Friday, December 6, 20247:22 PM(View: 18)
Tôi biết chị Teresa Nguyễn Trịnh Phương, vợ thầy Phó Tế Nguyễn Sỹ Bạch khi tham dự khóa 516 Cursillo năm 2002. Và tôi cũng đã có dự lớp học Thánh kinh do Giáo xứ Đức Kitô Ngôi Lời tổ chức năm 2008 thời Đức Ông Lê Xuân Thượng làm chánh xứ, ban đầu là cha Bùi Phương Tiến và sau đó thầy Phó tế Bạch phụ trách. Tôi thường xuyên gặp thầy Phó Tế Bạch và vợ thầy là cô Phương...
Wednesday, December 4, 20249:13 PM(View: 38)
LM Mario Attard OFM kể: Tôi được một người phóng viên của một chương trình TV mời tôi lên đài để phỏng vấn. Khi tôi bước vào phòng thâu thì tôi nhìn thấy ông ấy đang ngồi. Ánh mắt của ông ấy có vẻ buồn phiền. Giọng nói của ông ấy cò vẻ lạ lẫm. Sau khi nói chuyện thì ông ấy bảo tôi rằng:
Wednesday, December 4, 20248:38 PM(View: 31)
Sau đây là thông điệp mà Đức Mẹ ban cho thị nhân Mirjana Dragicevic-Soldo vào ngày 2/12/2015: "Các con thân mến, Mẹ luôn ở với các con bởi vì Con của Mẹ đã tín thác các con cho Mẹ. Và các con là con của Mẹ, các con cần Mẹ, các con đang tìm kiếm Mẹ. Các con đang đến với Mẹ. Các con đem niềm vui cho Trái Tim Từ Mẫu Mẹ."
Tuesday, December 3, 20248:35 PM(View: 34)
LM Mario Attard kể: Tôi luôn đi thăm các bịnh nhân đau ốm trong bịnh viện. Có một lần tôi ghé thăm phòng bịnh của một phụ nữ. Bà tỏ ra tốt lành, thanh thản và bình an. Tôi cảm thấy rất quý mến bà. Khi tôi hỏi xem liệu bà có muốn rước Mình Thánh Chúa hay không thì bà đáp ngay:
Saturday, November 30, 20246:31 AM(View: 52)
Trong Mùa Tạ Ơn 2024 này, con nhìn lại cuộc đời 74 năm của con để nhìn thấy Bàn Tay Chúa an bài. Con cảm tạ Chúa vì con đã từng nhìn thấy những ơn lành mà Chúa ban cho con trong suốt cuộc đời của con.
Saturday, November 30, 20245:02 AM(View: 61)
1. Một người phụ nữ chia sẻ: Vợ chồng tôi là chủ của một tiệm làm móng tay (nails). Suốt ngày chúng tôi rất bận rộn với nhiều khách hàng và các thợ làm móng. Vì thế tôi đã phá thai đến 4 lần vì sợ rằng có con cái...
Thursday, November 28, 20242:24 PM(View: 67)
Ngày hôm nay tôi đọc được một tin rất buồn từ FB Catholic Saint of The Day như sau: Xin cầu nguyện cho linh
Thursday, November 28, 20241:55 PM(View: 57)
Hôm nay là Lễ Tạ Ơn. Buổi sáng vợ chồng tôi đến dự Lễ sớm vì biết hôm nay là Lễ của hai sắc dân Việt và Mỹ nên rất đông.
Thursday, November 28, 20241:14 PM(View: 67)
By: Susan Tassone Đức Mẹ Maria khi hiện ra tại làng Medjugorje đã từng nói về cây thánh giá trên núi Krizevac như sau:
Wednesday, November 27, 20249:15 PM(View: 59)
By: Susan Tassone Hai năm sau, cha Aladel đến gặp Đức Tổng Giám Mục de Quelen ở Paris và kể lại cho Đức Cha nghe những gì đã xẩy ra tại vùng Rue du Bac cũng ở tại Paria. Ngài nói rằng mề đay này hợp với những giáo huấn của Giáo Hội.

LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY THỨ TƯ LỄ TRO SỐNG LỜI CHÚA Bài đọc : Bài đọc 1 : Ge 2,12-18

Tuesday, February 16, 20217:07 PM(View: 920)

ash1LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY

THỨ TƯ LỄ TRO

SỐNG LỜI CHÚA

Bài đọc :

Bài đọc 1 : Ge 2,12-18

Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng.

Bài trích sách ngôn sứ Giô-en.

12 Đây là sấm ngôn của Đức Chúa :

“Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta,
hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.”
13Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng.
Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em,
bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương,
Người hối tiếc vì đã giáng hoạ.

14Biết đâu Người chẳng nghĩ lại và hối tiếc
mà để lại phúc lành, hầu anh em có lễ phẩm và lễ tưới rượu
dâng lên Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em.
15Hãy rúc tù và tại Xi-on, ra lệnh giữ chay thánh,
công bố mở cuộc họp long trọng ;

16hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh,
triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi
cũng như trẻ thơ còn đang bú.
Tân lang hãy ra khỏi loan phòng,
tân nương hãy rời bỏ phòng khuê !

17Giữa tiền đình và tế đàn,
các tư tế phụng sự Đức Chúa hãy than khóc và nói rằng :
“Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương xót dân Ngài !
Xin đừng để gia nghiệp của Ngài phải nhục nhã
và nên trò cười cho dân ngoại !
Chẳng lẽ các dân lại được cớ mà nói :
Thiên Chúa của chúng ở đâu rồi ?”

18Đức Chúa đã nồng nhiệt yêu thương đất của Người,
đã tỏ lòng khoan dung đối với dân Người.

Đáp ca : Tv 50,3-4.5-6a.12-13.14 và 17 (Đ. x. c.3a)

Đ. Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương, vì chúng con đắc tội với Ngài.

3Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
4Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Đ. Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương, vì chúng con đắc tội với Ngài.

5Vâng, con biết tội mình đã phạm,
lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
6aCon đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trái mắt Ngài.

Đ. Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương, vì chúng con đắc tội với Ngài.

12Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.
13Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,
đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.

Đ. Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương, vì chúng con đắc tội với Ngài.

14Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,
và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con ;
17Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,
cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.

Đ. Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương, vì chúng con đắc tội với Ngài.

Bài đọc 2 : 2 Cr 5,20 - 6,2

Anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa : Đây là thời Thiên Chúa thi ân.

Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

5 20 Thưa anh em, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. 21 Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.

6 1 Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em : anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. 2 Quả thế, Chúa phán rằng : Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.

Tung hô Tin Mừng : x. Tv 94,7b.8a

Ngày hôm nay, anh em chớ cứng lòng,

nhưng hãy nghe tiếng Chúa.

TIN MỪNG : Mt 6,1-6.16-18

Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

5 “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả : chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em : chúng đã được phần thưởng rồi. 6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

16 “Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả : chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”

SUY NIỆM-ĐƯỢC CHÚA CÔNG NHẬN

Người Việt Nam có câu: “Một miếng giữa làng, bằng một sàng xó bếp”. Thật vậy, khi làm bất cứ việc gì, người ta luôn mong muốn được người khác nhìn nhận, tán thưởng.

Nhưng trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại dạy các môn đệ khi cầu nguyện, ăn chay, bố thí, thì phải làm một cách kín đáo, đừng phô trương. Nói cách khác, đừng làm việc thiện để người đời công nhận nhưng hãy làm vì “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo”.

Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhận ra quan điểm của Thiên Chúa: Người yêu quý những điều quan trọng bên trong. Đó là tương quan của chúng ta với Người, những việc lành chúng ta làm, để dành tặng Người, và chỉ cần Người công nhận mà thôi.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết âm thầm làm việc lành phúc đức và nhất là không tìm kiếm danh lợi trong công việc phục vụ Chúa và tha nhân. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Sứ điệp Mùa Chay 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô


Trong sứ điệp Mùa Chay, thời gian chuẩn bị cho lễ Phục Sinh, ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu tái khám phá mối dây hiệp thông với người khác, đặc biệt là với người nghèo. "Lòng bác ái, nhờ sức năng động phổ quát, có khả năng xây dựng một thế giới mới. Bác ái không đơn thuần là tình cảm, nhưng là phương thế tốt nhất để khám phá những con đường phát triển hữu hiệu đối với mọi người.”


“Này chúng ta lên Giêrusalem” (Mt 20,18)
Mùa Chay: Thời gian làm tươi mới Niềm tin, Hy vọng và Tình yêu


Anh chị em thân mến,

Khi loan báo cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người để hoàn thành Thánh ý Cha, Chúa Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ ý nghĩa sâu sắc nhất về sứ mạng của Người và mời gọi họ chia sẻ sứ mạng này để cứu độ thế giới.


Trong hành trình Mùa Chay hướng về Phục Sinh, chúng ta hãy nhớ đến Đấng đã “hạ mình, vâng lời cho đến nỗi đã bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phi 2,8). Trong suốt mùa sám hối này, chúng ta hãy làm mới lại đức tin của chúng ta, kín múc “nước hằng sống” của niềm hy vọng, và mở lòng đón nhận tình yêu Chúa là Đấng đã làm cho chúng ta trở nên anh chị em trong Chúa Kitô. Vào đêm Canh thức Vượt qua, chúng ta sẽ làm mới lại lời hứa của Bí tích Rửa tội để được tái sinh nên những con người mới nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Hành trình Mùa Chay này, cũng như toàn bộ cuộc lữ hành của đời Kitô hữu, ngay lúc này được chiếu soi nhờ ánh sáng phục sinh, trở nên nguồn cảm hứng cho những suy nghĩ, thái độ và quyết định của các môn đệ Chúa Kitô.

Ăn chay, cầu nguyện và bố thí, như lời rao giảng của Chúa Giêsu (x. Mt 6, 1-18), là điều kiện giúp chúng ta hoán cải và thể hiện sự hoán cải. Nẻo đường khó nghèo và bỏ mình (ăn chay), quan tâm và yêu thương chăm sóc người nghèo (bố thí), và như trẻ thơ trò chuyện với Chúa Cha (cầu nguyện) làm cho chúng ta có thể sống đức tin chân thành, đức cậy sống động và đức ái tích cực.

1. Đức tin mời gọi chúng ta chấp nhận sự thật và làm chứng cho sự thật trước Thiên Chúa và trước toàn thể anh chị em mình.

Trong Mùa Chay này, chấp nhận và sống sự thật được mặc khải trong Chúa Kitô, trước hết là mở rộng tâm hồn trước Lời Chúa mà Giáo hội đã trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Sự thật này không phải là loại khái niệm trừu tượng dành riêng cho một số người thông thái được tuyển chọn, nhưng là một sứ điệp mà tất cả chúng ta có thể nhận lãnh và hiểu biết nhờ vào sự khôn ngoan của một tâm hồn biết mở rộng trước sự vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta ngay cả trước khi chúng ta nhận thức về điều này. Sự thật này là chính Chúa Kitô. Bằng cách mang lấy thân phận con người của chúng ta, ngay cả trong những giới hạn của nó, Người đã làm cho chính mình trở nên con đường dẫn đến sự sống viên mãn. Đây là con đường tuy đòi hỏi nhưng mở ra cho tất cả mọi người.

Được kinh nghiệm như một hình thức tự hủy, việc ăn chay sẽ giúp cho những ai thực hành với tâm hồn đơn sơ tái khám phá ân huệ của Thiên Chúa và nhận ra rằng sự thành toàn của mình là ở nơi Thiên Chúa bởi lẽ con người được dựng nên theo hình ảnh và giống với Người. Cùng với kinh nghiệm về sự khó nghèo, người ăn chay làm cho chính mình trở nên nghèo với người nghèo và tích lũy kho báu của tình yêu vừa đón nhận vừa chia sẻ. Được hiểu và thực hành như thế, ăn chay giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, vì yêu mến, như Thánh Tôma Aquinô dạy, là một chuyển động hướng ngoại tập chú vào người khác và xem họ như một với chính mình (x. Fratelli Tutti, 93).

Mùa Chay là thời gian để tin tưởng, nghĩa là để đón tiếp Thiên Chúa vào cuộc đời chúng ta và ưng thuận để Người “ở lại” với chúng ta (x. Ga 14, 23). Ăn chay giải thoát chúng ta khỏi tất cả những gì xâm chiếm cuộc đời chúng ta, như khỏi chủ nghĩa tiêu thụ và thừa mứa thông tin (cả thông tin thật lẫn thông tin giả), để mở lòng ra với Đấng đến với chúng ta, Người nghèo khó trong mọi sự nhưng “đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14): Người là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta.

2. Niềm hy vọng như “nước hằng sống” cho phép chúng ta tiếp tục hành trình

Người phụ nữ Samari mà Chúa Giêsu xin nước uống bên giếng đã không hiểu khi Chúa Giêsu nói rằng Người có thể cho bà “nước hằng sống” (Ga 4,10). Một cách tự nhiên, bà nghĩ rằng Người đề cập đến nước vật chất, nhưng Chúa Giêsu có ý nói về Chúa Thánh Thần, Đấng mà Người sẽ ban dồi dào qua mầu nhiệm Vượt qua, Đấng tuôn đổ trên chúng ta niềm hy vọng không gây thất vọng. Khi loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Người, Chúa Giêsu đã nói về niềm hy vọng này: “ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 20,19). Chúa Giêsu đang nói về một tương lai rộng mở nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Hy vọng với Người và vì Người có nghĩa là tin tưởng rằng lịch sử không chấm dứt với những lầm lỗi của chúng ta, với những bạo lực và bất công của chúng ta, hay với tội ác đã đóng đinh Đấng là Tình Yêu. Niềm hy vọng đó cũng có nghĩa là đón nhận từ trái tim rộng mở của Người ơn tha thứ của Thiên Chúa Cha.

Trong hoàn cảnh lo âu hiện nay, khi mọi việc có vẻ mong manh và bấp bênh, thì việc nói về niềm hy vọng dường như là một thách đố. Nhưng Mùa Chay chắc chắn là mùa hy vọng, khi chúng ta quay trở lại với Thiên Chúa là Đấng vẫn tiếp tục nhẫn nại để chăm sóc thụ tạo của Người, đang khi chúng ta lại thường ngược đãi (x. TĐ. Laudato si’, 32-33; 43-44). Thánh Phaolô thúc giục chúng ta đặt niềm hy vọng nơi việc hòa giải: “Hãy giao hòa với Thiên Chúa” (2Cor 5,20). Bằng cách đón nhận ơn tha thứ trong bí tích vốn là trọng tâm quá trình hoán cải của chúng ta, đến lượt mình, chúng ta có thể lan truyền ơn tha thứ cho người khác. Một khi bản thân đã nhận được ơn tha thứ, chúng ta có thể trao tặng nó qua việc sẵn sàng đi vào cuộc trò chuyện ân cần với người khác và an ủi những người đang trải qua nỗi buồn đau. Ơn tha thứ của Thiên Chúa, cũng được trao ban qua lời nói và hành động của chúng ta, có thể giúp chúng ta trải nghiệm ngày Phục sinh của tình huynh đệ.

Trong Mùa Chay, ước mong chúng ta chú ý hơn để “nói những lời tích cực để vỗ về, trợ lực, an ủi và khích lệ chứ không nói những lời miệt thị, bi quan, khích bác hoặc chê bai” (Fratelli Tutti, 223). Đôi khi để trao tặng niềm hy vọng, chỉ cần là một người tử tế, “sẵn sàng bỏ qua những bận tâm và việc cần làm ngay của mình để lưu tâm đến người khác, để trao tặng một nụ cười, để nói một lời động viên, để lắng nghe giữa một nơi chốn đầy vẻ dửng dưng (nt., 224).

Qua việc tĩnh tâm và thinh lặng cầu nguyện, chúng ta được ban cho có niềm hy vọng như sự cảm hứng và ánh sáng nội tâm, soi sáng những thử thách và những chọn lựa trong sứ vụ của mình. Vì thế, tĩnh tâm cốt yếu là để cầu nguyện (x. Mt 6,6) và để gặp gỡ, trong nơi kín ẩn, Thiên Chúa Cha đầy nhân ái dịu dàng.

Sống Mùa Chay trong niềm hy vọng có nghĩa là ý thức rằng, trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta là những chứng nhân của thời đại mới, nơi mà Thiên Chúa “đổi mới mọi sự” (x. Kh 21,5). Nghĩa là đón nhận niềm hy vọng của Chúa Kitô, Đấng đã trao ban sự sống của Người trên thánh giá và được Thiên Chúa cho trỗi dậy vào ngày thứ ba, đồng thời “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3, 15).

3. Theo bước Chúa Kitô, trong việc quan tâm và động lòng thương mọi người, tình yêu là biểu hiện cao nhất của đức tin và niềm hy vọng của chúng ta.

Tình yêu vui mừng khi thấy người khác lớn lên. Vì vậy nó đau khổ khi người khác đau khổ, cô đơn, bệnh tật, vô gia cư, bị khinh thường hoặc thiếu thốn. Tình yêu là bước nhảy vọt của con tim, đưa chúng ta ra khỏi chính mình và tạo nên mối liên kết chia sẻ và hiệp thông.

“Tình yêu thương mang tính xã hội giúp chúng ta có khả năng tiến tới nền văn minh tình yêu, mà mọi người chúng ta đều cảm nhận mình được kêu gọi đến. Lòng bác ái, nhờ sức năng động phổ quát, có khả năng xây dựng một thế giới mới. Bác ái không đơn thuần là tình cảm, nhưng là phương thế tốt nhất để khám phá những con đường phát triển hữu hiệu đối với mọi người” (Fratelli Tutti, 183).

Tình yêu là món quà mang lại ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta. Nó làm cho chúng ta nhìn những người thiếu thốn như những thành viên trong gia đình mình, như bạn hữu, như anh chị em. Một số lượng ít ỏi, nếu được trao ban bằng tình yêu, sẽ không bao giờ cạn nhưng trở nên nguồn sống và hạnh phúc. Như trường hợp bình dầu và hũ bột của bà góa thành Xarépta, người đã tặng chiếc bánh cho tiên tri Êlia (x. 1V 17,7-16); đó cũng là trường hợp những chiếc bánh được Chúa Giêsu chúc lành, bẻ ra rồi trao cho các môn đệ để phân phát cho đám đông (x. Mc 6,30-44). Cũng xảy ra như thế qua những chia sẻ dù ít hay nhiều của chúng ta, khi được trao tặng với niềm vui và sự đơn thành.

Sống Mùa Chay với tình yêu nghĩa là quan tâm tới những người đau khổ hay cảm thấy bị bỏ rơi và sợ hãi vì đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh tương lai vô cùng bất ổn, hãy ghi nhớ lời Chúa nói với tôi tớ Người: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về” (Is 43,1) để với tình bác ái, chúng ta biết trao tặng những lời nói làm vững dạ an lòng và giúp người khác nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương họ như những người con.

“Chỉ có cái nhìn được tình bác ái biến đổi mới có thể giúp chúng ta nhận ra phẩm giá của người khác, và từ đó người nghèo được nhìn nhận, phẩm giá, bản sắc và văn hóa của họ được tôn trọng và do đó được thực sự hòa nhập vào xã hội” (Fratelli Tutti, 187).

Anh chị em thân mến! Mỗi giây phút của cuộc đời đều là thời gian để chúng ta tin tưởng, hy vọng và yêu thương. Lời kêu gọi sống Mùa Chay như hành trình hoán cải, cầu nguyện và chia sẻ của cải, giúp cho niềm tin đến từ Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng được cảm hứng do hơi thở của Chúa Thánh Thần và tình yêu chảy tràn từ trái tim nhân hậu của Chúa Cha được sống động trở lại nơi cộng đồng và cá nhân mỗi người chúng ta.

Nguyện xin Đức Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế và cũng là Mẹ các tín hữu, đứng dưới chân thánh giá và ở trong lòng Giáo Hội, nâng đỡ chúng ta bằng sự hiện diện đầy yêu thương của Mẹ. Nguyện xin phúc lành của Chúa Phục Sinh đồng hành với chúng ta trong hành trình hướng về ánh sáng Phục Sinh.

Rôma, Đền thờ Thánh Latêranô, ngày 11 tháng 11 năm 2020, Lễ nhớ Thánh Mactinô thành Tua.

Đức Thánh Cha Phanxicô

(Bản dịch chính thức của Hội đồng Giám Mục Việt Nam)