28 Tháng Ba 20241:20 CH(Xem: 21)
Sáng nay là Thứ Năm Tuần Thánh, tôi nhận được một cú điện thoại viễn liên của cô Agnes. Cô Agnes xin tôi cho cô địa chỉ một Dòng tu nào đó để cô xin 30 lễ cầu nguyện cho linh hồn Giuse là ba của cô vừa qua đời.
28 Tháng Ba 202412:51 CH(Xem: 24)
Ngày 26/3/2024 vừa qua, vợ chồng tôi đã tham dự buổi cầu nguyện cho linh hồn cụ Giuse, ba của cô Kim Anh. Cô Kim Anh lúc trước là xướng ngôn viên của Radio Giờ Của Mẹ. Cụ Giuse năm nay 89 tuổi. Một điều lạ lùng trong đời cụ là
28 Tháng Ba 202412:16 CH(Xem: 21)
Nguồn: Spiritdaily.com Khi Chúa Giêsu chết trên cây thánh giá thì trời đất bỗng trở nên tối đen. Đó là dấu hiệu Thiên Tính của Ngài. Tin Mừng Thánh Mattheu 27: 54 nói rằng:
26 Tháng Ba 20249:00 CH(Xem: 41)
Có một thanh niên trong giáo xứ đã chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống hôn nhân. Anh ngậm đắng nuốt cay vì người vợ của anh rất hay nóng giận và hung dữ. Chị luôn nói những lời nặng nề khi chị không hài lòng về một điều gì đó.
23 Tháng Ba 20249:13 CH(Xem: 60)
Nguồn: Spiritdaily.com Cô Yamilexis Fernandez chia sẻ cảm nghiệm là cô nhận được ơn lành tìm thấy Chúa và được Chúa giải thoát khỏi tà thuật.
22 Tháng Ba 20245:00 CH(Xem: 63)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and.../ Điều quan trọng nhất là hãy yêu thương. Ông Vincent nói rằng điều chính yếu nhất là cần yêu thương mọi người dù là ở trong bất cứ trường hợp nào. Trên hết mọi sự là hãy ở trong tình yêu Thiên Chúa.
22 Tháng Ba 20244:12 CH(Xem: 54)
https://mysticpost.com/vincent-claims-he-was-dead-and-was-told-what-was-about-to-hit-earth-put-your-phones-away/ Ông Vincent tuyên bố rằng ông ấy đã từng chết rồi. Ông được báo cho biết về tình hình của trái đất. Ông bảo: "Hãy đặt điện thoại của bạn xuống!"
22 Tháng Ba 202412:05 SA(Xem: 68)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. LỜI CẦU NGUYỆN DÂNG ĐỜI SỐNG Lạy Chúa Giêsu kính yêu, trước sự Hiện Diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, trước Nhan Thánh của Đức Mẹ Thiên Đàng và Triều Thần Thiên Quốc trên Trời, con xin dâng cuộc đời con theo như ý chỉ của Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẫu Tâm Vô Nhiễm Mẹ Rất Thánh Maria.
21 Tháng Ba 20246:41 CH(Xem: 74)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie dâng hiến cuộc đời và những lời hứa của Thiên Đàng Trong năm Thánh Mẫu (1983-1984) Đức Trinh Nữ Maria nói với tôi rằng:
21 Tháng Ba 20245:09 CH(Xem: 71)
Nguồn: https://www.deunanube.com/prayer-of-life-offering-sister-natalia/ 1. Nữ Tu Natalie không được nhiều người trong Giáo Hội biết đến Nữ tu Natalie gửi những thông điệp cứng rắn đến cho Giáo Hội Công Giáo tại nước Hung Gia Lợi. Đó là những lời khuyên mọi người hãy rời khỏi những cung điện. Hãy làm việc thống hối. Hãy phân phát những của cải cho người...

TÓM LƯỢC TIỂU SỬ TÔI TỚ CHÚA LUISA PICCARRETA, phần 1b

03 Tháng Chín 201712:49 CH(Xem: 2870)

CHƯƠNG I


Luisapic11. TÓM LƯỢC TIỂU SỬ TÔI TỚ CHÚA LUISA PICCARRETA

Tôi Tớ Chúa Luisa Piccarreta sinh tại Corato (một thành phố có khoảng 40 ngàn dân cư), thuộc tỉnh Bari, nam Italia, ngày 23-4-1865 và qua đời tại đó ngày 4-3-1947 trong hương thơm thánh thiện.

Luisa được may mắn sinh ra nơi một trong những đại gia đình có đời sống đơn sơ thanh đạm, còn tồn tại ở miền Puglia ngày nay, thích sống giữa đồng quê, giữa những xóm nhà tại đây. Song thân của Luisa, ông Vito Nicola và bà Rosa Tarantino, có năm người con gái: Maria, Rachele, Filomena, Luisa và Angela. Ba chị lớn là Maria, Rachele và Filomena đều lập gia đình. Angela, quen gọi là Angelina, ở độc thân bên chị là Luisa cho đến khi qua đời.

Luisa sinh vào chúa nhật sau lễ Phục Sinh, và được rửa tội cùng ngày. Vài giờ sau khi hài nhi sinh ra, thân phụ bọc con trong một cái chăn và mang tới giáo xứ để lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy.

Ông Nicola Piccarreta làm tá điền trong một nông trại lớn của gia đình Mastrorilli, nằm giữa vùng Murge, ở khu vực Torre Disperata, cách thành phố Corato 27 cây số. Ai biết những nơi ấy đều có thể chiêm ngưỡng sự thinh lặng trang nghiêm tại đó, giữa những ngọn đồi trọc, nắng cháy, và đầy đá. Trong nông trại đó, Luisa đã trải qua những năm tháng dài trong thời thơ ấu và niên thiếu. Trước xóm nhà ấy, ngày nay vẫn còn một cây dâu tằm to lớn, như cây cổ thụ, với một hốc lớn trong thân cây, trong đó cô bé Luisa thường ẩn nấp để cầu nguyện, xa tránh những cặp mắt tò mò. Chính tại nơi cô tịch ấy, Luisa đã khởi sự cuộc phiêu lưu thần linh, đưa chị qua những nẻo đường đau khổ và thánh thiện. Thực vậy, chính tại nơi ấy, Luisa đã phải chịu những cơ cực khôn tả vì những cuộc tấn công của ma quỉ, nhiều khi chúng hành hạ Luisa cả về phương diện thể lý nữa. Để được giải thoát khỏi những đau khổ đó, Luisa không ngừng cầu nguyện, đặc biệt cầu xin Mẹ Maria, Đấng an ủi Luisa bằng sự hiện diện của Mẹ.

Chúa Quan Phòng dẫn đưa cô bé này trên những con đường huyền nhiệm đến độ Luisa không biết niềm vui nào khác ngoài Thiên Chúa và Ân Sủng của Ngài. Thực vậy, một hôm Chúa nói với Luisa: “Cha đã đi rảo khắp nơi trên trái đất, nhìn xem tất cả và từng tạo vật, để tìm tạo vật nhỏ bé nhất. Trong bao nhiêu tạo vật ấy, Cha đã tìm thấy con, tạo vật bé nhỏ nhất. Sự bé nhỏ của con làm hài lòng Cha và Cha đã chọn con; Cha đã phó thác con cho các thiên thần của Cha, để gìn giữ con, không phải để làm con thành vĩ đại, nhưng để bảo tồn sự bé nhỏ của con và giờ đây Cha muốn bắt đầu công trình lớn lao hoàn thành ý muốn của Cha. Nhưng cả với điều đó, con cũng sẽ không cảm thấy mình vĩ đại hơn, trái lại ý Cha sẽ làm cho con nhỏ hơn và con sẽ tiếp tục là bé gái nhỏ của Thánh Ý Chúa” (cfr Cuốn XII, 23-3-1921).

Năm lên 9 tuổi, Luisa được rước Chúa Giêsu Thánh Thể lần đầu và chịu phép Thêm Sức, và từ lúc đó, Luisa học cầu nguyện lâu giờ trước Mình Thánh Chúa. Năm 11 tuổi, Luisa muốn ghi tên gia nhập Hội Con Cái Đức Mẹ - rất thịnh hành bấy giờ - thuộc giáo xứ thánh Giuse. Năm 18 tuổi, Luisa gia nhập dòng Ba Đa Minh với tên là Chị Maddalena. Chị là một trong những người đầu tiên ghi tên gia nhập Dòng Ba do Cha sở cổ võ. Lòng sùng kính của Luisa đối với Mẹ Thiên Chúa biến thành một linh đạo sâu xa, báo trước điều mà một ngày kia chị sẽ viết về Đức Mẹ.

Tiếng Chúa Giêsu dẫn đưa Luisa tới chỗ tách rời bản thân khỏi mọi sự và mọi người. Khoảng năm 18 tuổi, từ bao lơn nhà, ở đường Nazario Sauro, Luisa được thị kiến thấy Chúa Giêsu đang vất vả dưới sức nặng của thánh giá, Ngài hướng nhìn về Luisa và thốt lên những lời này: “Hỡi linh hồn, hãy giúp Ta!”. Từ lúc đó, trong tâm hồn Luisa bừng cháy lòng khao khát khôn lường, mong được chịu đau khổ vì Chúa Giêsu và vì phần rỗi các linh hồn. Và thế là những đau khổ thể lý khởi sự, thêm vào những đau khổ tinh thần, tới mức độ anh hùng.

Gia đình tưởng những hiện tượng ấy là bệnh tật nên đã kêu gọi sự giúp đỡ của y khoa. Nhưng tất cả các bác sĩ được mời khám bệnh cho Luisa đều ngỡ ngàng trước một trường hợp bệnh lý độc nhất và lạ lùng như thế. Luisa bị cứng đơ như xác chết, - cho dù chị có những dấu hiệu còn sống - và không có phương pháp trị liệu nào có thể giải thoát chị khỏi cực hình khôn tả ấy. Khi đã sử dụng tất cả mọi phương thế y khoa mà không kết quả, người ta tìm đến với các linh mục như hy vọng cuối cùng. Một linh mục dòng thánh Augustino, Cha Cosma Loiodice, lúc đó đang ở gia đình vì đạo luật giải tán các tu viện, được mời tới bên giường bệnh nhân. Trước sự ngỡ ngàng của mọi người hiện diện, Cha chỉ làm dấu thánh giá trên thân thể ấy, thế là bệnh nhân hồi phục tức khắc các cơ năng bình thường. Khi Cha Loiodice đi khỏi vùng để trở về tu viện, một vài linh mục triều khác được mời tới, các vị cũng làm dấu thánh giá, và Luisa trở lại bình thường. Chị xác tín rằng tất cả các linh mục đều là những người thánh thiện, nhưng một ngày kia, Chúa nói với chị: “Không phải vì tất cả các linh mục đều là những người thánh thiện, - ước gì các vị được như vậy-, nhưng chỉ vì họ tiếp nối chức linh mục của Cha trên trần thế; con phải luôn tuân phục quyền bính linh mục của các vị; đừng bao giờ chống đối các vị, dù họ tốt xấu thế nào đi nữa” (cfr Cuốn I). Luisa luôn luôn tuân phục quyền bính linh mục trong suốt cuộc đời. Đó cũng sẽ là một điều làm cho chị đau khổ nhiều nhất. Sự kiện hằng ngày Luisa cần phải có uy quyền của linh mục để trở lại công việc thường nhật, đối với Luisa là một cực hình lớn nhất. Trong thời kỳ đầu tiên, những hiểu lầm và đau khổ tủi nhục nhất mà Luisa phải chịu là do các linh mục, vì các vị coi chị là một thiếu nữ kênh kiệu, điên khùng, một người muốn lôi kéo người khác chú ý tới mình. Có lần các linh mục để Luisa ở trong tình trạng cứng đơ như xác chết hơn 20 ngày. Luisa chấp nhận vai trò nạn nhân, và đi tới độ sống trong một tình trạng rất đặc biệt: mỗi sáng chị bị cứng đơ, bất động, nằm co trên giường, không ai có thể duỗi chị ra, nâng đôi cánh tay, cử động đầu hoặc chân của chị. Như chúng ta biết, Luisa cần sự hiện diện của vị linh mục làm dấu thánh giá chúc lành cho chị, hủy bỏ trạng thái cứng đơ như xác chết, và làm cho chị trở lại công việc bình thường (thêu thùa). Trường hợp duy nhất: các Cha giải tội của Luisa không bao giờ là linh hướng của chị, vì nhiệm vụ này Chúa muốn dành riêng cho Ngài. Chúa Giêsu cho Luisa nghe được trực tiếp tiếng nói của Ngài, dạy dỗ, sửa chữa, khiển trách nếu cần, và dần dần dẫn chị tới đỉnh cao nhất của sự trọn lành. Luisa được giáo huấn và chuẩn bị một cách khôn ngoan, trong những năm tháng dài, để lãnh nhận hồng ân Thánh Ý Chúa.

Vị Tổng Giám Mục bấy giờ là Đức Cha Giuseppe Bianchi Dottula (22.12.1848 - 22.9.1892), biết được những gì xảy ra tại Corato, và sau khi nghe ý kiến của một số linh mục, ngài muốn đích thân đảm trách vụ này. Sau khi suy nghĩ chín chắn, ngài thấy nên bổ nhiệm một vị giải tội riêng là Cha Michele De Benedictis, một linh mục nổi bật, và Luisa cởi mở tâm hồn cho vị linh mục này. Cha Michele, vốn là một linh mục khôn ngoan, có đời sống thánh thiện. Ngài đặt giới hạn cho những đau khổ của Luisa và chị không được làm gì mà không có sự ưng thuận của Cha. Chính Cha đã truyền cho Luisa phải dùng bữa mỗi ngày ít là một lần, cho dù ngay sau đó chị ói mửa ra tất cả những gì đã ăn. Luisa chỉ sống bằng Thánh Ý Chúa. Dưới sự hướng dẫn của Cha Michele, Luisa được phép tiếp tục nằm giường như lễ vật đền tội. Bấy giờ là năm 1888. Luisa như bị đóng đinh vào giường đau đớn, luôn ngồi như thế trong 59 năm trời nữa, cho tới khi qua đời. Cũng cần nói thêm rằng cho đến bấy giờ, mặc dù chấp nhận tình trạng là nạn nhân, Luisa chỉ nằm trên giường một cách thất thường, vì theo lệnh của linh mục, chị không bao giờ được phép nằm lại trên giường một cách liên tục. Nhưng từ đầu năm 1889, chị nằm trên giường trường kỳ.

Năm 1898, Đức tân Tổng Giám Mục Tommaso De Stefano (24.3.1898 - 13.5.1906) bổ nhiệm một linh mục giải tội mới, Cha Gennaro di Gennaro. Cha chu toàn nhiệm vụ này trong 24 năm trời. Vị giải tội mới trực giác được những kỳ công Chúa làm nơi linh hồn Luisa, nên đã quyết liệt truyền lệnh cho chị phải viết lại tất cả những gì là Ơn Chúa hoạt động nơi chị. Mặc dù vị Tôi Tớ Chúa trình bày hết mọi lý lẽ, nhưng chị vẫn không khỏi vâng lời Cha giải tội: kể cả lý do chị chỉ được chuẩn bị rất ít về chữ nghĩa cũng không miễn cho chị khỏi vâng lời. Cha Gennaro di Gennaro tỏ ra lạnh lùng và không thể lay chuyển, mặc dù biết rằng Luisa chỉ học năm đầu của bậc tiểu học. Thế là từ ngày 28-2-1899, Luisa bắt đầu viết nhật ký, tổng cộng là 36 cuốn dầy! Chương cuối cùng được viết xong vào ngày 28 tháng 12 năm 1939, ngày mà chị nhận được lệnh không viết nữa.

