28 Tháng Ba 20241:20 CH(Xem: 14)
Sáng nay là Thứ Năm Tuần Thánh, tôi nhận được một cú điện thoại viễn liên của cô Agnes. Cô Agnes xin tôi cho cô địa chỉ một Dòng tu nào đó để cô xin 30 lễ cầu nguyện cho linh hồn Giuse là ba của cô vừa qua đời.
28 Tháng Ba 202412:51 CH(Xem: 15)
Ngày 26/3/2024 vừa qua, vợ chồng tôi đã tham dự buổi cầu nguyện cho linh hồn cụ Giuse, ba của cô Kim Anh. Cô Kim Anh lúc trước là xướng ngôn viên của Radio Giờ Của Mẹ. Cụ Giuse năm nay 89 tuổi. Một điều lạ lùng trong đời cụ là
28 Tháng Ba 202412:16 CH(Xem: 12)
Nguồn: Spiritdaily.com Khi Chúa Giêsu chết trên cây thánh giá thì trời đất bỗng trở nên tối đen. Đó là dấu hiệu Thiên Tính của Ngài. Tin Mừng Thánh Mattheu 27: 54 nói rằng:
26 Tháng Ba 20249:00 CH(Xem: 34)
Có một thanh niên trong giáo xứ đã chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống hôn nhân. Anh ngậm đắng nuốt cay vì người vợ của anh rất hay nóng giận và hung dữ. Chị luôn nói những lời nặng nề khi chị không hài lòng về một điều gì đó.
23 Tháng Ba 20249:13 CH(Xem: 56)
Nguồn: Spiritdaily.com Cô Yamilexis Fernandez chia sẻ cảm nghiệm là cô nhận được ơn lành tìm thấy Chúa và được Chúa giải thoát khỏi tà thuật.
22 Tháng Ba 20245:00 CH(Xem: 61)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and.../ Điều quan trọng nhất là hãy yêu thương. Ông Vincent nói rằng điều chính yếu nhất là cần yêu thương mọi người dù là ở trong bất cứ trường hợp nào. Trên hết mọi sự là hãy ở trong tình yêu Thiên Chúa.
22 Tháng Ba 20244:12 CH(Xem: 53)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and-was-told-what-was-about-to-hit-earth-put-your-phones-away/ Ông Vincent tuyên bố rằng ông ấy đã từng chết rồi. Ông được báo cho biết về tình hình của trái đất. Ông bảo: "Hãy đặt điện thoại của bạn xuống!"
22 Tháng Ba 202412:05 SA(Xem: 66)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. LỜI CẦU NGUYỆN DÂNG ĐỜI SỐNG Lạy Chúa Giêsu kính yêu, trước sự Hiện Diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, trước Nhan Thánh của Đức Mẹ Thiên Đàng và Triều Thần Thiên Quốc trên Trời, con xin dâng cuộc đời con theo như ý chỉ của Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẫu Tâm Vô Nhiễm Mẹ Rất Thánh Maria.
21 Tháng Ba 20246:41 CH(Xem: 74)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie dâng hiến cuộc đời và những lời hứa của Thiên Đàng Trong năm Thánh Mẫu (1983-1984) Đức Trinh Nữ Maria nói với tôi rằng:
21 Tháng Ba 20245:09 CH(Xem: 69)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie không được nhiều người trong Giáo Hội biết đến Nữ tu Natalie gửi những thông điệp cứng rắn đến cho Giáo Hội Công Giáo tại nước Hung Gia Lợi. Đó là những lời khuyên mọi người hãy rời khỏi những cung điện. Hãy làm việc thống hối. Hãy phân phát những của cải cho người...

LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY CHÚA NHẬT TUẦN III MÙA CHAY, NĂM A SỐNG LỜI CHÚA GOSPEL : JN 4:5-42 TIN MỪNG : Ga 4,5-42

14 Tháng Ba 20207:49 CH(Xem: 1106)

fr-jozo-zovko-pilgrimageLỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY

CHÚA NHẬT TUẦN III MÙA CHAY, NĂM A

SỐNG LỜI CHÚA

GOSPEL : JN 4:5-42

TIN MỪNG : Ga 4,5-42

Mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.

Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy : “Chị cho tôi xin chút nước uống !” Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói : “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao ?” Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. Đức Giê-su trả lời : “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” Chị ấy nói : “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống ? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này ? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.” Đức Giê-su trả lời : “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.”

Người phụ nữ nói với Đức Giê-su : “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” Người bảo chị ấy : “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.” Người phụ nữ đáp : “Tôi không có chồng.” Đức Giê-su bảo : “Chị nói : ‘Tôi không có chồng’ là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.” Người phụ nữ nói với Người : “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ ... Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này ; còn các ông lại bảo : Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” Đức Giê-su phán : “Này chị, hãy tin tôi : đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. Các người thờ Đấng các người không biết ; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” Người phụ nữ thưa : “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Đức Giê-su nói : “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”

Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế, không ai dám hỏi : “Thầy cần gì vậy ?” Hoặc “Thầy nói gì với chị ấy ?” Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta : “Đến mà xem : có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao ?” Họ ra khỏi thành và đến gặp Người.

Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng : “Ráp-bi, xin mời Thầy dùng bữa.” Người nói với các ông : “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.” Các môn đệ mới hỏi nhau : “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng ?” Đức Giê-su nói với các ông : “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. Nào anh em chẳng nói : Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt ? Nhưng này, Thầy bảo anh em : Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái ! Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. Thật vậy, câu tục ngữ “kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng ! Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả ; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ.”

Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng : ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ : “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”

SUY NIỆM CHẾT KHÁT

Trong kinh Bách Dụ, có câu chuyện kể về một anh chàng bị chết khát. Đang khi khát nước gần chết, anh ta đã tới một dòng sông. Nhưng, anh không chịu uống nước, vì lý do: “nước nhiều như vậy làm sao tôi uống được!” Cuối cùng, anh ta chết khát bên cạnh dòng sông đầy nước.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, người phụ nữ Samari đã cầu xin Đức Giêsu ban cho mình thứ nước uống khiến chị không bao giờ bị khát nữa. Thứ nước mà người phụ nữ này xin chỉ là thứ nước đáp ứng nhu cầu giải cơn khát thể lý thôi. Tuy nhiên, thứ “nước hằng sống” mà Đức Giêsu muốn cho chị là nước thiêng liêng, là những lời chứa đựng sự sống của Thiên Chúa.

Khi rao giảng công khai, Đức Giêsu đã ban “nước hằng sống” cho rất nhiều người. Những ai lắng nghe và thực hành lời Đức Giêsu giảng dạy, họ đã có sự sống đời đời nơi mình. Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa. Vì thế, nơi Người luôn đầy tràn lời sự sống của Thiên Chúa.

Đức Giêsu được ví như một giếng nước đầy tràn nước hằng sống. Chỉ khi đến với nguồn nước Giêsu, con người mới được thỏa mãn những khát khao của phận người. Đặc biệt, trước niềm khát mong hạnh phúc đời đời, rất nhiều người đã tìm được sự mãn nguyện khi sống theo lời dạy của Đức Giêsu.

“Nước hằng sống” của Đức Giêsu vẫn luôn ở với nhân loại trong các Bí tích, trong Kinh Thánh, và trong lời giảng dạy và đời sống của Hội Thánh. Thế mà, ngày nay, hình như vẫn còn có rất nhiều người đã và đang bị chết khát vì một lý do nào đó, dù họ đã ở rất gần nguồn nước hằng sống.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa Giêsu, xin ban nước hằng sống của Ngài cho chúng con. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

Tại sao gọi thánh Giuse là bạn trăm năm của Đức Mẹ Maria?

Bài Tin mừng chúa nhật IV Mùa Vọng, Năm A thuật lại việc thiên sứ hiện đến với ông Giuse, và bảo ông hãy nhận đức Maria làm vợ. Nhưng mới đây, trong kinh nguyện Thánh thể, thánh Giuse được gọi là “bạn trăm năm của đức Trinh nữ”? Có gì khác biệt không giữa “vợ” và “bạn trăm năm” không?

Bà vợ và bạn trăm nam có gì khác nhau không? Có thể có sự khác biệt nào đó. Cách đây mấy chục năm, tôi có nghe một bài hát: “em không muốn lấy anh làm chồng, mà chỉ muốn anh là tình nhân”. Theo điệu hát này, ra như lấy chồng thì bị ràng buộc bởi khuôn khổ của phong tục và luật pháp, bóp chẹt mất tình yêu. Trên thực tế, chúng ta biết rằng có những người bạn rất thân tuy không phải là vợ chồng; và ngược lại, có những đôi vợ chồng không cảm thấy tình yêu như là bạn thân. Tuy nhiên, đó là những nhận xét về tâm lý. Trong trường hợp của thánh Giuse với Đức Maria, có lẽ có người nghĩ rằng hai vị này không phải là vợ chồng thực, bởi vì không có quan hệ tính dục; vì thế họ chỉ là hai người bạn mà thôi. Thế nhưng hiểu như vậy là không đúng: hai vị thực sự là vợ chồng, và điều này nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Vì thế “bạn trăm năm” hay “chồng”, (hay phu quân, lang quân) đều đồng nghĩa với nhau.

Tại sao lại nói rằng việc thánh Giuse làm chồng Đức Maria nằm trong chương trình của Thiên Chúa?

Trong lịch sử Giáo hội, không thiếu những ý kiến cho rằng thánh Giuse không phải là chồng của Đức Maria, và Giáo hội buộc lòng phải lên tiếng dựa trên nền tảng Kinh thánh. Đối lại, nhiều giáo phụ và nhà thần học đã tìm cách giải thích vì lý do thích đáng cho việc thánh Giuse làm chồng của Đức Maria. Bản văn của Tin mừng thánh Mattheu trình bày một lý do quan trọng của kế hoạch ấy qua lời của thiên sứ: “Này ông Giuse, con cháu Đavit, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội lỗi của họ”. Một chìa khóa quan trọng nằm ở danh hiệu mà thiên sứ đặt cho ông Giuse, đó là: “con cháu Đavit”. Vì ông Giuse là con cháu Đavit, nên khi ông kết hôn với bà Maria, thì trên giấy tờ Đức Giêsu mới được thuộc về dòng dõi vua Đavít; nhờ thế những lời của các ngôn sứ được hoàn tất. Đừng nên quên rằng Tin mừng Mattheu đã mở đầu với lời tuyên bố: “Đây là gia phả Đức Giêsu Kito, con cháu vua Đavit”. Làm thế nào mà Đức Giêsu trở thành con cháu vua Đavit? Câu trả lời nằm ở câu 16: nhờ sự kiện ông Giuse là chồng của bà Maria. Cũng do vai trò pháp lý ấy mà ông Giuse sẽ đặt tên cho hài nhi là Giêsu. Nói theo ngôn ngữ hành chánh thời nay, ông sẽ đứng ra làm giấy khai sinh cho hài nhi.

Lúc nãy cha nói rằng trong lịch sử có những người phủ nhận thánh Giuse không phải là chồng của bà Maria. Vì lý do gì?

Nói đúng ra, trong lịch sử Giáo hội, chúng ta gặp thấy hai lập trường đối nghịch:

1/ Một bên phủ nhận sự trinh khiết của đức Maria. Vì thế họ cho rằng ông Giuse và bà Maria là hai vợ chồng giống như bao đôi vợ chồng khác. Chủ trương này đã xuất hiện từ những thế kỷ đầu tiên, thí dụ các ông Cerinthius, Carpocrates, nhóm Ebionist, ông Helvidius. Giáo hội phải lên tiếng để bảo vệ tín điều Đức Maria đồng trinh.

2/ Ngược lại, một lập trường cho rằng giá thú của ông Giuse và bà Maria chỉ có hình thức bên ngoài để che mắt thiên hạ thôi: hai người không có ý định nên vợ nên chồng (bởi vì đức Maria đã khấn giữ trinh khiết trọn đời). Đây là chủ trương của ông Giulianô mà thánh Augustinô đã phải đương đầu (Contra Iulianum). Có thể nói rằng thánh Augustinô đã mở đầu cho các giáo phụ và các nhà thần học suy nghĩ về những lý do của vai trò làm chồng của thánh Giuse.

Đạo lý của các giáo phụ được thánh Tôma Aquinô tóm tắt trong sách Tổng luận thần học, phần III, vấn đề 29. Các lý do này được phân phối thành ba nhóm: về phía Chúa Giêsu; về phía Mẹ Maria; về phía chúng ta.

Trong nhóm thứ nhất, (về phía Chúa Giêsu) các giáo phụ đưa ra bốn lý do: 1/ để Người không bị thiên hạ khước từ vì lý do là con hoang (thánh Ambrôsiô); 2/ để người ta có thể truy cứu gia phả của Người (thánh Ambrôsiô); 3/ để hài nhi được che chở khỏi những cuộc tấn công của ma quỷ (thánh Inhaxiô Antiôkia); 4/ để hài nhi có người chăm sóc dưỡng dục.

Trong nhóm thứ hai (về phía đức Maria), chúng ta gặp thấy 3 lý do: 1/ tránh cho Người khỏi bị ném đá về tội ngoại tình (thánh Hiêrônimô); 2/ để gìn giữ sự khiết trinh của Người (thánh Ambrôsiô); 3/ để giúp đỡ Người (thánh Hiêrônimô).

Sau cùng, trong nhóm thứ ba (về phía chúng ta), có 5 lý do:
1/ để có người làm chứng về chân lý đức Giêsu sinh bởi trinh nữ Maria (thánh Ambrôsiô);
2/ để xác nhận những lời quả quyết của đức Maria về sự trinh khiết của mình (thánh Ambrôsiô);
3/ để những trinh nữ nào đã vi phạm lời thề không có lý do biện minh cho lỗi của mình (thánh Ambrôsiô);
4/ để trở nên biểu tượng cho Hội thánh tuy là trinh nữ nhưng đã đính hôn với Chúa Giêsu (thánh Augustinô);
5/ để trong Hội thánh những trinh nữ và những người kết bạn đều được kính trọng.

Đây là những đề tài mà các nhà giảng thuyết sẽ quảng diễn trải qua dòng thời gian. Đặc biệt hơn nữa, từ hôn nhân giữa thánh Giuse và Mẹ Maria, thánh Augustinô đã rút ra những đức tính một đôi hôn nhân lý tưởng. Thật vậy, theo quan điểm dân gian cổ truyền, mục tiêu của hôn nhân là sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường. Nhìn dưới viễn tượng của thần học Kitô giáo, theo đó hôn nhân được nâng lên hàng bí tích, nghĩa là được gán thêm giá trị thánh thiêng, thánh Augustinô vạch ra ba thiện ích của hôn nhân là: con cái, trung tín và chung thuỷ. Tất cả ba thiện ích này đều đạt được nơi hôn nhân của thánh Giuse với đức Maria: sinh con, chính là Chúa Giêsu; trung tín, vì không hề có ngoại tình; chung thủy vì không hề có ly di. Hơn thế nữa, lý tưởng cao quý nhất của hôn nhân là sự hoà hợp (unio): hai người trở nên một. Tuy nhiên, không nên hiểu sự hoà hợp này về khía cạnh thể xác mà thôi; cần phải lên cao hơn nữa, đó là sự hoà hợp về tâm tình và về tinh thần.

Các thánh giáo phụ sống vào thời xưa; từ đó đến nay, có thêm những ý tưởng nào mới nữa không?

Chắc chắn là có. Chúng ta chỉ muốn giới hạn vào vai trò làm chồng của thánh Giuse chứ không đả động đến vài trò làm cha. Vào thời nay, một tác giả đã đẩy mạnh thêm suy tư về điểm này là đức thánh cha Gioan Phaolô II trong tông huấn “Đấng gìn giữ Chúa Cứu thế” (ngày 15/8/1989). Chúng ta vừa kể ra sự hòa hợp vợ chồng như là tâm điểm của hôn nhân. Đức thánh cha muốn đi sâu vào sự hòa hợp này: đây không chỉ là sự hòa hợp về tình cảm mà thôi, mà còn là sự thông hiệp trong việc thi hành sứ mạng, cùng nhau chia sẻ những lao nhọc trong đời sống đức tin. - Cả hai đều là mẫu gương của người tín hữu, đáp lại mặc khải của Thiên Chúa với sự tuân thuận (RC 4): đức Maria với lời ‘Xin vâng’, thánh Giuse với việc lấy đức Maria về làm vợ. - Cả hai đều liên đới với nhau trong việc bảo vệ ‘mầu nhiệm’, được ký thác cho hai người gìn giữ. Cả hai người đều giữ một vai trò tích cực trong kế hoạch cứu độ: đức Maria qua chức vụ làm mẹ của Chúa Giêsu; thánh Giuse qua chức vụ làm cha của Chúa Giêsu qua hôn nhân với đức Maria (RC 3).

- Cả hai đều đã nếm những thử thách của cuộc ‘lữ hành đức tin’ (RC 4; thông điệp Redemptoris mater). Mặc dù chấp nhận lời của thiên sứ nói về bản tính của Chúa Giêsu, đức Maria chưa hiểu trọn tất cả sự súc tích của nó: Mẹ đã nghiền ngẫm lời Chúa trong lòng (Lc 2,19); Mẹ đã cảm thấy tâm can như bị lưỡi gươm đâm thâu (Lc 2,35); Mẹ không hiểu câu trả lời của Chúa Giêsu trong đền thờ sau ba ngày thất lạc (Lc 2,50).

Vào dịp này, thánh Luca chú thích rằng thánh Giuse cũng chia sẻ cùng tâm trạng như vậy (họ không hiểu lời Chúa nói). Chúng ta cũng có thể suy đoán rằng ông cũng trải qua màn đen của đức tin kể từ khi thấy bà Maria có thai, và kéo dài suốt những chặng đường đi về Bêlem, lánh nạn về Ai-cập. Những gian nan thử thách xem ra hoàn toàn trái nghịch với bản tính thần linh của đức Giêsu: chẳng lẽ đấng Mêsia, đấng ‘Thiên Chúa cứu độ’ mà tỏ ra yếu ớt nhu nhược như vậy sao? Thật là có lý để khẳng định rằng thánh Giuse đã trải qua một tiến trình gay go để hiểu biết bản thân của đức ‘Emmanuel’.

- Từ sự chia sẻ và liên đới vừa nói, chúng ta có thể hình dung sự khắng khít giữa hai vị: mối tình vợ chồng được Thần khí đức ái nâng cấp để thông dự vào kế hoạch cứu độ. Mối tình của hai người thể hiện được lý tưởng ‘bí tích’ mà thánh Phaolô đã diễn tả về tình yêu huyền nhiệm giữa đức Kitô và Hội thánh (RC 7). Thật vậy, vào lúc tạo dựng, Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với nhân loại nhờ một đôi vợ chồng. Thế nhưng đôi vợ chồng này đã để cho tội lỗi len vào trần gian vì sự bất tuân của mình. Bây giờ, Thiên Chúa muốn thiết lập một giao ước mới, và Ngài cũng muốn thực hiện nơi một đôi hôn nhân là Đức Maria và thánh Giuse, một đôi hôn nhân đã được thanh luyện và thánh hóa, trở nên ngôi đền thánh của tình yêu và cái nôi của sự sống.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.