LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
CHÚA NHẬT TUẦN IV PHỤC SINH
SỐNG LỜI CHÚA
Bài đọc :
Ca nhập lễ : Tv 32,5-6
Tình thương Chúa chan hoà mặt đất,
Lời Chúa sáng tạo chín tầng trời. Ha-lê-lui-a.
Bài đọc 1 : Cv 2,14a.36-41
Thiên Chúa đã đặt Đức Giê-su làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
14a Trong ngày lễ Ngũ Tuần, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với dân chúng rằng : 36 “Toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này : Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô.”
37 Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác : “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì ?” 38 Ông Phê-rô đáp : “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội ; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. 39 Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi.” 40 Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói : “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ.” 41 Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.
Đáp ca : Tv 22,1-3a.3b-4.5.6 (Đ. c.1)
Đ. Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
1Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
2Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
3avà bổ sức cho tôi.
Đ. Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
3bNgười dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
4Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Đ. Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
5Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Đ. Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
6Lòng nhân hậu và tình thương Chúa
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.
Đ. Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Bài đọc 2 : 1 Pr 2,20b-25
Anh em đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô tông đồ.
20 Anh em thân mến, nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban. 21 Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. 22 Người không hề phạm tội ; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. 23 Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. 24 Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. 25 Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em.
Tung hô Tin Mừng : Ga 10,14
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành, Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi.” Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Ga 10,1-10
Tôi là cửa cho chiên ra vào.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Thật, tôi bảo thật các ông : Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. 2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. 3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh ; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. 4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. 5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” 6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.
7 Vậy, Đức Giê-su lại nói : “Thật, tôi bảo thật các ông : Tôi là cửa cho chiên ra vào. 8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp ; nhưng chiên đã không nghe họ. 9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào.”
Ca hiệp lễ
Vị Mục Tử nhân lành đã sống lại,
chính Người đã thí mạng vì con chiên,
và chịu chết vì đoàn chiên của Người. Ha-lê-lui-a.
SUY NIỆM-MỤC TỬ NHÂN LÀNH
Thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương trong cuốn Hồi ký kể về hành trình đến với đạo Công giáo của mình đã chia sẻ: “Chúa Giêsu thực sự đã trở nên người mà tôi cảm nhận như là một người bạn đồng hành trong cuộc sống hiện tại thực tế của tôi, đem lại ý nghĩa cho cuộc sống mà cách đó một năm tôi thấy như chỉ là oan khiên nghiệp chướng, mà Đức Phật chỉ đem lại cho tôi một vài phút an ủi, rồi lại để tôi thui thủi một mình giữa đường đời cô quạnh.”
Đức Giêsu ví mình là người mục tử nhân lành. Người biết rõ từng con chiên vì người gần gũi, trông nom, coi sóc, chăn dắt từng con một. Chiên nghe được tiếng của Người và đi theo Người. Người cho chúng được sống và sống dồi dào. Người lại còn bảo vệ chúng khỏi chết chóc lạc đàn.
Đức Giêsu là Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa toàn năng, lại xuống trần gian, sống cuộc đời của một phận người đầy những khổ đau. Tất cả đều vì tình yêu thương. Một tình yêu dâng hiến trọn vẹn, cho những đau khổ, phi lý của con người. Vì yêu, một vì Thiên Chúa đã trở nên một con người trọn vẹn, sống cuộc đời thanh bần để ngay cả một người thấp hèn, khốn quẫn nhất vẫn tìm thấy nơi Người sự gần gũi, cảm thông sâu sắc và cảm nếm được một tình yêu thương nâng đỡ đồng hành. Tình yêu lạ kỳ của Thiên Chúa có sức cứu rỗi con người.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa Giêsu, nơi cuộc đời nhân thế lắm khi đong đầy nỗi cô đơn ê chề, xin ban cho chúng con biết tìm đến nguồn ủi an nơi những chung chia phận người mà Ngài dành cho chúng con. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
THÁNH CATARINA SIENA: BA BÀI HỌC DÀNH CHO KITÔ HỮU HIỆN ĐẠI
Trải qua cuộc đời 33 năm trong thời kỳ hỗn loạn của cuộc Ly giáo vĩ đại ở phương Tây, Thánh Catarina thành Siena ((1347 – 1380) đã đứng lên bênh vực sự thật và trở thành tiếng nói mạnh mẽ của Giáo hội, là ánh sáng chiếu rọi vào một trong những thời kỳ đen tối nhất, hỗn loạn nhất của lịch sử Kitô giáo.
Thật vậy, đã hơn 600 năm kể từ khi thánh nữ qua đời, nhưng sự nhiệt tâm và thánh thiện của ngài luôn trường tồn với thời gian. Những câu chuyện về cuộc đời thánh nữ để lại một số bài học có thể áp dụng cho chúng ta, những Kitô hữu ngày nay.
1. Catarina, một người phụ nữ can đảm làm chứng cho sự thật trong thời điểm xung đột
Nếu cho rằng chính trị thời hiện đại gây chia rẽ và nguy hiểm, thì có lẽ chúng ta nên nhìn vào Siena những năm 1300! Khi mà các quận chúa, phe phái tham chiến đã xé nát bán đảo Ý, và hầu hết những người nắm quyền đều bị lôi kéo vào những cuộc tranh chấp tương tàn.
Trong bối cảnh đó, cuộc đời thánh thiện của Thánh Catarina càng tỏa sáng rực rỡ hơn. Dong duổi khắp nơi, như một “tiếng kêu trong sa mạc”, Thánh nữ kêu gọi thiết lập lại hòa bình cho những vùng đang gặp chiến tranh, và mời gọi sự khiêm tốn phục vụ nơi những người nắm giữ quyền bính.
Là người hiếm hoi ủng hộ chân lý của Đức Kitô, nỗ lực nói lên sự thật và truyền bá sứ điệp của Đức Kitô đã giúp Catarina được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đáp ứng khát vọng thuộc trọn về Thiên Chúa của ngài. Chẳng hạn, năm 1378, Đức giáo hoàng Gregory cử Catarina đến Florence để thương lượng hầu vãn hồi hòa bình sau khi thành phố này gây chiến với Tòa thánh:
Thật không may, qua thái độ bè phái của các cộng sự ở Florentine của mình, Catarina đã bị liên lụy vào chính trị nội bộ của thành phố, và trong một cuộc đụng độ hỗn loạn công khai, người ta đã nỗ lực và cứu thoát ngài khỏi vòng vây của những người hiếu chiến. Nhưng, Catarina đã thất vọng cay đắng về sự trốn thoát của mình, nhìn nhận rằng, chính tội lỗi của mình đã tước đi bông hồng đỏ của sự tử đạo.
Phản ứng của Catarina khi được thoát chết, có lẽ không phải là cách mà hầu hết chúng ta sẽ phản ứng! Dù thế, chúng ta vẫn có thể học được rất nhiều điều từ sự can đảm của thánh nữ.
Thánh Catarina đã không sợ đứng lên đấu tranh cho hòa bình, cho lòng thương xót, cho đức ái đích thực. Chắc chắn, chứng tá kiên trung của ngài đối với Tin Mừng không phải lúc nào cũng được người khác yêu mến! Nhưng không có sự chống đối và vu khống nào mà Catarina phải đối diện có thể ngăn cản ngài thực thi bổn phận của mình với tư cách là một Kitô hữu.
2. Catarina, bảo vệ ơn gọi mà Thiên Chúa dành cho mình, ngay cả khi phải đối diện với áp lực nặng nề
Trong suốt cuộc đời, để sống trọn vẹn cho tình yêu Thiên Chúa, Thánh Catarina gặp khó khăn đến từ nhiều phía. Một ví dụ điển hình là sự khó khăn đến từ chính cha mẹ của mình:
Năm 16 tuổi, Bonaventura, người chị gái của Catarina qua đời, để lại người chồng góa bụa. Cha mẹ của Catarina đề nghị anh kết hôn với Catarina để thay thế, nhưng vì đã đoan hứa dành trọn cuộc đời cho Chúa Giêsu, Catarina phản đối điều này. Do đó, Catarina bắt đầu nhịn ăn và thậm chí cắt phăng mái tóc óng ả, để làm cho mình bớt đi vẻ xinh đẹp quyến rũ. Cha mẹ Catarina đã cố gắng chống lại động thái tránh né kết hôn này, nhưng họ đã không thành công.
