Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm B Lễ Chúa Chiên Lành
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Đọc I: Cv 4, 8-12
"Ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô được đầy Thánh Thần, đã nói: "Thưa chư vị Thủ lãnh toàn dân và Kỳ lão, xin hãy nghe, nhân vì hôm nay chúng tôi bị đem ra xét hỏi về việc thiện đã làm cho một người tàn tật, về cách thức mà con người đó đã được chữa khỏi, xin chư vị và toàn dân Israel biết cho rằng: Chính nhờ danh Đức Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng ta, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây. Chính người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Đá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác. Bởi chưng, không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người, để phải nhờ Danh đó mà chúng ta được cứu độ".
Đó là lời Chúa.
Đáp Ca: Tv 117, 1 và 8-9. 21-23. 26 và 28cd và 29
Đáp: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường (c. 22).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa ở loài người. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương. - Đáp.
2) Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe con, và đã trở nên Đấng cứu độ con. Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. - Đáp.
3) Phúc đức cho Đấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài. Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Ngài muôn thuở. - Đáp.
Bài Đọc II: 1 Ga 3, 1-2
"Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy".
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, các con hãy coi: tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa, và sự thật là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con cái Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.
Đó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 10, 14
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta". - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 10, 11-18
"Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán: "Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Đó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta".
Đó là lời Chúa.
Suy Niệm Lời Chúa
Nếu Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm A đọc phần Phúc Âm cùng đoạn 10 của Thánh Gioan nhấn mạnh đến vai trò Chúa Kitô "là cửa chuồng chiên", thì bài Phúc Âm cho cùng Chúa Nhật IV Năm B này liên quan đến Chúa Kitô chính là "Chủ Chiên nhân lành", một vị chủ chiên nhân lành, như Chúa Kitô minh định, thì phải là vị chủ chiên dám "thí mạng sống vì chiên".
Ở Bài Phúc Âm hôm nay, cho Chúa Nhật IV của cùng Phúc Âm Thánh Gioan, đoạn 10, như Năm A và Năm C, về cùng một vị chủ chiên, nhưng là cho Năm B, chúng ta vẫn thấy Chúa Kitô, như bài Phúc Âm Năm A, so sánh mình là vị "mục tử nhân lành" với thành phần không phải là chủ chiên đích thực: "Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên".
Nếu trong bài Phúc Âm Năm A, Chúa Kitô là vị chủ chiên đích thực khác với, hay không phải là, thành phần "kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ", tức thành phần "không qua cửa mà vào", thì trong bài Phúc Âm hôm nay, Người so sánh người là vị chủ chiên đích thực với thành phần "làm thuê không phải là chủ chiên", thành phần cũng chẳng hơn gì thành phần trộm cắp, chỉ gây hại cho chiên hơn là mang lại lợi ích cho chiên, nhất là "khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát".
Chúa Kitô cố ý sử dụng 2 hình ảnh "kẻ trộm" ở bài Phúc Âm Năm A và "chăn thuê" ở bài Phúc Âm Năm B là để cho chúng ta thấy rằng, Người không có tính cách tiêu cực như thế. Bởi "Con Người đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì hư hoại" (Luca 19:10), vì "Con Người đến không phải để được hầu hạ mà là hầu hạ và hiến mạng sống mình cho phần rỗi của nhiều người" (Mathêu 20:28).
Đồng thời, qua bài Phúc Âm Năm B này, cũng như bài Phúc Âm Năm A về người chủ chiên đích thực là Người, Người cũng muốn nhắc nhở thành phần chủ chiên, thành phần có trách nhiệm đến phần rỗi của người khác, chẳng hạn như thành phần biệt phái và luật sĩ thông luật và dạy luật, những người bấy giờ đang được Người nhắm tới nói cho biết, nhưng cũng gián tiếp nhắc khéo các tông đồ là những vị sau này lãnh đạo đàn chiên của Người, về sứ vụ chăn chiên đích thực, để nhờ đó họ sống động cùng tác hành xứng đáng đúng với sứ vụ và vai trò giảng dạy "ngồi trên tòa Moisen / chair of Moses" (Mathêu 23:2) của họ, hay ngồi trên "ngai tòa Phêrô / Chair of Peter" của các vị giáo hoàng thừa kế Thánh Phêrô, hay các vị giám mục thừa kế các tông đồ.
Một trong những tính chất chính yếu của vị chủ chiên đích thực, một tính chất tiên khởi và bất khả thiếu, trước khi vị chủ chiên đích thực, cũng chính là "vị chủ chiên tốt lành", có thể dám thí mạng sống mình vì chiên, đó là vị chủ chiên này phải "biết chiên" của mình, và đồng thời cũng được "chiên biết" tới: "Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta".
"Biết chiên" nghĩa là không phải chỉ biết nó là gì và cần chi, mà còn biết thương cảm chiên của mình nữa, đến độ bị ảm mùi chiên như nó. Không phải hay sao, Chúa Kitô đã không sống chung đụng với đàn chiên 12 tông đồ của Người, đến độ trở nên như họ, khiến khó phân biệt được Người với họ, nên muốn bắt Người cần phải có nội công Giuđa Íchca, với cái hôn làm dấu của người môn đệ đáng thương này vào Đêm Thứ Năm Tuần Thánh ở trong Vườn Cây Dầu âm u tăm tối hay sao? (xem Mathêu 26:48-49).
"Chiên biết", bao gồm cả dân ngoại lẫn dân Do Thái, ở chỗ, ngay khi vị "Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên" trên Thánh Giá thì con chiên trộm cướp đã "nhận biết" Người (xem Luca 23:42-43), và cả con chiên đại đội trưởng Roma dân ngoại đã "nhận biết" Người (xem Luca 23:47), lẫn con chiên dân chúng Do Thái ở hiện trường Canvê bấy giờ cũng "nhận biết" Người (xem Luca 23:48).
Và lý do chính yếu để Người được "chiên biết", đó là vì Người không làm theo ý của mình, mà là ý Cha là Đấng đã sai Người: "Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống". Và nếu "sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Giêsu Kitô là Đấng Cha sai" (Gioan 17:3), thì quả thực chính nhờ việc Người tuân phục mà "khi hoàn thành, Người đã trở nên nguồn mạch cứu độ cho những ai tín phục Người" (Do Thái 9:28).
Đó cũng là lý do ở Bài Đọc 1, trích từ Sách Tông Vụ hôm nay, Thánh Phêrô đã khẳng định về vị chủ chiên nhân lành thí mạng sống cho chiên được sự sống này rằng: "Chính người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Đá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác. Bởi chưng, không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người, để phải nhờ Danh đó mà chúng ta được cứu độ".
Qua vai trò chủ chiên nhân lành thí mạng sống vì chiên này của Chúa Kitô, đàn chiên của Người cũng nhận biết được cả Đấng đã sai Người nữa, bởi sự sống đời đời bao gồm việc nhận biết cả Cha lẫn Con, như chính Chúa Kitô đã cho các môn đệ của Người biết khi Người dâng lời nguyện hiến tế và lời cầu hiệp nhất lên Cha của Người vào cuối bữa tiệc ly, như được trích dẫn trên đây (xem Gioan 17:3), một vị "Thiên Chúa đã yếu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian, để ai tin vào Người thì được sự sống" (Gioan 16:3), đúng như Thánh Gioan đã lập lại trong Thư 1 của ngài được Giáo Hội chọn đọc cho Bài Đọc 2 hôm nay: "tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa, và sự thật là thế".
Những lời của Thánh Vịnh 117 ở Bài Đáp Ca hôm nay là những tâm tình tri ân cảm tạ cả Cha lẫn Con mà Kitô hữu chúng ta là đàn chiên của Chúa trong lòng Giáo Hội cần phải đồng thanh vang lên rằng:
1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa ở loài người. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương.
2) Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe con, và đã trở nên Đấng cứu độ con. Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.
3) Phúc đức cho Đấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài. Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Ngài muôn thuở.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.
PS.IV-B.mp3
https://youtu.be/Lc009tth094