“Các tông đồ đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông”.
Trong tập thơ của mình, William Cowper viết, “Đứng trên đỉnh đồi, tôi nhìn từ thung lũng này đến thung lũng khác; từ ánh nắng đến sương mù, từ bóng tối nhất của đêm. Bước theo Ngài trên con đường quanh co cuộc đời, bằng niềm tin nhiều hơn bằng thị giác, tôi nhìn thấy sự hiện diện của Ngài như tia chớp, nghe tiếng Ngài như sấm ran. Nhưng Ngài lại dẫn tôi trong yên ắng bằng tiếng thì thầm của Thánh Thần. Và tôi ruổi theo Ngài! Dù mạnh mẽ hay dịu dàng, tình yêu Ngài vẫn luênh loáng, và tôi ‘yên tâm về một sự hiện diện’ liên lỉ!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Và tôi ‘yên tâm về một sự hiện diện’ liên lỉ!”. Cùng với William Cowper, Lời Chúa lễ kính thánh Marcô cho thấy sự hiện diện liên lỉ của Chúa Phục Sinh nơi những kẻ được Ngài sai đi!
Marcô, tác giả cuốn Phúc Âm ra đời sớm nhất, cũng là cuốn ngắn nhất, ghi lại mệnh lệnh “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo!”. Đó là mệnh lệnh cho một sứ mệnh có tên là “Vô Biên!”. Vô biên vì lẽ, nó không có biên giới, vô thời gian, và quá sức người! Giao cho một nhóm nhỏ quá đỗi bình thường, sứ mệnh đó xem ra không tưởng! Tuy nhiên, các môn đệ vẫn ra đi làm chứng về một Giêsu Vô Hình, sống chết cho Đấng ấy, bởi lẽ họ ‘yên tâm về một sự hiện diện’ tràn đầy của “Đấng cùng hoạt động với họ”. Nhờ đó, họ đi đến với mọi người khắp hang cùng ngõ hẻm tận cùng thế giới. Và đó là một sự thật!
Sứ mệnh “Vô Biên” không chỉ dành riêng cho nhóm nhỏ đầu tiên, nhưng còn cho bạn và tôi! Trong “Memoirs of St. Peter”, “Hồi Ký Của Thánh Phêrô”, Michael Pakaluk có một cái nhìn khá sâu sắc, “Việc ‘loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo’ ngụ ý rằng, sự khéo léo cũng như sự chăm chỉ của chúng ta cần được Tin Mừng thắm đượm; từ đó, ngang qua những nền văn hoá khác nhau và một sự chủ động tốt, Kitô hữu chỉnh đốn lại những gì hỏng hóc, thiết lập lại những nơi Satan từng ở, cũng là nơi nó bị trục xuất. Theo một nghĩa nào đó, sứ mệnh vô biên này bao gồm mọi hình thức và cách cư xử ‘có thể có’ của mọi tín hữu. Bất kể nghề nghiệp, đấng bậc, tuổi tác… họ được sai đi rao truyền tình yêu và lẽ thật của Thiên Chúa cho thế giới. Và ở đó, họ ‘yên tâm về một sự hiện diện’ quyền năng của một Đấng Vô Hình đang đồng hành!”.
Trong thư của mình hôm nay, Phêrô bảo đảm với các Hội Thánh rằng, mặc dù đang đau khổ, nhưng “Chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường”; Ngài đang ở với những ai đang gặp khó khăn, giữ cho họ trung thành. Hãy ‘yên tâm về một sự hiện diện’ của “Đấng chăm sóc anh em”, Đấng mà tình yêu Ngài sẽ được ngợi khen như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, tình thương Chúa đời đời con ca tụng!”.
Anh Chị em,
“Các tông đồ đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông”. Nhờ ‘Đấng Ở Cùng’ đó, bao con người kế tiếp nhau đã ra đi rao giảng Đấng Vô Cùng hơn 2.000 qua. Họ sống và chết cho Đấng ấy. Phần chúng ta? Đừng quên, đây là công việc của Đấng đang dẫn dắt “bằng tiếng thì thầm của Thánh Thần”; Ngài soi rọi để chúng ta ra đi “rao truyền tình yêu và lẽ thật của Thiên Chúa”. Vì vậy, dẫu khó khăn đến đâu, bạn cứ “ruổi theo Ngài”; dù khó khăn đến mấy, “bằng niềm tin nhiều hơn bằng thị giác”, cứ ‘yên tâm về một sự hiện diện’ liên lỉ của Ngài. Vấn đề là chúng ta “phải được Tin Mừng thắm đượm”, hầu “chỉnh đốn lại những gì hỏng hóc, thiết lập lại những nơi Satan từng ở”. Và như thế, bạn và tôi trở nên ‘một Giêsu khác’ cho thế giới!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con mãi được nung đốt bởi sứ mệnh vô biên đã nhận. Như Marcô, chớ gì con là một khí cụ sắc bén của Lời, một vũ khí lợi hại trong tay Chúa mà quỷ ma phải run khiếp!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)