Khi Cha Di Gennaro qua đời ngày 10-9-1922, linh mục kinh sĩ Francesco De Benedictis, thay thế, nhưng Cha chỉ giúp đỡ chị bốn năm, vì Cha qua đời ngày 30 tháng giêng năm 1926. Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Leo (17.1.1920 - 20.1.1939) cử một linh mục trẻ là Cha Benedetto Calvi làm Cha giải tội thường lệ cho chị Luisa. Cha ở cạnh chị cho đến khi chị qua đời, chia sẻ tất cả những đau khổ và hiểu lầm vùi dập vị Tôi Tớ Chúa trong những năm cuối đời.

Đầu thế kỷ 20, dân chúng Italia vui mừng thấy Cha Thánh Annibale Maria di Francia đến hoạt động tại miền Puglia, Cha muốn mở một nhà, nam và nữ, tại Trani cho hội dòng của Cha đang hình thành. Khi nghe nói về Luisa Piccarreta, Cha đến viếng thăm chị, và từ lúc ấy, hai tâm hồn cao thượng ấy gắn bó, không rời nhau, với những ý hướng chung. Cả những linh mục nổi tiếng khác cũng lui tới thăm Luisa, như Cha Gennaro Braccali, dòng Tên, Cha Eustachio Montemurro, người sau này qua đời trong hương thơm thánh thiện, và Cha Ferdinando Cento, về sau làm Sứ Thần Tòa Thánh và Hồng Y. Thánh Linh Mục Annibale trở thành Cha giải tội ngoại thường và đã duyệt lại các tác phẩm của Luisa. Các tác phẩm đó dần dần được giáo quyền cứu xét và chấp thuận. Khoảng năm 1926, Cha Thánh Annibale truyền cho Luisa viết một tập hồi ký về thời thơ ấu và niên thiếu của chị. Cha Thánh Annibale đã xuất bản nhiều tác phẩm của chị Luisa, trong có tập rất nổi tiếng là cuốn “Đồng hồ Thương Khó” (L'orologio della Passione), được tái bản bốn lần. Ngày 7 tháng 10 năm 1928, nhà của các nữ tu dòng Nhiệt Thành Thiêng Liêng tại thành phố Corato được hoàn thành. Để đáp lại ước muốn của chính Cha Thánh Annibale, Luisa được chở tới tu viện ấy. Cha Thánh Annibale đã qua đời trước đó tại Messina trong hương thơm thánh thiện.

Năm 1938, một trận cuồng phong vùi dập Luisa Piccarreta: chị bị Tòa Thánh công khai phủ nhận và các sách của chị bị liệt kê vào danh mục các sách cấm. Khi bản án của Bộ Thánh Vụ (nay là Bộ Giáo Lý Đức Tin) được công bố, chị tức khắc tuân phục quyền bính của Giáo Hội.

Chú thích:

Đây là bản văn vị Tôi Tớ Chúa gửi tới Đức Giám Mục bản quyền trong dịp đó:

Xin vâng! Tuân theo ý Chúa! Con ký tên dưới đây, sau khi được biết sắc lệnh đề ngày 13 tháng 7 năm 1938, qua đó Bộ Thánh Vụ Tối Cao kết án và ghi vào danh mục các sách cấm những cuốn sách do con viết và xuất bản:

1. “Đồng hồ Thương Khó” của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, với một thiên về Thánh Ý Chúa;

2. “Trong vương quốc Thánh Ý Chúa”;

3. “Nữ Hoàng Thiên Quốc trong Vương quốc Thánh Ý Chúa”;

Con mau mắn và tự nguyện chu toàn nghĩa vụ của linh hồn Kitô, tuân phục mau mắn, vô điều kiện, trọn vẹn và tuyệt đối, đối với phán quyết của Hội Thánh Roma, qua đó, không một giới hạn nào, con phi bác và lên án tất cả những gì Bộ Thánh Vụ Tối Cao đã phi bác và lên án đối với những cuốn sách nói trên của con đã xuất bản, theo cùng ý hướng của Bộ Thánh Vụ Tối Cao. Con cũng trình bày tuyên ngôn này với Đức Tổng Giám Mục rất kính mến của con là Đức Cha Giuseppe M. Leo, đồng thời xin ngài vì tình phụ tử chuyển tuyên ngôn này tới Bộ Thánh Vụ.

Ký tên

Luisa Piccarreta da Corato

Từ Roma, một linh mục được giáo quyền gửi tới, yêu cầu Luisa nộp tất cả các thủ bản của chị, chị bình thản và mau mắn giao nộp. Thế là tất cả các tác phẩm của chị được giữ kín trong văn khố mật của Bộ Thánh Vụ.

Ngày 7 tháng 10 năm 1938, do lệnh trên, Luisa phải rời bỏ tu viện và tìm một nơi ở mới. Chị trải qua chín năm cuối đời trong một căn nhà ở đường Maddalena, nơi mà những người già ở Corato biết rõ và cũng từ nơi đó họ thấy linh cữu của chị được đưa ra khỏi nhà ngày 8 tháng 3 năm 1947.

Cuộc sống của Luisa rất khiêm hạ; chị chỉ có ít đồ chẳng ra gì. Chị sống trong một căn nhà thuê, được em gái Angelina và một vài phụ nữ đạo đức trợ giúp ân cần. Tài sản chị có không đủ để trả tiền thuê nhà. Để sinh sống, chị chăm chỉ làm nghề thêu thùa, đủ để nuôi sống bản thân và em gái, vì chị không cần áo hoặc giầy cho mình. Lương thực của chị chỉ có vài gram thịt, do người phụ tá Rosaria Bucci mang lại cho chị. Luisa không mua sắm gì, và cũng chẳng ước muốn gì. Chị thường bị ói ra ngay sau khi nuốt đồ ăn xuống. Diện mạo chị không phải là khuôn mặt của người sắp chết, nhưng cũng không phải là người hoàn toàn khỏe mạnh. Dầu vậy, không bao giờ chị ngồi không, năng lực của chị được sử dụng để chịu đau khổ hằng ngày hoặc để làm việc, và cuộc sống của chị, đối với những ai biết rõ chị, thực là một phép lạ liên tục.

Luisa có lòng từ bỏ lạ lùng đối với những gì không do công việc hằng ngày của chị mà ra! Chị cương quyết từ chối tiền bạc và quà người ta tặng cho chị dưới bất kỳ danh nghĩa nào. Không bao giờ chị chấp nhận tiền bạc do việc xuất bản các sách của chị. Vì thế, một hôm khi Cha Thánh Annibale muốn trao cho chị số tiền do tác quyền của chị mang lại, chị trả lời: “Con không có tác quyền nào cả, vì điều được viết ra đó, không phải là của con” (cfr “Lời Tựa” cuốn “Đồng hồ Thương Khó”, Messina, 1926). Chị quyết liệt từ khước và gửi trả lại tiền bạc mà những người đạo đức thỉnh thoảng gởi cho chị.

Nhà ở của Luisa giống như một đan viện, không có người tò mò nào bén mảng tới. Chị luôn có vài phụ nữ ở cạnh, họ sống theo cùng một linh đạo, và cũng có một số thiếu nữ đến nhà chị để học thêu thùa. Từ “nhà tiệc ly” ấy đã phát sinh nhiều ơn gọi tu trì. Nhưng công việc huấn luyện của chị không chỉ dừng lại nơi các thiếu nữ mà thôi, nhiều thanh niên khác cũng được chị gởi tới các dòng nam hoặc vào chủng viện để tiến lên chức linh mục.

Ngày của Luisa bắt đầu vào khoảng 5 giờ sáng. Khi chị ở nhà thì vị linh mục đến chúc lành và dâng thánh lễ, vị linh mục ấy là Cha giải tội hoặc vị đại diện nào đó: đây là đặc ân được Đức Lêô 13 ban và sau đó cũng được Thánh Piô 10 phê chuẩn năm 1907. Sau thánh lễ, Luisa cầu nguyện và tạ ơn khoảng hai tiếng đồng hồ. Lối 8 giờ sáng, chị bắt đầu làm việc cho đến trưa: sau bữa ăn thanh đạm, chị mặc niệm trong phòng một mình. Ban chiều, sau vài giờ làm việc, chị đọc kinh Mân Côi. Ban tối, khoảng 8 giờ, chị Luisa bắt đầu viết nhật ký; khoảng nửa đêm, chị đi ngủ. Ban sáng, chị nằm bất động, cứng đơ trên giường, đầu quẹo về bên phải, và cần có sự can thiệp của linh mục để chị trở lại với công việc hằng ngày, và đặt chị ngồi trên giường.

Luisa qua đời ngày 4 tháng 3 năm 1947, thọ 81 tuổi, 10 tháng và 9 ngày, sau 15 ngày chịu bệnh sưng phổi nặng. Đó là bệnh duy nhất được xác nhận trong cuộc đời chị. Chị từ trần vào cuối đêm, đúng vào giờ mà mỗi ngày, phép lành của vị linh mục giải thoát chị khỏi tình trạng cứng đơ. Hôm đó, chính Đức Tổng Giám Mục Petronelli Francesco (25.5.1939 - 16.6.1947) đến ban phép lành cho chị. Luisa vẫn ngồi trên giường, không thể duỗi cơ thể chị ra - một hiện tượng lạ lùng - thân thể chị không bị cứng đơ như xác chết và ở trong trạng thái ấy như mọi khi.

Vừa khi nghe tin Luisa qua đời, toàn dân đổ dồn về nhà chị như dòng nước lũ, và các nhân viên công lực phải giữ trật tự cho đám đông, ngày đêm kéo tới xem Luisa, một phụ nữ mà họ rất quí mến. Có tiếng reo lên: “Bà Thánh Luisa đã qua đời!”. Để giữ trật tự cho đám đông đến viếng chị, với sự đồng ý của chính quyền dân sự và vị đặc trách về y tế, thi hài Luisa được quàn trong vòng bốn ngày mà không có dấu hiệu gì hư hỏng. Luisa giống như người chưa chết, chị ngồi trên giường, mặc áo trắng như thể chị đang ngủ, vì như đã nói, thân thể chị không bị cứng đơ như xác chết. Thực vậy, người ta có thể cử động đầu của chị theo mọi chiều hướng, nâng đôi cánh tay, gập bàn tay và mọi ngón tay; người ta cũng có thể vạch mi mắt và quan sát đôi mắt sáng suốt không chút vẩn đục của chị. Tất cả đều coi chị như còn sống, và đang chìm đắm trong giấc ngủ say. Một hội đồng bác sĩ được triệu tập, và sau khi khám nghiệm kỹ lưỡng thi hài, họ tuyên bố Luisa đã chết thật và vì thế, phải nghĩ rằng đó là một cái chết thực sự chứ không phải cái chết giả như mọi người tưởng.

Luisa trước kia đã từng quả quyết rằng mình đã sinh “ngược”, vì thế, cái chết của chị cũng là “lộn ngược” so với các thụ tạo khác. Chị vẫn ngồi như mọi khi, và chị cũng được đưa tới nghĩa trang trong tư thế ngồi như vậy, trong một quan tài được chế tạo đặc biệt cho chị, với các ván bên hông và phía trước bằng kiếng, để tất cả có thể thấy, như thể một nữ hoàng đang ngồi trên ngai, mình mặc áo trắng, với chữ “Fiat” (Xin Vâng) đeo ở ngực. Hơn 40 linh mục, cùng với kinh sĩ đoàn và hàng giáo sĩ địa phương đã tham dự đoàn tang; các nữ tu thay phiên nhau khiêng linh cữu chị Luisa trên vai, một đám rất đông dân chúng đi quanh chị: đường phố đông chật người chưa từng có; cả các bao lơn và mái nhà cũng đầy người, và đoàn tang phải vất vả lắm mới tiến bước được. Lễ an táng “cô bé” của Thánh Ý Chúa được cử hành tại Nhà thờ Chính. Toàn thể dân chúng tại Corato đi theo linh cữu tới nghĩa trang. Mỗi người cố mang về nhà mình một kỷ vật, những bông hoa, sau khi đã chạm tới quan tài của chị. Quan tài này, vài năm sau đó, đã được cải táng và đưa về giáo xứ Santa Maria Greca.

Năm 1994, ngày lễ Chúa Kitô Vua, tại nhà thờ Chính, trước sự hiện diện của rất đông dân chúng và các đại diện từ nước ngoài, Đức Cha Carmelo Cassati, đã chính thức mở án phong Chân phước cho Tôi Tớ Chúa Luisa Piccarreta.

2. NHỮNG NIÊN BIỂU QUAN TRỌNG

- 1865: Luisa Piccarreta chào đời ngày 23 tháng 4, chúa nhật sau lễ Phục Sinh, tại Corato (BA). Song thân là ông bà Vito Nicola và Tarantino Rosa, ông bà có năm người con gái: Maria, Rachele, Filomena, Luisa và Angela.

Vài giờ sau khi Luisa sinh ra, thân phụ Vito Nicola bọc con trong một cái chăn và đưa hài nhi tới Nhà thờ Mẹ để chịu phép rửa. Mẹ của Luisa không phải chịu đau đớn khi sinh con; hài nhi sinh ra rất êm đẹp.

- 1872: Luisa rước Chúa Giêsu Thánh Thể lần đầu tiên vào chúa nhật sau lễ Phục Sinh và cùng hôm đó được chịu phép thêm sức do Đức Cha Giuseppe Bianchi Dortula, Tổng Giám Mục giáo phận Trani.

- 1883: Năm lên 18 tuổi, từ bao lơn nhà, Luisa thấy Chúa Giêsu đang cúi gập mình dưới thánh giá, Ngài nói với chị: “Hỡi linh hồn, hãy giúp đỡ Ta!”. Từ lúc đó, như một tâm hồn cô quạnh, Luisa luôn sống kết hiệp với những đau khổ khôn tả của vị Hôn Phu Chí Thánh.

- 1888: Luisa trở thành hội viên Con Cái Đức Mẹ và thành viên dòng Ba Đa Minh với tên là Chị Maddalena.

- 1885-1947: như một linh hồn được tuyển chọn, hôn thê thiêng liêng của Chúa Kitô, khiêm tốn và đạo đức, Luisa được Thiên Chúa ban cho những ơn ngoại thường, lễ vật hiến tế vô tội, cột thu lôi đối với Sự Công Thẳng của Thiên Chúa, trong 62 năm liên lỷ ở trên giường, chị là Sứ Giả của Vương quốc Thánh Ý Chúa.

- 4-3-1947: Đầy công nghiệp, trong ánh sáng vĩnh cửu của Thánh Ý Chúa, Luisa kết thúc những ngày trần thế, như chị đã sống, để hiển thắng cùng với các thiên thần và các thánh trong vinh quang vĩnh cửu của Thánh Ý Chúa.

- 7-3-1947: Trong bốn ngày liền, thi hài Luisa được quàn cho đông đảo tín hữu đến viếng tại nhà chị, để nhìn xem lần cuối khuôn mặt của chị Luisa Thánh Thiện mà họ vẫn yêu mến. Lễ an táng thật là một chiến thắng huy hoàng; Chị Luisa được rước đi như một nữ hoàng, được khiêng trên vai, đi giữa dân chúng. Toàn thể hàng giáo sĩ triều và dòng, tháp tùng linh cữu Luisa. Thánh lễ an táng cử hành tại Nhà thờ Chính, với sự tham dự của toàn thể kinh sĩ đoàn. Ban chiều, thi hài Luisa được an táng tại nhà nguyện nghỉa trang của gia đình Calvi.

- 3-7-1963: Thi hài Luisa được an táng vĩnh viễn tại giáo xứ Santa Maria Greca.

- 20-11-1994: Lễ Chúa Kitô Vua, tại nhà thờ Chính ở Corato, trước sự hiện diện của rất đông dân chúng địa phương và từ nơi khác kéo tới, Đức Cha Cassati chính thức mở án phong Chân phước cho Tôi Tớ Chúa Luisa Piccarreta.

3. CÁC CHA GIẢI TỘI VÀ LINH HƯỚNG

1. Cha Cosma Loiodice: tu sĩ và là vị giải tội đầu tiên của Luisa.

2. Cha Michele De Benedictis: Cha giải tội của Luisa khi còn nhỏ; năm 1884, Cha được Đức Cha Giuseppe B. Dottula bổ nhiệm làm Cha giải tội chính thức của Luisa.

3. Cha Gennaro di Gennaro: Cha sở giáo xứ Thánh Giuse, Cha giải tội của chị Luisa từ năm 1898 đến 1922; vì vâng lời, Cha truyền cho vị Tôi Tớ Chúa viết tất cả những gì Chúa mạc khải cho chị ngày qua ngày.

4. Cha Annibale Maria di Francia: là Cha giải tội ngoại thường của chị Luisa từ năm 1919 đến 1927; Cha cũng là người kiểm duyệt các tác phẩm của vị Tôi Tớ Chúa; Cha đã xuất bản một vài tác phẩm của chị, trong đó có cuốn “Đồng hồ Thương Khó”.

5. Đức Cha Ferdinando Cento: Sứ thần Tòa Thánh và Hồng Y.

6. Cha Francesco De Benedictis: Cha giải tội của Luisa từ năm 1922 đến 1926, thay thế Cha Gennaro di Gennnaro.

7. Cha Felice Torelli: Cha sở giáo xứ Santa Maria Greca.

8. Cha Ciccio Bevilacqua: phó xứ Nhà thờ Chính, Cha giải tội không thường xuyên.

9. Cha Luca Mazzilli: phó xứ, Cha giải tội không thường xuyên.

10. Cha Benedetto Calvi: Cha giải tội thường xuyên, từ 1926 đến 1947, theo ủy nhiệm của Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Leo.

11. Cha Peppino Ferrara, vài lần cử hành thánh lễ cho Luisa.

12. Cha Don Vitantonio Patruno, thỉnh thoảng cử hành thánh lễ cho chị.

13. Cha Clemente Ferraca, quản hạt, thỉnh thoảng cử hành thánh lễ.

14. Cha Cataldo Tora, Giám đốc chủng viện Bisceglie, Cha sở giáo xứ Thánh Phanxicô.

15. Đức Ông Michele Samarelli, Tổng Đại Diện giáo phận Bari.

16. Đức Ông Ernesto Balducci, Tổng Đại Diện giáo phận Salerno.

17. Đức Ông Luigi D'Oria, linh hướng chủng viện miền ở Molfetta, và là Tổng Đại Diện giáo phận Trani.

Còn nhiều linh mục khác (triều và dòng) chúng tôi không liệt kê ở đây. Các linh mục này theo định kỳ, vì nhiều lý do khác nhau cũng đã từng đến nhà Tôi Tớ Chúa Luisa Piccarreta.

4. CÁC GIÁM MỤC

Chúng tôi liệt kê danh sách các Giám Mục kế nhiệm nhau tại giáo phận Trani trong cuộc đời Luisa Piccarreta và những vị quan tâm tới án phong Chân Phước cho Chị Luisa Piccarreta

1. Đức Cha Bianchi Dottula Giuseppe 1848-1892

2. Đức Cha Marinangeli Domenico 1893-1898

3. Đức Cha de Stefano Tommaso 1898-1906 (Chị Luisa bắt đầu viết nhật ký)

4. Đức Cha Vaccaro Giulio 1906, Giám quản

5. Đức Cha Carraro Francesco P. 1906-1915.

6. Đức Cha Regime Giovanni 1915-1918

7. Đức Cha Tosi Eugenio 1918-1920, Giám quản

8. Đức Cha Leo Giuseppe M. 1920-1939.

9. Đức Cha Petronelli Francesco 1939-1947. Ngài qua đời ngày 16-6-1947, ba tháng sau cái chết lành thánh của Luisa Piccarreta.

