Khi nói về những nơi chúng ta đến rồi đi người ta dùng rất nhiều tên gọi khác nhau như: ở trọ, ở đậu, ở tạm . . . Và dường như trong cuộc đời dương thế này thì chẳng có nơi nào là định cư vĩnh viễn. Tất cả đều là tạm bợ như bài thơ “Ở Trọ” của Trịnh Công Sơn đã diễn tả:
“Con chim ở đậu cành tre,
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn“.
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn“.
Hình ảnh con chim đong đưa trên cành tre, con cá lững lờ trong dòng nước như những bức tranh tuyệt đẹp, nhưng cũng rất vô thường, mong manh. Vạn vật đều đi vào vòng tử sinh như kiếp người đến rồi đi nơi quán trọ trần gian:
“Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”.
Và ngay cả cái đẹp của mây và nắng cũng rất mong manh, vì nó cũng mau tan biến.
“Mây kia ở đậu từng không,
Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người“.
“Mây kia” và “nắng ấy” cũng chỉ trong chớp mắt rồi cũng tan biến. Điều quan yếu là vạn vật tuy vô thường nhưng vẫn tác động vào nhau. Cành cây chuyển động theo gió, dòng nước luân lưu theo nguồn, và dẫu biết rằng dòng đời hợp rồi tan nhưng ai cũng mong được ở gần người mình thương, để ở trọ nhau trong đôi mắt, trong trái tim, trên đôi chân . . .
“Xin cho về trọ gần nhau.
Mai kia dù có ra sao cũng đành“.
Mai kia dù có ra sao cũng đành“.
Trọ gần nhau đề hiểu nhau, thương nhau và san sẻ cho nhau chút tình đồng loại. Còn “Mai kia dù có ra sao cũng đành” dường là một bế tắc của kiếp người. Vì con người dường như mù tịt với “mai kia” khi rời quán trọ trần gian rồi sẽ đi đâu hay về đâu?
Chết rồi sẽ đi đâu trong cõi hồng trần này? Chẳng một triết gia nào tìm được câu trả lời thỏa đáng. Nhưng có một Đấng đã tự mình chết rồi sống lại. Sự phục sinh của Ngài đã trả lời cho mọi vấn nạn về kiếp sống con người. Như Thánh Phaolô quả quyết: "Nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta là điều vô ích, chúng ta là những người khờ dại nhất vì chúng ta tin tưởng vào một điều hão huyền".
Như vậy sự phục sinh của Đức Ky-tô là câu trả lời đầy đủ cho vấn nạn sống để làm gì? Và chết rồi đi đâu? Thánh Gioan còn cho biết thêm: “Rồi tôi thấy trời mới, đất mới. Tôi cũng thấy thành thánh là Giê-ru-sa-lem mới từ thiên đàng của Thiên Chúa mà xuống, sửa soạn sẵn như một người vợ mới cưới trang sức cho chồng mình. Ngài sẽ lau khô nước mắt của nhân sinh; sẽ không còn chết chóc, buồn thảm, khóc lóc hay đau đớn nữa vì những việc cũ đã qua rồi”.
Đó là hình ảnh của thiên đàng, nơi Chúa sẽ thiết đãi muôn dân một bữa tiệc trường sinh. Như thế cuộc sống trên trần thế nầy là cuộc sống tạm, cuộc sống trên thiên đàng mới là cuộc sống vĩnh viễn. Cuộc sống ấy không còn đau khổ vì chính Thiên Chúa sẽ lau khổ dòng nước mắt. Chính Thiên Chúa sẽ ban bình an, hoan lạc cho con cái của Người.
Cuộc sống này sẽ qua đi. Nhưng cuộc sống này lại là hạt giống, là căn nguyên để hình thành sự sống mai hậu. Điều này có nghĩa là sự sống của chúng ta có vĩnh cửu ở đời sau hay không còn tùy thuộc chúng ta đã sống một cuộc đời hôm nay như thế nào? Chúng ta có là hạt lúa chịu mục nát thì mới sinh ra cây lúa ở đời sau. Chúng ta có sự sống trong Chúa hôm nay thì mai sau chúng ta mới sống lại trong vinh quang với Chúa muôn đời.
Xin Chúa giúp chúng ta biết chọn Chúa trong cuộc đời này là cùng đích để mai sau sẽ cũng được sống lại với Người trong vương quốc trường sinh. Amen.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền