Bài Đọc I: Ed 17, 22-24
"Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp".
Trích sách ngôn sứ Êdêkien.
Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau:
Từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót, Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi. Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Ít-ra-en.
Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành. Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa.
Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi.
Chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta thực hiện.
Đó là lời Chúa.
Đáp Ca: Tv 91, 2-3.13-14.15-16
Đáp: Lạy Chúa, hạnh phúc thay được tạ ơn Ngài (c. 2a).
Xướng: 1) Thú vị thay được tạ ơn Chúa, được mừng hát danh Ngài, lạy Đâng Tối Cao, được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya. - Đáp.
2) Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Li-băng được trồng nơi nhà Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa Ta. - Đáp.
3) Già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn, để loan truyền rằng: Chúa thực là ngay thẳng, là núi đá cho tôi ẩn náu, nơi Người chẳng có chút bất công. - Đáp.
Bài Đọc II: 2Cr 5,6-10
"Dù còn ở trong thân xác, hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Chúa".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Thưa anh em, chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa... Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa. Nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người. Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.
Đó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! - Hạt giống là lời Thiên Chúa, người gieo giống là Đức Ki-tô. Ai tuân giữa lời Người, sẽ muôn đời tồn tại. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 4,26-34
"Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.
Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh hoa kết quả: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng là thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa."
Rồi Người lại nói: "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng."
Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tùy theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.
Đó là lời Chúa.
Đức Tin Sự Sống
Phụng Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật Thường Niên XI B tiếp tục chiều hướng "sự sống" từ Mùa Phục Sinh, nơi bài Phúc Âm theo Thánh Marco (4:26-34), bài đọc 1 theo Sách Tiên Tri Êzêkiên (17:22-24), bài đọc 2 theo Thư 2 Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Côrintô (5:6-10) và cả bài Đáp Ca trích Thánh Vịnh (91: 2-3,13-14,15-16).
Thật vậy, chiều hướng sự sống ở trong bài Phúc Âm được chất chứa nơi hai dụ ngôn Chúa Giêsu dạy về Nước Trời, một liên quan đến "đất" và một liên quan đến "hạt cải".
Sở dĩ "đất" liên quan đến "sự sống" là vì nó là yếu tố ngoại tại, yếu tố về môi sinh bất khả thiếu cho mầm mống sự sống ở nơi "hạt giống" được Chúa Giêsu nói đến trong dụ ngôn thứ nhất. Bởi thế, chính Người là Đấng gieo "hạt giống" mạc khải thần linh "dù thức hay ngủ", nghĩa là không cần biết, cũng nắm chắc được việc đâm chồi nẩy sinh và phát triển của "hạt giống".
"Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa".
Vì "đất" bẩm sinh đã được ban cho khả năng thích ứng vào việc phụ giúp "hạt giống" cũng là việc phụ giúp cho chính việc nẩy mầm và phát triển của "sự sống": "Đất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa".
"Đất" đây ám chỉ nhân tính của con người là nơi để đón nhận mạc khải thần linh. Thế nhưng, dù là một trong hai yếu tố bất khả thiếu và bất khả phân ly với "hạt giống", "đất" vẫn không phải là yếu tố chính, yếu tố quan trọng nhất. Bởi nó được dựng nên như là một phương tiện cho "sự sống", như thân xác đối với linh hồn vậy, và "đất" ám chỉ thế gian nói chung và cá nhân con người nói riêng, nhờ liên hệ với hạt giống, được phát triển và vươn cao theo tầm vóc của hạt giống, một tầm vóc nó không thể nào có nếu không có hạt giống ở nơi nó.
Đó là lý do Chúa Giêsu đã nói ngay đến dụ ngôn thứ hai, dụ ngôn về "hạt cải", yếu tố chính yếu và then chốt của sự sống, một yếu tố ám chỉ chẳng những mạc khải thần linh mà còn ám chỉ đức tin nữa. Mà đức tin là những gì siêu nhiên, vượt trên tự nhiên, giác quan, tình cảm và lý trí của con người vốn là những gì không thể với tới, nên không lạ gì "hạt cải" được Chúa Giêsu ví như "hạt nhỏ nhất trong các hạt giống": "Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất".
Tuy nhiên, trong đời sống siêu nhiên, càng nhỏ lại càng lớn, càng nhỏ mới càng lớn. Nếu "Nước Thiên Chúa" ám chỉ mạc khải thần linh, thì "hạt cải" đây ám chỉ chinh Chúa Giêsu Kitô, một thứ hạt "nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất", ở chỗ Nhập Thể và Vượt Qua: "Tuy thân phận là Thiên Chúa nhưng Người vẫn không tự coi mình cứ phải ngang hành với Thiên Chúa mới được, trái lại, Người đã hóa ra như không, mặc lấy thân phận tôi đòi... đã vâng lời cho đến chết cho dù có phải chết trên thập tự giá" (Philiphê 2:6-8).
Chính vì "hạt cải" Giêsu Kitô quá ư là nhỏ bé như vậy, đến độ loài người không nhìn thấy, không nhận biết Người là ai, nên đã ra tay sát hại Người, chà đạp Người dưới chân của họ, mà "hạt cải" thần linh này, như hạt lúa miến mục nát đi trong lòng đất (xem Gioan 12:24), để rồi nhờ đó, như dụ ngôn trong bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, đã "mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được", đúng như cảm nhận đầy xác tín được Thánh Phaolô tuyên xưng rằng: "Bởi thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu. Để khi nghe tên Giêsu thì mọi sự trên trời dưới đất và trong lòng đất phải bái gối mà tung hô vinh quang Thiên Chúa Cha và Đức Giêsu Kitô là Chúa" (Philiphê 2:9-11).
