25 Tháng Tư 20247:09 SA(Xem: 24)
Nguồn: Spiritdaily.com 1. Một người kể cảm nghiệm như sau: “Khi chúng tôi đang ở vùng Cyprus thì chúng tôi đi du lịch ở xa nên thuê xe hơi đi. Khi đi được một lúc thì chúng tôi bị lạc vào một con đường khác và bị mất phương hướng. Lúc đó khoảng 2:00 g sáng.
24 Tháng Tư 20249:29 CH(Xem: 25)
8 ĐIỀU HỨA CỦA ĐỨC MẸ KHI MẶC ÁO ĐỨC BÀ MẦU NÂU Áo Đức Bà Mầu Nâu làm một Á Bí Tích của người Công Giáo. Khi mặc áo Đức Bà Mầu Nâu thì Đức Mẹ Maria sẽ bảo vệ chúng ta khỏi mọi sự dữ. Sau đây là 12 điều hứa của Đức Mẹ khi ta mặc Áo Đức Bà. 1. Những ai chết mà mặc Áo Đức Bà Mầu Nâu thì sẽ không rớt vào lửa hoả ngục đời đời.
22 Tháng Tư 20245:35 CH(Xem: 54)
Nguồn: Internet Thánh Gioan John Vianney và quyền năng của Áo Đức Bà Mầu Nâu.
22 Tháng Tư 20245:32 CH(Xem: 65)
Năm 2004, tôi đã dịch và viết nhiều sách trong năm này. Một trong những tác phẩm mà tôi đã dịch và sưu tầm có tên là 50 Tuần Cửu Nhật Gõ Cửa Thiên Đàng. Sau đây là bản dịch mà tôi đã cố gắng dịch thuật, bản chính ở phía dưới bằng tiếng Anh là từ Cố LM Don Dolindo Ruotolo. Ngài là một nhà thần bí người Ý. Những lời cầu này là do Chúa Giêsu ban cho Cố LM...
18 Tháng Tư 20249:08 CH(Xem: 75)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Cố LM Don Dolindo có những cảm nghiệm rất hay. Khi còn nhỏ, ngài chịu nhiều sự bách hại và khổ đau. Bằng cách nào mà ngài đã cố gắng ngửng đầu cao lên khỏi bể nước và luôn vui vẻ? Chúa Thánh Thần đã khơi nguồn cảm hứng cho ngài với lời cầu nguyện đơn sơ như sau:
18 Tháng Tư 20248:35 CH(Xem: 64)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Lúc gần đây có nhiều người biết đến hiện tượng: "Padre Pio of Naples", đó là điều mô tả về cố linh mục Don Dolindo Ruotolo. Ngài qua đời vào năm 1970, chỉ hai năm sau khi Padre Pio qua đời vào năm 1968. Ngài đang làm việc một cách hữu hiệu từ Thiên Đàng. Ngài an ủi, dỗ dành, chữa lành cho rất nhiều người khỏi chứng bịnh lo âu,
18 Tháng Tư 20247:58 CH(Xem: 52)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Có một gương sáng lớn nhất, đó là chính Chúa Giêsu. Kẻ dữ độc ác đã đóng đinh Chúa Giêsu, Con Chí Thánh của Chúa Cha ở trên cây thánh giá. Lúc đó, Satan nghĩ rằng hắn đã chiến thắng. Nhưng sự thật thì trái lại. Đó là bởi vì Chúa đã biến đổi sự dữ ấy thành sự thiện.
18 Tháng Tư 20243:58 CH(Xem: 65)
Nguồn: Childrenofmedjugorje.com Sr. Emmanuel viết: Có một phụ nữ gõ cửa nhà tôi. Trông cô ấy thật là quá đau khổ, xuống sắc và thiểu não. Đôi mắt, đôi má và cái miệng của cô trông rất là buồn thảm và héo hắt. Cô bắt đầu kể lể về mọi nỗi thống khổ của mình.
17 Tháng Tư 20249:07 CH(Xem: 66)
https://luisapiccarreta.com/other-category/cristina-montella-sister-rita-of-the-holy-spirit-the-little-girl-of-padre-pio/ 1. Thời thơ ấu Nữ tu Cristina Montella được sinh ra tại vùng Cercola (Naples) vào ngày 3/4/1920. Khi cô bé được 2 tuổi, cô đang ở chơi nhà một người cô thì nhìn thấy một bức hình của Thánh Gerard Majella,
17 Tháng Tư 20244:44 CH(Xem: 63)
Đức Mẹ Guadalupe hiện ra ở Tepeyac, Mexico City, nước Mễ Tây Cơ từ ngày 9/12/1531 đến ngày 12/12/1531 và chữa lành rất nhiều người, dù rằng người ta đã chết nhưng vẫn được Mẹ cho sống lại.

ĐTC Phanxicô: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua Năm B

22 Tháng Mười Một 202110:25 SA(Xem: 420)

22-8sĐTC Phanxicô: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua Năm B

Thân ái chào anh chị em,

Bài Phúc Âm của phụng vụ hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng của Phụng Niên, được kết thúc bằng một câu Chúa Giêsu khẳng định "Ta là vua" (Gioan 18:37). Người tuyên bố những lời này trước Philatô, trong khi đám đông la hét lên án tử cho Người. Người phán: "Tôi là Vua", còn đám đông lại hét lên Người phải bị lên án tử. Hoàn toàn trái ngược nhau. Giờ phút trọng đại đã điểm. Trước kia Chúa Giêsu dường như không muốn dân chúng xưng tụng Người là vua; chúng ta nhớ rằng sau lần hóa bánh và cá ra nhiều, Người đã ẩn mình đi cầu nguyện (cf Jn 6:14-15).

Vấn đề ở đây là vương quốc của Chúa Giêsu hoàn toàn khác với vương quốc của thế gian này. Người đã phán cùng Philatô rằng: "Vương quốc của Tôi không thuộc về thế gian này" (Jn 18:36). Người không đến để cai trị mà là để phục vụ. Người không đến với đầy như dấu lạ quyền năng, mà bằng quyền năng của các dấu lạ. Người đã không ăn vận với đầy những huy chương quí báu, mà là bị trần truồng trên thập tự giá. Bằng chính câu in ấn ở trên cây thập tự giá này mà Chúa Giêsu đã được cho là "vua" (Jn 19:19). Vương quốc của Người thực sự vượt ra ngoài những tiêu chuẩn của loài người! Chúng ta có thể nói rằng Người không như các vua chúa khác, mà là Vua đối với những người khác.

Chúng ta hãy suy niệm về vấn đề này: trước Philatô, Chúa Kitô nói rằng Người là vua vào lúc đám đông chống lại Người; thế nhưng khi đám đông theo đuổi và xưng tụng Người thì Người lại tách mình xa khỏi lời xưng tụng ấy. Tức là Chúa Giêsu tỏ ra rằng Người tự do một cách vương quyền trước những ham ước về danh vọng cùng vinh quang trần thế này. Còn chúng ta - chúng ta hãy tự vấn xem - chúng ta có biết noi gương bắt chước Người ở khía cạnh này hay chăng? Chúng ta có biết làm chủ khuynh hướng của mình trong việc liên tục được trần gian theo đuổi và khen tặng hay chăng, hay chúng ta làm hết cách để được những người khác trân trọng mình? Vậy tôi xin hỏi nhé: vấn đề là ở chỗ nào đây? Được hoan hô hay phục vụ là những gì chúng ta thực hiện, đặc biệt là liên quan đến việc dấn thân của Kitô hữu chúng ta?

Chúa Giêsu chẳng những xa tránh việc tìm kiếm bất cứ những gì là cao cả trần thế, Người còn làm cho lòng của những ai theo Người được tự do và vương giả nữa. Anh chị em thân mến, Người giải thoát chúng ta khỏi làm tôi cho sự dữ. Vương quốc của Người là vương quốc tự do thanh thoát, không có gì có thể đán áp nó được. Người đối xử với hết mọi môn đệ của Người như bạn hữu, chứ không phải như đầy tớ. Cho dù vượt lên trên tất cả mọi vương quyền, Người cũng không vạch ra giới tuyến giữa Người và kẻ khác. Trái lại, Người muốn có được những người anh chị em được cùng chia sẻ niềm vui của Người (cf. Jn 15:11). Chúng ta không mất đi bất cứ một cái gì trong việc theo Người - không gì bị mất hết, không - nhưng chúng ta lại chiếm được phẩm vị, vì Chúa Kitô không muốn những gì là nô lệ thấp hèn bên cạnh Người, mà là những con người được tự do. Vậy chúng ta có thể tự hỏi tự do của Chúa Giêsu từ đâu xuất phát? Chúng ta khám phá ra khi trở về với lời khẳng định Người đã tuyên bố trước Philatô: "Tôi là vua. Vì thế mà Tôi đã được sinh ra, và Tôi đã đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật" (Jn 18:37).

Tự do của Chúa Giêsu xuất phát từ sự thật. Chính sự thật giải thoát chúng ta (cf. Jn 8:32). Thế nhưng sự thật của Chúa Giêsu không phải là một ý nghĩ, là một cái gì đó trừu tượng: sự thật của Chúa Giêsu là một thực tại, chính Người làm cho sự thật trong chúng ta giải phóng chúng ta khỏi những gì là giả tạo và sai lầm bên trong lòng của chúng ta, khỏi những gì là nói năng hai lòng. Ở với Chúa Giêsu chúng ta trở nên chân thật. Đời sống của một Kitô hữu không phải là một màn trình diễn anh chị em có thể đeo cái mặt nạ hợp với anh chị em nhất. Vì khi Chúa Giêsu làm chủ trong tâm hồn thì Người giải phóng nó khỏi những gì là giả hình, Người giải phóng nó khỏi những né tránh, khỏi tính chất hai lòng. Dấu chứng rõ ràng nhất cho thấy Chúa Kitô là vua của chúng ta đó là việc thoát khỏi những gì làm sa đọa đời sống, làm cho nó trở thành mập mờ, u ám và buồn thảm.

Khi đời sống trở thành mập mờ - chút này chút kia - thì thật là buồn, rất ư buồn thảm. Chúng ta tất nhiên luôn cần phải đối diện với những hạn hẹp và khiếm khuyết của chúng ta, vì tất cả chúng ta đều là tội nhân. Thế nhưng, khi chúng ta sống dưới vai trò làm vua của Chúa Giêsu thì chúng ta không bị hư hỏng, chúng ta không bị sai lầm, theo khuynh hướng che lấp sự thật. Chúng ta không sống cuộc đời bắt cá hai tay. Hãy nhớ kỹ điều này là tất cả chúng ta đều là tội nhân, được; nhưng không bao giờ, không bao giờ hư hỏng. Tội nhân thì được nhưng không bao giờ được hư hỏng. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta biết hằng ngày tìm kiếm sự thật của Chúa Giêsu, Vị Vua của Vũ trụ này, Đấng giải thoát chúng ta khỏi bị làm nô lệ cho trần gian và dạy chúng ta làm chủ tính hư nết xấu của chúng ta.

https://www.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2021/documents/papa-francesco_angelus_20211121.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

PVLC Mùa Thường Niên Tuần XXXIV Thứ 2 và Lễ Thánh Cecilia 22/11

Thứ Hai, Lời Chúa

Bài Đọc I: (Năm II) Kh 14, 1-3, 4b-5

"Tên của Đức Kitô và của Cha Người viết trên trán họ".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi ngắm nhìn: thì đây Con Chiên đứng trên núi Sion; cùng với Con Chiên, có một trăm bốn mươi tư ngàn người mang tên của Con Chiên và tên Cha Con Chiên viết trên trán họ. Tôi nghe có tiếng từ trời, như tiếng sóng gầm nước đổ, như tiếng sấm vang rền, và tiếng tôi nghe tựa hồ như tiếng đàn cầm do những người chơi đàn cầm gảy. Họ hát bài ca vãn mới trước toà và trước mặt bốn sinh vật và các vị bô lão: ngoài một trăm bốn mươi tư ngàn người đã được mua chuộc từ cõi đất, không một ai có thể hát bài ca vãn đó. Hễ Con Chiên đi đâu, thì họ theo đó. Họ là những người được mua chuộc giữa nhân loại, làm của đầu mùa dâng lên Thiên Chúa và cho Con Chiên. Miệng họ không nói lời gian dối; họ cũng chẳng tì ố trước toà Thiên Chúa.

Đó là lời Chúa.

Đáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Đáp: Đó là dòng dõi người tìm kiếm long nhan Thiên Chúa (c. 6).

Xướng: 1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. - Đáp.

2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. - Đáp.

3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Đấng cứu độ ban ân thưởng. Đó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. - Đáp.

Alleluia: Lc 21, 36

Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 21, 1-4

"Người thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nhìn lên, thấy những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền. Người cũng thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ, nên bảo rằng: "Thầy bảo thật các con, bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người. Vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu, bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình".

Đó là lời Chúa.

Suy niệm

Hôm nay, Thứ Hai Tuần XXXIV Thường Niên, Thánh ký Luca, qua các bài Phúc Âm trong tuần cuối cùng của phụng niên này, tiếp tục thuật lại cho chúng ta biết những giáo huấn cuối cùng của Người ở Giêrusalem sau khi trình thuật, qua các bài Phúc Âm tuần trước, là cuộc hành trình Giêrusalem của Chúa Giêsu đã đạt đến đích điểm của nó là chính Thành Thánh và Đền Thánh Giêrusalem.

Trước hết, vấn đề đưoọc đặt ra cần phải giải quyết đó là tại sao vào cuối hành trình của mình đến Giêrusalem, các Phúc Âm Nhất Lãm thuật lại sự kiện bà góa bỏ đồng tiền nhỏ mọn như thế, có liên quan gì hay quan trọng gì hay chăng? Xin thưa, có, có liên quan đến biến cố Vượt Qua của Chúa Kitô cũng như đến thời điểm cánh chung tận cùng. Nên Chúa Kitô đã nói đến sự kiện Thành Giêsurusalem bị tàn phá, và Cuộc Vượt Qua của Người là để cứu những ai tin vào Người, nhất là khi Người đến lần thứ hai, điển hình như bà góa đã tỏ ra tuyệt đối tin tưởng và trông đợi vào một mình Thiên Chúa mà thôi.

Giáo huấn cuối cùng ở Giêrusalem tiếp tục bài giáo huấn đầu tiên trong Phúc Âm Thứ Bảy tuần trước về sự sống lại, được Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay muốn dạy các môn đệ của Người liên quan đến gương sống đức tin của một bà góa, một sự kiện cũng đã được Thánh ký Marco thuật lại trong Bài Phúc Âm của Chúa Nhật XXXII Thường Niên Năm B. Hai bài Phúc Âm về bà góa được đọc trong phụng vụ Lời Chúa này có nội dung giống nhau, tuy Phúc Âm Thánh Marco có vẻ chi tiết hơn và dài hơn.

Chẳng hạn Thánh ký Marco còn thêm những chi tiết sau đây: 1- "Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm", chứ không phải chỉ "nhìn lên, thấy những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền" như Thánh ký Luca thuật lại; 2- "hai đồng tiền là một phần tư xu", chứ không chỉ như Thánh ký Luca vắn tắt "hai đồng tiền nhỏ"; 3- "Người liền gọi các môn đệ và bảo", chứ không nói trống trống "nên bảo rằng" như Thánh Luca.

Ngoài ra, hai Thánh ký đều ghi lại nội dung giống nhau nơi lời nhận định và huấn dụ của Chúa Kitô về sự kiện bà góa bỏ tiền này: 1- bà góa này bỏ nhiều hơn hết trong những người bỏ tiền; 2- vì bà bỏ tất cả những gì bà có cho dù đang túng thiếu, trong khi các người khác chỉ bỏ những của dư thừa của họ.

Tuy nhiên, trong khi Phúc Âm theo Thánh ký Marco cho Chúa Nhật XXXII hình như nhấn mạnh đến bà góa nghèo, thì Phúc Âm theo Thánh ký Luca hôm nay lại liên quan đến người giầu hơn, căn cứ vào 2 chi tiết sau đây: 1- "Chúa Giêsu nhìn lên, thấy những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền"; 2- "lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa". Ở Phúc Âm Thánh Marco không có chi tiết "dâng cho Thiên Chúa" này.

