Monday, November 11, 20249:19 PM(View: 0)
Một phụ nữ kể cảm nghiệm: "Vợ chồng tôi vì bận rộn làm ăn nên đem các con gửi cho mẹ ruột tôi và dượng ghẻ của tôi trông coi. Một thời gian sau thì các con gái tôi kể rằng các cháu bị dượng ghẻ tôi sờ mó và làm bậy.
Monday, November 11, 20248:48 PM(View: 0)
Nguồn: Purgatory Có một nữ tu tên là Gertrude dù đạo đức nhưng chị không giữ gìn lời nói. Chị thường hay phạm luật giữ thinh lặng. Đôi khi trong nhà thờ, trong buổi cầu nguyện thì chị thường nói những lời nói vô bổ với người chị em.
Monday, November 11, 20248:38 PM(View: 1)
Nguồn: Purgatory 1. Một linh mục bị đền tội ở luyện ngục vì tật hay nói những điều không cần thiết. Ngài là một người giảng thuyết rất hay và tận tâm. Ngài luôn vinh danh Chúa. Sau khi chết thì ngài hiện về với một người bạn trong Dòng tại Cologne.
Saturday, November 9, 20246:55 PM(View: 61)
Nguồn: Purgatory Tội lắm lời miệng lưỡi là một tội mà ai cũng dễ dàng mắc phải.
Saturday, November 9, 20245:38 AM(View: 55)
Nguồn: Purgatory Sau đây là cảm nghiệm của cha Francis, Dòng Tên: "Những người Kito Hữu nếu muốn tránh khỏi lửa luyện tội thì cần phải tôn sùng Cuộc Khổ Nạn Chúa Kito, Chúa chúng ta."
Saturday, November 9, 20244:54 AM(View: 45)
Các tu sỹ dòng Tên sống sót sau vụ ném bom nguyên tử nhờ lần hạt Mân Côi. Đã 70 năm trôi qua, kể từ khi lần đầu tiên và duy nhất, vũ khí hạt nhân nổ ở Hiroshima ngày 06-8, và Nagasaki ngày 09-8-1945. Cuộc tấn công nguyên tử lên thành phố Hiroshima đã giết hại khoảng 80 ngàn người ngay lập tức, ngoài ra cũng chịu trách nhiệm cho khoảng 130 ngàn cái chết khác,
Thursday, November 7, 20249:20 PM(View: 51)
Nguồn: Purgatory Một Hoàng Hậu của nước Hung Gia Lợi là Bà Gertrude qua đời năm 1220. Sau đó bà hiện về xin con của bà là Thánh Elizabeth cầu nguyện cho bà.
Thursday, November 7, 20248:55 PM(View: 55)
Nguồn: Purgatory Trong thời đại này có rất nhiều Kito hữu sống xa rời Thánh Giá và Cuộc Khổ Nạn Đau Thương của Chúa Kito. Họ hưởng thụ và sống theo dục tình lôi cuốn. Họ rất sợ những gì gọi là sự hy sinh. Họ không ăn chay mà cũng không biết hãm mình đền tội...
Thursday, November 7, 20248:30 PM(View: 60)
Cha Gabriel Amorth - một chuyên gia trừ quỷ nổi tiếng của Rôma, đã xác nhận rằng: "Kẻ thù lớn nhất của ma quỷ hay của một thứ tà ma, phù phép vô hình nào đó, chính là Đức Trinh Nữ Maria. Cha giải thích: "Trong một trường hợp kia, một chuyên gia trừ quỷ là bạn của tôi đã từng hỏi quỷ, đối với Đức Maria,
Thursday, November 7, 20248:26 PM(View: 53)
Câu chuyện xảy ra giữa hai anh em sống tại Luân Đôn, thủ đô Anh quốc. Người anh tên Yerzy, người em tên Pawel; cả hai đã lập gia đình có con cái và địa vị trong xã hội; cả hai là tín hữu Công Giáo thuộc gia đình đạo đức.

LỜI CHÚA THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH SỐNG LỜI CHÚA BÀI ĐỌC Bài đọc 1 : Cv 2,14.22b-33

Sunday, April 17, 20229:17 PM(View: 765)

18-4aLỜI CHÚA THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

SỐNG LỜI CHÚA

BÀI ĐỌC

Bài đọc 1 : Cv 2,14.22b-33

Thiên Chúa đã làm cho Đức Giê-su sống lại ; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

14 Trong ngày lễ Ngũ Tuần, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với dân chúng rằng : “Thưa anh em miền Giu-đê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây.

22b “Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó. 23 Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. 24 Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi. 25 Quả vậy, vua Đa-vít đã nói về Người rằng : Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng. 26 Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. 27 Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. 28 Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.

29 “Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ Đa-vít rằng : người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay. 30 Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người, 31 nên người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Ki-tô khi nói : Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát. 32 Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại ; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. 33 Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống : đó là điều anh em đang thấy đang nghe.”

Đáp ca : Tv 15,1-2a và 5.7-8.9-10.11 (Đ. c.1)

Đ. Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu.

1Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
2aCon thưa cùng Chúa : Ngài là Chúa con thờ,
5Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con ;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.

Đ. Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu.

7Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy,
ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.
8Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.

Đ. Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu.

9Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.
10Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.

Đ. Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu.

11Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống :
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi !

Đ. Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu.

Tung hô Tin Mừng : Tv 117,24

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Đây là ngày Chúa đã làm ra,

nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Ha-lê-lui-a.

TIN MỪNG : Mt 28,8-15

Hãy về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

8 Khi ấy, các người phụ nữ vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.

9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói : “Chào chị em !” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. 10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà : “Chị em đừng sợ ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”

11 Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. 12 Các thượng tế liền họp với các kỳ mục ; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, 13 và bảo : “Các anh hãy nói như thế này : Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. 14 Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.” 15 Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.

SUY NIỆM-CHỨNG NHÂN SỰ THẬT

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 15 tháng 5 năm 2013, Đức Thánh cha Phanxicô đã nhận định: “Chúng ta đang sống trong một thời đại mà con người ngày càng hoài nghi về sự thật. Chân lý là gì? Chúng ta có thể tìm thấy chân lý không? Người Kitô hữu có sẵn sàng làm chứng cho sự thật trong đời sống thường ngày?”

Sau khi đã gặp được Đức Giêsu phục sinh, các phụ nữ vui mừng chạy về loan tin cho các môn đệ. Đang khi các bà chạy về báo tin vui, thì lính canh mồ cũng chạy về báo tin, nhưng là “tin buồn” cho các thượng tế. Các nhà lãnh đạo Do thái đã dùng sự phản bội của Giuđa để bắt Đức Giêsu, dùng chứng gian để vu cáo Người và bây giờ dùng sự hối lộ để bưng bít sự thật về việc Đức Giêsu trỗi dậy. Nhưng họ đã thất bại vì chân lý sẽ trường tồn.

Lịch sử đã chứng minh rằng không có mưu mô thâm độc nào của con người có thể bóp chết được sự thật.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa, xin giúp chúng con trở nên những chứng nhân luôn can đảm làm chứng cho sự thật. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

ĐỂ NHẬN RA CHÚA PHỤC SINH Ở GIỮA CHÚNG TA

WHĐ (16.4.2022) - Được xây trên nền ngôi nhà của thầy cả thượng phẩm Caipha ở Giêrusalem, nhà thờ Thánh Phêrô Gallicantu nhằm tưởng nhớ việc Simon Phêrô đã chối Chúa Giêsu trong sân vào đêm Người bị bắt. Bên dưới nhà thờ là “cái Hố”, một căn phòng nhỏ bằng đá, nơi Chúa Giêsu bị tống giam vào buổi tối hôm đó, vài giờ trước khi bị kết án và đem đi giết. Đứng ở trong nơi tối tăm, lạnh lẽo đó, nhìn cái lỗ, người ta thấy được nơi mà Thiên Chúa của chúng ta ngã xuống trên một nền đá cứng, đồng thời nghĩ đến việc Người nằm đó trơ trọi một mình, đương đầu với Thứ Sáu Tuần Thánh, khiến người ta phải rơi lệ. Khi đến thăm nơi đó, tôi đã suy ngẫm về Thánh vịnh 88[1], vốn là lời kêu than với Thiên Chúa trong đau khổ và đơn độc của một người cảm thấy bị bỏ rơi hoàn toàn.

Tất cả chúng ta đều đã từng ở trong cái hố, chống chọi với những đêm tối của tâm hồn; cảm giác không được yêu thương, bị xem là thừa thãi, bị hiểu lầm, bị cô đơn mà không nhận được bất kỳ sự an ủi nào từ Thiên Chúa hoặc người khác. Tin Mừng mà chúng ta đã cử hành và công bố vào Thứ Sáu Tuần Thánh là sự thật đáng kinh ngạc rằng Đức Chúa đã ở trong cái hố trước chúng ta, đã nếm trải một sự bỏ rơi thẳm sâu không thể suy thấu, và đã chấp nhận một cái chết kinh hoàng. Đức Chúa đã đón nhận tất cả những điều ấy để chúng ta đừng bao giờ mất hy vọng, ngay cả trong những đêm tối tăm nhất.

Chúa Nhật Phục sinh là sự khải hoàn của Chúa Giêsu trước thế lực của tội lỗi và sự chết, là sự xác minh cho toàn bộ sứ mệnh của Người, là sự chiến thắng của tình yêu trước hận thù, của ân sủng trước sự dữ, của sự cảm thông trước nỗi cô đơn và của sự sống vĩnh cửu trước quyền lực của bóng tối. Tuy nhiên, sự phục sinh của Chúa Kitô không xóa bỏ một cách thần diệu những vết thương và giới hạn của bản tính nhân loại yếu đuối của chúng ta. Chúng ta sẽ vẫn luôn cảm thấy bị hiểu lầm, phải chịu đựng những nỗi đau, và cuối cùng phải cô đơn đối diện với cái chết, nhưng Đức Chúa đã mở ra một con đường cho chúng ta; ánh sáng chiếu rọi ở cuối đường hầm. Đức Chúa muốn chúng ta kêu cầu quyền năng của Người, tận hưởng sự hiện diện thân thương của Người qua các bí tích, nghe giọng nói dịu dàng của Người qua Lời Chúa, và khám phá vẻ đẹp trên khuôn mặt của Người nơi những người bên cạnh chúng ta.

Chúng ta vẫn sẽ thấy mình trong cái hố, nhưng khi mắt chúng ta quen dần với bóng tối, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu ở đó với chúng ta, mang đến sự an ủi, lòng thương xót và hy vọng. Đức Chúa mời gọi chúng ta sống trong thế giới phục sinh tươi đẹp và bao la của Người, một thế giới đã có đó, ngay lúc này trong cuộc đời của chúng ta. Chúng ta không cần phải đợi đến khi mình chết thì mới có thể nhận ra vinh quang Thiên Chúa và nếm trải niềm vui Phục sinh. Cũng như trong các Tin Mừng, Chúa Phục Sinh hiện ra tại những nơi bất ngờ nhất, với những dáng vẻ bên ngoài khó nhận diện và dễ gây ngạc nhiên nhất, nhưng nếu tinh mắt, chúng ta sẽ nhận ra Người.

Trong Mùa Chay, chúng ta đã cùng đồng hành với Chúa Giêsu trong hoang địa suốt 40 ngày; đã chiêm ngắm Người biến hình vinh quang trên Núi Tabor; đã cảm nhận sự hoán cải sâu sắc của người con Hoang đàng; đã gặp người phụ nữ ngoại tình nhận được sự tha thứ đầy lòng thương xót; và đã cùng với Đức Kitô hân hoan tiến vào thành Giêrusalem của tâm hồn chúng ta. Khi thực hành đều đặn việc cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái, chúng ta đã khai quang một nơi trong tâm trí và trái tim mình để Nước Hằng Sống, Ánh sáng Thế gian, Sự sống lại và Sự sống tràn vào và lưu lại với chúng ta một cách sâu đậm hơn.

Trong tất cả những lần Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra như được các sách Phúc âm kể lại, thì những người đi theo Chúa Giêsu không bao giờ nhận ra Người ngay lập tức. Maria Madalena thì nghĩ rằng Người là người làm vườn. Các Tông đồ thì cho rằng Người là một bóng ma. Hai môn đệ trên đường Emmau lại coi Người như một người bạn đồng hành thú vị. Chỉ khi Chúa Giêsu gọi tên của bà Maria; bày tỏ vết thương cho các tông đồ; và bẻ bánh trong cử chỉ Thánh Thể đặc trưng thì mắt của họ mới được mở ra để nhận ra Chúa Phục sinh đến với họ trong sự sống sung mãn!

Có thể là sự thất bại của thập giá đã che khuất tầm nhìn của họ, hoặc diện mạo Chúa Giêsu phục sinh khác với dáng vẻ của Người trước đó, nhưng có một điều vẫn rất rõ ràng: Khi Đức Chúa hành động và lên tiếng, họ liền nhận ra Người, và họ rất đỗi vui mừng.

Vậy thì, Chúa Phục sinh đang hành động và lên tiếng ra sao trong cuộc đời của chúng ta?

Khi Chúa Giêsu dịu dàng gọi tên chúng ta trong cầu nguyện; khi chúng ta nhìn thấy những thương tích của Người trong đau khổ của người khác; khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể…, chúng ta nhận ra Chúa Phục sinh, và lòng chúng ta hân hoan trước sự gần gũi thân thương và vẻ đẹp kỳ diệu của Người.

Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, sức mạnh của Sách Thánh và hiệu năng của các Bí tích trong Giáo Hội, Chúa Kitô phục sinh vẫn luôn hiện diện cách gần gũi bên cạnh chúng ta. Sự phục sinh của Người là sự kết hợp trọn vẹn vẻ sáng ngời của Chân, Thiện, Mỹ nơi Thiên Chúa. Vì Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết, chúng ta nhận được ơn tha thứ tội lỗi, lời hứa về sự sống đời đời, sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi khoảnh khắc và sự kết hợp với Đức Chúa.

Làm sao chúng ta lại có thể không vui mừng, cất cao lời ngợi khen và cảm tạ khi cử hành sự khải hoàn tuyệt vời của Chúa Kitô Phục sinh?

Tình yêu đã chiến thắng hận thù; ân sủng đã chiến thắng tội lỗi; lòng nhân từ đã diệt trừ cái ác, và sự sống là tiếng nói cuối cùng trên sự chết.

Xin cho trái tim của chúng ta rung nhịp với quyền năng và sự sống của Đức Chúa, Đấng bị đóng đinh và sống lại, đang đồng hành với chúng ta trên lộ trình Emmau riêng của mỗi chúng ta.

Gm. Donald J. Hying

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP - Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: simplycatholic.com

[1] Thánh Vịnh 88:

2 Lạy CHÚA là Thiên Chúa cứu độ con,
trước Thánh Nhan, đêm ngày con kêu cứu.

3 Nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài,
xin lắng nghe tiếng lòng thổn thức.

4 Vì hồn con ngập tràn đau khổ,
mạng sống con âm phủ gần kề,
5 thân kể như đã vào phần mộ,
ví tựa người kiệt sức còn chi !

6 Con nằm đây giữa bao người chết,
như các tử thi vùi trong mồ mả
đã bị Chúa quên đi, và không được tay Ngài săn sóc.

7 Chúa hạ con xuống tận đáy huyệt sâu,
giữa chốn tối tăm, giữa lòng vực thẳm.

8 Cơn giận Chúa đè nặng thân con
như sóng cồn xô đẩy dập vùi.

9 Chúa làm cho bạn bè xa lánh
và coi con như đồ ghê tởm.

Con bị giam cầm không thể thoát ra,
10 mắt mờ đi vì quá nhiều đau khổ.

Lạy CHÚA, suốt cả ngày con kêu lên Chúa
và giơ tay hướng thẳng về Ngài.

11 Chúa đâu làm phép lạ cho người đã mạng vong,
âm hồn đâu trỗi dậy ca tụng Chúa bao giờ ?

12 Trong mồ mả, ai nói về tình thương của Chúa ?

Cõi âm ty, ai kể lại lòng thành tín của Ngài ?

13 Những kỳ công Chúa, nơi tối tăm ai rõ ?

Đức công chính Ngài, chốn quên lãng ai hay ?

14 Phần con đây, con kêu lên Ngài, lạy CHÚA,
mới tinh sương đã chờ chực nguyện xin.

15 Lạy CHÚA, thân con đây, Chúa nỡ nào ruồng rẫy,
ẩn mặt đi mà chẳng đoái hoài.

16 Từ thuở bé, con khổ đã nhiều và luôn ngắc ngoải,
Chúa làm con kinh hãi, con hoá ra thẫn thờ.

17 Bao cơn thịnh nộ, Ngài đổ ngập thân con,
bấy nỗi kinh hoàng khiến con rời rã.

18 Bủa vây con suốt ngày ngần ấy thứ,
dồn dập tư bề như nước bao la.
Cận thân Chúa khiến lìa xa,
chung quanh bầu bạn chỉ là bóng đêm.