Vào thời đó, việc một người phụ nữ kết hôn với người góa vợ của chị em gái mình là một thông lệ. Việc Catarina kiên quyết không vâng lời cha mẹ trong vấn đề này hẳn có vẻ như là một sự cố chấp có chủ đích. Nhưng Catarina biết rằng Thiên Chúa có kế hoạch khác cho mình, và ngay cả tình hiếu thảo cũng không làm cho Catarina quay lưng lại với ý muốn của Thiên Chúa.
Ngày nay chúng ta nghe nhiều về việc “lắng nghe tiếng nói nội tâm”. Nếu “tiếng nói nội tâm” này là “tiếng nói êm dịu, nhỏ nhẹ” của Thiên Chúa phán trong lương tâm của chúng ta, thì chúng ta nên tuân theo, bất kể những trở ngại, thách đố luôn có đó.
Thánh Catarina cẩn thận phân định ý muốn của Thiên Chúa dành cho mình và rồi kiên trì thi hành. Quyết tâm vâng theo tiếng gọi của Thiên Chúa, ngay cả khi đối diện với những áp lực của thế gian, là một tấm gương cho tất cả chúng ta.
3. Catarina, phục vụ vương quốc của Thiên Chúa, dưới đất cũng như trên trời
Chúng ta thường dễ dàng tự nhủ rằng: cố gắng chịu đựng hoặc gạt bỏ những thử thách hiện tại trong cuộc sống trần thế này, với sự đảm bảo rằng “Mọi chuyện sẽ ổn ở kiếp sau”. Nhưng Thánh Catarina hoàn toàn không áp dụng phương thế này, trái lại, ngài không chỉ cống hiến hết mình để phục vụ người nghèo, người đau bệnh mà còn tham gia rất nhiều vào những hoạt động chính trị dân sự và giáo hội đương thời. Thật vậy, Thánh nữ:
Chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt là những người mắc những căn bệnh lở loét, dễ lây nhiễm, và đáng sợ nhất; đi khắp nơi để phục vụ người nghèo; và tận tâm thăm viếng, khuyên nhủ để hoán cải tội nhân… Catarina cũng viết nhiều thư cho những người nam, nữ trong mọi hoàn cảnh sống; trao đổi thư từ với các quận chúa và những người nắm giữ quyền lực của Ý; được các vị giáo hoàng hỏi ý kiến về những vấn đề của Giáo hội. Đồng thời, ngài cũng dấn thân vào việc chữa lành những vết thương của quê hương bằng cách ngăn chặn sự bùng nổ cuộc nội chiến và những thiệt hại của óc bè phái.
Chính việc cầu nguyện và suy niệm đã tiếp thêm sinh lực và hướng dẫn những nỗ lực của Catarina. Thánh nữ là một mẫu gương sống động về sự kết hợp giữa “đức tin và việc làm” mà Thánh Giacôbê đã viết: “Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 26).
Chỉ với đôi nét rất nhỏ của một cuộc đời vĩ đại, Thánh Catarina nhắc chúng ta rằng, là Kitô hữu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều được mời gọi và có bổn phận xây dựng công lý và hòa bình trong thực tế cuộc sống.
Với tình yêu Thiên Chúa sâu xa, Thánh nữ đã cân bằng sự thánh thiện, sự kết hợp thiêng liêng với Thiên Chúa với những nỗ lực cụ thể và tích cực để bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo hội, cổ võ cuộc sống hoà bình, dấn thân để giúp con người sống xứng với nhân phẩm hơn,… Tất cả, như một cách để nếm trải hạnh phúc của Vương quốc vĩnh cửu ngay trên trần gian này.
Theresa Civantos Barber
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP - Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (29. 4. 2021)