Để tiếp tục chia sẻ bài Phúc Âm về bà góa này, bài đã được chia sẻ cho Chúa Nhật XXXII: Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần XXXII Thường Niên Chu Kỳ B, hôm nay, chúng ta cần giải quyết vấn đề là tại sao bà góa nghèo này đã trở thành bài giáo huấn Giêrusalem thứ hai (sau bài đầu ở Phúc Âm Thứ 7 tuần trước) trong các bài giáo huấn cuối cùng công khai của Chúa Kitô? Xin thưa, có thể tại vì sự kiện này có liên hệ đến hai sự kiện khác sau đây:

Thứ nhất là vì, theo bài Phúc Âm của Thánh ký Marcô cho Chúa Nhật XXXII Thường Niên Năm B, việc buôn bán lợi lộc trần gian của dân Chúa đã tục hóa Đền Thánh Giêrusalem vốn là nơi linh thiêng, là nhà cầu nguyện, và đã biến Đền Thánh này thành hang trộm cướp, và việc Chúa Giêsu thẳng tay thanh tẩy đền thờ trong trường hợp này nhắm đến mục đích dạy cho cộng đồng dân Chúa bấy giờ, bao gồm cả thành phần lãnh đạo, là phải kính mến Chúa là Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ hết mình và trên hết mọi sự. Cử chỉ và hành động bà góa tỏ ra tin tưởng tôn kính Thiên Chúa hết mình và trên hết mọi sự, bằng cách đã bỏ tất cả những gì mình có chính là tấm gương Chúa Kitô muốn nêu lên và nhấn mạnh để chung mọi người và riêng môn đệ của Người noi theo bắt chước.

Thứ hai là vì, cuộc hành trình Giêurusalem của Chúa Kitô liên quan đến biến cố Người đến lần thứ hai, với các dấu báo cùng biến động kinh hoàng khủng khiếp mà Người khuyên các môn đệ của Người hãy tỉnh thức, nhất là đừng quyến luyến một sự gì, như Người đã cảnh báo trong Bài Phúc Âm Thứ Sáu Tuần XXXII: "Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ trường hợp vợ ông Lót. Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó". Gương bà góa bỏ tiền vào hòm tiền trong Đền Thờ mà chẳng hề lo đến việc bảo toàn mạng sống của bà không đáng là bài học Chúa muốn nhấn mạnh trong loạt bài giáo huấn cuối cùng của Người ở Giêrusalem hay sao?

Phải chăng bà góa được Chúa Giêsu khen tặng trước mặt các tong đồ của Người là một con người đã thuộc về số thành phần 144 ngàn, con số vuông tròn tiêu biểu cho dân Do Thái Cựu Ước xuất phát từ 12 chi tộc Israel cùng với dân Tân Ước thuộc về Giáo Hội được xây trên nền tảng 12 tông đồ, được Thánh Gioan thị kiến thấy trong Sách Khải Huyền ở Bài Đọc 1 hôm nay, thành phần tin theo Chúa Kitô: “Hễ Con Chiên đi đâu, thì họ theo đó”.

Bởi vì, như Sách Khải Huyền ở Bài Đọc 2 hôm nay còn cho biết thêm: “Họ là những người được mua chuộc giữa nhân loại, làm của đầu mùa dâng lên Thiên Chúa và cho Con Chiên”, mà Bài Đáp Ca hôm nay mới chất chứa và vang lên những tâm tình của họ như sau:

1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn.

2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa.

3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Đấng cứu độ ban ân thưởng. Đó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. 
TN.XXXIVL-2.mp3


Ngày 22 tháng 11, Thánh Xê-xi-li-a, trinh nữ, tử đạo

Lễ nhớ bắt buộc

Tiểu sử


Cuối thế kỷ V, câu chuyện về cuộc thương khó của các chứng nhân tử đạo Xê-xi-li-a, Va-lê-ri-a-nô và Ti-buốc đã ca ngợi đức đồng trinh của Ki-tô giáo, khiến cho tên tuổi của một thiếu nữ người Rô-ma tên là Xê-xi-li-a trở thành lừng lẫy. Chị đã chịu tử đạo và được mai táng ở nghĩa trang Ca-lít-tô. Một thánh đường đã được xây dựng để kính thánh nữ và một đoản văn trong câu chuyện trên đã khiến cho các nhạc sĩ chọn chị làm bổn mạng.

Bài đọc 2
Hãy hát cho hay bằng tiếng reo vui để mừng Chúa

Trích bài diễn giải thánh vịnh của thánh Âu-tinh, giám mục.

Hãy tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm ; kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt. Nào dâng Chúa một bài ca mới. Hãy cởi bỏ cái cũ kỹ ; anh em đã biết bài ca mới. Con người mới, giao ước mới, bài ca mới. Bài ca mới không thích hợp với những con người cũ. Bài ca đó, chỉ những con người mới mới học được, vì nhờ ân sủng họ đã được đổi mới từ tình trạng cũ kỹ và từ nay thuộc về giao ước mới, tức là Nước Trời. Tất cả tình yêu của chúng ta tha thiết hướng về Nước ấy và hát bài ca mới ; hãy hát bài ca mới, không phải bằng môi miệng nhưng bằng đời sống.

Hãy dâng Chúa một bài ca mới, hãy hát cho hay để mừng Người. Mỗi người tự hỏi phải hát mừng Thiên Chúa thế nào. Hãy hát mừng Người, nhưng đừng hát sai. Người không muốn bị chói tai. Hãy hát cho hay, hỡi anh em. Trước mặt một người sành âm nhạc, nếu người ta bảo bạn : “Hãy hát cho ông ấy thưởng thức”, mà bạn không được huấn luyện về âm nhạc, thì bạn sợ không dám hát kẻo làm mất lòng người nghệ sĩ. Thật thế, những lỗi người không thạo nhạc chẳng nhận ra, thì người nghệ sĩ sẽ thấy rõ. Vậy ai dám cho mình là hát hay để hát mừng Thiên Chúa, Đấng đánh giá người hát, Đấng xem xét mọi sự, Đấng nghe thấy tất cả ? Bao giờ bạn mới có thể hát cách điêu luyện đến mức không làm chói đôi tai thành thạo ấy chút nào ?

Đây chính Người chỉ cho bạn cách hát : đừng tìm lời, như thể bạn có khả năng diễn tả bằng lời điều làm cho Thiên Chúa ưa thích. Hãy hát mừng Người bằng tiếng reo vui. Hát bằng tiếng reo vui, đó là hát cho hay để dâng Chúa. Hát bằng tiếng reo vui là gì ? Phải hiểu rằng tiếng hát của tâm hồn không thể diễn tả bằng lời. Cũng như những người hát trong khi gặt lúa hoặc hái nho hay khi làm một công việc gì phấn khởi : thoạt đầu họ vui mừng hân hoan nhờ những lời của bài ca, sau đó họ như đầy tràn một niềm vui lớn lao đến nỗi không thể diễn tả bằng lời, nên họ không dùng lời nữa mà chuyển sang tiếng reo vui.

Reo vui là một tiếng phát ra để diễn tả rằng : tâm hồn đang trào dâng một điều gì đó không thể nói lên được. Tiếng reo vui ấy thích hợp với ai hơn là với Thiên Chúa, Đấng không gì diễn tả được ? Đấng không gì diễn tả được là Đấng bạn không thể nói lên được bằng lời. Nếu bạn không thể nói lên bằng lời, mà cũng không được phép thinh lặng, thì bạn còn cách nào hơn là reo vui ? Tâm hồn cứ hân hoan mà không cần lời để niềm vui vô biên không bị ngôn từ giới hạn. Hãy hát cho hay bằng tiếng reo vui để mừng Chúa.

Xướng đápTv 70 (71),8.23 ; 9,3

X Miệng con chứa chan lời tán tụng Chúa, suốt ngày con chẳng ngớt tôn vinh.

Đ Theo nhịp đàn mừng Chúa, miệng con sẽ reo hò.

X Mừng Ngài, con hân hoan nhảy múa, đàn hát kính danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao.

Đ Theo nhịp đàn mừng Chúa, miệng con sẽ reo hò.

Lời nguyện
Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính thánh Xê-xi-li-a, chúng con đến dâng lời khẩn nguyện : Vì lời thánh nữ chuyển cầu, xin cho chúng con được xứng đáng hát mừng danh thánh Chúa. Chúng con cầu xin...

ThanhCecilia.mp3

https://youtu.be/Jg2PUoJ2rZg