SATAN GIẢNG VỀ TRÀNG CHUỖI MÂN CÔI
Satan Giảng Về Tràng Hạt Mân Côi Cha P. Candido, một linh mục có quyền năng trừ quỉ nổi tiếng ở Roma. Đây là chuyện đã xảy ra khi ngài làm phép trừ quỉ cho Giovanna: Chúng tôi đang lần hạt, thì Giovanna giằng lấy cỗ tràng hạt, vừa bứt xé ra từng khúc, vừa rít lên: “Coi đây, ta làm gì với các ngươi và với việc sùng kính của các mụ già!”
Lúc đó, cha Candido đeo vào cổ Giovanna một xâu chuỗi lớn, nhưng chị ta không thể chịu nổi, cứ ngoắc đầu và cổ tứ tung, sặc sụa giận dữ.
Cha Candido thách thức: hẳn ngươi sợ việc sùng kính của các bà già chắc?
Satan hét lên: nó thắng tao.
Cha nói tiếp: bởi vì ngươi đã dám xúc phạm đến tràng hạt Mân Côi của Đức Maria, bây giờ ngươi phải ca tụng tràng hạt ấy. Nhân Danh Thiên Chúa, hãy trả lời: “Phép tràng hạt Mân Côi có quyền phép không?” Nó trả lời: nó quyền phép trong mức độ người ta đọc nó cách tử tế. Làm sao để đọc nó cách tử tế? Phải biết chiêm ngắm. Chiêm ngắm là thế nào? Chiêm ngắm là thờ phượng. Nhưng, người ta không được thờ Đức Maria? Phải, đúng thế, song Người cũng đáng thờ lắm! Rồi nó cầm lấy một hạt trong xâu chuỗi và nói: mỗi hạt là ánh sáng, và phải đọc cách tử tế, sao cho không một tia sáng nào của ánh sáng đó bị mất đi. Satan đã trở thành một người giảng bất đắc dĩ và ngược với ý muốn của nó về quyền phép của tràng hạt Mân Côi.
Cầu nguyện có thể thay đổi não trạng của chúng ta. Một đời sống thực sự cầu nguyện sâu xa là một đời sống cải biến không ngừng.
Cầu nguyện là chìa khóa của mọi sự, đó là điều Đức Mẹ làm ở Mễ Du. Quan trọng là phẩm chất của cầu nguyện, như trên đã nói. Chúng ta phải coi việc cầu nguyện là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta phải cầu nguyện với đức tin sống động. Cầu nguyện tự đáy lòng, với tất cả con tim.
Cầu nguyện phải trở thành một niềm vui: hiện ra ở Mễ Du, sự có mặt ở đấy của Mẹ chỉ có nghĩa là: để dạy chúng ta cầu nguyện. Trước tiên, Mễ Du là “trường dạy cầu nguyện”, sau đó “trường học sống thánh thiện.” Ở “trường” này, Đức Mẹ dạy ta cách “cầu nguyện với cả trái tim,” tức là với tình yêu mến. (25-2-1989 và nhiều lần khác nữa).
“Các con thân mến, không tình yêu, các con không thể làm được gì cho nên cả.” (29-5-1986, số 604). Tình yêu là “động lực” cho tất cả mọi sự. Không tình yêu, chúng ta thực sự không sống. Bởi thế, chúng ta không thể cầu nguyện nếu không có tình yêu. Trái tim là biểu hiệu của tình yêu. Cầu nguyện với cả trái tim có nghĩa là: đặt tình yêu lên hàng đầu khi bạn cầu nguyện. Muốn cầu nguyện với trái tim, ta phải có một quyết định: tôi quyết định dẹp tất cả mọi việc, mọi lo toan, mọi suy nghĩ khác… sang một bên, tôi nhất định tập trung tâm trí vào việc cầu nguyện mà thôi.
Tôi quyết định phó thác toàn thân và đời sống tôi cho Thiên Chúa. Như thế mới là cầu nguyện với cả con tim! Như thế, nhờ cầu nguyện, chúng ta sẽ đánh bại quyền lực Satan, sẽ được hòa bình và cứu rỗi cho linh hồn chúng ta: “Các con dư biết Mẹ yêu thương các con và Mẹ tới đây cũng chỉ vì yêu thương, để Mẹ chỉ cho các con thấy con đường bình an và sự cứu rỗi cho linh hồn các con. Mẹ muốn các con nghe lời Mẹ và đừng để Satan quyến rũ các con.
