LỄ và CÁC BÀI ĐỌC
Ca nhập lễ
Đây hai vị Tông Đồ đều anh dũng
dâng máu đào xây Giáo Hội ngàn thu.
Chén đắng Thầy trao, uống cạn chẳng từ :
Chúa ưu đãi, nâng lên hàng tâm phúc.
Bài đọc 1 : Cv 12,1-11
Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hê-rô-đê.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
1 Thời ấy, vua Hê-rô-đê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. 2 Nhà vua đã cho chém đầu ông Gia-cô-bê là anh ông Gio-an. 3 Thấy việc đó làm vừa lòng người Do-thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phê-rô nữa. Bấy giờ đang là tuần lễ Bánh Không Men. 4 Bắt được rồi, nhà vua truyền tống ngục và giao cho bốn tốp lính canh gác, mỗi tốp gồm bốn người, định sau lễ Vượt Qua sẽ điệu ông ra cho dân chúng. 5 Đang khi ông Phê-rô bị giam giữ như thế, thì Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông.
6 Trong đêm trước ngày bị vua Hê-rô-đê đem ra xử, ông Phê-rô ngủ giữa hai người lính, và bị khoá vào hai cái xiềng. Trước cửa ngục lại có lính canh. 7 Bỗng thiên sứ của Chúa đứng bên cạnh ông, và ánh sáng chói rực cả phòng giam. Thiên sứ đập vào cạnh sườn ông Phê-rô, đánh thức ông và bảo : “Đứng dậy mau đi !” Xiềng xích liền tuột khỏi tay ông. 8 Thiên sứ nói tiếp : “Thắt lưng lại và xỏ dép vào !” Ông làm như vậy. Rồi thiên sứ lại bảo ông : “Khoác áo choàng vào và đi theo tôi !” 9 Ông liền theo ra, mà không biết việc thiên sứ làm đó có thật hay không, cứ tưởng là mình thấy một thị kiến. 10 Qua vọng canh thứ nhất, rồi vọng canh thứ hai, thiên sứ và ông tới trước cửa sắt thông ra phố. Cửa tự động mở ra trước mặt hai người. Ra đến ngoài, đi hết một đường phố, thì bỗng nhiên thiên sứ bỏ ông mà đi. 11 Lúc ấy ông Phê-rô mới hoàn hồn và nói : “Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hê-rô-đê, và khỏi mọi điều dân Do-thái mong muốn tôi phải chịu.”
Đáp ca : Tv 33,2-3.4-5.6-7.8-9 (Đ. x. c.5)
Đ. Chúa đã giải thoát tôi khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
2Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.
3Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
Đ. Chúa đã giải thoát tôi khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
4Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa,
ta đồng thanh tán tụng danh Người.
5Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại,
giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
Đ. Chúa đã giải thoát tôi khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
6Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở,
không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi.
7Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời,
cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn.
Đ. Chúa đã giải thoát tôi khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
8Sứ thần của Chúa đóng trại chung quanh
để giải thoát những ai kính sợ Người.
9Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy :
hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người !
Đ. Chúa đã giải thoát tôi khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
Bài đọc 2 : 2 Tm 4,6-8.16b.17-18
Tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính.
Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê.
6 Anh thân mến, phần tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. 7 Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. 8 Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính ; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.
16b Mọi người đã bỏ mặc tôi. 17 Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. 18 Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. A-men.
Tung hô Tin Mừng : Mt 16,18
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Mt 16,13-19
Anh là Phê-rô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
13 Khi ấy, Đức Giê-su đến miền Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng : “Người ta nói Con Người là ai ?” 14 Các ông thưa : “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, người khác lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” 15 Đức Giê-su lại hỏi : “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ?” 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa : “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17 Đức Giê-su nói với ông : “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời : dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy ; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”
Ca hiệp lễ : Mt 16,16.18
Ông Phê-rô thưa với Chúa Giê-su : “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Chúa Giê-su trả lời : “Anh là Phê-rô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy.”
SUY NIỆM-SỨC MẠNH CỦA SỰ YẾU ĐUỐI
Con người luôn bị bao vây bởi những yếu đuối về thể xác cũng như tinh thần: bệnh tật, thất bại, chết chóc, tội lỗi… Dù thế, lịch sử Giáo Hội không ngừng chứng minh sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động nơi những con người yếu đuối.
Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã hỏi các môn đệ: “Anh em nói Thầy là ai?”. Và Phêrô, một người đánh cá nhà quê ít học, đưa ra được câu trả lời xác đáng nhất: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Mặc dù biết rằng người môn đệ của mình chỉ là một con người tầm thường, còn nhiều yếu đuối, nhưng nhờ lời tuyên xưng mạnh mẽ đó, Đức Giêsu đã tín nhiệm trao cho Phêrô sứ mạng lãnh đạo Giáo Hội của Người.
Một Phêrô đã từng chối Chúa đến ba lần trong cùng một đêm, một Phaolô đã từng hăng say lùng bắt các môn đệ của Chúa, nhưng tình yêu của Chúa đã vượt lên trên tất cả mọi lỗi lầm đó và biến đổi các ngài trở nên những trụ cột của Giáo Hội.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, những khi chúng con yếu đuối mà sa ngã vào tội lỗi, xin cũng giúp chúng con cũng mau mắn ăn năn và trỗi dậy như thánh Phêrô để trở nên những môn đệ nhiệt thành của Chúa. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Thánh Phêrô và thánh Phaolô
Thánh Phêrô
Thánh Phêrô là một người đánh cá miền Galilêa. Đức Chúa Giêsu đã mời gọi Phêrô bước theo Người. Chúa nói: “Ta sẽ làm cho ngươi trở thành một ngư phủ lưới người!” Thánh Phêrô là người khiêm tốn, đơn sơ và chăm chỉ làm việc. Thánh nhân có tâm hồn quảng đại, tốt bụng và rất yêu mến Đức Chúa Giêsu. Tên của vị tông đồ này là Simon nhưng Đức Chúa Giêsu đổi thành Phêrô, nghĩa là “đá.” “Ngươi là đá,” Đức Chúa Giêsu nói, “và trên đá này Ta sẽ xây Hội Thánh của Ta!” Thánh Phêrô là thủ lãnh các tông đồ và là giám mục đầu tiên của Rôma.
Khi Đức Chúa Giêsu bị bắt, thánh Phêrô rất hoảng sợ. Lúc đó, thánh nhân đã phạm tội chối Chúa ba lần. Nhưng Phêrô đã ăn năn sám hối cách trọn. Suốt phần đời còn lại, Phêrô đã than khóc vì tội lỗi ấy. Đức Chúa Giêsu đã tha thứ cho Phêrô. Sau khi sống lại, Chúa hỏi Phêrô ba lần: “Con có yêu mến Ta không?” “Lạy Chúa,” Phêrô đáp lại, “Chúa biết mọi sự. Chúa biết con mến Chúa!” Chúa Giêsu biết rõ tâm hồn Phêrô; và bằng giọng nói dịu dàng, Chúa bảo Phêrô: “Hãy chăn dắt các chiên của Ta! Hãy chăn giữ các chiên mẹ của Ta!” Người nói Phêrô hãy chăm sóc canh giữ Giáo hội của Người vì Người sắp về trời. Đức Chúa Giêsu đã đặt thánh Phêrô làm thủ lãnh các môn đệ của Chúa.
Cuối cùng, thánh Phêrô đến sống ở Rôma là trung tâm của đế quốc La Mã. Tại đó, thánh nhân đã làm cho nhiều người ngoại giáo trở lại. Khi cuộc bách hại các Kitô hữu xảy ra, họ đã nài xin Phêrô rời bỏ Rôma để thoát thân. Người ta nói rằng thánh Phêrô đã thực sự ra đi; nhưng trên đường ngài đã gặp Đức Chúa Giêsu. Phêrô hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu vậy?” Đức Chúa Giêsu trả lời: “Ta đến để chịu đóng đinh thêm một lần nữa!” Sau đó, Phêrô quay trở lại. Ngài nhận ra rằng thị kiến này có ý cho biết ngài sẽ phải chịu đau khổ và chịu chết vì Đức Chúa Giêsu. Rồi ít lâu sau, Phêrô đã bị bắt giam và bị kết án tử hình. Bởi vì không phải là công dân Rôma, nên như Đức Chúa Giêsu, Phêrô có thể bị đóng đinh. Lần này, ngài đã không chối Chúa. Lần này, Phêrô đã sẵn sàng chết cho Đức Chúa Giêsu. Thánh Phêrô xin được chịu đóng đinh ngược với cái đầu trút xuống đất, vì Phêrô cảm thấy mình chẳng xứng đáng được chịu đau khổ như Đức Chúa Giêsu. Quân lính Rôma cho đây là chuyện bình thường bởi vì các người nô lệ cũng bị đóng đinh với cùng một thể thức ấy.
Thánh Phêrô chịu tử đạo trên đồi Vatican khoảng năm 67. Vào cuối thế kỷ thứ tư, hoàng đế Constantinô đã xây cất một ngôi thánh đường lớn trên nơi thánh ấy. Các tài liệu khảo cổ xác nhận những sự kiện này.
Ngày nay, đức giám mục Rôma là vị kế nghiệp thánh Phêrô. Chúng ta gọi ngài là đức giáo hoàng, nghĩa là Cha.
Chúng ta hãy học hỏi nơi thánh Phêrô điều này là: khi đặt Đức Chúa Giêsu làm trung tâm của linh hồn và cuộc sống mình, thì mọi chuyện khác sẽ được giải quyết cách dễ dàng êm đẹp.
Thánh Phaolô
Thánh Phaolô, vị tông đồ vĩ đại, là người đã từng bắt bớ các Kitô hữu tiên khởi. Sau đó Phaolô được ơn trở lại. Chúng ta đã mừng lễ kính thánh Phaolô trở lại hôm 25 tháng Giêng. Lúc thánh nhân trở lại, Đức Chúa Giêsu nói: “Ta sẽ tỏ cho con biết con sẽ phải chịu nhiều đau khổ vì Ta!” Thánh Phaolô yêu mến Đức Chúa Giêsu rất nhiều, nhiều đến nỗi ngài đã trở nên bản sao sống động của Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Cả cuộc đời, đặc biệt trong suốt những chuyến đi truyền giáo, thánh Phaolô đã gặp đủ loại khó khăn và nguy hiểm. Thánh nhân bị đánh đòn, ném đá, đắm tàu, bị trôi dạt lênh đênh trên biển cả. Rất nhiều lần thánh Phaolô phải chịu đói, chịu khát và chịu rét.
Nhưng thánh Phaolô luôn luôn tín thác vào Thiên Chúa. Thánh nhân không bao giờ thôi việc rao giảng Tin mừng. Ngài nói: “Chính Tình Yêu Đức Chúa Giêsu đã thúc bách tôi!” Để ân thưởng Phaolô, Đức Chúa Giêsu đã ban cho ngài cảm nghiệm thấy niềm vui và an ủi đặc biệt trong những nỗi đau khổ ngài chịu.
Chúng ta đọc thấy những cuộc phiêu lưu mạo hiểm đầy kinh ngạc của thánh Phaolô vì danh Chúa Giêsu trong sách Tông đồ Công vụ của thánh ký Luca, khởi đầu từ chương thứ chín. Nhưng truyện kể của thánh ký Luca kết thúc khi Phaolô đến Rôma. Ngài bị bắt giam, chờ hoàng đế Nêrô xét xử. Một văn gia danh tiếng thuộc Kitô giáo tiên khởi là Téctulianô nói với chúng ta rằng Phaolô được trả tự do sau lần xét xử đầu tiên. Nhưng sau đó ngài lại bị tống ngục. Lần này thánh nhân bị kết án tử hình. Thánh Phaolô qua đời khoảng năm 67, trong thời kỳ Nêrô khủng bố các Kitô hữu.
Thánh Phaolô tự nhận mình là tông đồ của các dân ngoại. Thánh nhân rao giảng Tin mừng cho những người ngoài Dothái. Việc này đã làm cho thánh Phaolô được biết đến trên khắp thế giới. Cũng nhờ Phaolô mà chúng ta được nhận lãnh đức tin Công giáo.
Đôi khi chúng ta nhận thấy đức tin của mình thật yếu ớt. Chính lúc ấy chúng ta hãy cầu xin với thánh Phaolô. Ngài sẽ giúp chúng ta tin nhận và yêu mến Đức Chúa Giêsu như ngài.
http://www.paolinevn.