Giu-đa và Phê-rô trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa
Khi để cho mình bị đóng đinh, Chúa muốn cho chúng ta nhìn thấy nơi Thập Giá, hình thù rất thật và rất cụ thể của SỰ DỮ và TỘI LỖI.
1. Ông Giu-đa
a. Ông Giu-đa phản bội
Không kể hai Bài Thương Khó, được công bố vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá và vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, các bài Tin Mừng của ba ngày liên tiếp, thứ Ba, thứ Tư và thứ Năm, đều được ghi dấu đậm nét bởi hình ảnh Giu-đa (Ga 13, 21-33.36-38; Mt 26, 14-25; Ga 13, 1-15). Và chắc chắn, mỗi khi tưởng niệm cuộc Thương Khó của Đức Giê-su, Giu-đa cũng là một trong những khuôn mặt gây phản ứng, thắc mắc, đánh động, chất vấn… nơi chúng ta nhiều nhất. Cũng như xưa kia, lời loan báo phản bội hướng tới một người, nhưng ai cũng buồn rầu và thấy mình có liên quan: “Thưa Thầy, có phải con không?” (Mt 26, 22; Mc 14, 19); “Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai” (Ga 13, 22). Về chuyện này, không ai chắc chắn về mình cả. Như thế, khả thể Giuđa có ở nơi mọi người, với những mức độ và cách thể hiện khác nhau.
Tại sao Giu-đa lại đi nộp Thầy của mình? Tin Mừng theo thánh Mát-thêu nhấn mạnh đến lí do tiền bạc: “Tôi nộp ông ấy cho quí vị, thì quí vị muốn cho tôi bao nhiêu?” (Mt 26, 15). Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó, cho thấy Giuda không phải hành động vì tiền: ông đã hối hận và trả lại tiền; vấn đề là ông đã không mở lòng ra để đón nhận lòng thương xót, nhưng tự làm quan tòa của chính mình. Tuy vậy, động lực “tiền nong” cũng không phải là không có trong cách chúng ta đi theo Chúa, làm việc cho Chúa.
Như thế, chắc là ông có một động lực khác nghiêm túc hơn, rồi nhân đó, kiếm thêm chút tiền bỏ vào quĩ chung. Đó có thể là vì ông thất vọng về cách hành xử của Thầy mình, và tâm tình này ít nhiều gì cũng có nơi các môn đệ khác; vì thế, đã có những người bỏ đi (Ga 6, 66). Do đó, ông muốn đặt Thầy của mình vào một tình huống buộc Thầy phải hành động bằng quyền năng để thoát thân và nhân đó, tái lập Vương Quyền bằng sức mạnh thần linh; nhưng ông đã không ngờ là Ngài không hành động gì, mà lại còn để cho mình bị kết án tử.
Giuđa phản bội, nhưng Đức Giê-su dùng chính hành động này để thể hiện tình yêu đến cùng của Ngài dành cho tất cả những người thuộc về Ngài, theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Như thế, Giu-đa đã không những không ngăn cản được tình yêu của Đức Giê-su, nhưng vô tình làm cho tình yêu ấy đi đến cùng. Tình yêu đến cùng dành cho mọi người, trong đó có Giuđa. Chính vì thế, Đức Giê-su nói với Giu-đa: “Anh làm gì thì làm mau đi” (Ga 13, 27 và Mt 26, 50) và chính khi, Giu-đa ra đi thực hiện hành vi phản bội, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13, 31). Những gì xẩy ra trong lịch sử cứu độ đạt tới cao điểm ở đây: Thiên Chúa Ba Ngôi dùng chính hành vi phản bội, cũng như dùng chính tội lỗi của chúng ta, dùng chính hành động của Sa-tan, để “hiển dung”.
b. Ông Giu-đa nạn nhân
Một đàng, Giu-đa phạm trọng tội (Mc 14, 10; Mt 26, 14-15); và chính Đức Giê-su cũng có những lời than vãn (than vãn chứ không phải chúc dữ) về Giu-đa: “Bất hạnh cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26, 24b). Đàng khác, chính Satan hành động nơi Giu-đa: “Xa-tan đã nhập vào Giu-đa, cũng gọi là Ít-ca-ri-ốt, một người trong Nhóm Mười Hai” (Lc 22, 3); “Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su”; và “Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y” Ga 13, 2 và 27). Nếu là như thế, Giu-đa cũng là nạn nhân trong hành động phản bội Thầy của mình. Tương tự như trường hợp “tội nguyên tổ”, chính Con Rắn là nguyên nhân chính: “Con Rắn, người phụ nữ nói với Thiên Chúa, đã lừa dối con, nên con ăn” (St 3, 13). Và đàng khác nữa, tất cả là để cho Kinh Thánh được hoàn tất, nghĩa là chương trình thông ban sự sống và cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện cách trọn vẹn: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lởi đã chép về Người” (Mt 26, 24a); “Phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Ga 13, 18; trích Tv 41, 10).
Như thế, bản chất đích thực của hành vi phản bội nơi Giu-đa phức tạp hơn chúng ta tưởng ; thực vậy, cùng với Giuđa, còn có ma quỉ và hơn nữa cả hai được tháp vào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng, vì sự phản bội của Giu-đa mà Đức Giêsu bị bắt, bị xét xử và bị hành hình. Không phải hoàn toàn như thế, bởi vì Người đã biết và dự báo từ trước cuộc Thương Khó, và ngay cả sự phản bội của Giuđa, Ngài cũng biết rõ. Các bài Tin Mừng trong những ngày này đặc biệt nhấn mạnh đến điều này. Vấn đề là Ngài cứ để cho tuần tự xảy ra tất cả những gì sẽ dẫn ngài đến cái chết. Tại sao vậy?
Giuse nói với các anh : “Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xẩy ra hôm nay, là cứu sống một dân tộc đông đảo”(St 50, 19-20). Điều này đúng trong lịch sử cứu độ và cũng đúng trong cuộc đời chúng ta.
Thánh Phaolô nói : “Tội càng nhiều, ơn sủng càng chứa chan”, “Đức Giê-su chết cho chúng ta ngay khi chúng ta còn ở trong tội”.
Như thế, điều xấu là do con người làm cho nhau và làm cho Chúa, nhưng Người dùng chính điều dữ này để cho chúng ta nhận ra lòng thương xót vô biên của Chúa. Nhìn ngắm Giuđa, chúng ta được mời gọi nhận ra sự nghiêm trọng nơi tội của ông và nhận ra tội của chúng ta ở mức độ nào đó, nhưng không phải để lên án Giuđa và lên án mình, nhưng như thánh Gioan nói, chính là để nhận ra lòng thương xót của Chúa lớn hơn tội của chúng ta.
Vậy thì phải “xét đoán” làm sao về Giu-đa? Đơn giản là ngưng ngay hành động xét đoán; vì Đức Giê-su muốn như thế: “anh em đừng xét đoán!”. Và chúng ta cũng chẳng có thể xét đoán được, nếu nhìn vấn đề một cách toàn diện theo các Tin Mừng; và nhất là chúng ta chỉ biết hành vi thôi, chứ không thấy được những động lực phức tạp của nội tâm, mà chỉ có một mình Chúa biết. Thật vậy, chứng kiến tận mắt hành động bách hại và giết hại chính mình, Đức Giê-su cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Giu-đa chắc chắc cũng không biết hết được việc mình đang làm, là làm cho Satan; và một cách nhiệm mầu, cũng là “làm” cho Thiên Chúa. Vì chính khi Giu-đa ra đi, bước vào trong bóng tối, Đức Giê-su nói:
Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người (Ga 13, 31-32).
2. Ông Phê-rô
a. Lời hứa của ông Phê-rô
Khi Chúa báo trước rằng mọi người sẽ vấp ngã vì Chúa, ông Phê-rô đã làm cho mình được nổi bật, với những lời cam kết trung tín: “Ngay cả khi mọi người vấp ngã vì Thầy, phần con, con sẽ không bao giờ vấp ngã”; và khi Chúa nói một cách chính xác với Phêrô rằng ông sẽ chối Chúa đến ba lần ngay đêm hôm ấy trước khi gà gáy, Phêrô nói với Chúa: “Con sẽ không chối Thầy, dù có phải chết với Thầy”.
Và ông Phê-rô đã thực sự thực hiện lời hứa của mình : một mình ông dám đi theo Chúa đang bị giải đi, và vào tận dinh Thượng Tế, dám trà trộn với bọn người làm để theo dõi sự việc (c. 58 và 69a). Chúng ta hãy thán phục sự can đảm của ông. Hơn nữa, ông đã từ bỏ rất nhiều, nhất là quan niệm riêng của ông về Đấng Ki-tô (c. Mt 16, 22)
Dù ở bên ngoài, ông Phê-rô đã có mặt trong cuộc xét xử Đức Giê-su bởi Thượng Hội Đồng từ đầu đến cuối; nếu ông không thấy, có thể nghe nói hoặc hỏi thăm người ta. Ông đã cảm nghĩ như thế nào, nhất là về cách người ta tố cáo, xét xử, lên án và hành hạ Thầy của mình ? Chắc ông đã biết hết ; điều này giải thích tại sao ông chối Chúa, vì đã nghe biết cách người ta xử án và kết quả cuộc xử án, và cũng giải thích tại sao ông đau đớn đến như thế.
b. Ông Phê-rô chối Thầy (c. Mt 26, 69-75)
Ba lần từ chối tương quan với Đức Giê-su, và càng ngày càng từ chối rõ ràng và mạnh mẽ hơn : Một người đầy tớ gái đến bên ông và nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông Giê-su, người Ga-li-lê đó chứ gì?” Ông liền chối trước mặt mọi người mà nói: “Tôi không biết cô nói gì!”
Đây là câu trả lời tránh né câu hỏi. Hoặc đó là câu trả lời có hai nghĩa : phủ nhận nhưng không hẳn là phủ nhận ; vì thế, người ta có thể yên tâm, không áy náy. Nhưng đó chỉ là hình thức thôi, vì ý muốn phủ nhận là có thật, nhưng được diễn tả bằng cách nói nước đôi. Cũng giống như chúng ta từ chối khéo, thay vì nói thẳng ra. Nhưng hai lần sau, thì rõ ràng và lần thứ ba quyết liệt hơn lần thứ hai :
Ông đi ra đến cổng, thì một người tớ gái khác thấy ông, liền nói với những người ở đó: “Bác này cũng đã ở với ông Giê-su người Na-da-rét đấy.” Nhưng ông Phê-rô lại thề mà chối: “Tôi không biết người ấy.”
Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phê-rô mà nói: “Đúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay.” Bấy giờ ông Phê-rô liền thề độc mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy.”
Năng động của tội là như thế, sinh sôi nảy nở và càng ngày càng nghiêm trọng, và trở nên rõ nhất trong cuộc Thương Khó. Năng động của tình yêu cũng thế, nhưng theo chiều ngược lại. Có thể vì tình huống nguy kịch, nên ông Phê-rô chối bỏ tương quan với Chúa cho xong chuyện thôi, chứ trong lòng, ông đâu có đoạn tuyệt với Chúa. Trong cuộc sống, trong nhiều trường hợp, chúng ta không cần phải nói sự thật với bất cứ ai. Nhưng vấn đề ở đây là Chúa đang bị nguy hiểm, còn ông Phê-rô thì tìm cách tránh né nguy hiểm ; hơn nữa, làm như thế là không đúng với điều ông đã hứa : “Con sẽ không chối Thầy, dù có phải chết với Thầy”. Nếu ông không hứa, thì đâu có sao !
Còn chúng ta, chúng ta có chối Chúa hay không ? Có lẽ chúng ta không chối như thế, nghĩa là có người hỏi về tương quan thuộc về Đức Ki-tô của chúng ta, và chúng ta công khai phủ nhận, để được an thân. Nhưng nếu chúng ta xem xét việc chối Thầy của ông Phê-rô không dưới khía cạnh nội dung cụ thể, nhưng dưới khía cạnh hình thức : là đưa ra lời hứa, nhưng không giữ lời hứa của mình, không trung thành với lựa chọn của mình, thì chúng ta đã “chối Chúa” rất nhiều, thậm chí hàng ngày. Chúng ta hãy nhận ra con người thật của chúng ta nơi hành vi thất hứa và nơi lời nói chối bỏ “tương quan thuộc về” Đức Ki-tô của ông Phê-rô.
Chúng ta cũng có thể sống, ý thức hay không ý thức, như người không biết Chúa, không thuộc về Chúa, qua một ánh mắt, một cử chỉ, một hành động, một lối sống trong một giai đoạn nào đó, qua tương quan lệch lạc của chúng ta với người khác hay với “những sự khác”.
c. Thức tỉnh (Mt 26, 74b-75)
Chúng ta có thể tự hỏi : điều gì đã làm cho ông Phê-rô thức tỉnh ? Có 2 yếu tố.Trước hết là Tiếng gà gáy. Tại sao hành động chối bỏ tương quan thuộc về Đức Giê-su lại gắn liền với tiếng gà gáy ? Cách các thánh sử Mát-thêu, Lu-ca và Gioan kể lại đều giống nhau ở chi tiết này : có tiếng gà gáy, sau 3 lần chối. Nhưng thánh Lu-ca thêm một chi tiết thú vị : ông đang chối lần ba, thì gà gáy. Thánh sử Mác-cô kể lại hơi khác một chút : sau lần chối thứ nhất, gà gáy ; sau lần chối thứ 2 và thứ 3, gà gáy lần nữa.
Đức Giê-su đã nói với ông Phê-rô : “nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối thầy 3 lần”, ngay trong đêm Đức Giê-su bị bắt, trước khi trời sáng. Như thế, bối cảnh “chối Thầy” là những hình ảnh thiên nhiên mang đầy ý nghĩa : hành động từ chối tương quan thuộc về xẩy ra rất mau ; và đó là hành động thuộc về ban đêm, thuộc về đêm tối, trước khi trời sáng ; thế mà ánh sáng là biểu tượng của sự sống và tương quan thuộc về ánh sáng Đức Ki-tô.
Tiếng gà gáy báo cho người ta thức dậy, sau giấc ngủ. Hành động từ chối thuộc về Thầy của mình, đến ba lần, đủ nhiều để chúng ta hiểu đó là một giấc ngủ, và là một giấc ngủ mê. Tiếng gà gáy đánh thức ông Phê-rô. Trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, ông Phê-rô cần tới hai lần gà gáy. Còn chúng ta, chúng ta cần mấy lần ? Và tiếng “gà gáy”, mà chúng ta cần để thức tỉnh là gì ?
Tuy nhiên, tiếng gà gáy, xét như hiện tượng tự nhiên vẫn chưa đủ. Bởi vì, sau tiếng gà gáy, ông nhớ lại lời Đức Giê-su. Đi đôi với hiện tượng thiên nhiên, cần phải có Lời Chúa nữa. Đó là yếu tố thứ hai. Ông Phêrô nhớ lại lời Chúa đã nói với mình. Đó là chìa khoá của hoán cải: trở về với Lời đã ngỏ cho tôi cách đích thân. Chúa là Tình yêu, và trong tình yêu không có chỗ cho việc chối từ sự trở về, mà chỉ có đón nhận mà thôi.
Bản văn của Tin Mừng theo thánh Luca, còn nói đến một chi tiết rất đánh động : Chúa quay lại nhìn ông (Lc 22, 61). Như vậy Phê-rô chối Thầy của mình trong tầm nhìn của Ngài. Như chính chúng ta, mỗi khi chúng ta cách nào đó chối Chúa, chúng ta cũng thực hiện trong tầm nhìn của Chúa, bởi vì Ngài “bao bọc chúng ta cả sau lẫn trước”. Hãy hình dung ra cái nhìn của Chúa đối với ông Phê-rô và đối với chúng ta : Đó là ánh mắt nào ? Giận dữ, trách móc, hay bao dung và tha thứ ? Chúng ta hãy đi vào tâm tình của Chúa mỗi khi chúng ta, cách nào đó chối Chúa.
Chúng ta hãy lắng nghe tiếng khóc của ông Phê-rô và đi vào tâm tư của ông. Chúng ta có bao giờ khóc như thế chưa ? Hay một tâm tình tương tự mỗi khi chúng ta không giữ lời hứa với Chúa ?
Cần phải cương quyết như ông Phê-rô, nhưng trong trường hợp này, ông Phê-rô như đụng đến giới hạn của mình mà không biết, nhưng Chúa lại biết rõ. Để theo Chúa đến cùng trên con đường của Chúa, chúng ta không thể duy ý chí và dựa vào sức mình được, nhưng còn phải dựa vào lòng trung tín và lòng thương xót của Chúa. Giáo Hội được xây dựng “Đá Tảng Phê-rô”, nhưng “Tảng Đá Phê-rô” lại dựa vào lòng thương xót.
Phê-rô vẫn đáng thương hơn đáng trách. Chúng ta cũng thế, dưới mắt Chúa, chúng ta vẫn đáng thương hơn đáng trách. Nhìn ngắm sự yếu đuối của ông Phê-rô, chúng ta sẽ được an ủi nhiều : một đàng Chúa biết hết, biết tình yêu mỏng dòn của chúng ta dành cho Chúa, nhưng Chúa vẫn bao dung, tin tưởng và không lên án.
3. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa
Ý định giết chết Đức Giê-su có từ rất sớm (Mc 3, 6; 14, 1-2); vì thế, không có sự phản bội của Giu-đa, ý định chết chóc này cũng tất yếu sẽ đi đến cùng. Và “Giờ” đã đến; không chỉ là Giờ của Sự Dữ nhưng còn là Giờ của Thiên Chúa. Đó là thời điểm mà mọi sự đều đạt tới cực điểm: qua lời nói và việc làm, Đức Giê-su đã bày tỏ căn tính đích thực của mình trong tương quan với Thiên Chúa và con người; người Do Thái không chấp nhận và quyết định giết Đức Giê-su; và Lễ Vượt Qua, cũng là một cực điểm, là thời điểm thuận tiện nhất cho cả hai phía, Đức Giê-su và người Do Thái, đi vào “cuộc chiến” quyết định.
Lễ Vượt Qua là lễ lớn nhất trong năm của người Do Thái, nhằm tưởng nhớ ơn giải thoát khỏi Ai Cập và tưởng nhớ những ân huệ Thiên Chúa ban cho dân. Và chính trong bầu khí tưởng nhớ và hiện tại hóa ơn sự sống Thiên Chúa ban, mà Đức Giê-su quyết định làm hoàn tất, nghĩa là đẩy cho “đến cùng” ý định thông truyền sự sống cho Dân của Ngài, ngang qua Bí Tích Thánh Thể và mầu nhiệm Vượt Qua; và cũng chính trong bầu khí “ơn huệ sự sống” này mà các thượng tế và luật sĩ tạo ra bầu khí “bạo lực chết chóc”, là lập mưu, bắt lấy Đức Giê-su và giết đi. Những gì mà họ muốn làm cho Đức Giê-su, về những lần Ngài chữa bệnh vào ngày sa-bát (Mc 3, 1-6), vốn cũng là ngày tưởng nhớ ơn huệ, đạt tới đỉnh cao ở đây.
Như thế, chúng ta được mời gọi vừa nhận ra Khuôn Mặt đích thật của Thiên Chúa, ngang qua cung cách của Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó, và vừa nhận ra diện mạo của chính Sự Dữ, mang tên Satan, hành động nơi những con người cụ thể. Đức Ki-tô đến là vì giờ phút này, làm cho Sự Dữ hiện ra nguyên hình và giải phóng sự sống của loài người chúng ta khỏi Sự Dữ. Bởi lẽ, Ngài không thể giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ, mà không cho chúng ta thấy bộ mặt thật của Sự Dữ. Trong chương trình cứu độ, có mặc khải Sự Dữ. Thoáng nhìn lại lịch sử cứu độ, chúng ta dễ dàng nhận ra mặc khải thiết yếu này, nhưng hay bị bỏ quên. Vì thế, chúng ta được mời gọi khám phá ra bộ mặt thật của Sự Dữ từ từ trong suốt hành trình chiêm ngắm cuộc Thương Khó của Đức Giê-su. Nhưng vào lúc Thượng Hội Đồng họp ngay trong đêm để xét xử vội vàng Đức Giê-su, Sự Dữ đã để lộ ra ba đường nét thuộc về bản chất của nó:
a. Dùng mưu để bắt và dùng bạo lực để hành hạ và giết chết, để chứng minh sự chết là mạnh nhất, sự chết là điểm tận cùng, có thể “giải quyết” được tất cả, “giải quyết” ở đây không phải là đưa ra ánh sáng, nhưng dùng bóng tối để chôn vùi tất cả, như người ta tìm cách phi tang, “giải quyết” theo nghĩa “mọi sự rốt cuộc đều như nhau”, “huề cả làng”.
b. Tố cáo và lên án vô cớ; và trong trường hợp của Đức Giê-su, Satan không chỉ lên án người vô cớ, mà còn lên án Người Vô Tội, vô tội tuyệt đối. Như thế, càng tố cáo, điều xấu càng lộ ra không phải nơi Đấng Vô Tội, nhưng nơi Kẻ Tố Cáo. Thế mà “Kẻ Tố Cáo” là một trên gọi khác của Satan (Kh 12, 7-10).
c. Gian dối là chiều kích nền tảng có trong mọi đặc tính của Sự Dữ: lên án vô cớ là gian dối, dùng mưu là gian dối; và chiều kích này được thể cách rõ ràng nhất ở điều này: dùng điều tốt, để thực hiện ý đồ đen tối, ý đồ loại trừ và giết chết. Ở đây, điều tốt đẹp là bầu khí lễ Vượt Qua, là dấu hiệu tình bạn với Giu-đa và cả Lề Luật nữa (Rm 7, 7-13). Thật vậy, trong cuộc xét xử, vị Thượng Tế đã dùng công thức đức tin long trọng nhất: “Nhân Danh Thiên Chúa Hằng Sống…”, nhưng không phải để đi tìm sự thật, nhưng là với ý định khép tội chết, dồn ép Đức Giê-su vào chỗ chết (Mt 26, 63); do đó, chính khi Vị Thượng Tế lên án Đức Giê-su phạm thượng, thì ông đang phạm thượng. Ông không chỉ “kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ”, nhưng còn dùng Danh của Thiên Chúa, làm cớ để giết Đấng Thánh của Thiên Chúa. Và tất cả đều diễn ra trong “Đêm Tối”, vốn là hình ảnh của Sự Dữ.
*
Khi để cho mình bị đóng đinh, Chúa muốn cho chúng ta nhìn thấy nơi Thập Giá, hình thù rất thật và rất cụ thể của SỰ DỮ và TỘI LỖI. Nhưng thay vì bị lên án, loài người chúng ta được mời gọi nhìn lên Đấng Chịu Đinh với lòng tin để đón nhận ơn tha thứ và được chữa lành.
Ơn tha thứ. Thập Giá, chính là lời diễn tả tình yêu thương xót nhưng không và vô biên của Thiên Chúa. Vì thế, khi nhìn lên Thập Giá Đức Kitô, chúng ta được mời gọi nghiệm ra tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu “đến cùng”, có thể chịu đựng mọi tội lỗi của con người đến như thế.
Ơn chữa lành khỏi Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ. Đúng là Thánh Gía mặc khải cho con người bản chất của Tội, nhưng không phải là để lên án con người, mà là để cứu sống con người. Thiên Chúa không thể tha thứ cho con người mà không đồng thời chữa lành, bằng cách làm cho con người nhìn ra hình ảnh thật sự của tội.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc