26 Tháng Ba 20249:00 CH(Xem: 24)
Có một thanh niên trong giáo xứ đã chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống hôn nhân. Anh ngậm đắng nuốt cay vì người vợ của anh rất hay nóng giận và hung dữ. Chị luôn nói những lời nặng nề khi chị không hài lòng về một điều gì đó.
23 Tháng Ba 20249:13 CH(Xem: 50)
Nguồn: Spiritdaily.com Cô Yamilexis Fernandez chia sẻ cảm nghiệm là cô nhận được ơn lành tìm thấy Chúa và được Chúa giải thoát khỏi tà thuật.
22 Tháng Ba 20245:00 CH(Xem: 58)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and.../ Điều quan trọng nhất là hãy yêu thương. Ông Vincent nói rằng điều chính yếu nhất là cần yêu thương mọi người dù là ở trong bất cứ trường hợp nào. Trên hết mọi sự là hãy ở trong tình yêu Thiên Chúa.
22 Tháng Ba 20244:12 CH(Xem: 51)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and-was-told-what-was-about-to-hit-earth-put-your-phones-away/ Ông Vincent tuyên bố rằng ông ấy đã từng chết rồi. Ông được báo cho biết về tình hình của trái đất. Ông bảo: "Hãy đặt điện thoại của bạn xuống!"
22 Tháng Ba 202412:05 SA(Xem: 64)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. LỜI CẦU NGUYỆN DÂNG ĐỜI SỐNG Lạy Chúa Giêsu kính yêu, trước sự Hiện Diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, trước Nhan Thánh của Đức Mẹ Thiên Đàng và Triều Thần Thiên Quốc trên Trời, con xin dâng cuộc đời con theo như ý chỉ của Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẫu Tâm Vô Nhiễm Mẹ Rất Thánh Maria.
21 Tháng Ba 20246:41 CH(Xem: 72)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie dâng hiến cuộc đời và những lời hứa của Thiên Đàng Trong năm Thánh Mẫu (1983-1984) Đức Trinh Nữ Maria nói với tôi rằng:
21 Tháng Ba 20245:09 CH(Xem: 65)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie không được nhiều người trong Giáo Hội biết đến Nữ tu Natalie gửi những thông điệp cứng rắn đến cho Giáo Hội Công Giáo tại nước Hung Gia Lợi. Đó là những lời khuyên mọi người hãy rời khỏi những cung điện. Hãy làm việc thống hối. Hãy phân phát những của cải cho người...
21 Tháng Ba 20241:09 CH(Xem: 56)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie Nữ Tu Natalie Kovacsics (1901-1992) thuộc Dòng Chúa Chiên Lành Thánh Magdalene. Bà cũng được biết đến là Nữ Tu Natalia Magdolna. Bà sinh vào ngày 31/1/1901 tại gần vùng Pozsony mà nay thuộc về thành phố Bratislava, nước Slovakia. Đó là vùng thuộc về Đế Quốc...
21 Tháng Ba 202411:39 SA(Xem: 49)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Khi Chúa hiện ra với bà nha sĩ Gloria Polothì Chúa Kito đã giải thích về chương trình của Chúa dành cho mỗi gia đình như sau: "Mỗi khi một trẻ thơ được thụ thai trong cung lòng người mẹ thì các thiên thần nhẩy múa trên Thiên Đàng trước một tạo vật mới này." Bằng việc bảo vệ sự sống, chúng ta bắt chước...
21 Tháng Ba 202411:10 SA(Xem: 55)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Một nhà thần bí nổi tiếng là Sr. Natalia Magdolna (1901-1992) có mối liên hệ mật thiết với Đức Mẹ Maria. Vì thế mà Mẹ luôn đến thăm viếng và nsoi chuyện với bà. Đức Mẹ còn tiết lộ cho bà biết về những gì sẽ xẩy đến cho thời đại mà chúng ta đang sống.

CẦU NGUYỆN THEO GƯƠNG THÁNH ĐA MINH

08 Tháng Ba 201710:22 CH(Xem: 6222)
CẦU NGUYỆN THEO GƯƠNG THÁNH ĐA MINH

Cau Cha Thanh DaminhCó lẽ anh chị em trong gia đình Đa Minh đã có lần nghe nói tới các lối cầu nguyện của thánh Đa Minh. Nhưng có lẽ ít ai đặt câu hỏi xem chúng ta có thể học hỏi gì từ những đường lối ấy? Chúng ta có thể áp dụng trong đời sống cầu nguyện của mình hay không? Hơn thế nữa, có đáng quảng bá hay không? Một chị nữ tu dòng kín đã giúp chúng ta trả lời những câu hỏi đó. Chị đã viết một tập sách nhỏ dành cho các bạn trẻ Italia, để tập cho họ cầu nguyện. Sau khi trình bày sơ qua các hình thức cầu nguyện của Đa Minh, chị đã thúc giục các bạn trẻ cũng hãy học hỏi cầu nguyện cũng như Đa Minh. Chúng tôi xin dịch lại để tặng các bạn trẻ gia đình Đa Minh ở Việt Nam, với vài thích nghi nho nhỏ.

Tập sách được chia làm hai phần. Phần đầu gồm chín cách cầu nguyện của Đa Minh, cộng thêm lời cầu nguyện phụng vụ. Phần thứ hai nối việc cầu nguyện với hoạt động tông đồ, đúng như linh đạo của Đa Minh, dựa trên các tài liệu lấy từ bản án phong thánh (viết tắt: PT). MARIA PIA FRAGNI, Come Domenico , Edizioni Dehoniane, Roma 1994.


PHẦN I. CHÍN CÁCH CẦU NGUYỆN CỦA THÁNH ĐA MINH

1) Thờ lạy ngợi khen

Đứng thẳng trước bàn thờ, Đa Minh cúi sâu xuống, tựa hồ như bái chào Đức Kitô thực sự đang hiện diện trên bàn thờ. Sau khi đã cúi mình một hồi lâu như vậy, Đa Minh đứng thẳng người lên, và nghiêng đầu nhìn ngắm Đức Kitô là đầu của mình, đối chiếu vẻ uy nghi cao cả của Ngài với sự thấp hèn của mình, rồi bộc lộ tâm tình cung kính thờ lạy .

Khi bạn đi ngang qua nhà thờ và thấy cửa mở, bạn cũng hãy bước vào. Bạn hãy để cho tâm tình cung kính được bộc lộ trước mặt Thiên Chúa đang hiện diện, va hãy quỳ gối thờ lạy Người: " Hãy vào đây, ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta " (Tv 94,6). Hãy suy đến Thiên Chúa cao cả, bao la, quyền năng như thế nào, rồi bạn hãy tự hỏi: " Tôi là gì mà được Chúa thương yêu như vậy ?" " Con người là chi, mà Chúa nhớ đến; phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?" (Tv 8,5).
thanh_daminh
Cũng như Đa Minh , bạn hãy trở nên khiêm tốn trước nhan đấng Thánh thiện cao trùng nhưng đã từ bỏ vẻ uy nhan của Người vì chúng ta: "Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa" (Pl 2,6). Bạn hãy dâng lên Người mọi danh dự và vinh quang: " Lạy Chúa, thật con là đầy tớ, không đáng được Chúa đối xử với tất cả lòng khoan nhân và trung tín như vậy " (St 32,11). Chúa sẽ nhìn đến bạn khi bạn tỏ ra bé nhỏ. Chúa sẽ nhậm lời bạn khi bạn khiêm nhường. Hãy vào trong tim của bạn và thưa với Chúa rằng mình bất xứng với Người.

2) Thống hối và tín thác

Đa Minh thường cầu nguyện nằm sấp mình xuống đất. Cha giục lòng thống hối, nhớ tới lời của người thâu thuế và kêu to lên ra như để cho Chúa nghe thấy: "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi" (Lc 18,13). Thế rồi cha oà lên khóc lóc thống thiết .

Khi bạn ở trong phòng hay ở nhà nguyện, và chợt cảm thấy nổi lên tâm tình thống hối ăn năn : "Tại sao tôi đã làm như vậy nhỉ? tôi đã có thể chống trả được, tôi có thể thắng được; thế mà tôi đã phạm tội!" Bạn đừng hoảng. Bạn đang có một đồ quý để hiến cho Chúa Giêsu đấy; nhưng mà bạn hãy làm ngay đi, đừng khất lần tới bữa khác. Hãy hiến cho Chúa tội lỗi của bạn! Bạn hãy để thân thể mình chạm tới đất (hay ít là trong tâm trí). Bạn thấy không: mình chỉ là một nhúm đất thôi. Thế nhưng nếu bạn ở trong tư thế khiêm nhường thống hối như vậy, thì lòng nhân từ của Chúa sẽ che phủ bạn. Bạn hãy lặp lại với lòng đau đớn: "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi" (Lc 18,13). Kìa Chúa đang giang tay ra. Người muốn cho bạn chỗi dậy.

Cũng như Đa Minh , bạn hãy tưới mặt đất với nước mắt. Bạn không cảm thấy trào ra trong tim niềm hy vọng sẽ được tha thứ đó sao? Một giọng nói thỏ thẻ với bạn: "Con hãy đi bình an". Nhưng bạn đừng ra đi vội; hãy dừng lại chút nữa, không phải để khóc mà là để cảm tạ tình thương lân tuất. Chính nhờ được tắm trong bể nước mắt thống hối như vậy mà bạn sẽ tìm lại được tuổi trẻ thiêng liêng, lãnh được sự sáng suốt và sức mạnh để chiến đấu với sự Dữ luôn rình chực ám hại những người tôi trung của Chúa.

3) Hãm mình đền tội

Đa Minh chỗi dậy và dùng một roi sắt để đánh mình, đang khi nguyện: "Lạy Chúa, Ngài ban ơn cứu độ làm khiên mộc chở che con, Ngài đưa tay uy quyền nâng đỡ, săn sóc ân cần giúp con lớn mạnh".

Bạn nên biết là ma quỷ thường hay lừa gạt bạn rằng lương tâm của bạn yên ổn lắm, thậm chí hắn còn xúi giục bạn hãy cảm thấy thoải mái khi tuân hành điều hắn xúi giục. Hơn thế nữa, thỉnh thoảng có người quả quyết rằng làm gì có tội lỗi! Duy chỉ khi nào bạn đối diện với Đấng đã chết vì tội lỗi chúng ta, thì bạn mới thấy thế nào là tội lỗi, và bạn cần phải sửa đổi lối sống của mình. "Tôi nhớ lại, và tôi đau đớn trong lòng" (Giob 42,6). Bạn sẽ khám phá rằng mình yếu ớt, tiền hậu bất nhất, cũng như bạn sẽ mở mắt để nhìn thấy bao nhiêu cảnh yếu đuối, giả dối, tội lỗi của nhân loại.

Cũng như Đa Minh , bạn hãy nhìn nhận rằng mình cần có ơn Chúa để làm lại cuộc đời. Bạn cũng cần được lãnh ơn tha thứ của Chúa :"Nếu ta nói rằng mình không có tội thì ta đã lừa dối chính mình, và chân lý không ở với ta" (1Ga 1,8). Dĩ nhiên bạn không cần phải dùng roi sắt để trừng phạt các tật xấu của mình; nhưng bạn cần phải thâm tín về sự cần phải cắt bỏ - cho dù rất đau xót - những thói hư làm căn cớ cho những bất trung. Đã đến lúc cần phải học tập hy sinh đau khổ và hiến dâng. Đó là những cử chỉ nho nhỏ nhờ đó bạn van nài xin Chúa xót thương, đồng thời cũng biểu lộ lòng dốc quyết bảo vệ đời sống ân nghĩa với Chúa. "Anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới nơi anh em ... anh em hãy mặc lấy con người mới, như những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương, có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại" (Cl 3,5.12).

4) Tạ ơn tha thứ

Đa Minh nhìn cắm mắt vào Thánh giá, chăm chú chiêm ngắm, bái gối nhiều lần. Đa Minh muốn bắt chước người phong phủ phục dưới chân Chúa Giêsu và van nài: "Lạy Chúa, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa con lành" (Lc 5,12). Đa Minh lại quỳ gối xuống bắt chước Têphanô kêu lên: "Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ" (Cv 5,12). Đa Minh đứng lên, cảm thấy  đầy tin tưởng nơi lòng lân tuất của Chúa đối với mình và với hết mọi tội nhân cũng như ơn che chở những tu sĩ trẻ được sai đi giảng .

Dù bạn là ai, ở bậc nào, tội lỗi tới đâu đi nữa, bạn đừng bao giờ ngã lòng. Bạn hãy sửa mình. Đừng mất giờ dậm chân bức tóc trách móc tức tối, nhưng hãy chạy tới gần Thánh Giá, và nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh. Người là Chiên Thiên Chúa đã hiến tế để xóa tội trần gian. Bạn hãy mạnh dạn thưa với Người: "Lạy Chúa, con là kẻ tật nguyền, và con sợ lắm!". Rồi bạn hãy để cho Chúa nói. Bạn sẽ nghe câu trả lời như thế này: "Hãy nhìn lên Cha!". Bạn sẽ thấy ra như cánh tay của Người tách ra khỏi thập giá để ôm chầm lấy bạn. Hãy ngắm nhìn Thập giá đi. Những đau khổ của Chúa thật vô biên. Tuy không có tội tình gì nhưng Người đã lãnh lấy số phận tội nhân, vì bạn, và những ai giống như bạn. Người đã làm như vậy vì muốn nói với bạn rằng lòng lân tuất của Chúa thì lớn hơn tội lỗi của bạn.

Cũng như Đa Minh , bạn hãy chăm chú nhìn ngắm Thánh giá. Hãy để cho cặp mắt Chúa thu hút bạn. Những vết thương của Người nói lên tình thương: "Nhờ những thương tích của Người mà anh em được chữa lành" (1Pr 2,25). Người cũng đã đổ ra một giọt máu cho bạn: "Đây là máu đổ ra cho muôn người" (Mc 14,24). Hãy để cho Người rịt thuốc băng bó và bạn sẽ thấy mình được biến đổi. Từ con tim, bạn sẽ ước ao được thốt lên: "Lạy Chúa, xin tha thứ cho hết mọi người, và xin gìn giữ tất cả trong tình yêu của Ngài".

Back to Top

5) Lắng nghe suy niệm

Trước bàn thờ, Đa Minh đứng thẳng người, xoè bàn tay ra trước ngực tựa hồ như đang đọc sách, và đứng trong tư thế ấy cách sốt sắng. Đôi khi, Đa Minh chắp hai tay lại nắm mắt cầm trí, rồi giang tay ra ngang tầm của đôi vai ra như đang muốn nghe điều gì đó .

Có lúc bạn cảm thấy sự hiện diện của Chúa chiếm đoạt toàn thân bạn, lôi cuốn bạn, khiến bạn tự hỏi: "cái gì thế này?". Bạn đang chứng kiến một mầu nhiệm đấy! "Tôi phải làm gì đây?". Bạn hãy đón nhận thôi! Hãy để cho mầu nhiệm thấm nhập vào thâm tâm của bạn, trong thinh lặng, và trong khiêm tốn. Bạn hãy hòa điệu với Thiên Chúa. Hãy nhớ rằng: suy niệm có nghĩa là hiệp thông với tình yêu của Chúa (Rm 5,5).

Cũng như Đa Minh , bạn hãy đứng, tựa như một người sắp lãnh nhận cái gì đó và sẵn sàng lên đường. Hãy mở lòng bàn tay ra để cho Thánh Thần viết Lời của Người dành cho bạn. Hãy đọc, và để cho nó nhập trong con tim. Hãy cầu xin thế này: "Tôi muốn sống lời ấy! Lạy Chúa Giêsu, với Chúa cùng con con có thể làm được" (Pl 4,13). Rồi bạn chắp tay lại, và sau đó giơ cao lên: "Lạy Chúa, suốt cả ngày con kêu lên Chúa và giơ tay hướng thẳng về Ngài" (Tv 88,10). Đứng yên một lát. Hãy để cho mình được biến chuyển ngay từ thâm tâm. Bạn càng biết đón nhận bao nhiêu thì bạn càng có khả năng trao ban bấy nhiêu.

6) Chuyển cầu

Đa Minh đứng thẳng người, giang thẳng tay ra như hình thánh giá. Chính trong tư thế cầu nguyện như vậy mà tại Rôma, Chúa đã cho một chàng thanh niên tên là Napoléon sống lại, hoặc khi cứu một đoàn hành hương người Anh bị đắm ở một dòng sông. Cũng trong tư thế ấy mà có lần người ta thấy thân cha được nhấc cao khỏi mặt đất đang lúc cử hành Thánh lễ. Tuy nhiên cha chỉ sử dụng cách thế này khi được Chúa linh ứng. Ra như Đa Minh muốn để cho lời cầu nguyện nhấc bổng mình lên tới Chúa, hay là vì được Chúa soi sáng phải xin một ơn gì khác thường cho mình hay cho người khác cho nên cha phải dùng lời lẽ của vịnh gia Đavit, lửa nồng của Elia, lòng sốt mến của Đức Giêsu hay với chính tình yêu của Chúa .

Khi cầu nguyện, bạn có điều quan trọng phải xin Chúa. Bạn cũng có lúc nghe thấy lời này: "Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, lắng nghe con nài van bởi Ngài thành tín" (Tv 143,1). Hãy tỏ cho Chúa điều bạn ước nguyện. Bạn là một người nghèo trước mặt Người, và bạn biết rằng duy có Người mới nhậm lời bạn được.

Cũng như Đa Minh , bạn hãy giang tay giống như Chúa Cứu thế. Từ Thánh giá, bất cứ điều gì cũng có thể thành hiện thực. Bạn hãy thưa to tiếng với Chúa: "Khi con hướng về nơi cực thánh, giơ đôi tay cầu cứu van nài, xin Ngài nghe tiếng con khẩn nài" (Tv 28,2). Bạn hãy buông thả theo tâm tình phó thác: "Lạy Chúa, con biết Ngài là ai và Ngài thương con. Chừng đó đủ rồi. Xin giúp con hiểu đường lối Chúa". Ngọn lửa yêu mến và tin tưởng sẽ thiêu đốt bạn. "Tôi sẽ đạt được... chừng nào Chúa muốn, lúc ấy Ngài sẽ cho lòng mong đợi của tôi được toại nguyện".

7) Khẩn nài

Khi Đa Minh cầu nguyện, lắm lần cha giơ hai tay thẳng lên trời, ra như phóng mũi tên lên không trung; có lúc cha chắp hai tay lại ở trên đầu có khi cha tách ra như là phải đón nhận cái gì đó .

Nhiều lần bạn cần phải lựa chọn hay quyết định điều gì, nên bạn cần có ý kiến chắc chắn. Bạn đi bàn hỏi với người thân tín, nhưng không phải lúc nào bạn cũng thấy các do dự áy náy tiêu tan. Có một kẻ cần được thỉnh ý hơn cả, nhưng thường lại hay bị lãng quên hơn hết. Lý do là tại vì đức tin của bạn chưa mạnh đủ đến nỗi có thể tin rằng từ trời cao bạn có thể nhận được những lời giải đáp chắc chắn. "Ai tin tưởng vào Chúa sẽ được an toàn" (Hc 29,25). "Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay tỏa trước Thánh nhan, được chấp nhận như hy lễ ban chiều" (Tv 140,1-2). Hãy khát khao hết lòng tìm kiếm Chúa, bằng cách lắng nghe Lời Người, cầu xin Thánh Thần của Người: "Suốt đêm trường hồn con khao khát Chúa, sáng sớm mai tinh thần con tìm kiếm Ngài" (Is 26,9). Bạn không nhận ra rằng đây là giây phút hồng ân dành cho bạn, khi mà bạn cảm thấy được nhấc bổng lên trời và Thánh Thần được trút xuống cho bạn giống như xưa kia với Đa Minh, để thực hiện cuộc canh tân bằng các linh ân hay sao? Bạn hãy để cho Thánh Thần dìu dắt bạn: "Thánh Thần Chúa tới giúp đỡ sự yếu hèn của ta, bởi vì ta không biết phải cầu xin điều gì cho thích hợp nữa" (Rm 8,26). Một tí chút êm ái ngọt ngào từ những chân phúc ấy đủ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc giống như Đa Minh, tuy phải đối chọi với bao trắc trở cuộc sống. Bạn sẽ đương đầu với các vấn đề với lòng can đảm và lạc quan khi biết rằng mình không cô đơn một mình. "Chúng ta có thể tin tưởng khẳng định rằng: Thiên Chúa là kẻ phù trợ của ta" (Dt 13,6).


