúa đến trong hân hoan. Mùa Vọng mời goi chúng ta sống cả hai tâm tình: vui mừng và thống hối, kính sợ và yêu thương. Vì thế, thật là ý nghĩa nếu tổ chức cho các tín hữu tham dự nghi thức thống hối trong mùa này để họ có thể chuẩn bị chính mình mừng lễ Giáng sinh cũng như sẵn sàng đón Chúa đến trong ngày sau hết. Tuy nhiên, phải ghi nhớ rằng tinh thần của mùa này là vui tươi và hãy để cho niềm hân hoan thấm nhập toàn bộ thời gian mùa Vọng.

3. Thời kỳ đón Chúa đến trong mầu nhiệm

Nói Chúa đến trong mầu nhiệm là muốn đề cập đến việc Chúa đến với chúng ta qua các bí tích và trong những buổi quy tụ của Giáo hội Chúa Kitô trên trần gian. Chúa đến trong mầu nhiệm là thời gian nằm giữa lần Chúa đến đầu tiên qua biến cố nhập thể và lần Chúa đến thứ hai vào ngày tận thế. Chúa đến trong mầu nhiệm là việc Chúa đến trong thời gian hiện tại, ẩn dấu dưới những dấu chỉ và biểu tượng, làm cho Giáo hội lữ hành của Ngài thêm mạnh sức và trợ giúp Giáo hội tin tưởng trông chờ Chúa đến lần sau hết. Nhờ nhìn lại và tưởng nhớ Chúa đến lần thứ nhất mà gợi lại cho chúng ta chiều kích quá khứ của mùa Vọng. Trông chờ Chúa đến lần thứ hai gợi lên cho chúng ta chiều kích tương lai của mùa này. Tuy nhiên, việc Chúa đến trong hiện tại không những vẫn đang diễn ra trong cử hành phụng vụ của cộng đồng Kitô hữu, mà còn trong kinh nguyện cá nhân và trong cuộc dấn thân phục vụ người nghèo. Trong những biến cố và hành xử này, Chúa Kitô đang hiện diện và đang đến cũng như Ngài tiếp tục đi vào trong thời gian và ngày sống của chúng ta.

Chúa đến trong mầu nhiệm là một cây cầu bắc nối giữa lần đến thứ nhất và thứ hai của Chúa Kitô. Khi cộng đoàn Kitô hữu quy tụ để cử hành cuộc tưởng niệm Chúa, Giáo hội làm như vậy và chỉ có thể làm như thế bởi vì Chúa Kitô đã đến lần thứ nhất. Phụng vụ của Giáo hội căn yếu là một sự nhìn lại biến cố Chúa Kitô, tưởng niệm biến cố này với niềm cảm tạ và thi hành trong tuân phục những gì Ngài truyền cho chúng ta thực hiện khi Ngài vẫn còn ở với chúng ta trên trần gian. Lệnh truyền của Chúa Kitô và gương mẫu của Ngài hợp pháp hóa phụng vụ Kitô giáo và làm cho nền phụng vụ này thành “bắt buộc’ và thành một phụng vụ thánh thiêng “thực hiện trong vâng phục.”

Khi Giáo hội quy tụ để cử hành Chúa sống lại, chúng ta không thể không hướng tới và trông chờ ngày hồng phúc Đấng Cứu Độ chúng ta ngự đến lần thứ hai và là lần sau hết. Kinh nguyện Thánh Thể cổ nhất cho biết các tín hữu kết thúc kinh nguyện bằng những lời này: “Xin Chúa hãy đến và xin cho thế giới này qua đi! Maranatha!”. Ngày nay, chúng ta cũng làm một điều tương tự như thế khi cùng nhau tung hô sau truyền phép: “Chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Ngài đến”. Mỗi cử hành phụng vụ của Giáo hội đều nhìn lại dĩ vãng và nhìn đến tương lai. Cách thức này nối kết hai lần đến của Chúa Kitô. Một cách nào đó, phụng vụ “bảo đảm” tương lai chúng ta bằng việc trao ban cho chúng ta sức mạnh hành hương hướng tới lần đến thứ hai của Chúa.

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS.