Có một người bạn bác sĩ phẫu thuật nói rằng: Tôi đã thấy nhiều người đối phó với cơn đau một cách rất khác nhau. Một số người tức giận xa lánh Thượng Đế, trong khi những người khác để cho nỗi đau đớn của họ mang họ đến gần Thượng Đế hơn.
Thực ra, không có nỗi đau nào mà chúng ta phải chịu đựng hay trải qua đều vô ích cả. Những điều này rèn luyện chúng ta những đức tính như tính kiên nhẫn, đức tin, sức dũng cảm chịu đựng và lòng khiêm nhường. …
Đối với người Công Giáo thì đây còn là cơ hội nhận ra sự nhỏ bé của chính mình mà biết bám vào Thiên Chúa đầy quyền năng và giầu lòng thương xót. Trong suốt 3 năm rao giảng Tin mừng , Chúa Giêsu không chỉ chữa bệnh như các bác sĩ hay lương y, nghĩa là loại bỏ bệnh tật, ma quỉ ra khỏi con người, nhưng còn mang vào mình, hay nói đúng hơn, Người chữa lành bằng cách mang vào mình mọi bệnh hoạn tật nguyền của con người. Thật vậy, khi chiêm ngắm thân thể nát tan của Ngài trên Thập Giá, chúng ta hiểu được mầu nhiệm “mang vác” này của Đức Giê-su.“Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17).
Từ nay bệnh tật không còn là một hình phạt nữa, nhưng là sự cứu chuộc. Bệnh tật liên kết chúng ta nên một với Người; bệnh tật thánh hóa, thanh luyện tâm hồn, chuẩn bị cho chúng ta đón nhận một ngày mà Thiên Chúa sẽ lau khô mọi nước mắt và lúc đó sẽ không còn bệnh tật, khóc than và đau khổ nữa. Và như vậy, nơi Thập Giá, Ngài mang vào mình các thứ bệnh và cả cái chết do hệ lụy của tội Adam nữa, để từ Thập Giá một nguồn ân sủng tuôn trào thành Đại Dương Lòng Thương Xót chữa lành mọi bệnh tật hồn xác cho con người.
Chúa Nhật 2 mùa phục sinh là ngày Đại lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa. Chúa Giê-su đã mặc khải cho thánh nữ Faustina về Thánh Tâm Nhân Lành Chúa Giêsu và chọn gọi thánh nữ trở thành một khí cụ của Lòng Thương Xót chữa lành của Chúa. Ngài đã phán với Thánh nữ: “Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim lân tuất của Cha (x. NK 588). Và vào ngày Đại lễ của Cha, ngày lễ kính Lòng Thương Xót Cha, con hãy rảo khắp thế giới và đem các linh hồn đang lả mệt về với suối nguồn thương xót của Cha. Cha sẽ chữa lành và bổ túc cho họ (NK 206).
Như vậy, lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa là lễ của niềm vui vì được nhận ra tình thương của Chúa vẫn ấp ủ và theo sát chúng ta trên mọi nẻo đường. Vì Ngài biết rõ ràng và tường tận nỗi đau đớn của từng người chúng ta đang gánh chịu. Ngài sẽ mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta. Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến với lòng thương xót Chúa, hầu nhận lãnh những ân phúc thiêng liêng từ ân sủng Lòng Thương Xót Chúa tuôn trào từ cạnh sườn nương long Chúa. Hãy dìm mình trong đại dương ân sủng Chúa để được bảo vệ và chữa lành. Và với lòng tin yêu phó thác chúng ta cùng mượn tâm tình của bài hát:”Chúa giầu lòng xót thương” để ca tụng tôn vinh và cầu xin cùng Lòng thương xót Chúa.
Lạy Chúa Giêsu con tin tưởng nơi Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.
Vì ngoài lòng Chúa xót thương, không còn nguồn hy vọng nào.
Chúng con đặt vào Chúa lòng tín thác của mỗi chúng con.
1. Nhân loại hôm nay đang trải qua bao là sự dữ.
Con người hôm nay đang sống trong tuyệt vọng lo âu.
Chúng con đến kêu cầu Chúa giàu lòng xót thương.
Ngài mở ra con đường, đưa đến tận nguồn suối yêu thương.
LM. Jos Tạ Duy Tuyền
https://www.youtube.com/watch?v=03dydxRrN0w