8) Chiêm niệm : lectio et contemplatio

Sau khi lòng được hun nóng nhờ Lời Chúa nghe ở cung nguyện hay nhà cơm, Đa Minh rút lui vào chỗ cô tịch để đọc sách thánh và cầu nguyện. Cha ngồi xuống yên tĩnh, làm dấu thánh giá, mở sách ra và đọc. Linh hồn cha cảm thấy sự xúc động ngọt ngào như thể chính Chúa nói chuyện vậy,  như có lời chép: "Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán" (Tv 84,9) .

Thiên Chúa muốn ngỏ lời với bạn, và thậm chí cảm thấy cần phải nói chuyện Ngài. Thế thì bạn đừng phí thời giờ vào những chuyện  phù phiếm. Hãy dẹp các chuyện khác qua một bên. Tìm một quyển Sách thánh, mở ra và đọc. Hãy dừng lại trên Lời của Chúa. Chúa Cha kể lại lịch sử của công cuộc cứu độ bạn. Chúa Con thuật lại tình yêu dành cho bạn. Bạn thấy chưa? "Lạy Chúa, không phải là con đi tìm Chúa nhưng là Chúa tìm con". Bạn hãy từ từ lật từng trang sách, và để cho Lời Chúa chinh phục và cảm kích mình.

Cũng như Đa Minh , trong thinh lặng và hồi tâm, bạn hãy tiếp đón Chúa, đi từ đọc sách sang cầu nguyện; bạn hãy cảm nghiệm sự xúc động ngọt ngào của một kẻ may mắn được hầu chuyện với Chúa. Tuy nhiên, tiếp đón Lời Chúa có nghĩa là "nghe lời" Chúa; như vậy bạn sẽ trở thành lời mà bạn đã nghe: "Hình ảnh của Đấng nói với bạn".

9) Cầu nguyện liên lỉ

Đa Minh tiếp tục cầu nguyện cả khi đi đường, nhất là khi đi ngang một chỗ thanh vắng. Đa Minh tiến lên trước hay lùi lại đàng, vừa đi vừa suy gẫm, để cho lòng sốt sắng được hun nóng .

Rất nhiều người than rằng họ không có giờ để cầu nguyện. Thậm chí nhiều người thuộc giới nhà tu cũng không kiếm ra giờ cầu nguyện bởi vì quá bận rộn với hoạt động tông đồ. Và có lẽ bạn cũng rơi vào tình trạng đó: "tôi muốn cầu nguyện lắm, nhưng không có giờ!". Này bạn ơi, mỗi giây phút bạn sống là do Chúa ban đấy, và cặp mắt Người không ngừng theo dõi bạn. Chính Chúa ban cho bạn ngày tháng, giờ giấc đấy, bởi vì Người là chủ tể thời gian. "Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi" (Tv 90,4). Đây không phải là chuyện giờ giấc cho bằng ước muốn. Khi cầu nguyện bạn khám phá ra rằng Chúa ở bên cạnh mình. Bạn cảm thấy Ngài sống động, và điều đó thúc đẩy bạn tìm kiếm Người liên lỉ không ngơi. Nếu bạn thực tình ước muốn thì bạn sẽ biết tổ chức giờ giấc.

Cũng như Đa Minh , bạn hãy chất đầy đời sống bằng cầu nguyện. Dù ở bất cứ nơi nào, trong nhà thờ hoặc trong phòng riêng, khi đi trên đường phố, lúc ngồi trên xe, hãy để cho con tim ca hát ngợi khen Chúa. Nếu bạn biết mở mắt và tim bạn biết yêu, thì đâu đâu bạn cũng khám phá cái gì đó giục giã bạn cầu nguyện. Một nữ giáo dân dòng Đa Minh đã thuật lại rằng: khi đi xe với chồng tôi, tôi cầu nguyện cho anh đang cầm tay lái và cho những người đã qua mặt; rồi đảo mắt nhìn phong cảnh tôi cảm thấy trào lên lời cảm tạ. "Ôi lạy Chúa, Chúa cao cả biết chừng nào. Xin tạ ơn Chúa". Khi bạn phải đi gặp gỡ một người nào, bạn hãy thưa: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến", và rồi bạn sẽ cảm thấy sức mạnh và ánh sáng giúp bạn. Buổi tối, khi thân xác đã mệt nhoài và đầu óc nặng trĩu, bạn hãy lâm râm: "Muôn lạy Chúa Kitô ánh sáng, bừng lên cho khuất dạng đêm đen, hào quang muôn thuở diệu huyền soi đường tín hữu đi trên cõi đời", và bạn sẽ cảm thấy giấc ngủ yên hàn.

10) Kinh nguyện phụng vụ .

Đa Minh thường hay thức đêm cầu nguyện cho tới giờ Kinh Đêm; cha cũng tham dự giờ kinh với anh em; và đi từ phía này sang phía kia để thúc giục các  anh em hãy hát kinh lớn tiếng và sốt sắng . (PT 37)

Có lẽ đối với bạn, kinh nguyện phụng vụ tối tăm khó hiểu, không đánh động tâm tình cho lắm. Thực ra, muốn tham dự kinh nguyện phụng vụ cách tích cực, bạn cần phải qua một lớp khai tâm nhất là về Kinh thánh. Một khi đã hiểu được bản chất của nó, bạn sẽ thấy thích thú với kinh nguyện phụng vụ. Ngoài những thánh thi, thánh ca, bạn sẽ thưởng thức các thánh vịnh gồm chứa không những là Lời Chúa nói với bạn nhưng còn là những lời của con người bộc lộ tâm tình với Chúa. Bạn có thể gặp trong thánh vịnh những lời để cầu nguyện với Chúa vào bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời, và đó cũng là lời của Chúa nữa. Khi đọc: "lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài con đang ẩn náu" (Tv 15,1), bạn cảm thấy được che chở an toàn. Khi muốn tạ ơn bạn có thể đọc: "Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con" (Tv 29,2). Lời cầu của bạn trở nên bản tình ca khi bạn đọc: "Lòng trào dâng những lời cẩm tú, miệng câm thơ mừng chúc hát thánh quân" (Tv 44,2). Bạn thấy chưa: thú vị biết mấy khi bạn cầu nguyện với Chúa bằng chính lời của Chúa?

