Những kẻ kêu cầu danh Chúa
(28.09.2020 – Thứ Hai tuần XXVI Thường Niên)
Lời Chúa: Lc 9,46-50
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca
46 Một câu hỏi chợt đến với các ông: trong các ông, ai là người lớn nhất?47 Đức Giê-su biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình48 và nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.”
49 Ông Gio-an lên tiếng nói: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy.”50 Đức Giê-su bảo ông: “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta! “
Những kẻ kêu cầu danh Chúa
Được nổi danh vốn là một trong những khát khao tự nhiên của con người. Trong Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về ý nghĩa, sức mạnh và quyền năng của danh Chúa trong cuộc sống người Kitô hữu chúng ta.
Tin Mừng hôm nay ghi lại những sự kiện được liên kết với nhau bằng danh Chúa: chỉ nhân danh Chúa mà đón tiếp những người bé nhỏ nhất, cụ thể là các em nhỏ, và cũng chỉ nhân danh Chúa, con người mới có thể xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật và làm phép lạ.
Ngày nay, Giáo Hội cũng nhân danh Chúa để tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Ngài. Giáo Hội nhân danh Chúa để cử hành các bí tích, để thực thi công tác bác ái, tranh đấu cho công lý. Nhưng phải chăng danh Chúa Giêsu là một thứ bùa chú, một công thức ma thuật?
Chúng ta biết rằng nội dung niềm tin Kitô chính là tin rằng Thiên Chúa đã phục sinh Chúa Giêsu từ cõi chết; tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa; và kêu cầu danh Người. Cả ba kiểu nói này đều tương tự nhau. Các Kitô hữu tiên khởi thường tự gọi mình là những kẻ kêu cầu danh Chúa. Điều này được thể hiện một cách rõ rệt trong nghi thức rửa tội. Kêu cầu danh Chúa có nghĩa là tin nhận rằng Ngài là Chúa và tự đặt mình dưới sự thống trị của Ngài. Duy chỉ mình Ngài mới có thể là lý tưởng của đời sống Kitô.
Xét cho cùng, niềm tin của chúng ta không phải là một giáo điều để tuyên xưng, một số kinh kệ phải đọc làu làu, một số biểu dương tôn giáo cần bày tỏ ra bên ngoài. Niềm tin thiết yếu của chúng ta là Chúa Giêsu – Đấng đang hiện diện cách sống động trong mỗi người chúng ta. Sống niềm tin ấy chính là luôn ý thức về sự hiện diện ấy của Người, và không ngừng đi vào tương quan mật thiết với Người. Sống niềm tin ấy chính là để Người thấm nhập vào tùng suy nghĩ, tâm tư và hành động, đến độ có thể thốt lên như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu được rằng danh Chúa thật cao cả và cũng là nơi nương náu của chúng con để chúng con luôn tìm đến nương ẩn trong danh chí thánh của Chúa là Cha chúng con. Amen.