26 Tháng Ba 20249:00 CH(Xem: 30)
Có một thanh niên trong giáo xứ đã chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống hôn nhân. Anh ngậm đắng nuốt cay vì người vợ của anh rất hay nóng giận và hung dữ. Chị luôn nói những lời nặng nề khi chị không hài lòng về một điều gì đó.
23 Tháng Ba 20249:13 CH(Xem: 55)
Nguồn: Spiritdaily.com Cô Yamilexis Fernandez chia sẻ cảm nghiệm là cô nhận được ơn lành tìm thấy Chúa và được Chúa giải thoát khỏi tà thuật.
22 Tháng Ba 20245:00 CH(Xem: 59)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and.../ Điều quan trọng nhất là hãy yêu thương. Ông Vincent nói rằng điều chính yếu nhất là cần yêu thương mọi người dù là ở trong bất cứ trường hợp nào. Trên hết mọi sự là hãy ở trong tình yêu Thiên Chúa.
22 Tháng Ba 20244:12 CH(Xem: 52)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and-was-told-what-was-about-to-hit-earth-put-your-phones-away/ Ông Vincent tuyên bố rằng ông ấy đã từng chết rồi. Ông được báo cho biết về tình hình của trái đất. Ông bảo: "Hãy đặt điện thoại của bạn xuống!"
22 Tháng Ba 202412:05 SA(Xem: 66)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. LỜI CẦU NGUYỆN DÂNG ĐỜI SỐNG Lạy Chúa Giêsu kính yêu, trước sự Hiện Diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, trước Nhan Thánh của Đức Mẹ Thiên Đàng và Triều Thần Thiên Quốc trên Trời, con xin dâng cuộc đời con theo như ý chỉ của Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẫu Tâm Vô Nhiễm Mẹ Rất Thánh Maria.
21 Tháng Ba 20246:41 CH(Xem: 74)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie dâng hiến cuộc đời và những lời hứa của Thiên Đàng Trong năm Thánh Mẫu (1983-1984) Đức Trinh Nữ Maria nói với tôi rằng:
21 Tháng Ba 20245:09 CH(Xem: 67)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie không được nhiều người trong Giáo Hội biết đến Nữ tu Natalie gửi những thông điệp cứng rắn đến cho Giáo Hội Công Giáo tại nước Hung Gia Lợi. Đó là những lời khuyên mọi người hãy rời khỏi những cung điện. Hãy làm việc thống hối. Hãy phân phát những của cải cho người...
21 Tháng Ba 20241:09 CH(Xem: 56)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie Nữ Tu Natalie Kovacsics (1901-1992) thuộc Dòng Chúa Chiên Lành Thánh Magdalene. Bà cũng được biết đến là Nữ Tu Natalia Magdolna. Bà sinh vào ngày 31/1/1901 tại gần vùng Pozsony mà nay thuộc về thành phố Bratislava, nước Slovakia. Đó là vùng thuộc về Đế Quốc...
21 Tháng Ba 202411:39 SA(Xem: 49)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Khi Chúa hiện ra với bà nha sĩ Gloria Polothì Chúa Kito đã giải thích về chương trình của Chúa dành cho mỗi gia đình như sau: "Mỗi khi một trẻ thơ được thụ thai trong cung lòng người mẹ thì các thiên thần nhẩy múa trên Thiên Đàng trước một tạo vật mới này." Bằng việc bảo vệ sự sống, chúng ta bắt chước...
21 Tháng Ba 202411:10 SA(Xem: 56)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Một nhà thần bí nổi tiếng là Sr. Natalia Magdolna (1901-1992) có mối liên hệ mật thiết với Đức Mẹ Maria. Vì thế mà Mẹ luôn đến thăm viếng và nsoi chuyện với bà. Đức Mẹ còn tiết lộ cho bà biết về những gì sẽ xẩy đến cho thời đại mà chúng ta đang sống.

LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY THỨ HAI TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN SỐNG LỜI CHÚA

16 Tháng Mười Một 202011:48 SA(Xem: 727)

16-11tLỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY

THỨ HAI TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN

SỐNG LỜI CHÚA

Bài đọc :

Bài đọc 1 : Kh 1,1-4 ; 2,1-5a

Hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống và hãy hối cải.

Khởi đầu sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.

1 1 Mặc khải của Đức Giê-su Ki-tô, mặc khải mà Thiên Chúa đã ban cho Người, để Người tỏ cho các tôi tớ Người biết những việc sắp phải xảy đến. Người đã sai thiên thần của Người đến báo cho ông Gio-an là tôi tớ của Người biết mặc khải đó. 2 Ông Gio-an đã làm chứng về lời của Thiên Chúa và về lời chứng của Đức Giê-su Ki-tô, về những gì ông đã thấy. 3 Phúc thay người đọc, phúc thay những ai nghe những sấm ngôn đó và tuân giữ các điều chép trong đó, vì thời giờ đã gần đến !

4 Tôi là Gio-an kính gửi bảy Hội Thánh A-xi-a. Xin Đấng hiện có, đã có và đang đến, xin bảy thần khí hiện diện trước ngai của Người ban cho anh em ân sủng và bình an.

2 1 Tôi nghe tiếng Đức Chúa phán với tôi : “Hãy viết cho thiên thần của Hội Thánh Ê-phê-xô : Đây là lời của Đấng cầm trong tay hữu bảy vì sao, Đấng đi giữa bảy cây đèn vàng : 2 Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của ngươi ; Ta biết ngươi không thể chịu đựng kẻ ác. Ngươi đã thử thách những kẻ xưng mình là tông đồ, mà thực ra không phải, và ngươi đã thấy rằng chúng là những kẻ nói dối. 3 Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. 4 Nhưng Ta trách ngươi điều này : ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. 5a Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu.”

Đáp ca : Tv 1,1-2.3.4 và 6 (Đ. Kh 2,7b)

Đ. Ai thắng, Ta sẽ cho ăn quả cây sự sống.

1Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,
chẳng bước vào đường quân tội lỗi,
không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,
2nhưng vui thú với lề luật Chúa,
nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.

Đ. Ai thắng, Ta sẽ cho ăn quả cây sự sống.

3Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước,
cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh,
cành lá chẳng khi nào tàn tạ.
Người như thế làm chi cũng sẽ thành.

Đ. Ai thắng, Ta sẽ cho ăn quả cây sự sống.

4Ác nhân đâu được vậy :
chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay.
6Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính,
còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong.

Đ. Ai thắng, Ta sẽ cho ăn quả cây sự sống.

Tung hô Tin Mừng : Ga 8,12

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống. Ha-lê-lui-a.

TIN MỪNG : Lc 18,35-43

Anh muốn tôi làm gì cho anh ? - Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

35 Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. 36 Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. 37 Họ báo cho anh biết là Đức Giê-su Na-da-rét đang đi qua đó. 38 Anh liền kêu lên rằng : “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” 39 Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi ; nhưng anh càng kêu lớn tiếng : “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” 40 Đức Giê-su dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi : 41 “Anh muốn tôi làm gì cho anh ?” Anh ta đáp : “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.” 42 Đức Giê-su nói : “Anh nhìn thấy đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” 43 Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

SUY NIỆM-XIN CHỮA LÀNH

Vào dịp ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ ba mươi được tổ chức tại Ba Lan, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Mọi người chúng ta đều là tội nhân, cần được Chúa thanh luyện. Chúng ta đến với Chúa Giêsu để nhận ra rằng, Người luôn dang rộng vòng tay đợi chờ; đến với Người để gặp gỡ lòng thương xót của Người”.

Anh mù bên vệ đường đã nhận ra sự khốn khổ của mình. Anh kêu cầu Đức Giêsu. Anh kêu đến Danh của Người, cho dù nhiều người quát mắng, bảo phải im đi. Nhưng anh vẫn kêu, vì anh tin tưởng tuyệt đối vào tình thương của Chúa, anh tin Người sẽ cứu chữa anh. Thế nên, Đức Giêsu cho anh nhìn thấy.

Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta bị mù vì thiếu cái nhìn thiện cảm đối với tha nhân; và bị mù vì không đủ lòng tin vào sự quan phòng của Chúa. Như anh mù năm xưa, ta hãy chạy đến với Đức Giêsu, để được Người chữa lành.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ mù lòa! Xin mở mắt con, cho con nhìn thấy Chúa và tha nhân, hơn là chỉ nhìn thấy mỗi mình con. Amen.


TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

ĐTC Phanxicô: Cầu nguyện là bánh lái hướng dẫn cuộc đời chúng ta

Từ gương mẫu cầu nguyện của Chúa Giê-su, Đức Thánh Cha nêu lên bốn điểm chính và mời gọi hãy học hỏi Chúa Giê-su, bậc thầy về cầu nguyện. Chúng ta phải cầu nguyện vào sáng sớm, thường xuyên, trong thinh lặng và phó thác hoàn toàn cho Chúa.

Sau những buổi tiếp kiến chung trong hai tháng 9 và 10 được tổ chức có sự tham dự của giáo dân, do làn sóng nhiễm virus thứ hai đang dâng cao tại các nước châu Âu, từ buổi tiếp kiến sáng thứ Tư 4/11, Đức Thánh Cha lại phải trở lại các buổi tiếp kiến online, được truyền chiếu trực tiếp tự Thư viện Dinh Tông tòa, không có giáo dân tham dự.

Cầu nguyện cho các bệnh nhân Covid-19 và nhân viên y tế

Bắt đầu buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu tuân theo những chỉ định của các cấp chính quyền để bảo vệ mình trước đại dịch. Đồng thời ngài cũng kêu gọi dâng cho Chúa sự xa cách này vì ích lợi của tất cả và nghĩ đến tất cả các bệnh nhân, những người phải vào bệnh viện và bị xem như “đồ bỏ”, nhớ đến các bác sĩ, y tá, các tình nguyện viên, những người đang làm việc với các bệnh nhân. Sự sống của họ gặp nguy hiểm nhưng họ làm vì tình yêu tha nhân, như một ơn gọi. Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện cho họ.

Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha suy tư về cách Chúa Giê-su cầu nguyện. Ngay cả khi bận rộn chăm sóc cho người dân, Chúa không bao giờ lơ là trong việc trò chuyện với Chúa Cha, điều hướng dẫn mọi hành động và lời giảng dạy của Chúa. Trong thinh lặng cầu nguyện, Chúa nuôi dưỡng sự kết hiệp mật thiết yêu thương với Chúa Cha. Bắt đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giê-su không bao giờ lơ là việc trò chuyện với Chúa Cha

Trong suốt cuộc đời công khai, Chúa Giê-su không ngừng đến với sức mạnh của lời cầu nguyện. Các sách Phúc âm cho chúng ta thấy điều này khi Người đi tới những nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Đây là những quan sát chín chắn và kín đáo, giúp chúng ta hình dung được những cuộc đối thoại cầu nguyện đó. Tuy nhiên, chúng làm chứng rõ ràng rằng, ngay cả trong những lúc chăm sóc nhiều hơn cho người nghèo và người bệnh, Chúa Giê-su không bao giờ bỏ qua cuộc đối thoại thân mật của Người với Chúa Cha. Càng hòa mình vào nhu cầu của con người, Chúa càng cảm thấy cần được nghỉ ngơi trong sự Hiệp thông Ba Ngôi, để trở về với Chúa Cha và Thần Khí.

Cầu nguyện là bánh lái dẫn đường cho Chúa Giê-su

Do đó, trong cuộc đời của Chúa Giê-su có một bí mật mà đôi mắt con người, điểm tựa của mọi thứ, không thể thấy được. Việc cầu nguyện của Chúa Giê-su là một thực tại huyền bí, trong đó chúng ta chỉ cảm nhận được một điều gì đó, nhưng cho phép chúng ta đọc toàn bộ sứ mạng của Người từ một quan điểm đúng đắn. Trong những giờ đơn độc ấy - trước khi bình minh xuất hiện hay trong đêm tối - Chúa Giêsu đắm mình trong tình thân mật với Chúa Cha, nghĩa là trong Tình yêu mà mọi linh hồn đều khao khát. Đây là những gì nổi lên từ những ngày đầu tiên trong sứ vụ công khai của Người.

Ví dụ, vào một ngày thứ Bảy, thị trấn Ca-phác-na-um bị biến thành một "bệnh viện dã chiến": sau khi mặt trời lặn, họ mang tất cả những người bệnh đến với Chúa Giê-su, và Người chữa lành họ. Tuy nhiên, trước bình minh, Chúa Giêsu biến mất: Người lui vào một nơi vắng vẻ và cầu nguyện. Ông Simon và những người khác tìm kiếm Chúa và khi họ tìm thấy Người, họ nói: “Mọi người đang tìm kiếm Thầy!”. Chúa Giê-su trả lời thế nào?: “Tôi phải đi rao giảng trong các làng khác; vì điều này, tôi đã đến thế gian”(x. Mc 1,35-38).

Từ đó Đức Thánh Cha nhận xét: Cầu nguyện là bánh lái dẫn đường cho Chúa Giê-su. Không phải là những thành công, không phải là sự đồng thuận, không phải là câu nói đầy hấp dẫn: “tất cả mọi người đang tìm Thầy”. Lần theo con đường của Chúa Giê-su ta thấy đó là con đường ít thoải mái, nhưng vâng theo sự soi dẫn của Chúa Cha, Đấng mà Chúa Giê-su lắng nghe và đón nhận trong lời cầu nguyện trong thanh vắng của Người.

4 đặc điểm của việc cầu nguyện Ki-tô giáo

Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý với lời khẳng định trong Sách Giáo lý: "Khi Chúa Giêsu cầu nguyện, thì Người đã dạy chúng ta cầu nguyện" (số 2607). Vì vậy, từ gương mẫu của Chúa Giê-su, chúng ta có thể rút ra một số đặc điểm của việc cầu nguyện Ki-tô giáo.

Cầu nguyện trên hết là lắng nghe và gặp gỡ Thiên Chúa

Trước hết, nó có một tính ưu việt: cầu nguyện là mong muốn đầu tiên trong ngày, điều được thực hiện vào lúc bình minh, trước khi thế giới thức giấc. Nó đưa linh hồn trở về với điều mà nếu thiếu nó thì linh hồn không sống được. Một ngày sống mà không cầu nguyện có nguy cơ trở thành một trải nghiệm khó chịu hoặc buồn tẻ: mọi thứ xảy ra đều có thể trở thành một định mệnh áp đặt và mù quáng đối với chúng ta.

Thay vào đó, Chúa Giê-su dạy tuân theo thực tế và do đó, lắng nghe. Cầu nguyện trên hết là lắng nghe và gặp gỡ Thiên Chúa. Vì vậy, những vấn đề hàng ngày không trở thành chướng ngại vật, nhưng chính là lời Thiên Chúa kêu gọi chúng ta lắng nghe và gặp gỡ những người đang ở trước mặt chúng ta. Vì thế, những thử thách trong cuộc sống trở thành cơ hội để tăng trưởng trong đức tin và đức ái. Cuộc hành trình hàng ngày, bao gồm cả những nỗ lực, có chiều kích của một "ơn gọi". Cầu nguyện có sức mạnh biến đổi thành tốt lành điều mà trong cuộc sống, nếu không có cầu nguyện thì sẽ là một lời kết án; lời cầu nguyện có khả năng mở ra một chân trời rộng lớn cho tâm trí và mở rộng trái tim.

Cầu nguyện là một nghệ thuật cần được thực hành với sự kiên trì

Thứ hai, cầu nguyện là một nghệ thuật cần được thực hành với sự kiên trì. Chính Chúa Giêsu nói với chúng ta: hãy gõ, gõ, gõ. Tất cả chúng ta đều có khả năng cầu nguyện trong những biến cố, phát sinh từ cảm xúc của một khoảnh khắc; nhưng Chúa Giê-su dạy chúng ta một kiểu cầu nguyện khác: cách cầu nguyện có kỷ luật, tập luyện và là quy luật của cuộc sống. Sự cầu nguyện bền bỉ tạo ra sự biến đổi ngày càng tiến bộ, làm cho chúng ta mạnh mẽ trong lúc hoạn nạn, ban cho chúng ta ơn được nâng đỡ bởi Đấng luôn yêu thương và bảo vệ chúng ta.

Thanh vắng tĩnh mịch cần cho việc cầu nguyện

Đức Thánh Cha tiếp tục giải thích: Một đặc điểm khác của lời cầu nguyện của Chúa Giê-su là sự thanh vắng tĩnh mịch. Những người cầu nguyện không trốn tránh thế gian, nhưng thích những nơi vắng vẻ. Ở đó, trong sự thinh lặng, nhiều tiếng nói mà chúng ta giấu kín trong lòng có thể nổi lên: những ước muốn bị kìm nén nhất, những sự thật mà chúng ta vẫn cố kìm nén, v.v. Và trên hết, Thiên Chúa nói trong thinh lặng. Mỗi người cần có một khoảng không gian riêng, nơi có thể trau dồi đời sống nội tâm của chính mình, nơi các hành động tìm lại được ý nghĩa. Không có đời sống nội tâm, chúng ta trở nên hời hợt, kích động, lo lắng - lo lắng làm chúng ta đau đớn biết bao! Vì điều này, chúng ta phải cầu nguyện; không có cuộc sống nội tâm, chúng ta trốn tránh thực tại, và chúng ta cũng trốn tránh chính mình.

Nhận thức rằng mọi sự đến từ Thiên Chúa

Cuối cùng, lời cầu nguyện của Chúa Giê-su là nơi mà chúng ta nhận thức rằng mọi sự đều đến từ Thiên Chúa và trở về với Người. Đôi khi con người chúng ta tin rằng chúng ta là ông chủ của mọi thứ, hoặc ngược lại chúng ta đánh mất tất cả lòng tự trọng của bản thân. Cầu nguyện giúp chúng ta tìm ra chiều kích thích hợp trong mối tương quan với Thiên Chúa, Cha của chúng ta, và với mọi tạo vật. Và cuối cùng, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là phó mình trong tay Chúa Cha, như Chúa Giêsu trong vườn ô liu, trong nỗi thống khổ đó: “Lạy Cha nếu có thể được… nhưng xin cho ý Cha được thực hiện”. Thật đẹp khi chúng ta đang bị xao động, lo lắng một chút, và Chúa Thánh Thần biến đổi nội tâm chúng ta và hướng dẫn chúng ta đi đến phó thác trong tay Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho ý Cha được thực hiện”.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giáo lý với lời mời gọi: Anh chị em thân mến, chúng ta hãy khám phá lại, trong Tin Mừng, Chúa Giê-su Ki-tô là người dạy cầu nguyện, và chúng ta hãy học ở trường của Người. Tôi đảm bảo với anh chị em rằng chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và sự bình an.

Hồng Thủy - Vatican News