Cũng như Đa Minh , bạn hãy trở nên men hăng say cầu nguyện. Hãy để cho lời cầu nguyện của bạn trở thành Phụng vụ liên lỉ; theo gương Đa Minh, bạn hãy tụng niệm, ca hát, suy gẫm, thờ lạy. Bạn hãy trở nên lời ngợi khen sống động. "Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài" (Tv 88,2). Bạn đã đặt một nền tảng chắc chắn cho lòng tin và lời nguyện của mình; nhờ vậy lời nguyện trở nên niềm ngon ngọt tràn lan thấu tận cõi lòng.  Nhất là khi bạn tham dự Thánh Thể thì còn nói gì nữa: "Mình Người là sức bổ dưỡng cho linh hồn; Lời Người là đèn soi cho bước đi" (Sách Gương phúc). Bạn hãy theo gương Đa Minh, kết hợp với bản hòa tấu mà toàn thể Hội thánh hợp với vũ trụ để chúc tụng Thiên Chúa.

 
PHẦN II.
TỪ CHIÊM NIỆM TỚI HOẠT ĐỘNG

1) Kẻ bênh vực người nghèo và công lý

Đa Minh bán các sách vở của mình, tuy dù cha rất cần chúng, cũng như các đồ đạc khác, để lấy tiền phân phát cho người nghèo. Cha nói: Tôi không muốn học trên những tấm da chết đang khi người nghèo đang chết đói (PT 35) .

Hằng ngày, khi đọc báo hay vặn radio, bạn nghe thấy bao nhiêu tin tức về chiến tranh, tang tóc, đói khát, bất công, đau khổ. Biết bao người đang thiếu thốn những điều "cần thiết tối thiểu"! Có lẽ bạn thấy thắt ruột lại, hoặc căm phẫn trước những cảnh bất công xã hội. Tuy nhiên, tiếc rằng kế đó cuộc sống của bạn chẳng có gì thay đổi cả; bạn quên đặt câu hỏi: "tôi có thể làm gì đây?"

Cũng như Đa Minh , bạn hãy để cho con tim động lòng trắc ẩn với những đau khổ của những anh chị em mình. Bạn hãy nhớ lại lời Phúc âm: "Hãy bán những gì bạn có và phân phát cho người nghèo; bạn hãy thu góp kho tàng không mục nát ở trên trời" (Lc 12,23). Dĩ nhiên, Chúa không muốn cho bạn bán hết nhà cửa ruộng vườn đến nỗi trở thành một người đói rách; nhưng theo gương Đa Minh, bạn được mời gọi từ bỏ những gì thừa thãi và biết chia sẻ điều cần thiết với người túng bấn. Sự chia sẻ, dù ít hay nhiều, diễn tả cảm nghiệm về lời Chúa Giêsu đã dạy: "Kẻ nào hiến tặng dù chỉ một ly nước lã cho một trong những người bé nhỏ này vì là môn đệ của tôi, thì tôi bảo thực anh em: họ sẽ không mất phần thưởng đâu!" (Mt 10,42).

2) Chiêm niệm trong hoạt động tông đồ

Dù ở bất cứ chỗ nào, Đa Minh đều nói về Chúa hoặc nói với Chúa và khuyên nhủ các tu sĩ cũng làm như vậy. Cha đã muốn ghi điều này vào hiến pháp của Dòng. (PT 37) .

Hằng ngày đã có biết bao lời lẽ tuốn ra, trong số đó không thiếu những lời lường gạt, những lời thô kệch ... khiến cho bạn mệt mỏi khi phải nghe những lời vô nghĩa ấy. Ước chi bạn có thể bịt tai lại để khỏi phải nghe chúng. Tuy nhiên, tại sao bạn không đặt câu hỏi: ở trong  con tim của những con người đó có cái gì không, hay hoàn toàn rỗng tuếch ? Phải chăng có thể áp dụng lời của thánh vịnh: "tội ác thì thào trong thâm tâm kẻ dữ; hắn không thấy cần phải kính sợ Chúa" (Tv 35,2). Bạn hãy cảm thấy bị thôi thúc: "tôi phải làm cái gì để cho Thiên Chúa có thể đi vào trong tim của con người". Phải làm gì đây? bắt đầu từ đâu? cần phải cầu nguyện nói với Chúa trước, hay là cần phải nói về Chúa trước? Bạn hãy xin Chúa Thánh Thần ban cho bạn được ánh sáng để hiểu biết, và rồi bạn sẽ thấy bạn đang chuyển cầu cho tha nhân rồi đó. Và rồi khi đi gặp họ, người ta sẽ thấy có cái gì khác thường nơi bạn. Họ sẽ đặt câu hỏi, và chắc bạn không thể giấu được. Bạn hãy nói về Chúa cho họ nghe. Thánh Toma Aquinô nói: "chiếu sáng thì toàn hảo hơn là chỉ nóng rực mà thôi".

Cũng như Đa Minh , bạn hãy cố gắng hòa hợp giữa cầu nguyện và hoạt động, giữa chiêm niệm và làm tông đồ. Bạn hãy ý thức rằng đó không phải là hai con đường song song hay đối nghịch, nhưng là hai đường đồng quy: chúng giao nhau và bổ túc cho nhau, bởi vì cả hai đều bắt đầu từ một nguồn ngọn là Thiên Chúa và Thánh Thần. Bạn hãy bắt chước Đa Minh, sau khi đã đàm đạo với Chúa rồi, bạn hãy nói với anh chị em về Chúa, trút vào lòng họ điều dào dạt từ điều mà bạn đã chiêm niệm và cầu nguyện.

3) Chiến sĩ đức tin

Đa Minh luôn hớn hở trong những khi bị sỉ vả, luôn tươi vui lúc gặp nghịch cảnh. Có một lần người ta hỏi Đa Minh tại sao cha lại thích dừng chân ở Carcassonne hơn là ở Toulouse, cha đáp lại: bởi vì ở Toulouse tôi được người ta kính trọng, còn ở Carcassonne thì tôi gặp toàn là thù địch. (PT 18) .

Bạn có biết không:  càng dấn thân theo sát Chúa thì mình càng thấy nảy ra lắm vấn đề. Chúa đã gọi bạn để sai bạn đi với những lời: "Thầy sai các con như con chiên giữa sói rừng" (Lc 10,3). Trên đời này có những người chẳng chịu làm gì hết; suốt ngày họ chỉ đứng bên đường để quan sát và đàm tiếu việc người khác làm. Lắm lần bạn thấy chán nản vì không thấy ai đến giúp bạn một tay, mà chỉ thấy những lời dèm pha chỉ trích! Bạn cũng muốn xua tay đi tìm chỗ an thân. Nhưng này, bạn nên nghĩ lại xem:  những người thực tình làm việc "chỉ vì lòng mến Chúa" thì sẽ không chùn bước khi bị chỉ trích và thất bại. Cha Eckhart đã viết như sau: "nếu bạn muốn biết việc đang làm có phải là việc làm cho Chúa hay làm cho bạn, thì bạn hãy đo lường qua những thất bại; nếu là công việc của bạn thì ắt hẳn là bạn sẽ bỏ cuộc; nhưng nếu không phải là việc của bạn mà là việc của Chúa thì bạn đâu cho màng chi danh lợi ở đời này, bởi vì phần thưởng của bạn là nơi Chúa cơ mà!". Trước đó thánh Phaolo cũng đã nói: "bị lăng mạ, chúng tôi chúc tụng; bị bách hại chúng tôi chịu đựng; bị nguyền rủa chúng tôi ủy lạo; cho tới nay chúng tôi đã trở thành rác rưởi cho thế gian, bị thiên hạ xua đuổi" (1Cr 4,12-13).

Tuy mặt sẽ đỏ vì thẹn thùng, nhưng bạn hãy thú nhận đi: "tôi cần phải thanh lọc các ý định của mình. Có lẽ tôi chỉ biết đi tìm bản thân mình. Tôi đã bắt tay vào việc với ước mong là được người đời nể nang. Tôi thường phục vụ những ai biết ơn, thán phục tôi; trái lại, tôi sẽ tránh cho xa những ai không đối xử tử tế với tôi". Nhưng bạn biết không: chính hạng người này mới thực cần tới bạn. Dù sao đi nữa, quả là một hồng ân của Chúa ban cho bạn thì Người soi sáng cho bạn hiểu rằng sự thử thách giúp cho công việc của Chúa được thêm phong phú hơn!

Cũng như Đa Minh , bạn hãy học cho biết duy trì niềm hớn hở vui tươi khi gặp gian truân thử thách. Cũng như Đa Minh, bạn hãy nhẫn nhục chịu đựng những lời chỉ trích, vu khống hoặc thái độ thờ ơ lãnh đạm. Nhờ vậy, bạn thanh lọc được những vất cả của việc loan truyền Lời Chúa và phục vụ anh em: "Họ vui mừng khi bị lăng mạ vì lòng mến danh Chúa Kitô" (Cv 5,41). Ngoài ra, danh dự đâu có phải là điều mà các môn đệ đích thực của Đức Kitô nhắm tới: "Phúc cho các con, khi người ta lăng nhục bách hại các con, và vu khống chụp mũ cho các con vì Thầy. Các con hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng các con sẽ bội hậu" (Mt 5,11). Theo gương Đa Minh, ngày mai, bạn hãy đi Carcassonne nhé!

4) Sứ giả của chân lý

Đa Minh đầy lòng thương đối với tha nhân, cha mong muốn sao cho họ được cứu độ. Cha năng đi giảng thuyết, và tìm cách thúc giục các tu sĩ đi giảng (PT 26) .

Còn biết bao nhiêu người chưa biết Chúa. Cũng không ít người mang tiếng là có đạo nhưng mà rất dốt nát về đạo nghĩa và sống không khác gì người ngoại. Cảnh tượng thật giống như tình trạng mà Chúa Giêsu đã chứng kiến trước đám đông: "họ như đàn chiên thiếu kẻ chăn dắt" (Mc 6,34). Nhân loại còn cần được nghe nói về chân lý, về chính Đức Kitô là chân lý: "Tôi sinh ra và đến cõi trần này nhằm để làm chứng cho Chân lý" (Ga 18,37).

Cũng như Đa Minh , bạn hãy phục vụ anh chị em mình bằng việc đem chân lý đến cho họ. Bạn hãy hiến dâng toàn thân như Đa Minh để trở thành "tôi tớ" của Lời Chúa, tức là chính Đức Kitô. Đa Minh đã bị thu hút bởi lý tưởng thi hành việc "bác ái của chân lý", thương yêu tha nhân bằng cách giúp họ thoát khỏi u mê lầm lạc: "Ôi đẹp thay bước chân của những người loan báo tin mừng, loan báo hòa bình, loan báo ơn cứu độ" (Is 52,7). Đối với Đa Minh, chân lý không phải chỉ là lời nói, nhưng nó chiếm đoạt hết tâm hồn, hết cả cuộc đời. Cũng như Đa Minh, bạn hãy để cho Chân lý thu hút bạn: bạn hãy biết tò mò đi tìm kiếm chân lý, biết thán phục trước chân lý, biết đào sâu học hỏi chân lý. Và dĩ nhiên, hãy làm sứ giả để rao truyền chân lý.

5) Tông đồ của Mẹ Maria

Trong khi đi đường, Đa Minh thường hát kinh "Veni Creator" và "Ave Maris stella" (PT 21).

Đa Minh, sứ giả của Tin mừng, cũng là tông đồ của Mẹ Maria. Mối liên lạc ấy xem ra rất tự nhiên. Chúng ta cần đến với Mẹ Maria để học biết Chúa Giêsu; và Mẹ sẽ trao Chúa cho chúng ta.  Con tim cũng thúc đẩy chúng ta chạy đến với Mẹ, tìm đến khuôn mặt dịu hiền của Người, khi tâm tư nặng trĩu vì gánh nặng tội lỗi.

Cũng như Đa Minh , khi cầu khẩn lòng khoan nhân của Chúa Giêsu, bạn đừng quên lòng khoan nhân của Mẹ Maria. Bạn hãy học cách lần chuỗi Mân côi và cùng với Đức Maria suy niệm những mầu nhiệm cứu chuộc. Đây là một món quà mà Đa Minh dành cho bạn và cho những tâm hồn đơn sơ theo Phúc âm. Bạn hãy tin tưởng phó thác cho Mẹ những việc ban đang làm hay đang dự tính. Đường đời quả thật là dài, và bạn không biết điều gì sẽ xảy đến cho bạn. Vì thế, mỗi tối trước khi đi ngủ, bạn hãy nhìn lên trời và hát lên lời cầu: "Kính chào Mẹ là Sao Bắc đẩu, Đấng mệnh danh là Hiền mẫu Chúa Trời, chói lòi trinh tiết gương soi, cửa vào cõi phúc tuyệt vời thiên cung".

6) Con người đại kết

Khi đi đường Đa Minh thường thăm viếng các tu viện thuộc hết mọi Dòng, và giảng lời Chúa cho họ, thúc giục họ tiến trên đường trọn lành. (PT 6)

Khi dấn thân hoạt động tông đồ, bạn gia nhập một hội đoàn, một phong trào hoặc bạn đã là phần tử của một Tu hội. Lắm lần bạn thấy khó chịu khi thấy có những người khác không đi theo một đường lối giống như bạn. Chúng ta thường bị cám dỗ muốn cho hội đoàn của mình, giáo xứ của mình, tu hội của mình phải nổi nang chèn ép hết tất cả. Làm như thế, bạn có biết rằng bạn đang làm thương tổn đến sự hợp nhất của Hội thánh và nhất là bạn xúc phạm tới Chúa Thánh Thần: "Khi người này nói: tôi thuộc Phaolô... tôi thuộc về Apollo, phải chăng anh em đã không biểu lộ cách tính chất thế tục đó sao?" (1Cr 3,4). Chúng ta hãy có can đảm cám ơn Thiên Chúa bởi vì trong Hội thánh còn có "những người khác" nữa: tuy chỉ có một Thánh Thần, nhưng các đặc sủng của Người thì muôn mầu (1Cr 12,4). Chúng ta hãy biết chấp nhận sự hiệp nhất trong sự khác biệt đa dạng.

Cũng như Đa Minh, bạn hãy có thái độ cởi mở đối với những anh chị em được Chúa gọi vào một cảm nghiệm tâm linh khác với bạn. "Duy một Đức Chúa, duy một đức tin, duy một phép rửa", chính mối dây bằng an (Ep 4,3) và "bác ái là dây toàn thiện (Col 3,14). Bạn hãy học nơi Đa Minh cho được con tim rộng rãi, biết trung thành với hồng ân riêng Chúa ban cho bạn, đồng thời biết "làm bạn với Phanxicô", và sẵn sàng đi "ăn xin" tí chút chân lý ở bất cứ ai có thể ban cho bạn.

Mến tặng HĐGDĐM Việt Nam,
Đặc biệt các bạn trẻ tha thiết  với đoàn sủng dòng
Phan tấn Thành - Phan Tự Cường O.P.