Ý nghĩa của dụ ngôn liên quan đến sự kiện hạt cải nhỏ nhất "mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được" còn có thể hiểu về Giáo Hội Chúa Kitô là Nhiệm Thể của Người, nhờ Người mà "mọc lên thành cây rau lớn nhất" cả về phẩm lẫn lượng so với các tôn giáo chính yếu trong lịch sử thế giới, một Kitô giáo được chính Chúa Kitô thiết lập (xem Mathêu 16:16), mà càng bị bách hại liên tục trong lịch sử loại người ở khắp nơi trên thế giới lại càng phát triển, đến độ "đâm những cành to"có thể ám chỉ các Giáo Hội địa phương hay các vị thánh trong lịch sử Giáo Hội, những Giáo Hội hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ luôn là bí tích cứu độ trần gian, thành một nơi an toàn cho phần rỗi cho "chim trời có thể tới núp bóng được".
Dụ ngôn Chúa Giêsu sánh ví Nước Thiên Chúa hạt cải trong bài Phúc Âm hôm nay ám chỉ Giáo Hội của Người phát triển trong giòng lịch sử của loài người cũng đã được Tiên Tri Êzêkiên loan báo ở bài đọc thứ nhất hôm nay liên quan đến cây hương bá như sau: "Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi Israel, nó sẽ đâm chồi, kết quả, và trở thành cây hương nam vĩ đại; các thứ chim trời đều đến ẩn náu dưới thân cây và làm tổ dưới tàn nó".
Thế nhưng, "cây hương nam vĩ đại" được Thiên Chúa hứa "trồng trên đỉnh núi Israel" đây từ là gì, nếu không phải là chính Đức Giêsu Kitô Thiên Sai! Thật vậy, "cây hương nam vĩ đại" này xuất phát "từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót", như câu đầu bài Đọc I hôm nay cho biết. Nếu "cây hương bá cao chót vót" đây ám chỉ đức tin của tổ phụ Abraham thì ngọn đây của d8ức tin tổ phụ này chính là Đức Giêsu Kitô miêu duệ của ông, một ngôi vị thần linh miêu duệ sẽ được sai đến với dân Do Thái nói riêng cũng như với nhân loại nói chung như chính Ngài đã hứa với vị tổ phụ này, một lời hứa được ám chỉ là "đỉnh núi Israel", nhờ Người mà cả dân Do Thái lẫn dân ngoại sẽ được cứu độ khỏi tội lỗi và sự chết, được ám chỉ nơi hình ảnh "các thứ chim trời đều đến ẩn náu dưới thân cây và làm tổ dưới tàn nó", nghĩa là Người "đã trở thành nguồn mạch cứu độ cho những ai tín phục vào Người" (Do Thái 5:9).
Đúng thế, ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô theo nguyên tắc là ban cho chung nhân loại khi Người hoàn tất cuộc Vượt Qua nơi chính bản thân mình. Thế nhưng, chỉ những ai tín phục Người mới được hưởng ơn cứu độ của Người mà thôi (xem cả Gioan 1:12). Bởi vậy mà trong Bài Đọc 2 hôm nay, trong Thư 2 gửi giáo đoàn Corintô, vị tông đồ dân ngoại Phaolô đã xác tín rằng: "chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa", một đức tin còn được chàng thanh niên Saulê đã từng nhiệt thành với Do Thái giáo trước kia dẫn giải thêm về việc áp dụng thực hành đó là: "dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người". Vâng, sống đức tin chính là sống ước muốn đẹp lòng Thiên Chúa vậy.
Tóm lại, sự sống, như nội dung bài Phúc Âm hôm nay bao gồm 2 dụ ngôn liên hệ với nhau cho thấy, chẳng những liên quan đến "hạt cải" chất chứa chính sự sống, đến đức tin cứu độ, mà còn liên quan đến "đất" là môi trường con người cho sự sống nẩy sinh và phát triển, nên bài Đáp Ca (nhất là câu 2 và 3) được Giáo Hội chọn đọc còn liên quan đến cả vế của nhân loại, thành phần cần phải biết chấp nhận và đáp ứng mạc khải thần linh được tỏ ra cho họ như hạt giống gieo vào trần gian của họ nói chung và gieo vào lòng họ nói riêng, nhờ đó, chính họ được nên công chính và thánh đức:
2) Người hiền đức như cây chà là nở hoa tươi tốt, vươn mình lên như cây hương bá đất Liban. Họ được vun trồng trong nhà Chúa, trong hành lang nhà Thiên Chúa chúng tôi họ nở bông.
3) Ngay trong tuổi già họ còn sinh trái, họ đầy nhựa sống và họ sống xanh tươi, để họ loan truyền Chúa nhường bao công chính, Chúa là Đá Tảng của tôi, nơi Chúa chẳng có gian tà!
Chính vì Kitô hữu đã được lãnh nhận sự sống thần linh khi lãnh nhận Phép Rửa, một sự sống đã như "hạt" giống thần linh gieo vào mảnh "đất" nhân tính của họ mà họ đã được Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai hôm nay khuyến dụ và kêu gọi sống đức tin như sau:
"Anh em thân mến, chúng ta hằng bạo dạn, vì biết rằng bao lâu sống trong thân xác này, là chúng ta lưu lạc xa Chúa, vì chưng nhờ đức tin, chứ không phải vì đã thấy, mà chúng ta tiến bước".
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.
MTN-XI-B.mp3
https://youtu.be/_p67tzjECwk