Satan rất mạnh mẽ, bởi vậy, Mẹ yêu cầu các con hãy dâng hiến tất cả những lời cầu nguyện cho Mẹ, để cứu những kẻ đang bị chi phối dưới ảnh hưởng của nó. Hãy làm chứng bằng đời sống các con. Hãy hi sinh mạng sống của các con cho nhân loại được cứu rỗi… Do đó, hỡi các con nhỏ, đừng sợ hãi. Nếu các con cầu nguyện, Satan không thể làm hại các con dù chỉ một tơ tóc, vì các con là con Thiên Chúa và Người đang trông nom các con. Cầu nguyện và luôn luôn cầm trong tay tràng hạt Mân Côi như một dấu hiệu cho Satan biết rằng các con thuộc về Mẹ.” (25-2-1988, số 659).
Cầu nguyện phá tan quyền lực của Satan, và nếu chúng ta cầu nguyện, nó không thể làm hại chúng ta. Đó là lý do tại sao, Kitô hữu không sợ hãi trước tương lai, trừ phi họ không cầu nguyện. Và nếu họ không cầu nguyện, thử hỏi họ còn là Kitô hữu nữa không? Nếu chúng ta không cầu nguyện, đương nhiên chúng ta sẽ đâm mù quáng trước nhiều điều, chúng ta không thể phân biệt đâu là đúng, đâu là sai. Chúng ta đánh mất trọng tâm, mất thăng bằng. Đúng vậy! Cầu nguyện là chiến đấu với các quyền lực tối tăm, với Satan: “Hãy cầu nguyện để chống lại Satan… Hãy khoác lấy áo giáp để chống lại nó… và với chuỗi Mân Côi trong tay, các con hãy chiến thắng nó.” (8-8-1985, số 563).
“Áo giáp chống Satan” chính là sức mạnh của lời cầu nguyện của ta. Thế mà phần chúng ta, Đức Mẹ bảo nhiều lần: “Các con không đủ sức chống lại các tấn công của Satan, các con không có khả năng chu toàn các bổn phận của mình, vì các con cầu nguyện quá ít.” (9-6-84, số 388 + 510). Cầu nguyện có một mãnh lực hầu như vô biên vì nó mặc lấy chính quyền lực của Thiên Chúa, nên: “Nhờ ăn chay và cầu nguyện, người ta có thể chặn đứng chiến tranh và thay đổi các tai họa của định luật thiên nhiên.” (21-7-1982). “Trong cầu nguyện, các con sẽ tìm được… phương cách để ra khỏi các nghịch cảnh tưởng chừng như không có lối thoát.” (29-3-1985, số 548).
Lời Mẹ nói trên về quyền lực của cầu nguyện và ăn chay để ngăn chận chiến tranh không phải là một phát minh mới của Mẹ đâu. Chúng ta đã nghe thấy biết bao lần thuật lại trong Cựu Ước về điều này. Chỉ cần đọc một tích ở sách Sử biên II, chương 20. 1-24, (x. trích đăng trong Bài đọc Kinh sách, thường niên, tuần 15, thứ 6): Nghe tin một đạo quân nghịch đông đảo đến vây đánh, Vua Giô- sa-phát hoảng sợ.
Vua kêu gọi toàn thể người Giuđa ăn chay, và tập họp toàn dân lại kêu cầu cùng Chúa. Chính Vua cũng đứng giữa cộng đoàn lớn tiếng cầu nguyện: “Lạy Yavê Thiên Chúa, Chúa nắm trong tay uy quyền và sức mạnh… Chúa đã ban cho dòng dõi Abraham đất này, và trên đất này đã xây một Thánh điện kính Danh Ngài… Chúng con đứng trước Đền thờ này đây, trước Nhan Ngài… trong cơn cùng khốn, chúng con kêu lên Ngài, để được Ngài lắng nghe và cứu giúp chúng con.” Thần Khí Yavê xuống trên một người trong dân và nói tiên tri rằng Thiên Chúa đã nhậm lời, ông nói: “Các ngươi đừng sợ… vì cuộc chiến này không phải là của các ngươi nhưng là của Thiên Chúa.
Trong cuộc chiến này, các ngươi không phải chiến đấu… cứ đứng mà xem Thiên Chúa, Đấng ở với các ngươi, sẽ giải thoát các ngươi như thế nào!” Nghe vậy Vua và cả toàn dân sấp mình xuống trước mặt Chúa mà thờ lạy. Sáng mai dân xếp thành hàng trận và đi vào sa mạc đối đầu với địch quân. Thấy dân đi như thế, Vua đứng ra và nói: “Toàn dân hãy nghe ta, Đức Yavê là Thiên Chúa chúng ta, cứ tin tưởng vào Ngài, các ngươi sẽ tồn tại, cứ tin lời các tiên tri của Ngài, các ngươi sẽ chiến thắng!”
Vua còn cắt đặt những người mặc phẩm phục thánh, vừa đi trước quân binh vừa ca hát ngợi khen Chúa: “Hãy ngợi khen Chúa, vì muôn ngàn đời Ngài vẫn giữ trọn tình thương.” Khi họ cất tiếng reo mừng và ca ngợi thì Thiên Chúa gieo rắc những mâu thuẫn đối nghịch vào giữa hàng ngũ quân địch, khiến chúng đâm ra tự sát hại lẫn nhau. Khi tới một nơi cao để có thể nhìn xuống sa mạc được, quân binh Giuđa thấy đám địch quân bây giờ chỉ còn là một bãi tha ma đầy tử thi nằm la liệt trên mặt đất, không một tên nào sống sót.
Năm 1991 là năm xảy ra nội chiến tàn bạo khủng khiếp bên Nam Tư (cũ).
Ngày 10-12-91, trong khi một nhóm người sốt sắng ăn chay, cầu nguyện dưới sự hướng dẫn của cha Slavko, thì cô Marija đến thăm và trao cho họ thông điệp này của Đức Mẹ: “Các con thân yêu! Chấm dứt chiến tranh, đối với Mẹ là điều quá dễ dàng, nếu có thêm nhiều người cầu nguyện như các con đang làm bây giờ.” (R. Laurentin, Dern. Nouv. no 11, tr.11). Tức là nếu chiến tranh cứ tiếp diễn, không dập tắt được, đó là vì không đủ người cầu nguyện và cầu nguyện như nhóm các người cầu nguyện ấy đang làm. Cầu nguyện phải là cái gì sống động và hoạt động, để có thể trở thành cầu nguyện trong niềm vui. Không thật là một đời sống thiêng liêng, nếu không có niềm vui: “Bữa nay, Mẹ kêu gọi các con hãy năng động trong cầu nguyện. Cầu nguyện sẽ là nỗi vui: nếu các con bắt đầu cầu nguyện và mở lòng ra, các con sẽ không nhàm chán vì các con sẽ thấy vui thích cầu nguyện.” (20-3-1986, số 594).
Nhưng điều cần là chúng ta phải bắt đầu, phải quyết tâm cầu nguyện. Rồi Thiên Chúa sẽ hướng dẫn ta. Nào hãy bắt đầu! Hãy đem cầu nguyện vào đời ta: “Chớ gì cầu nguyện trở nên cuộc sống các con. Hãy tận hiến thời giờ cho Chúa Giêsu và Ngài sẽ ban cho các con tất cả những gì các con tìm kiếm.” (số 646). “Cầu nguyện trở thành cuộc sống,” điều đó có nghĩa là làm sao cho cầu nguyện trở thành hoạt động sẽ đem sự sống thật vào trong cuộc sống các bạn, sẽ làm cho các bạn sống động, thật sự sống động bằng sự sống của chính Thiên Chúa.
Biết bao người tín hữu kéo lê cuộc sống nhạt nhẽo, trống rỗng… không hề có chút tiến bộ nào đến gần Thiên Chúa hơn, mặc dù họ đi lễ hằng ngày, chịu khó nghe giảng…, chỉ vì họ cầu nguyện chiếu lệ, đọc cho mau xong rồi để làm những việc họ thích. Đừng như vậy, Mẹ nhắc: “Các con hãy nói: Bây giờ, đối với tôi, không có gì quan trọng bằng cầu nguyện!” Mỗi khi ta hấp tấp đọc kinh, cầu nguyện cho lẹ, mau mau rồi để làm việc này việc nọ, chínhh lúc ấy ta hãy “thắng” (phanh) mình lại, và lấy lời Mẹ dạy trên đây mà nhủ mình: “Không! Giờ này là lúc tôi phải cầu nguyện và cầu nguyện với tất cả trái tim, vì không có việc gì quan trọng cho bằng việc cầu nguyện! Mọi việc khác cứ để đó, cầu nguyện xong rồi hãy tính.”
Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
Nguồn: http://mancoi.net