22 Tháng Tư 20245:35 CH(Xem: 26)
Nguồn: Internet Thánh Gioan John Vianney và quyền năng của Áo Đức Bà Mầu Nâu.
22 Tháng Tư 20245:32 CH(Xem: 32)
Năm 2004, tôi đã dịch và viết nhiều sách trong năm này. Một trong những tác phẩm mà tôi đã dịch và sưu tầm có tên là 50 Tuần Cửu Nhật Gõ Cửa Thiên Đàng. Sau đây là bản dịch mà tôi đã cố gắng dịch thuật, bản chính ở phía dưới bằng tiếng Anh là từ Cố LM Don Dolindo Ruotolo. Ngài là một nhà thần bí người Ý. Những lời cầu này là do Chúa Giêsu ban cho Cố LM...
18 Tháng Tư 20249:08 CH(Xem: 63)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Cố LM Don Dolindo có những cảm nghiệm rất hay. Khi còn nhỏ, ngài chịu nhiều sự bách hại và khổ đau. Bằng cách nào mà ngài đã cố gắng ngửng đầu cao lên khỏi bể nước và luôn vui vẻ? Chúa Thánh Thần đã khơi nguồn cảm hứng cho ngài với lời cầu nguyện đơn sơ như sau:
18 Tháng Tư 20248:35 CH(Xem: 51)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Lúc gần đây có nhiều người biết đến hiện tượng: "Padre Pio of Naples", đó là điều mô tả về cố linh mục Don Dolindo Ruotolo. Ngài qua đời vào năm 1970, chỉ hai năm sau khi Padre Pio qua đời vào năm 1968. Ngài đang làm việc một cách hữu hiệu từ Thiên Đàng. Ngài an ủi, dỗ dành, chữa lành cho rất nhiều người khỏi chứng bịnh lo âu,
18 Tháng Tư 20247:58 CH(Xem: 41)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Có một gương sáng lớn nhất, đó là chính Chúa Giêsu. Kẻ dữ độc ác đã đóng đinh Chúa Giêsu, Con Chí Thánh của Chúa Cha ở trên cây thánh giá. Lúc đó, Satan nghĩ rằng hắn đã chiến thắng. Nhưng sự thật thì trái lại. Đó là bởi vì Chúa đã biến đổi sự dữ ấy thành sự thiện.
18 Tháng Tư 20243:58 CH(Xem: 51)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Sr. Emmanuel viết: Có một phụ nữ gõ cửa nhà tôi. Trông cô ấy thật là quá đau khổ, xuống sắc và thiểu não. Đôi mắt, đôi má và cái miệng của cô trông rất là buồn thảm và héo hắt. Cô bắt đầu kể lể về mọi nỗi thống khổ của mình.
17 Tháng Tư 20249:07 CH(Xem: 48)
https://luisapiccarreta.com/other-category/cristina-montella-sister-rita-of-the-holy-spirit-the-little-girl-of-padre-pio/ 1. Thời thơ ấu Nữ tu Cristina Montella được sinh ra tại vùng Cercola (Naples) vào ngày 3/4/1920. Khi cô bé được 2 tuổi, cô đang ở chơi nhà một người cô thì nhìn thấy một bức hình của Thánh Gerard Majella,
17 Tháng Tư 20244:44 CH(Xem: 50)
Đức Mẹ Guadalupe hiện ra ở Tepeyac, Mexico City, nước Mễ Tây Cơ từ ngày 9/12/1531 đến ngày 12/12/1531 và chữa lành rất nhiều người, dù rằng người ta đã chết nhưng vẫn được Mẹ cho sống lại.
17 Tháng Tư 20241:58 CH(Xem: 43)
Tồi vừa được xem một video clip tiếng Anh ngắn. Cậu bé chừng 6 tuổi mơ thấy mình lên Thiên Đàng. Sáng hôm sau, cậu kể câu chyện mẹ mình: -Mẹ ơi, con gặp một người chị của con ở Thiên Đàng. -Ủa, con chỉ có một người chị ở đây thôi mà.
13 Tháng Tư 20249:23 CH(Xem: 64)
Cảm nghiệm của một thanh niên làm nghề taxi: Con gặp khó khăn trong việc làm nên con quyết định làm nghề tài xế taxi.

LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY THỨ BẢY TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN SỐNG LỜI CHÚA Bài đọc : Bài đọc 1 : Kh 22,1-7

28 Tháng Mười Một 202011:34 SA(Xem: 608)

29-11LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
THỨ BẢY TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
SỐNG LỜI CHÚA

Bài đọc :

Bài đọc 1 : Kh 22,1-7

Sẽ không còn đêm tối nữa, vì Đức Chúa sẽ chiếu sáng trên họ.

Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.

1 Tôi là Gio-an, bấy giờ, một thiên thần chỉ cho tôi thấy một con sông có nước trường sinh, sáng chói như pha lê, chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên. 2 Ở giữa quảng trường của thành, giữa hai nhánh sông, có cây Sự Sống sinh trái mười hai lần, mỗi tháng một lần ; lá cây dùng làm thuốc chữa lành các dân ngoại.

3 Sẽ không còn lời nguyền rủa nào nữa. Ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên sẽ đặt trong thành, và các tôi tớ Người sẽ thờ phượng Người. 4 Họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ. 5 Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời.

6 Thiên thần nói với tôi : “Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật ; và Đức Chúa là Thiên Chúa ban Thần Khí linh hứng cho các ngôn sứ, đã sai thiên thần của Người đến tỏ cho các tôi tớ Người biết những việc sắp phải xảy đến.” 7 - “Đây, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến ! Phúc thay kẻ tuân giữ các sấm ngôn trong sách này !”

Đáp ca : Tv 94,1-2.3-5.6-7a (Đ. 1 Cr 16,22b và Kh 22,20c)

Đ. Ma-ra-na tha ! Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến.

1Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa,
tung hô Người là Núi Đá độ trì ta,
2vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ,
cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.

Đ. Ma-ra-na tha ! Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến.

3Bởi Đức Chúa là Chúa Trời cao cả,
là Đại Vương trổi vượt chư thần,
4nắm trong tay bao vực sâu lòng đất,
giữ chủ quyền muôn ngọn núi vút cao.
5Đại dương Chúa đã tạo thành là của Chúa,
lục địa do tay Người nhào nắn cũng thuộc về Người.

Đ. Ma-ra-na tha ! Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến.

6Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục,
quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta.
7aBởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ,
còn ta là dân Người lãnh đạo,
là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.

Đ. Ma-ra-na tha ! Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến.

Tung hô Tin Mừng : Lc 21,36

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đứng vững trước mặt Con Người. Ha-lê-lui-a.

TIN MỪNG : Lc 21,34-36

Anh em hãy tỉnh thức, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

34 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. 36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”

SUY NIỆM-CẦU NGUYỆN

Trong những năm tháng tù đày gian khổ, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận cho biết ngài đã cầu nguyện liên lỉ. Có những lúc kiệt sức, không thể đọc nổi một kinh, thế nhưng ngài vẫn sống trong tinh thần cầu nguyện. Ngài viết: “Chính qua lời cầu nguyện mà con sống trong Chúa. Linh hồn con ở trong Chúa, như bé thơ nép mình trong lòng mẹ, hơi thở hiệp nhất với hơi thở của mẹ, con tim đập nhịp với con tim của mẹ.” (Trích sách Chứng Nhân Hy Vọng)

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc nhớ người môn đệ cần phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Tỉnh thức để biết phân định và lựa chọn theo tiêu chuẩn của Tin Mừng, dù cuộc sống có nhiều thử thách. Cầu nguyện luôn để đón nhận sự trợ giúp của Chúa hầu vượt thắng được mọi chướng ngại trong cuộc đời.

Những đam mê, cám dỗ, và gian nan trong cuộc sống hằng ngày dễ làm ta mê mệt, ngã gục và chán nản trong đời sống tâm linh. Vì thế, cầu nguyện luôn là cách thế để chúng ta có được sự tỉnh thức.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mong chờ Chúa đến trong từng giây phút của cuộc đời chúng con. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

Thiếu lắng nghe lời Chúa, hiệp thông, Thánh Thể và cầu nguyện thì không là Giáo hội

Đức Thánh Cha cảnh báo: Không có Giáo hội nếu thiếu sự lắng nghe Lời Chúa, sự hiệp thông huynh đệ, Thánh Thể và lời cầu nguyện. Chính Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên Giáo hội, chứ không phải sự ồn ào của công việc. Giáo hội không phải là cái chợ hay một đảng phái chính trị; chính Chúa Thánh Thần tạo nên Giáo hội.

Trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư 25/11/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý về cầu nguyện bằng việc suy tư về sức mạnh của việc chuyên cần cầu nguyện của các Ki-tô hữu tiên khởi, sức mạnh hướng dẫn hoạt động truyền giáo của họ.

Thánh Luca thuật lại với chúng ta rằng các Ki-tô hữu tiên khởi “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.” (2,42). Đức Thánh Cha nhận định rằng đời sống của Giáo hội ngày nay cũng đặt trọng tâm trên việc cầu nguyện. Cầu nguyện liên kết chúng ta với Chúa Ki-tô và truyền cảm hứng để chúng ta làm chứng cho Tin Mừng và hoạt động bác ái.

Nền tảng và động lực hoạt động truyền giáo của các Ki-tô hữu tiên khởi là cầu nguyện

Những bước đầu tiên của Giáo hội trên thế giới được đánh dấu bằng việc cầu nguyện. Các tác phẩm của các tông đồ và tường thuật tuyệt vời của sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta thấy lại hình ảnh của một Giáo hội lên đường, năng nổ hoạt động, nhưng lại đặt nền tảng và động lực cho hoạt động truyền giáo trong các buổi quy tụ cầu nguyện. Hình ảnh cộng đoàn Giê-ru-sa-lem tiên khởi là điểm tham chiếu cho mọi kinh nghiệm Ki-tô giáo khác. Thánh Luca viết trong Sách Công vụ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.” (2,42). Cộng đoàn chuyên cần cầu nguyện.

Lắng nghe lời Chúa, hiệp thông huynh đệ, Thánh Thể và cầu nguyện: Bốn yếu tố thiết yếu của đời sống Giáo hội

Đức Thánh Cha chỉ ra bốn đặc điểm thiết yếu của đời sống Giáo hội: lắng nghe giáo huấn của các Tông đồ, duy trì sự hiệp thông với nhau, bẻ bánh và cầu nguyện.

Đức Thánh Cha giải thích rằng các Ki-tô hữu tiên khởi nhắc nhở chúng ta rằng sự tồn tại của Giáo hội có ý nghĩa nếu nó duy trì sự kết hợp vững chắc với Chúa Kitô, nghĩa là trong cộng đoàn, trong Lời Chúa, trong Thánh Thể và trong cầu nguyện, là những cách thức để chúng ta kết hiệp với Chúa Ki-tô. Việc rao giảng và dạy giáo lý làm chứng cho lời nói và cử chỉ của vị Tôn sư; việc liên tục tìm kiếm sự hiệp thông huynh đệ giúp tránh khỏi tính ích kỷ và chủ nghĩa cá biệt; việc bẻ bánh cử hành bí tích Chúa Giêsu hiện diện ở giữa chúng ta: Người sẽ không bao giờ vắng mặt, chính Người trong Thánh Thể. Người sống và bước đi với chúng ta. Và cuối cùng, cầu nguyện là không gian để đối thoại với Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Và ngài cảnh báo rằng tất cả những điều phát triển trong Giáo hội nhưng không theo các yếu tố điều phối này đều thiếu nền tảng. Thiên Chúa thành lập Giáo hội chứ không phải sự ồn ào của các công việc.

Thiếu rao giảng, hiệp thông huynh đệ, Thánh Thể và cầu nguyện thì sẽ thiếu nền tảng

Bốn yếu tố điều phối – rao giảng, tìm kiếm tình hiệp thông huynh đệ, Thánh Thể và cầu nguyện, theo Đức Thánh Cha, chính là tiêu chuẩn để phân định một sự việc. Bất cứ trường hợp nào thiếu những yếu tố này điều thiếu tính Giáo hội, không phải của Giáo hội. Ngài giải thích thêm rằng Giáo hội không phải là cái chợ, không phải là một nhóm doanh nhân phát triển với công ty mới này. Giáo hội là công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giê-su đã gửi đến để quy tụ chúng ta. Giáo hội là hoạt động của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn Ki-tô hữu, trong đời sống cộng đoàn, trong Thánh Thể, trong cầu nguyện. Những cộng đoàn phát triển không theo các yếu tố điều phối này đều thiếu nền tảng.

Giáo hội không được tạo thành bởi các cuộc hội họp

Đức Thánh Cha chia sẻ rằng đôi khi ngài cảm thấy rất buồn khi thấy một vài cộng đoàn, có ý định tốt, nhưng lại đi sai đường khi nghĩ rằng Giáo hội được hình thành bởi các cuộc tụ họp, giống như một đảng phái chính trị. Ở đó người ta lo nghĩ về điều này, điều kia... Nhưng Chúa Thánh Thần có ở đó không? Có cầu nguyện, có tình yêu cộng đoàn, có Thánh Thể không?

Theo Đức Thánh Cha, nếu thiếu bốn yếu tố điều phối này thì Giáo hội trở thành một hiệp hội của con người, một đảng phái chính trị - với đa số, thiểu số - người ta thực hiện những thay đổi như thể đó là một công ty, vì số đông hay thiểu số. Vì thế Giáo hội không thể phát triển khi thiếu các yếu tố này: Giáo hội không phát triển nhờ chiêu dụ tín đồ, nhưng nhờ sự thu hút. Nếu thiếu Chúa Thánh Thần thì Giáo hội không có điều thu hút người ta đến với Chúa Giê-su. Khi đó có một câu lạc bộ thân hữu, với những ý định tốt, nhưng không có Giáo hội.

Cầu nguyện là động lực của việc loan báo Tin Mừng

Tiếp tục bài giáo lý, Đức Thánh Cha nói: Khi đọc sách Công vụ Tông đồ, chúng ta khám phá động cơ mạnh mẽ của việc loan báo Tin Mừng chính là những buổi quy tụ cầu nguyện, nơi những người tham gia cảm nghiệm cách sống động sự hiện diện của Chúa Giêsu và được Chúa Thánh Thần đánh động. Các thành viên của cộng đoàn tiên khởi - nhưng điều này luôn đúng, ngay cả đối với chúng ta ngày nay - nhận thức rằng câu chuyện về cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su không kết thúc ở giây phút Chúa lên trời, nhưng còn tiếp tục trong cuộc sống của họ. Khi thuật lại những gì Chúa đã nói và đã làm, khi cầu nguyện để hiệp thông với Người, tất cả mọi người trở nên sống động. Lời cầu nguyện truyền lan ánh sáng và sự hăng hái: ân sủng của Chúa Thánh Thần làm nảy sinh trong lòng họ sự nhiệt thành.

Làm cho Chúa Giê-su hiện diện

Đức Thánh Cha trích dẫn một cách diễn tả cô đọng trong sách giáo lý: "Chúa Thánh Thần, Đấng nhắc lại mầu nhiệm Chúa Ki-tô cho Giáo hội đang cầu nguyện, cũng dẫn đưa Giáo hội đến Chân Lý trọn vẹn và khởi hứng những mẫu kinh mới để diễn tả mầu nhiệm khôn dò thấu về Chúa Ki-tô, Đấng đang hoạt động trong cuộc sống, trong các bí tích và trong sứ vụ của Hội Thánh” (n. 2625). Đức Thánh Cha giải thích: Đây là công việc của Thánh Linh trong Giáo Hội: nhắc nhớ về Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã nói điều đó: Ngài sẽ dạy dỗ anh em và nhắc nhở anh em. Sứ vụ của Chúa Thánh Thần là nhắc nhớ về Chúa Giê-su, nhưng không đơn giản là nhớ lại các sự kiện. Các Kitô hữu, đang bước đi trên các nẻo đường truyền giáo, nhắc nhớ đến Chúa Giêsu khi làm cho Người hiện diện một lần nữa; và từ Người, từ Thần Khí của Người, họ nhận được “sự thúc đẩy” để ra đi, loan báo và phục vụ.

Trong cầu nguyện, người Kitô hữu đắm mình trong mầu nhiệm Thiên Chúa, mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương mọi người và mầu nhiệm về Thiên Chúa, Đấng mong muốn Tin Mừng được rao giảng cho mọi người. Thiên Chúa là Thiên Chúa của mọi người, và nơi Chúa Giêsu mọi bức tường ngăn cách đã vĩnh viễn bị sụp đổ: như thánh Phaolô đã nói: Người là bình an của chúng ta, nghĩa là “Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một” (Ep 2,14). Chúa Giê-su đã tạo nên sự hiệp nhất.

Đức Thánh Cha nhận định: Do đó, đời sống của Giáo hội sơ khai được nhấn mạnh bởi một chuỗi liên tiếp các cử hành, các cuộc triệu tập, thời gian cầu nguyện cộng đoàn và cá nhân, và chính Chúa Thánh Thần ban sức mạnh cho những người rao giảng để họ lên đường, và cho những ai vì yêu mến Chúa Giêsu mà chèo thuyền vượt biển, đương đầu với nguy hiểm, chịu sỉ nhục.

Tình yêu là nguồn gốc thần bí của cuộc sống con người

Thiên Chúa ban tình yêu và yêu cầu tình yêu. Đức Thánh Cha nói rằng đây là nguồn gốc thần bí của tất cả cuộc sống của người tin. Ngài giải thích: Các Ki-tô hữu sơ khai cầu nguyện, nhưng cả chúng ta, những người đến sau hàng thế kỷ, tất cả đều sống cùng một kinh nghiệm. Chúa Thánh Thần là linh hồn của mọi việc. Và mỗi Ki-tô hữu không ngại dành thì giờ để cầu nguyện có thể làm theo lời thánh Phao-lô: "Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Cầu nguyện giúp anh chị em nhận thức được điều này. Chỉ trong sự im lặng của thờ kính chúng ta mới có thể cảm nghiệm được toàn bộ chân lý của những lời này. Và lời cầu nguyện này là ngọn lửa sống động của Chúa Thánh Thần, Đấng ban sức mạnh cho việc làm chứng và sứ vụ truyền giáo.

Hồng Thủy - Vatican News