10. Đức Cha Addazi Reginaldo G.M. 1947-1971. Ngài ban cho Luisa tước hiệu Tôi Tớ Chúa và cho phép phổ biến ảnh nhỏ của chị với kinh nguyện.

11. Đức Cha Carata Giuseppe từ 1971, hồi hưu. Năm 1986, ngài phê chuẩn và khởi sự Hội Thánh Ý Chúa ở Corato, sau một cuộc hành trình 10 năm. Đồng thời, theo lời yêu cầu của ĐHY Palazzini, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, ngài ra lệnh thu thập các chứng từ về Tôi Tớ Chúa.

12. Đức Cha Cassati Carmelo, hồi hưu. Ngài đã mở án phong Chân phước cho Luisa Piccarreta, vào ngày lễ Chúa Kitô Vua năm 1994.

13. Đức Cha Giovanni Battista Piccierri, đương kim Tổng Giám Mục giáo phận Trani. Ngài được yêu cầu tiếp tục án phong Chân phước cho Tôi Tớ Chúa Luisa Piccarreta.

5. DANH SÁCH CÁC TÁC PHẨM CỦA TÔI TỚ CHÚA LUISA PICCARRETA

Ngày tháng nhật ký Luisa Piccarreta viết vì vâng lời các Cha giải tội của chị.

Cả trong việc viết lách, Luisa cũng hoàn toàn tùy thuộc giáo quyền. Thực vậy, tuy rất miễn cưỡng, nhưng vì vâng lời, chị bắt đầu viết từ ngày 28 tháng 2 năm 1899.

Cuốn I và II: từ ngày 28 tháng 2 đến 30 tháng 10 năm 1899

Cuốn III: từ ngày 1 tháng 11 năm 1899 đến 4 tháng 9 năm 1900

Cuốn IV: từ ngày 5 tháng 9 năm 1900 đến 18 tháng 3 năm 1903

Cuốn V: từ ngày 19 tháng 3 đến 30 tháng 10 năm 1903

Cuốn VI: từ 1 tháng 11 năm 1903 đến 16 tháng giêng năm 1906

Cuốn VII: từ 30 tháng giêng năm 1906 đến 30 tháng 5 năm 1907

Cuốn VIII: từ 23 tháng 6 năm 1907 đến 30 tháng giêng năm 1909

Cuốn IX: từ 10 tháng 3 năm 1909 đến 3 tháng 11 năm 1910

Cuốn X: 9 tháng 11 năm 1910 đến 10 tháng 2 năm 1912

Cuốn XI: từ 14 tháng 2 năm 1912 đến 24 tháng 2 năm 1917

Cuốn XII: từ 16 tháng 3 năm 1917 đến 26 tháng 4 năm 1921

Cuốn XIII: từ 1 tháng 5 năm 1921 đến 4 tháng 2 năm 1922

Cuốn XIV: từ 4 tháng 2 đến 24 tháng 11 năm 1922

Cuốn XV: từ 28 tháng 11 năm 1922 đến 14 tháng 7 năm 1923

Cuốn XVI: từ 23 tháng 7 năm 1923 đến 6 tháng 5 năm 1924

Cuốn XVII: từ 10 tháng 6 năm 1924 đến 4 tháng 8 năm 1925

Cuốn XVIII: từ 9 tháng 8 năm 1925 đến 21 tháng 2 năm 1926

Cuốn XIX: từ 23 tháng 2 đến 15 tháng 9 năm 1926

Cuốn XX: từ 17 tháng 9 năm 1926 đến 21 tháng 2 năm 1927

Cuốn XXI: từ 23 tháng 2 đến 26 tháng 5 năm 1927

Cuốn XXII: từ 1 tháng 6 đến 14 tháng 9 năm 1927

Cuốn XXIII: từ 17 tháng 9 năm 1927 đến 11 tháng 3 năm 1928

Cuốn XXIV: từ 19 tháng 3 đến 3 tháng 10 năm 1928

Cuốn XXV: từ 7 tháng 10 năm 1928 đến 4 tháng 4 năm 1929

Cuốn XXVI: từ 7 tháng 4 đến 20 tháng 9 năm 1929

Cuốn XXVII: từ23 tháng 9 năm 1929 đến 17 tháng 2 năm 1930

Cuốn XXVIII: từ 22 tháng 2 năm 1930 đến 8 tháng 2 năm 1931

Cuốn XXIX: từ 13 tháng 2 đến 26 tháng 10 năm 1931

Cuốn XXX: từ 4 tháng 11 năm 1931 đến 14 tháng 7 năm 1932

Cuốn XXXI: từ 24 tháng 7 năm 1932 đến 5 tháng 3 năm 1933

Cuốn XXXII: từ 12 tháng 3 đến 10 tháng 11 năm 1933

Cuốn XXXIII: Từ 19 tháng 11 năm 1933 đến 24 tháng 11 năm 1935

Cuốn XXXIV: từ 2 tháng 12 năm 1935 đến 2 tháng 8 năm 1937

Cuốn XXXV: từ 9 tháng 8 năm 1937 đến 10 tháng 4 năm 1938

Cuốn XXXVI: từ 12 tháng 4 đến 28 tháng 12 năm 1938.